ttth247.com

Bộ Tài chính muốn quản lợi nhuận doanh nghiệp?

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN mới nhất. Tại dự thảo này, về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển tại DN từ lợi nhuận sau thuế, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án: trích tối đa 50%, 80% và để lại 100%.

Đối với phương án trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế , Bộ Tài chính ước tính, số nộp ngân sách từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia giảm 19.847 tỷ đồng (căn cứ quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế). Phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sẽ khiến ngân sách giảm khoảng 49.616 tỷ đồng. Phương án để lại 100% lợi nhuận sau thuế tại doanh nghiệp khiến ngân sách giảm 69.463 tỷ đồng. Bộ Tài chính nghiêng về phương án trích tối đa 80%.

Bộ Tài chính muốn quản lợi nhuận doanh nghiệp?- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất điều chuyển Quỹ Đầu tư phát triển DN trong khi nhiều doanh nghiệp mong được giữ lại. (Ảnh minh họa)

“Phương án trích tối đa 80% lợi nhuận DN vào Quỹ Đầu tư phát triển tại DN làm giảm số nộp ngân sách nhà nước nhưng không mất đi. Số tiền này được để lại đầu tư vốn vào DN, trong trường hợp cần thiết cơ quan có thẩm quyền vẫn quyết định nộp về ngân sách”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo số liệu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty ), 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu các đơn vị hơn 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 57.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 86.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất thêm quy định nhằm “quản” Quỹ Đầu tư phát triển tại DN. Theo điểm c, Khoản 3, Điều 10 dự thảo luật, Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nộp về ngân sách nhà nước từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển tại DN; điều chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tại DN có vốn nhà nước đầu tư giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Quy định này vấp phải sự phản đối từ đơn vị. Góp ý cho dự thảo, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đề nghị ban soạn thảo làm rõ các trường hợp điều chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tại DN giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và kiến nghị lược bỏ quy định việc điều chuyển quỹ này.

“DN làm ăn có lãi, có nguồn để trích lập Quỹ Đầu tư phát triển tại DN nhưng lại bị điều chuyển sẽ gây tác dụng ngược, không khuyến khích, không tạo động lực cho DN. Khi bị điều chuyển quỹ, DN sẽ thiếu hụt nguồn thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường năng lực quản trị, nguồn lực, ảnh hưởng lớn tới hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp”, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phân tích.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, Quỹ Đầu tư phát triển DN thuộc vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, Quỹ Đầu tư phát triển DN thuộc sở hữu của các cổ đông, bên tham gia góp vốn. Nhà nước chỉ là một trong số các cổ đông, thành viên góp vốn. Nếu điều chuyển Quỹ Đầu tư phát triển DN gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của cổ đông, bên tham gia góp vốn khác.

“Trong tình hình biến động, nguồn vốn chủ sở hữu (trong đó có Quỹ Đầu tư phát triển DN được trích hằng năm) giúp đảm bảo “sức đề kháng” của DN trước rủi ro, biến động khó lường. Việc điều chuyển trực tiếp quỹ này giữa các doanh nghiệp100% vốn nhà nước không phù hợp, có thể ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông/thành viên góp vốn khác”, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết.

Giải trình kiến nghị, Bộ Tài chính cho biết, Quỹ Đầu tư phát triển DN được hình thành từ vốn chủ sở hữu tại DN, sau khi có quyết định tăng vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển DN thì quỹ này mới được gọi là vốn của DN. Do đó, chủ sở hữu có quyền thu về ngân sách nhà nước, điều chuyển hoặc để lại tăng vốn điều lệ tương ứng với tỷ lệ phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Làm rõ việc phân cấp quản lý, giám sát, nhân sự

Một trong những thay đổi của Bộ Tài chính tại dự thảo đưa doanh nghiệp cấp 2 (DN F2) không phải là đối tượng điều chỉnh của luật. Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo luật trong đó bỏ đối tượng DN có vốn nhà nước đầu tư khác. DN có vốn nhà nước đầu tư là DN, tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Đối với nhân sự, dự thảo cũng đề xuất giảm 21 đầu mối doanh nghiệp thuộc diện Thủ tướng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật lãnh đạo (với chức danh chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị). Dự kiến chỉ có 7 tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ do Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo (gồm: Công nghiệp viễn thông quân đội; Bưu chính viễn thông; Công nghiệp than khoáng sản; Dầu khí; Điện lực; Hóa chất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).

Dự thảo luật cũng đẩy mạnh phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án của DN. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư từ 20.000 tỷ đồng trở lên do Quốc hội quyết định; Thủ tướng quyết định dự án từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 20.000 tỷ đồng. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng hoặc có tổng mức đầu tư bằng 50% vốn điều lệ. Các dự án đầu tư ngoài thẩm quyền của các cơ quan nêu trên không phải lập và đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, các phương án về tỷ lệ để lại lợi nhuận sau thuế, Bộ Tài chính cân nhắc phù hợp với nguồn thu ngân sách nhà nước. Đối với đề xuất điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển DN giữa giữa các DN, ông Lực cho rằng, chỉ nên tập trung điều chuyển trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.

“Việc này tương tự cơ cấu lại nội bộ trong tập đoàn, tổng công ty. Đề xuất điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển DN từ tập đoàn, tổng công ty này sang đơn vị khác cần nghiên cứu cẩn trọng, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của DN”, ông Lực cho biết.

Đối với quy định phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, ông Lực đề xuất, cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp quyết định chủ trương đầu tư...

Source: cafef.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Quý 2 vừa qua, tổng doanh thu của hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam là Petrolimex và PV Oil lên đến gần 109.000 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
1 tháng trước - Theo chuyên gia, sự điều chỉnh của thị trường gần đây là một điều cần thiết trong một chu kỳ để hạ nhiệt margin cũng như là để hạ nhiệt sức ép khi nhà đầu tư ngoài liên tục bán ròng.
1 tháng trước - Thị trường chứng khoán đang chuẩn bị bước vào tháng 7 âm lịch hay còn gọi là “tháng Ngâu”, tháng mà với quan niệm từ trước đến nay sẽ là giai đoạn trầm lắng hơn của thị trường. Tuy nhiên năm nay, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, cơ...
1 tháng trước - Thành công của ông cụ 65 tuổi này cho thấy dù thông minh, tài năng đến đâu cũng không thể so sánh được với việc nắm bắt thời cơ nhanh chóng.
1 tháng trước - GELEX sẽ được mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng đã vào cuộc xác minh thông tin công nhân một nhà máy lớn phải lên mạng xã hội cầu cứu tìm chỗ trú qua đêm do bị công ty bắt phải rời nhà máy giữa lúc cơn bão đổ bộ vào thành phố.
27 phút trước - Ngày 9/9 vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Đề án đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
27 phút trước - Ngày 09/9/2024, ngày làm việc đầu tiên sau bão số 3, Agribank tổ chức ngay các đoàn công tác nắm bắt tình hình, thăm hỏi khách hàng vay vốn, động viên cán bộ, người lao động các Chi nhánh tại một số địa phương chịu thiệt hại nặng nề do...
27 phút trước - Cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) và nhánh hầm chui HC2 thuộc nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) sẽ thông xe trong cuối tháng 9-2024.
42 phút trước - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá thiệt hại cơn bão số 3 gây ra cho khách hàng vay vốn để triển khai hỗ trợ miễn, giảm lãi trước ngày 20/9…