ttth247.com

Bến Tre sẽ lấn biển 50.000ha ở Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri

Hướng đi này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội cho tỉnh.

Đây cũng là địa phương đầu tiên công bố việc lấn biển sau khi các quy định về hoạt động lấn biển được thể hiện tại điều 190 Luật Đất đai 2024. Ngày 16-4-2024, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 42, hướng dẫn chi tiết quy định của điều 190.

"50.000ha lấn biển - mở rộng biên cương lãnh thổ"

Tại buổi họp báo về hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024, ông Nguyễn Trúc Sơn, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, nêu rõ thực trạng "đất chật người đông" của tỉnh Bến Tre.

"Với dân số thực tế khoảng 1,6 triệu người và không ngừng tăng lên trong khi diện tích tự nhiên không đổi với khoảng 2.360km2, chúng tôi không còn cách nào khác nữa là phải mở rộng biên cương lãnh thổ. Nói nôm na là như thế, vì khu lấn biển là vùng để phát triển kinh tế. Trên đó sẽ có những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư...", ông Sơn nói.

Nói rõ hơn về ý tưởng này, ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết thêm tỉnh Bến Tre có 65km đường bờ biển vốn từ lâu chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh này.

Trong 50.000ha diện tích lấn biển, khu vực lấn biển tại huyện Bình Đại lớn nhất với khoảng 21.000ha, huyện Thạnh Phú khoảng 15.000ha và huyện Ba Tri khoảng 14.000ha để phát triển đô thị biển, các khu, cụm công nghiệp.

"Theo quy hoạch, Bến Tre có cảng biển loại 2, đây cũng là định hướng chúng tôi muốn phát triển tới đây, qua đó sẽ phát triển các dịch vụ logistics, du lịch, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ.

Ngoài lý do phát triển hướng đông để tạo thêm không gian phát triển kinh tế, ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết thêm thời gian qua ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tỉnh Bến Tre rất ác liệt, do đó lấn biển cũng nhằm để giữ đất, chống chọi với biến đổi khí hậu, đây là tầm nhìn mang tính lâu dài của tỉnh.

Còn nhiều vấn đề phải bàn

Chưa khi nào, việc công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre có ý tưởng lấn biển được người dân quan tâm như thời điểm này. Trong khi hầu hết người dân địa phương tin tưởng vào định hướng phát triển này thì cũng có nhiều mối lo ngại về nguồn lực, nguồn cát...

Để thực hiện được mục tiêu quy hoạch đề ra, riêng trong giai đoạn từ 2021 - 2025, Bến Tre cần 190.000 tỉ đồng, giai đoạn tiếp theo từ 2026 - 2030 cần tới 310.000 tỉ đồng để đầu tư các công trình dự án trọng điểm, đưa Bến Tre phát triển theo các nghị quyết của trung ương, khu vực ĐBSCL và các nghị quyết của tỉnh.

Trong khi đó, thu ngân sách tỉnh Bến Tre chín tháng đầu năm 2024 chỉ khoảng 4.800 tỉ đồng. Lo thì có lo nhưng theo tính toán, nguồn vốn có thể huy động từ nhiều nguồn.

Còn nguồn vật liệu bồi đắp thì sao? Trong những năm gần đây, việc tìm kiếm nguồn cát lấp cho các công trình giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL đã trở thành vấn đề lớn, khó giải quyết. Do đó, khi thực hiện khu lấn biển hàng chục ngàn hecta, vấn đề tìm kiếm nguồn cát lấp cũng cần được tính toán và cân nhắc.

Trên thực tế, tại ĐBSCL đã có những khu lấn biển được thực hiện thành công ở Kiên Giang nhưng hầu hết các khu lấn biển này sử dụng các vật liệu san lấp như cát đen, cát pha đất được vận chuyển từ nơi khác đến.

Trở lại Bến Tre, ông Dương Văn Phúc, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho hay hiện tỉnh đang mời các chuyên gia, nhà khoa học tính toán trong 50.000ha lấn biển thì sẽ làm trước bao nhiêu, thực hiện đồng bộ trên cả ba huyện hay làm riêng một huyện, giải pháp kỹ thuật thế nào, vướng mắc cơ chế những gì và cần kiến nghị điều gì, nhà đầu tư trên khu lấn biển sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì ngoài những chính sách ưu đãi hiện hành?...

"Còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn trong thời gian tới", ông Phúc chia sẻ.

Học hỏi và làm tốt sẽ không có phản đối

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, chia sẻ lấn biển là hướng đi mới, không chỉ của Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia trên thế giới vì đất đai có hạn trong khi dân số ngày một tăng, nhiều vùng còn có nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng.

Lấn biển còn kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, giúp bộ mặt đô thị ven biển phát triển hiện đại, ấn tượng.

Để thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động lấn biển, Nhà nước cần tạo cơ chế ưu đãi về vốn vay, khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước về thủ tục pháp lý... bởi đầu tư một khu kinh tế ven biển tốn kém rất nhiều thời gian cũng như tiền của.

Để hoạt động kinh tế biển sôi động, tầm cỡ, kết nối các khu vực kinh tế, nên nghiên cứu sâu những dự án đã triển khai thành công. Ngoài ra, có thể học kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức..., những quốc gia đã ra nhiều khu kinh tế, đô thị biển tiêu biểu, trở thành biểu tượng.

Bên cạnh đó tạo cơ chế về nguồn vốn, tập trung nghiên cứu vật liệu mới phục vụ cho san lấp để giảm thiểu tối đa gây tác hại đến môi trường. "Tại sao trong những năm qua cứ nói đến lấn biển thì người dân luôn phản đối? Vì doanh nghiệp làm chưa bài bản, gây ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, sinh thái.

Nếu hoạt động lấn biển mà giúp khu vực đó đẹp hơn, khang trang hơn thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình ngay. Bên cạnh đó khâu quản lý, giám sát hệ thống xử lý nước thải cũng rất đáng lưu tâm vì ven biển mà xảy ra tình trạng xả thải trộm thì sẽ rất nguy hại cho đại dương", ông Doanh nói.

Quan trọng nhất: tầm nhìn chung

Trong khi đó, TS Đào Ngọc Nghiêm, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2030, kinh tế biển đang được đặc biệt quan tâm. Nhưng từ thực tế cho thấy cũng đặt ra vấn đề phải có quy hoạch chung, tầm nhìn lâu dài.

Hoạt động lấn biển không nên triển khai độc lập mà cần phải liên kết ven biển để tạo thành các khu kinh tế, tạo động lực phát triển cho địa phương, cả nước.

Hiện khung pháp lý đã rõ ràng, tuy nhiên lấn biển là hoạt động phức hợp, tích hợp nhiều yếu tố nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai từng dự án cụ thể. Quy hoạch đã có thì cần phải cụ thể hóa hơn và tính đến biến đổi khí hậu để khi phát triển các dự án khai thác có hiệu quả.

Hoạt động lấn biển phải phù hợp với quy hoạch của địa phương cũng như tuân thủ quy hoạch quốc gia. Trong kinh tế biển có du lịch, vận tải biển, nuôi trồng thủy sản... Làm sao để chúng ta liên kết được các loại hình kinh tế thì cần phải quy hoạch bài bản, có tầm nhìn.

Không nên cấp phép lấn biển để làm các dự án nhỏ lẻ, manh mún. Cần có một quy hoạch bài bản để xác định trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển khu vực nào được lấn và quy mô từng khu vực được lấn ra sao.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 giờ trước - Điểm khác biệt và đáng chú ý nhất trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là định hướng phát triển về hướng đông, cụ thể là phát triển 50.000ha về hướng biển, lấn biển để tạo đà phát triển.
2 ngày trước - Ba huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú cùng vùng biển dài 65 km được quy hoạch là khu lấn biển rộng 50.000 ha, giúp tỉnh Bến Tre phát triển kinh tế.
2 tuần trước - Nước sông Hồng dâng nhanh, tràn vào khu dân cư ven sông ở quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm; chính quyền hạn chế xe tải qua cầu Chương Dương, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên.
1 tháng trước - Ông Võ Minh Chiếu (Kiên Giang) bán tín bán nghi khi lần đầu được mời thí điểm lúa phát thải thấp, không ngờ là khởi đầu cho cuộc đổi mới cây lúa miền Tây 12 năm sau đó.
2 tuần trước - Tuyên Quang- Lúc đê sông Lô rò rỉ nước, anh Nguyễn Văn Tạo dùng lưới quây ao cá rộng 2.000 m2, chuyển đàn gà và lợn lên cao, nhưng rồi vẫn mất trắng.
Xem tin bài khác
10 phút trước - Sau gần 40 năm hoạt động, cầu treo Sông Giăng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi có xe nặng đi qua, cây cầu oằn mình gánh tải khiến người đi qua luôn nơm nớp lo sợ.
10 phút trước - Phần mộ của bà Đặng Bích Hà nằm bên trái phần mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu tựa vào dãy núi, hướng ra biển Đông rộng lớn, thể hiện sự gắn kết, thủy chung giữa bà và vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc.
25 phút trước - Mưa như trút nước từ đêm qua đến sáng nay đã gây sạt lở, lũ quét nghiêm trọng tại huyện Bắc Quang, Hà Giang, vùi lấp nhiều nhà cửa và phương tiện.
28 phút trước - Bà Nguyễn Phương Hằng thông báo miễn phí vé vào khu du lịch Đại Nam một số ngày chủ nhật khiến nhiều người dân rủ nhau vào thăm khu du lịch, cảnh sát giao thông Bình Dương có mặt điều tiết giao thông.
28 phút trước - Sáng 29-9, lễ an táng bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã được tổ chức tại Vũng Chùa - Đảo Yến.