ttth247.com

'Chi phí ghép tế bào gốc ở Việt Nam rẻ'

Chi phí ghép tế bào gốc tự thân điều trị một số bệnh huyết học tại nước ta rẻ, khoảng 40 triệu đồng, trong khi con số này lên đến hàng tỷ đồng ở một số nước.

Thông tin được TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Huyết học và truyền máu, ngày 17/10.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh. Bệnh viện Bạch Mai hiện đã làm chủ được phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học. Trong đó có kỹ thuật ghép tế bào gốc hai lần liên tiếp, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân...

"Hiện, bệnh viện đã ghép tế bào gốc cho hơn 120 bệnh nhân với tỷ lệ thành công cao. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã có sức khỏe bình thường, sinh hoạt như người khỏe mạnh", ông Tùng nói, chia sẻ có bệnh nhân điều trị từ năm 21 tuổi, khi chưa có gia đình, đến nay đã kết hôn, sinh con khỏe mạnh.

Bác sĩ thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước ghép. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước ghép. Ảnh: BVCC

Đặc biệt, chi phí cho ghép tế bào gốc tại Việt Nam được đánh giá là rẻ hơn nhiều so với một số quốc gia. Ví dụ, ghép tế bào gốc ở Singapore giá khoảng từ 4 - 6 tỷ đồng, ở Đài Loan (Trung Quốc) từ 2 - 5 tỷ đồng. Ở Mỹ, chi phí ghép tế bào gốc còn cao hơn nhiều.

"Còn ở Việt Nam, một số trường hợp bảo hiểm y tế thanh toán, chi phí sau khi ghép tế bào gốc khoảng hơn 40 triệu đồng", TS Tùng nói.

Hiện, cả nước có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép. Tỷ lệ thành công của ghép tế bào gốc tùy từng loại kỹ thuật ghép, loại bệnh. Ví dụ, với kỹ thuật ghép đồng loại ở người bạch cầu cấp dòng tủy, tỷ lệ sống 5 năm sau ghép là khoảng 50%. Nhóm bệnh lành tính như suy tủy xương thì tỷ lệ sống 10 năm lên tới 70%.

TS Tùng cho hay phương pháp gene trị liệu đang là xu hướng điều trị trên thế giới. Phương pháp này sử dụng các đoạn gene khỏe mạnh để thay thế các gene bệnh của bệnh nhân, áp dụng điều trị trong một số bệnh lý về di truyền về máu như bệnh thalassemia, hemophilia và một số bệnh lý ung thư.

TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thế Anh

TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thế Anh

Tại hội nghị, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay huyết học và truyền máu là một trong những chuyên ngành khó, bệnh lý nặng và phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng là chuyên ngành có cơ hội tốt để trở thành tiên phong trong việc triển khai áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ phát triển ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiếp cận với dịch vụ các nước phát triển trên thế giới như sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc nhắm đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn.

Còn Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu bệnh viện đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, nhằm tiếp tục phát triển ngành huyết học và truyền máu ở Việt Nam theo hướng hiện đại và toàn diện.

Lê Nga

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 ngày trước - Ghép tế bào gốc tự thân điều trị một số bệnh huyết học tại các nước có chi phí hàng tỉ đồng. Còn tại Việt Nam chi phí này chỉ khoảng hơn 40 triệu đồng sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, điều này giúp người dân có thêm cơ hội điều trị bệnh.
18 giờ trước - Chi phí ghép tế bào gốc tự thân điều trị một số bệnh huyết học tại nước ta rẻ, khoảng 40 triệu đồng, trong khi con số này lên đến hàng tỷ đồng ở một số nước.
1 tuần trước - Thừa Thiên - Huế- Hai em bé 4 tuổi và 8 tuổi, bị tan máu bẩm sinh, vừa được Bệnh viện Trung ương Huế ghép tủy đồng loại thành công.
3 tuần trước - Tin tức đáng chú ý: Triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành; Hỗ trợ đổi máy 4G miễn phí cho 700.000 khách hàng đang dùng mạng 2G; Tỉnh Thanh Hóa di dời khẩn cấp 300 học sinh đến địa điểm mới do sạt...
1 tháng trước - Hà Nội- Cầm kết quả mắc bệnh thận mạn tính, ông Hồ Hồng Việt suy sụp, muốn buông xuôi khi nghĩ về tương lai phải gắn với giường bệnh, sống nhờ chiếc máy chạy thận.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Nam sinh đột ngột mất ý thức, ngã đập mặt vào vật cứng gây ngừng tim, hôn mê từng có tiền sử bị ngất 1 lần cách đây 7 năm.
3 giờ trước - Bệnh giang mai rất dễ lây lan, chủ yếu qua đường tình dục, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến não, mắt, tim và các cơ quan khác.
3 giờ trước - 'Khi lớn tuổi, tuyến tụy trở nên kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất và tiết insulin, vì vậy người từ 50 tuổi có thể mất nhiều thời gian hơn để đường huyết trở lại bình thường'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội...
3 giờ trước - Theo khuyến nghị Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), chúng ta cần ăn rau và trái cây mỗi ngày để bảo vệ trái tim khỏe mạnh.Dưới đây là một số loại trái cây...
3 giờ trước - Tôi vừa phát hiện bị suy tim, thường mệt và khó thở khi hoạt động thể chất nhiều, phải sinh hoạt tình dục thế nào để đảm bảo sức khỏe và an toàn? (Minh, 42 tuổi, TP HCM)