ttth247.com

Bác sĩ dễ tìm thuốc hiếm cứu người bệnh nhờ công cụ mới

Sở Y tế TP HCM ra mắt ứng dụng tra cứu nhanh thuốc cấp cứu, giúp bác sĩ trực dễ dàng phát hiện bệnh viện nào có thuốc để liên hệ nhờ điều phối cứu chữa bệnh nhân.

Ngày 4/9, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết hệ thống với thông tin liên kết giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn giúp theo dõi, cập nhật và điều phối nhiều loại thuốc cấp cứu. Điều này hỗ trợ các bệnh viện tiếp cận nhanh thuốc cần thiết khi đối mặt các ca bệnh nguy cấp.

Dựa trên thông tin về tình trạng sẵn có của thuốc, bác sĩ có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, đồng thời phối hợp các bệnh viện khác trong trường hợp cần chuyển viện hoặc chia sẻ thuốc. Các bệnh viện cũng được theo dõi, cảnh báo tình hình tồn kho thuốc cấp cứu để có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Ảnh chụp màn hình

Ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Ảnh chụp màn hình

Ứng dụng này ra đời trong bối cảnh những loại thuốc hiếm, thuốc cấp cứu thường có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên, một số thuốc chi phí rất cao. Những năm gần đây, một số thuốc cấp cứu trở nên khan hiếm, khiến một bệnh viện đảm bảo phải có đủ tất cả loại thuốc cấp cứu là điều rất khó khăn. Có những năm, bệnh viện dự trù, mua nhiều loại thuốc hiếm, thuốc chống dịch nhưng năm đó số ca không nhiều, không dùng đến nên phải hủy thuốc, trong khi không mua thì lại thiếu thuốc.

"Việc đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời và đầy đủ, đặc biệt là những loại thuốc cấp cứu đặc trị theo từng chuyên khoa là một yêu cầu mang tính sống còn cho hoạt động cấp cứu hàng ngày của từng bệnh viện", ông Thượng nói, thêm rằng ứng dụng tra cứu, điều phối nhanh thuốc cấp cứu, giám sát dữ liệu thuốc là một giải pháp thiết thực cho những thách thức trên.

Thời gian qua, một số bệnh nhân được điều trị kịp thời nhờ chia sẻ thuốc cấp cứu, thuốc giải độc giữa các cơ sở y tế. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ 8 ống Blue Methylene kịp thời cứu công nhân ngộ độc MetHemoglobin nặng. Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thuốc giải độc giúp Nhi đồng 2 cứu trẻ ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum.

Sau khi cập nhật dữ liệu tồn kho thuốc cấp cứu của các bệnh viện thành phố, Sở sẽ mở rộng sự tham gia chia sẻ của các bệnh viện thuộc bộ ngành, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cấp cứu.

Thuốc tại kho dược Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Quỳnh Trần

Thuốc tại kho dược Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Quỳnh Trần

Làm việc về phòng chống dịch với Bộ Y tế và UBND TP HCM tuần trước, ông Thượng kiến nghị Bộ sớm lập trung tâm lưu trữ quốc gia về thuốc hiếm, giúp các bệnh viện đảm bảo thuốc điều trị. Trong đó, thuốc hiếm gồm thuốc trị bệnh hiếm gặp (rất ít dùng) và thuốc trị bệnh thường gặp (nhưng lại ít khi có thuốc).

Trong khi chờ Bộ Y tế triển khai mô hình các kho dự trữ thuốc quý hiếm, cấp cứu, Sở Y tế sẽ đề xuất UBND cho phép xây dựng và triển khai một số cơ số dự phòng cho các loại thuốc cấp cứu thuộc danh mục thuốc hiếm. Điều này giúp đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời với các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên địa bàn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Theo các bác sĩ, hàng năm, khi bước vào mùa mưa, mùa sinh sôi phát triển của nhiều loài rắn độc, cũng là thời điểm số lượng người phải nhập viện do rắn cắn gia tăng.
3 tuần trước - Hà Nội- Bà Phúc, 66 tuổi, mắc bệnh thấp tim lâu năm dẫn tới hẹp van hai lá, suy tim, được phẫu thuật thay van hai lá sinh học.
1 tháng trước - Bệnh nhân nam 25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội, sốt 5 ngày nhập viện xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue, trong quá trình điều trị bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
1 tháng trước - Nhịp tim lên đến 207 lần/phút, người phụ nữ tại Chương Xá (Cẩm Khê, Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực.
1 tháng trước - TP HCM- Khám cho người đàn ông có khối u dưới hàm to như "cái đầu thứ hai", bác sĩ Tú Dung từ chối mổ nhưng trăn trở không yên, hai ngày sau gọi bệnh nhân quay lại.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.