ttth247.com

Cách tính CPI đã sát thực tế?

Tuy nhiên Bộ Tài chính nói chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa tăng đến mức quy định để phải điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Ai đúng?

Mới đây khi nói về hỗ trợ của Nhà nước cho người dân, trả lời Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phải chăng cách tính CPI chưa phản ánh được hết tiêu dùng của người dân, nhất là người ở đô thị vốn chi tiêu nhiều cho dịch vụ thay vì lương thực - thực phẩm? Liệu đây là mấu chốt của vấn đề? Tuổi Trẻ đã hỏi thêm chuyên gia.

Chuyên gia nói về thông lệ điều tra 5 năm/lần

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc tính toán CPI hiện nay dựa trên "rổ" tiêu dùng hàng hóa của người dân, hộ gia đình.

Thông lệ quốc tế cứ năm năm cơ quan thống kê sẽ điều tra về chi cho đời sống dân cư để xác định thay đổi trong cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình. Đây là căn cứ xác định quyền số trong "rổ" hàng hóa tính CPI.

Về cơ bản, Tổng cục Thống kê làm đúng thông lệ quốc tế, năm năm sẽ thay đổi "rổ" hàng hóa một lần.

Ví dụ năm 2021 chúng ta đã thay đổi quyền số tính CPI so với giai đoạn năm năm trước đó. Số các mặt hàng trong "rổ" hàng hóa CPI cũng thay đổi theo hướng tăng lên qua các chu kỳ năm năm.

Ông Lâm cũng cho rằng khi chi cho dịch vụ, chi khác thay đổi thì danh mục hàng hóa, quyền số trong "rổ" hàng hóa CPI cũng cần thay đổi cho phù hợp, còn phương pháp tính CPI là xuyên suốt, không đổi.

Tính CPI, Việt Nam khác gì thế giới?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV) cho rằng khi "rổ" hàng hóa CPI thay đổi, gốc so sánh thay đổi sẽ cho kết quả, con số tăng CPI khác nhau.

Ví dụ như mức tăng lạm phát sáu tháng đầu năm 2024 khoảng 4,08%, nhưng nếu so với gốc 2019 có thể mức tăng CPI sẽ là 7 - 8%.

Theo bà Trang, thông lệ quốc tế, như Mỹ và một số nước châu Âu họ theo dõi biến động chỉ số giá từng nhóm hàng hóa, chỉ số giá theo từng địa phương để làm cơ sở xác định quyền số (thuật ngữ trong thống kê chỉ số là tỉ trọng đóng góp của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ vào mức tăng CPI chung hằng tháng, hằng quý, hằng năm) trong "rổ" CPI.

Bà Trang phân tích: "Với mạch theo dõi dài hạn (10 - 20 năm), chỉ số từng nhóm hàng hóa các nước sẽ xác định được xu hướng biến động giá cả các nhóm hàng hóa chính, mức độ đóng góp từng nhóm vào chỉ số CPI. Chúng ta chưa làm được vậy, không theo dõi được chỉ số giá từng nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Vì vậy phải làm điều tra, khảo sát giá các loại hàng hóa, thông qua báo cáo của các địa phương, sau đó tổng hợp lập danh mục hàng hóa trong rổ CPI chung cho cả nước. Phương pháp điều tra khảo sát thường là chọn mẫu nên không thể bao quát hết như phương pháp theo dõi để xác định chỉ số giá của các nhóm hàng hóa".

Từ đó theo bà Trang, với cơ cấu hàng hóa đa dạng hiện nay chúng ta nên theo thông lệ quốc tế, nhưng cần rút ngắn chu kỳ xác lập quyền số trong "rổ" hàng hóa CPI từ năm năm/lần như hiện nay xuống 2 - 2,5 năm/lần. Đồng thời cần mở rộng thêm danh mục hàng hóa trong "rổ" hàng hóa CPI cho phù hợp với thực tế.

Tỉ lệ chi cho lương thực, thực phẩm giảm dần

Điều này được thể hiện trong giai đoạn 2006 - 2025 khi quyền số trong CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm từ 42,85% còn 33,56%.

Ngược lại trong giai đoạn 2020 - 2025, quyền số của một số nhóm dịch vụ đã tăng lên như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất từ 9,99% lên 18,82%, giáo dục tăng từ 5,41% lên 6,17%, nhóm giao thông tăng từ 9,04% lên 9,67%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng từ 3,59% lên 4,55%...

Điều này có thể hiểu là nhiều năm trước, người dân chủ yếu chi tiêu cho cái ăn thì nay đã chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, như giáo dục, y tế, giải trí, nhà cửa... Xu hướng này cho thấy người dân đang hướng đến chất lượng cuộc sống cao hơn.

Khi giá cả dịch vụ tăng mà quyền số trong CPI của nhóm dịch vụ không sát thực tế sẽ dẫn đến CPI không tăng nhưng người dân vẫn thấy giá cả tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Như trong sáu tháng đầu năm 2024, nhóm dịch vụ cũng tăng cao nhất, như giáo dục tăng 8,58%, nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 7,07%, còn nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,16%.

Theo đánh giá của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, việc mở rộng lượng mặt hàng, thay đổi quyền số của nhóm hàng thiết yếu phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện đại, ngày càng tiệm cận quốc tế. Xu hướng biến động của lạm phát những năm qua cũng cho thấy áp lực từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là nhóm thực phẩm đối với lạm phát đang giảm dần.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận như vậy khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024.
1 tháng trước - Nhận định trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra sáng 5.8.
1 tháng trước - Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp...
1 tháng trước - Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, có nhiều cách hiểu về bảng giá đất và cách tính giá đất theo luật mới.
1 tháng trước - Cơ quan thuế ở các quận, huyện và TP Thủ Đức (TP.HCM) đang chờ được hướng dẫn cách tính nghĩa vụ tài chính, trong đó có tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.