ttth247.com

Chặn nguy cơ bệnh sốt xuất huyết từ dơi xâm nhập TP HCM

Sở Y tế TP HCM nhận định bệnh Marburg - sốt xuất huyết lây từ dơi, có thể xâm nhập thành phố khi Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 58 ca ở Rwanda trong đó 13 ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 15 người đã hồi phục, 30 người đang điều trị, tỷ lệ tử vong 22%, tính đến 11/10. Trước đó, vào cuối tháng 9, Bộ Y tế Rwanda thông báo về một vụ dịch do virus Marburg lần đầu tiên được phát hiện tại nước này. WHO đánh giá nguy cơ lây lan Marburg là thấp ở cấp toàn cầu, khuyến cáo không nên áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại và thương mại nào với Rwanda.

Tuy nhiên, một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đã tăng cường biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh xâm nhập. Bộ Y tế Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu.

Ngày 13/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng về đường hàng không, nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập khá thấp khi thành phố không có đường bay thẳng từ Rwanda và khách nhập cảnh đã được sàng lọc. Khả năng bệnh thâm nhập qua đường hàng hải cũng rất thấp, bởi Rwanda chỉ có một cảng tại Kigali. Theo dữ liệu về tàu nhập cảnh từ đầu năm ngoái đến nay, không có tàu thuyền nào đến trực tiếp từ cảng hàng hải này. Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ châu Phi về đến TP HCM qua đường biển thường kéo dài 25-40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Marburg (21 ngày).

"Tuy vậy Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đặc biệt giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda", bác sĩ Châu nói.

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch ở các quốc gia đang có bùng phát dịch. Tham khảo thông tin về các dịch bệnh đăng tải tại các nguồn chính thống, tránh các thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, lo lắng. Người từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu có những triệu chứng nghi ngờ cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch sử đi đến vùng có dịch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế lây nhiễm.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh Marburg tại Rwanda. Ảnh: WHO

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bệnh Marburg tại Rwanda. Ảnh: WHO

Bệnh Marburg trước đây được gọi là sốt xuất huyết Marburg, lây truyền sang người do tiếp xúc kéo dài khi làm việc trong các hang động là nơi sinh sống của các đàn dơi ăn quả. Sau khi đã thâm nhập vào quần thể người, virus Marburg lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp (qua da bị tổn thương hoặc niêm mạc) với máu, dịch tiết, nội tạng hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh, cũng như với các bề mặt và vật liệu (giường, quần áo) bị nhiễm các chất dịch này.

Nhân viên y tế là nhóm dễ bị nhiễm trong khi chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nếu các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn không được tuân thủ nghiêm túc.

Bệnh do virus Marburg (MVD) thường bắt đầu đột ngột, với triệu chứng sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu. Đau nhức cơ bắp là một đặc điểm phổ biến. Bệnh nhân tiêu chảy nghiêm trọng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn vào ngày thứ ba của bệnh. Từ 2 đến 7 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh nhân thường phát ban không ngứa.

Từ ngày thứ 5 của bệnh, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết, bao gồm có máu tươi trong chất nôn và phân, chảy máu từ mũi, nướu và âm đạo, chảy máu tại các vị trí chích tĩnh mạch. Nguy cơ tử vong xảy ra trong khoảng từ 8 đến 9 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, thường do mất máu nghiêm trọng và sốc. Trong các đợt bùng phát trước đây, tỷ lệ tử vong từ 24% đến 88%. Hiện bệnh chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị kháng virus nào được phê duyệt. Nhiều loại vaccine và liệu pháp thuốc đang được nghiên cứu phát triển.

Hầu hết đợt bùng phát MVD xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Virus lây lan ra khắp thế giới thông qua khách du lịch mắc bệnh hoặc nhân viên bị lây nhiễm trong phòng thí nghiệm. Căn bệnh này được đặt tên theo thành phố của Đức, nơi các nhà khoa học mắc bệnh đầu tiên vào năm 1967 khi làm thí nghiệm trên những con khỉ nhiễm virus nhập khẩu từ châu Phi. Các đợt bùng phát gần đây nhất được báo cáo ở Guinea Xích Đạo và Cộng hòa Tanzania từ tháng 2 đến tháng 6 năm ngoái.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
4 ngày trước - Dịch Marburg đang bùng phát ở khu vực châu Phi với tỷ lệ tử vong ở mức cao. Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã có những thông tin về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và cảnh báo cộng đồng.
1 tuần trước - Khi nhiễm bệnh lần hai, kháng thể cũ liên kết type virus mới nhưng không trung hòa để tiêu diệt mà khiến mầm bệnh hoạt động mạnh hơn, gây phản ứng viêm, biến chứng.
1 tháng trước - Mùa mưa độ ẩm tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến người tiểu đường dễ mắc các bệnh về da, sốt rét, sốt xuất huyết, cảm cúm, viêm mắt.
3 tuần trước - Ban sởi sờ mịn, tập trung thành nhiều đám nhỏ loang lổ trên da, còn ban sốt mò là các dát sẩn rải rác và có vết loét ở vị trí mò đốt.
1 tháng trước - Sốt kèm phát ban có thể do sởi, rubella, tay chân miệng, tinh hồng nhiệt, thủy đậu hoặc một số bệnh tự miễn, bệnh ác tính.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Hạt chia rất tốt cho sức khỏe, nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm kết hợp với hạt chia đều tốt.
2 giờ trước - Lợi ích được biết đến nhiều nhất của cà phê là giúp tỉnh táo. Do đó, nhiều người thường uống cà phê sau khi thức dậy vào buổi sáng hay lúc mệt mỏi. Uống cà phê thường xuyên còn có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
3 giờ trước - TP HCM- Người phụ nữ 33 tuổi mang thai 26 tuần, bật bếp nấu ăn thì bình gas phát nổ gây bỏng lửa 95% cơ thể, tình trạng nguy kịch.
4 giờ trước - Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy người con cả (con đầu lòng) và con một dễ bị trầm cảm hoặc rối loạn âu lo không rõ nguyên nhân.
4 giờ trước - Ho kèm chất nhầy, sốt cao, đau ngực, khó thở hay môi và móng tay xanh xao có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi.