ttth247.com

Bệnh viện phải khám ban đêm, lối ra nào giảm quá tải?

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương thường xuyên diễn ra. Các bệnh viện cũng tổ chức hàng loạt biện pháp để giảm tải.

Đón xe đêm, đến viện từ sớm

Có mặt tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) từ 5h sáng, bà Hoa (60 tuổi, trú tỉnh Tuyên Quang) cùng con trai lấy số xếp hàng chờ đến lượt khám.

"Tôi được bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán theo dõi mắc ung thư phổi nên muốn lên Bệnh viện K để kiểm tra lại, dù sao bệnh viện tuyến cuối cũng chuẩn xác hơn. Bởi vậy nên hai mẹ con đã đi xe đêm để sáng nay có mặt tại viện sớm, khám sớm để được về sớm", bà Hoa nói.

Đến trưa, hai mẹ con bà Hoa vội ra cổng bệnh viện mua tạm suất cơm trưa, tranh thủ chợp mắt sau khi di chuyển cả đêm.

Bà nói đến chiều phải làm thêm một số xét nghiệm rồi mới trở về phòng khám ban đầu để đọc kết quả. Hy vọng sẽ thực hiện hết trong ngày để kịp chuyến xe đêm về lại Tuyên Quang, nếu không sẽ phải ngủ lại nhà trọ một đêm.

Sau khi nằm 8 tiếng trên xe từ Hà Tĩnh đến Hà Nội, ông Hiên (65 tuổi) cũng có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ 4h sáng 30-7. Ông tranh thủ chợp mắt trên hàng ghế để chờ đến 5h lấy phiếu khám sớm. Ông Hiên bị hẹp van tim, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai thăm khám và điều trị.

Trong khuôn viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), buổi sáng luôn là giờ cao điểm, người dân từ nhiều tỉnh thành đổ dồn về bệnh viện tuyến cuối. Đoạn phố Tràng Thi trước cổng bệnh viện luôn trong tình trạng đông đúc.

Cầm chiếc nạng di chuyển khó khăn từ cổng bệnh viện vào khoa khám bệnh, anh Thắng (35 tuổi, Nam Định) chia sẻ mình bị tai nạn lao động, hôm nay đến ngày tái khám.

Do di chuyển khó khăn nên từ đêm qua anh đã phải lên Hà Nội ở nhờ nhà người quen để sáng nay có mặt tại bệnh viện sớm. Dù vậy, 6h bệnh nhân đã xếp hàng chật kín các dãy để chờ thăm khám.

Không chỉ bệnh viện tuyến trung ương quá tải, nhiều bệnh viện tuyến quận tại Hà Nội cũng thường xuyên trong tình trạng phải kê thêm giường điều trị.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay dù bệnh viện có quy mô 650 giường nhưng thực kê tại đây luôn dao động ở mức 700 - 800 giường bệnh. Mỗi ngày bệnh viện tiếp đón 1.500 - 2.000 bệnh nhân thăm khám.

Vì sao bệnh viện phải khám đêm?

Là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư, dù hiện đã có ba cơ sở nhưng Bệnh viện K (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải, mỗi năm khám và điều trị hơn 400.000 người bệnh. Theo các bác sĩ, vấn đề quá tải ở tuyến cuối có phần do người dân không mặn mà với y tế cơ sở.

Thậm chí nhiều bệnh viện tỉnh dù có thể điều trị song tâm lý muốn chữa bệnh ở tuyến cuối cho an tâm nên dù xa xôi, tốn kém nhiều người vẫn đổ về.

Để giảm tải việc người dân chờ đợi lâu, Bệnh viện K khuyến khích người bệnh đặt lịch khám, hẹn giờ khám qua ứng dụng tư vấn, khám bệnh từ xa. Đồng thời bệnh viện cũng tăng số lượng bàn khám tại cơ sở Tân Triều, cải tạo và mở cửa trở lại cơ sở Quán Sứ, bổ sung người tiếp đón bệnh nhân thăm khám từ 5h sáng.

Trong khu vực xạ trị, cán bộ y tế cũng làm việc xuyên trưa, tăng ca từ 5h sáng đến 22h đêm. Với nhân lực và máy móc có hạn, các bệnh viện cố gắng thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người bệnh.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc bệnh viện, cho hay mỗi ngày tiếp nhận 8.000 - 10.000 người bệnh tới khám, những năm trước đây chỉ ở mức 4.000 - 6.000 người/ngày.

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, thế nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn trong tình trạng quá tải cả lượt khám chữa bệnh và bệnh nhân nội trú.

Ông Cơ nói bệnh nhân đến thăm khám có tới 80% là các tỉnh thành lân cận, vùng sâu vùng xa, còn lại 20% là người dân ở Hà Nội. Để tiếp tục giảm tải cho bệnh viện, từ 1-8 bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ, mở rộng khung giờ khám từ 17h - 21h từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.

"Việc chuyển qua khám thêm vào buổi chiều, ngoài giờ không chỉ giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian mà còn có cơ hội đặt lịch khám dễ dàng hơn cũng như nhiều lựa chọn trong khung giờ khám và chọn bác sĩ khám theo nhu cầu của cá nhân", ông Cơ nói.

Khắc phục triệt để quá tải bệnh viện

Mặc dù các bệnh viện đã có nhiều giải pháp trong việc giảm quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh, thế nhưng các chuyên gia cũng cho rằng đây chỉ là những giải pháp tình thế. Cần có những giải pháp khắc phục triệt để, lâu dài đối với hệ thống y tế hiện nay.

Trong báo cáo tổng kết công tác y tế và nhiệm vụ giải pháp năm 2024, Bộ Y tế cũng nhận định hiện nay tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trung ương và một số tỉnh thành chưa được khắc phục triệt để.

Nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp và mở rộng quy mô khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, một số nguyên nhân khách quan là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên do mô hình bệnh tật thay đổi, tác động của già hóa dân số khiến hệ thống y tế không đáp ứng kịp thời, gây quá tải bệnh viện.

Để hạn chế tình trạng chuyển tuyến, vượt tuyến, quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp.

Đến nay, cả nước có 23 bệnh viện hạt nhân (14 bệnh viện trực thuộc trung ương, 8 bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM, 1 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh thành, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh có thể "chia lửa" cho tuyến trên. Ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa.

Đầu 2024, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã đưa ra nhiều giải pháp củng cố y tế cơ sở, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới.

Trong đó, đáng chú ý quy hoạch đã đưa ra định hướng về phát triển y tế vùng theo 8 vùng kinh tế xã hội nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế.

Ngoài ra, các bệnh viện chuyên khoa tim mạch, ung bướu... cũng được đặt tại các vùng, giảm tải cho các bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM như hiện nay.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tuần trước - Nước sông Hồng dâng nhanh, tràn vào khu dân cư ven sông ở quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm; chính quyền hạn chế xe tải qua cầu Chương Dương, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên.
22 giờ trước - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc nông dân miền Tây buộc phải thay đổi khi năng suất, sản lượng của cây lúa dần chạm ngưỡng, dư địa phát triển đã không còn.
19 giờ trước - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc nông dân miền Tây buộc phải thay đổi khi năng suất, sản lượng của cây lúa dần chạm ngưỡng, dư địa phát triển đã không còn.
2 tuần trước - Trong hơn 40 năm sống và phát triển sự nghiệp ở Mỹ, tôi có cơ hội chu du khắp nước Mỹ bằng xe hơi. Có thể nói, tôi nhìn thấy được nét đẹp của nước Mỹ từ danh lam thắng cảnh, con người đến văn hóa vùng miền, nhưng nếu hỏi đến Việt Nam thì...
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.