ttth247.com

Chính phủ: Tránh đội vốn khi đầu tư đường sắt tốc độ cao

Thường trực Chính phủ yêu cầu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh vượt quá tổng mức đầu tư và đội vốn trong quá trình triển khai.

Văn phòng Chính phủ ngày 7/10 thông báo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hai ngày trước. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ rà soát suất đầu tư phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của đất nước và yếu tố đặc thù công trình, để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư "chính xác nhất, đủ tin cậy, thuyết phục".

Đầu tư công được xác định là chính, gồm ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, vốn hợp pháp khác của nhà nước; vốn đầu tư BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, nhất là nhà ga, sân đỗ) và huy động nguồn vốn ngoài nhà nước bằng cơ chế đặc biệt.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu bổ sung cơ chế đặc biệt nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn thủ tục đầu tư dự án. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền Quốc hội thì giao Thường vụ Quốc hội quyết định, trường hợp thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội thì giao Chính phủ quyết định.

Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính phối hợp đánh giá chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ công, nợ nước ngoài; triển khai dự án sẽ giảm chi phí đi lại của người dân, chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, làm tăng giá trị gia tăng của đất nước. Các cơ quan đề xuất cơ chế đặc thù khai thác đất, vật liệu xây dựng và phân cấp tối đa cho địa phương trong cấp phép, đánh giá tác động môi trường.

Đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. Ảnh: Anh Duy

Đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. Ảnh: Anh Duy

Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến tốc độ thiết kế 350 km/h. Hướng tuyến cần thẳng nhất để giảm chi phí, đảm bảo tốc độ khai thác, tạo không gian phát triển mới và tiết kiệm chi phí. Tuyến đường sắt nên tránh khu dân cư, đô thị lớn nhưng cần có kết nối phù hợp, đảm bảo ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây, kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các ga có diện tích đủ lớn để phát triển dịch vụ hiện đại, khai thác tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.

Để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc 20/10), công tác thẩm định cần hoàn thành trước ngày 18/10. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10.

Giữa tháng 9, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.

Tổng mức đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải xác định sơ bộ 67,34 tỷ USD. Giá vé dự kiến được chia ba mức phù hợp với khả năng chi trả người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
2 tuần trước - Với ý nghĩa quan trọng của quy hoạch, vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp dự công bố quy hoạch của Bình Dương, Đồng Nai. Không chỉ các tỉnh này mà cả vùng Đông Nam Bộ còn kỳ vọng sẽ mở ra 'xa lộ mới' cho cả vùng phát triển.
2 tuần trước - Góp ý của chuyên gia và bạn đọc về việc chuẩn bị tự chủ nguồn đầu tư để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
1 tuần trước - Dự thảo nêu rõ cử tri, nhân dân thấy thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh chưa được sửa đổi gây tác động không tích cực đến chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.
3 tuần trước - Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Xem tin bài khác
9 phút trước - Quán karaoke ở mặt tiền đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, bất ngờ bốc cháy dữ dội.
9 phút trước - Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của UBND TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang về dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận lên 6-8 làn xe.
42 phút trước - Đến 20 giờ 30 tối nay 18.10, công tác giải cứu người mắc kẹt trong vụ cháy tòa nhà căn hộ cho thuê 7 tầng ở khu vực biển Đà Nẵng đã kết thúc.
57 phút trước - Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng là ông Huỳnh Đức Hòa và ông Đoàn Văn Việt
57 phút trước - Xe thang được huy động đến hiện trường để cứu nhiều người mắc kẹt trên cao. Khoảng 19h30 tối ngày 18-10,...