ttth247.com

Bệnh viện TP HCM thiếu thuốc, vật tư cục bộ

Đại diện một số bệnh viện TP HCM cho biết xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ vì nhiều lý do, có thời điểm phải chuyển bệnh nhân đến nơi khác mổ.

Làm việc với Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chiều 8/8, TS Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nhiều tình huống khiến bệnh viện thiếu thuốc, vật tư cục bộ, như đơn vị trúng thầu không giao hàng kịp, phát sinh trường hợp cấp cứu, nhu cầu người bệnh thay đổi không ngừng... Chợ Rẫy ghi nhận lượng bệnh tăng khoảng 11-12% so với hai tháng trước, dẫn đến bị động trong cung ứng.

"Tùy vào từng thời điểm có xảy ra thiếu, còn lâu dài bệnh viện vẫn đảm bảo được nguồn lực tiêu hao phục vụ điều trị cho người bệnh", TS Bình nói. Ông nêu ví dụ bệnh viện tính vật tư y tế điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân trong 3 tháng nhưng lại hết sớm hơn vì lượng bệnh nhân đông bất thường. Chợ Rẫy dự kiến tiến hành 5 gói thầu theo các quy định mới, trong quá trình nghiên cứu chưa thấy vướng mắc nhưng thực tế có nhiều biến động.

Nhân viên y tế tại nhà thuốc bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên y tế tại nhà thuốc bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM Châu Văn Đính cũng cho biết có những thời điểm thiếu dụng cụ kết hợp xương do bệnh nhân ở tỉnh lên rất đông. Bệnh viện "dũng cảm" mua sắm trực tiếp với số lượng không quá 30% gói thầu cũ theo quy định, song cũng không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, bệnh viện phải xoay xở tạm thời bằng cách mượn đơn vị bạn, chuyển bệnh nhân qua các bệnh viện có khoa chấn thương chỉnh hình mổ.

"Căn cơ là phải đấu thầu rộng rãi, dự kiến giữa tháng 8 bệnh viện sẽ có những dụng cụ này", bác sĩ Đính nói. Một số mặt hàng giá trị cao như khớp giả, bệnh viện không dám mua sắm trực tiếp, phải điều chuyển bệnh nhân trong thời gian chờ đấu thầu.

Còn ở Bệnh viện TP Thủ Đức, TS.BS Vũ Trí Thanh, Giám đốc, cho biết cơ bản bệnh viện đủ thuốc, song thỉnh thoảng có toa thuốc ở một số thời điểm thiếu cục bộ. Nguyên nhân chủ yếu do chuỗi cung ứng đứt gãy, bệnh viện có công nợ nhiều nên các công ty không tham gia thầu một số thuốc. Ngoài ra, một số vật tư đấu thầu, trúng thầu nhưng chất lượng không đáp ứng, không thể sử dụng.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng hiện nay cơ chế mua sắm đấu thầu thuốc đã thông thoáng, nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ. Do đó, các cơ sở y tế cần chủ động và linh hoạt trong mua sắm, không để xảy ra tình trạng người bệnh không được mổ vì thiếu vật tư y tế, chờ đợi lâu ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Theo ông Tuyên, nhu cầu thăm khám của người bệnh ngày càng cao, mô hình bệnh tật ngày càng phức tạp. Các bệnh viện không chỉ cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh mà còn cần phải đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... "Đây là một trong những thách thức của các bệnh viện", ông nói, thêm rằng trường hợp thiếu nhân lực, năng lược thì được phép thuê các tổ chức đấu thầu, nhất định không được để thiếu thuốc.

Các bệnh viện đưa ra hồ sơ mời thầu, chấm thầu cần nghiên cứu kỹ năng lực nhà thầu. Khi ký hợp đồng, cần cam kết cung cấp đầy đủ thuốc, nếu đứt gãy nguồn thuốc, thiếu thuốc phải xử phạt, thậm chí đưa ra tòa. Bệnh viện cũng cần thống kê, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc và vật tư phù hợp, chủ động mua sắm thuốc cho năm sau ngay từ quý 4 năm trước.

Thứ trưởng Tuyên đề nghị Vụ Bảo hiểm Y tế nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật Bảo hiểm Y tế kèm hồ sơ dự thảo, các nghị định và thông tư. Bảo hiểm cần thanh toán theo người bệnh, không thanh toán theo định suất và không thanh toán theo khoán chi. Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu và ban hành thông tư về danh mục thuốc và thiết bị y tế về đấu thầu tập trung.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư thời gian qua được tháo gỡ bằng các quy định hướng dẫn, song một số bệnh viện chưa thể đấu thầu do nhiều vướng mắc như không có nguồn cung, tâm lý sợ sai phạm... Gần đây nhất, Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội thiếu một số loại thuốc do chưa thể đấu thầu, bệnh nhân mua ở ngoài trong khi bác sĩ phải điều tiết giảm ca mổ. Giữa tháng 7, cử tri kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai phạm trong đấu thầu, mua sắm dẫn đến thiếu thuốc, vật tư.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Bệnh viện Nhi đồng 1 gần đây tiếp nhận 368 ca sởi, gặp khó khăn khi không có thuốc cấp cứu trẻ bệnh nặng, phải dùng loại khác thay thế với hiệu quả thấp hơn.
2 tuần trước - Tại Việt Nam, hiện mới có duy nhất Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM là bệnh viện công lập đạt tiêu chuẩn quốc tế. Số bệnh viện tư nhân đạt chất lượng quốc tế nhiều hơn các bệnh viện công.
1 tháng trước - Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho rằng chức danh giám đốc bệnh viện cần người lãnh đạo giỏi hơn là chuyên môn cao.
5 ngày trước - Di chuyển quốc tế ngày càng tăng sự bùng phát của những bệnh dịch cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và tác nhân vi sinh vật kháng kháng sinh. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện giúp ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, kiểm soát các nguy...
1 tháng trước - Trẻ miễn dịch yếu, có bệnh nền, chưa tiêm chủng, nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc bệnh nhân sởi hoặc chạm vào sàn nhà, bề mặt chứa virus sởi.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
5 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
5 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.