ttth247.com

Chính phủ điện tử thăng hạng vượt bậc

Báo cáo khảo sát EGDI dựa trên nhiều yếu tố như: dịch vụ chính phủ trực tuyến, cơ sở hạ tầng viễn thông, hiểu biết của dân số trưởng thành và sự tham gia kỹ thuật số. Báo cáo cho thấy, so với những năm trước, ngày càng nhiều nước tận dụng công nghệ và mở rộng các dịch vụ số cung cấp cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Năm 2024, VN được xếp vào nhóm Chỉ số EGDI rất cao, với 0,7709 điểm, đứng thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia được đánh giá trong Khảo sát Chính phủ điện tử lần thứ 13 của LHQ. Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, VN xếp thứ 5/11, tăng 1 bậc so đánh giá năm 2022. Trước đó, VN giữ nguyên thứ hạng 86/193 trong 2 kỳ đánh giá vào năm 2020 và 2022. Năm 2024, mức độ hiệu quả của Chính phủ điện tử nước ta đã tăng 15 bậc.

Chính phủ điện tử Việt Nam thăng hạng mạnh mẽ.

LHQ khẳng định việc các nước như VN được thăng hạng từ nhóm EGDI lên rất cao phản ánh thành công trong củng cố hạ tầng số, mở rộng kết nối mạng internet, áp dụng các khung Chính phủ số mạnh mẽ. Những khoản đầu tư quan trọng của VN trong các dịch vụ công kỹ thuật số cũng thể hiện rõ nét ở vị trí EGDI được cải thiện. Theo LHQ, các nước có chỉ số EGDI và chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) rất cao như VN có thể đẩy nhanh phát triển kỹ thuật số bằng cách cải thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển vốn con người.

Với vị trí thứ 71, VN đã tiếp cận được mục tiêu mà Bộ Thông tin - Truyền thông đã đặt ra năm 2023: Đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử của VN vào tốp 50; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.

Trước đó, VN cũng gây ấn tượng trong bảng xếp hạng Chỉ số An ninh mạng toàn cầu 2024 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố, khi nằm trong số 46 quốc gia được xếp vào Bậc 1 - bậc cao nhất, dành cho các quốc gia "làm gương" thể hiện cam kết mạnh mẽ trong cả 5 tiêu chí an ninh mạng. Chỉ số này được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí gồm pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. Với tổng điểm là 99,74, VN đạt điểm cao nhất ở 4 tiêu chí pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và hợp tác (mỗi tiêu chí đạt 20 điểm), trong khi tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.

Các hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế cũng được kết nối trên nền tảng trực tuyến.

B.C.M

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Hội Truyền thông số VN, đánh giá thành quả trên là nỗ lực rất lớn của sự đồng bộ giữa Chính phủ, cộng đồng DN cho tới người dân VN. Cụ thể, từ phía Chính phủ, sự định hướng chính sách và ưu tiên đầu tư rất cao cho mảng chuyển đổi số, từ hạ tầng viễn thông đến xây dựng, hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ phía DN, có thể thấy rõ sự bùng nổ của kinh tế số, các dịch vụ số thời gian qua. VN cũng có thuận lợi là độ mở của nền kinh tế và sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ thế giới của VN rất cao. Chúng ta có rất nhiều DN công nghệ lớn tham gia vào cung cấp các dịch vụ số cho VN như Google, Facebook, TikTok… và họ cũng rất năng động trong việc đào tạo các kỹ năng số cho người dùng. Sự hợp lực của các DN không chỉ ở trong nước và nước ngoài đều đang tạo ra sự phát triển rất nổi bật trong thời gian vừa rồi.

Còn từ phía người dân, sự nỗ lực tham gia nhiều hơn vào sử dụng các dịch vụ thông minh, sử dụng điện thoại cho các hoạt động kinh tế nhiều hơn và tham gia trực tuyến nhiều hơn cũng góp phần hòa chung vào sự đồng bộ, để VN có thể đạt được kết quả ấn tượng như vậy.

Trên thế giới, việc xây dựng Chính phủ điện tử của các quốc gia đều hướng đến mục tiêu là Chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Chính phủ điện tử được đánh giá là một trong 3 trụ cột chính của "cuộc cách mạng" chuyển đổi số, bên cạnh xã hội số và kinh tế số. Thực tế, khái niệm Chính phủ điện tử đã xuất hiện ở nước ta từ cách đây 2 thập niên, nhưng phải tới khoảng 5 năm trở lại đây mới thật sự ghi nhận những thành quả tích cực, nhờ quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ.

Người dân làm hồ sơ nhà đất theo hình thức trực tuyến tại bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.Bình Tân, TP.HCM.

Sỹ Đông

Các bộ, ngành thống kê hiện đã có 80,53% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 47,79% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tính đến nay, đã có 63/63 địa phương đã hoàn thành việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Một số địa phương triển khai rất tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Đà Nẵng đạt 95,56%; Cà Mau đạt 91,99%; Tây Ninh: 91,98%. TP.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế… cũng là những địa phương đang đi đầu.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet VN, việc xây dựng Chính phủ điện tử của VN đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong thời gian gần đây. Đơn cử về hạ tầng viễn thông, VN luôn nằm trong tốp đầu triển khai những công nghệ mới như nhiều nước trên thế giới. Từ công nghệ 3G đến 4G và hiện nay là phát triển 5G. Hay việc phổ cập internet, kết nối băng thông rộng đã được phủ sóng cho người dân trên toàn quốc. Đi kèm với hạ tầng phát triển nhưng chi phí sử dụng mạng internet phù hợp cho đại đa số người dân, nhất là trong bối cảnh VN vẫn thuộc các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử thì hạ tầng số là ưu tiên chiến lược và VN đã cụ thể hóa được điều này.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định hiện viễn thông, internet của VN được xem như phổ cập đến mọi người dân ở một chi phí hợp lý. Ví dụ trước đây nhiều người dùng còn lo ngại chi phí đắt đỏ nếu đăng ký sử dụng 3G, 4G nhưng nay, số lượng này đã nhiều hơn cho thấy họ chấp nhận các chi phí sử dụng. Hay như việc wifi ở các điểm công cộng, hàng quán được sử dụng rộng rãi là minh chứng cho thấy hạ tầng công nghệ của VN rất phát triển, giá thấp. Nếu ai đã từng đi du lịch đến nhiều nước, thậm chí các quốc gia phát triển sẽ thấy được việc cung cấp wifi miễn phí ở các điểm công cộng rất ít, hay chi phí để sử dụng các gói dữ liệu 3G, 4G cũng cao hơn VN.

Ở một khía cạnh khác, các dịch vụ công trực tuyến đã trở nên quen thuộc, thuận tiện hơn cho người dân. Ví dụ cung cấp căn cước công dân, hộ chiếu trên mạng; ứng dụng (app) chung của Bộ Công an đã tích hợp nhiều giấy tờ quan trọng, người dân có thể sử dụng căn cước công dân đã tích hợp trên app và thay thế bản cứng trong nhiều trường hợp. Tương tự, dịch vụ khai báo thuế, nộp thuế hay các loại phí giao thông đường bộ; làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; chuyển tiền, thanh toán online mọi lúc mọi nơi… đã trở nên phổ biến hơn.

Người dân làm thủ tục tại Chi cục Thuế Quận 1 (TP.HCM).

Ngọc Dương

"Từ những phát triển ứng dụng đó thì tất yếu nguồn nhân lực cũng được gia tăng đào tạo, "có đất dụng võ". Hiện nay, hầu như trường cao đẳng, đại học nào cũng có ngành công nghệ thông tin và gần đây có thêm một số ngành đào tạo mới như Fintech, trí tuệ nhân tạo… Theo mục tiêu của Chính phủ công bố thì sắp tới sẽ còn có thêm nhiều dịch vụ được tích hợp trên các app dùng chung phổ biến cho người dân như khám bệnh từ xa, thông tin sức khỏe được liên thông… Từ đó, người dùng sẽ có thêm nhiều tiện ích, giảm thời gian và chi phí. Các hoạt động dịch vụ công trực tuyến nếu được triển khai tốt sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho người dân, DN, không chỉ giảm thiểu thời gian, chi phí cho xã hội mà còn góp phần minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là nền tảng để xã hội số, kinh tế số phát triển", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích nhưng lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia nhìn nhận chuyển đổi số ở VN vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm khắc phục. Điển hình, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở cấp địa phương chỉ đạt 18%; một số hoạt động trong cơ quan nhà nước vẫn chưa được đưa lên môi trường trực tuyến hoàn toàn… Các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong an ninh mạng. Đồng thời, Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, phát triển hạ tầng số hiện đại, đầu tư cho các nền tảng số quốc gia; hoàn thiện quy định pháp lý về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong an ninh mạng. Ngoài ra, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số chuyên nghiệp cũng cần được tiến hành đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Mỗi năm Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn, tư vấn hàng nghìn lượt văn bản cho doanh nghiệp.

CTV

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại VN đã có nhiều bước tiến nhưng đó vẫn mới là ở giai đoạn đầu, cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử ở nhiều cấp độ hơn.

Ông Vũ Hoàng Liên phân tích: Chính phủ điện tử với mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân tốt hơn, tạo ra động lực phát triển cho kinh tế xã hội. Trong đó, bước đầu tiên là các dịch vụ công được ứng dụng trên nền tảng trực tuyến ngày càng nhiều, thể hiện sự tương tác của Chính phủ với người dân. Song song đó là liên quan đến việc tương tác, kết nối dữ liệu với các cơ quan của Chính phủ để tăng hiệu quả, năng lực quản lý của những cơ quan nhà nước. Bước kế tiếp và cũng là quan trọng nhất mà VN cần hướng đến là phải tạo ra môi trường phát triển cho kinh tế, xã hội; tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, DN phát triển. Ở bước này, chúng ta có thể không thấy rõ vai trò của Nhà nước như hiện nay trong mối quan hệ với người dân, DN nhưng sẽ tạo ra đòn bẩy mạnh hơn cho phát triển kinh tế xã hội. Đó là Chính phủ kiến tạo, khuyến khích đổi mới.

Chủ tịch Hiệp hội Internet VN dẫn chứng: "Chẳng hạn, mạng xã hội ngày càng có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của người dân lẫn kinh tế VN nhưng lại phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Từ đó cũng phát sinh nhiều vấn đề xung quanh như lộ lọt thông tin người dùng, lừa đảo khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, mất an toàn. Vì vậy, Chính phủ điện tử cần tiếp tục hướng đến mức độ chuyên sâu như tạo ra môi trường số thật sự với việc tương tác rộng rãi của tất cả người dân, mang lại giá trị nhân văn, cơ hội giao thương góp phần phát triển kinh tế mạnh hơn…".

Người dân đăng ký các thủ tục hành chính công trực tuyến.

Ngọc Dương

TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh đến việc chuyển đổi số. Theo ông, Chính phủ điện tử không chỉ dừng ở các dịch vụ công được cung cấp online mà cần những nghiên cứu, đột phá mạnh hơn. Ví dụ, các dữ liệu về kinh tế xã hội sẽ được chia sẻ, ứng dụng nhiều hơn cho người dân nói chung. Các DN cũng có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên từ kết nối thông tin, được chia sẻ dữ liệu để từ đó kích thích các sáng tạo, phát triển dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo với nhiều ứng dụng hơn nữa. Hay thậm chí trong lĩnh vực tài chính, việc thúc đẩy fintech (công nghệ cho ngành tài chính), công nhận tài sản số, tạo ra sàn giao dịch dữ liệu… là những vấn đề không thể chậm trễ. Hơn nữa, Chính phủ điện tử phát triển cao hơn còn cần thể hiện ở tính linh hoạt về quản lý, đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh trong kinh tế xã hội.

"Gần đây cấp lãnh đạo cao nhất của VN đã phê duyệt nhiều chương trình, đưa nhiều nội dung của chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử cho thấy quyết tâm, quyết sách của nhà nước trong những năm tới về vấn đề này. Nếu thực hiện đúng theo các chính sách đề ra thì VN sẽ có thêm động lực mới trong phát triển kinh tế nói chung và các chỉ số về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số… sẽ còn tăng cao hơn và bắt kịp với nhiều nước", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: “Tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh giải ngân được 2.435 tỷ đồng. Việc giải ngân thấp là do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, do sự thiếu chủ động phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương...
1 tháng trước - Theo chuyên gia, các yếu tố bất lợi của thế giới bao gồm những lo ngại về sức khỏe của kinh tế Mỹ, diễn biến của đồng Yên và căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông…đang dẫn dắt tác động đến thị trường trong ngắn hạn.
1 tháng trước - Xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử giúp tối giản thủ tục xuất nhập khẩu và quy trình vận hành gian hàng quốc tế, chia đều cơ hội “xuất ngoại” cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ (MSME).
1 tháng trước - Sử dụng thương mại điện tử (TMĐT) làm kênh trung gian trong mô hình M2C (Manufacturing-to-Consumer) đang mở ra triển vọng tăng trưởng bền vững cho nhóm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
1 tháng trước - Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá dòng tiền đang có xu hướng tìm đến những tài sản được coi là an toàn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tái cơ...
Xem tin bài khác
36 giây trước - Ngoại trừ lối vào ở tầng trệt, tòa nhà đồ sộ này hoàn toàn không có cửa sổ nên không ai có thể nhìn vào bên trong.
40 giây trước - Paul Tudor Jones không chỉ là một huyền thoại trader mà còn là biểu tượng trong giới đầu tư với những chiến lược đột phá. Hãy cùng khám phá 5 bài học giá trị nhất từ ông mà mọi trader đều nên biết để nâng tầm sự nghiệp đầu tư của mình....
1 phút trước - VN-Index kết thúc một tuần giao dịch với tín hiệu tích cực, khi chỉ số hồi phục mạnh mẽ đi kèm khối lượng giao dịch gia tăng đáng kể, cho thấy dòng tiền và lực cầu đã trở lại thị trường. Với những thông tin quan trọng nổi bật về việc...
10 phút trước - Sau khi bán ra 2 triệu cổ phiếu MWG trong tháng 6, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thế giới Di động - tiếp tục bán thêm 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 33,4 triệu cổ phiếu về 32,4 triệu cổ phiếu.
15 phút trước - Trong đó, tỷ phú Hồ Hùng Anh cho rằng cần có giải pháp khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo Luật chứng khoán có nhiều thay đổi, theo ông là tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy,...