ttth247.com

Con muốn sắm điện thoại bằng bạn bằng bè, cha mẹ phải làm gì?

Người thì kiên định nói không với điện thoại xịn, cương quyết bắt con xài điện thoại cùi bắp. Người giao điện thoại cũ của ba mẹ cho con xài tạm. Người chiều con, sẵn sàng sắm chiếc điện thoại xịn sò.

Chiều con, đổi điện thoại xịn 

Từ hồi con trai học lớp 9 đến nay là lớp 12, mỗi năm chị Diễm Hạnh (39 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) đều đổi cho con chiếc điện thoại đời mới nhất, giá vài chục triệu. 

Chị Hạnh kể có lúc con đem điện thoại vào lớp học, bị thầy cô bắt gặp nhưng vì cưng con, chị ít khi la rầy.

"Khi về nhà, con thường dán mắt vào màn hình điện thoại. Con lướt mạng, xem video, chơi game, chỉnh ảnh…", chị than.

Đang học lớp 7, con gái chị cũng xài chiếc điện thoại hơn 10 triệu đồng. Có đủ tài khoản Facebook, TikTok..., cô bé thường quay video "sống ảo" như lời em tự nhận.

Nhiều lúc bực bội vì con không nghe lời, cứ chăm chú vào điện thoại, chị la rầy. Sau đó con vẫn vậy. Khổ nỗi chị không nhận thấy vấn đề một phần xuất phát do mình luôn chiều con, và lớn tiếng mắng con: "Đồ cái thứ đua đòi!".

Trường hợp chị Hạnh không phải hiếm. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng sắm cho con điện thoại 20 - 30 triệu đồng để con "ằng bạn bằng bè".

Có con gái đang học lớp 11, chị Thu Hiền (38 tuổi, giáo viên mầm non ở huyện Hóc Môn) cho biết trước đây con xài điện thoại cũ của chị. Nhưng từ hè năm lớp 9, chị đã sắm cho con smartphone hơn 20 triệu đồng. 

"Mua một lần xài hoài nên thôi mua loại tốt cho rồi", chị lý giải.

Hè vừa rồi, con chị lại thỏ thẻ, nhõng nhẽo không được thì khóc lóc, đòi chị đổi điện thoại đời mới hơn. "Nó nói điện thoại đang xài bị chậm, đơ máy. Nhưng tôi thấy nó vẫn lướt mạng ngon ơ".

Tương tự, học lớp 9 con chị M. đã dùng chiếc iPhone 5 cũ của chị với lời hứa đậu lớp 10 trường tốt sẽ thưởng cho chiếc iPhone 12. Vậy nhưng, lúc nào con cũng than "điện thoại cũ hay bị lag" và "bạn con không đứa nào còn xài loại này".

Vì thế, con vừa đậu một trường cấp 3 "có tiếng", chị mừng rơn sắm ngay điện thoại xịn như lời hứa. 

"Giờ suốt ngày cháu chỉ ôm điện thoại suốt ngày đêm và chơi game với bạn bè. Mỗi lần nói tới lại giận dữ, làm mình làm mẩy đòi nghỉ học. Thật sự giờ tôi rất hối hận", chị M. chia sẻ.

Tùy độ tuổi con mà mua điện thoại

Chị Nguyễn Thị Tuyền (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng có con gái đang học lớp 11. Vợ chồng chị mua cho con chiếc điện thoại gần 5 triệu đồng để tiện liên lạc.

Vừa rồi, con nói muốn mua điện thoại xịn hơn nhưng chị giải thích cho con sau này lên đại học, nhu cầu nhiều hơn chị sẽ mua điện thoại mới cho.

Theo chị Tuyền, cha mẹ khi mua điện thoại cho con nên liệu cơm gắp mắm và định hướng cho con cách dùng đúng đắn. Cha mẹ nên thảo luận với con về thời gian sử dụng trong ngày và cần thiết thì yêu cầu con cam kết dùng đúng mục đích.

Có hai con đang học cấp một và cấp 3, anh Minh Tâm (48 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ nên căn cứ độ tuổi, nhu cầu của con để mua điện thoại phù hợp.

Theo đó, lứa tuổi tiểu học chưa nên xài điện thoại. "Mấy bé tuổi này được người nhà đưa đón tận nơi, không có nhu cầu liên lạc với ai. Giáo viên nhắn gọi qua điện thoại cha mẹ là được", anh nói.

Theo anh Tâm, các bé độ tuổi này rất tò mò. Giao cho con chiếc điện thoại kết nối mạng sẽ có nguy cơ bé tìm tới thế giới trò chơi vô bổ, bạo lực…

Từ kinh nghiệm của mình, anh cho rằng mới lên cấp 2, con chỉ nên xài điện thoại với chức năng nghe, gọi là đủ. Mục đích cho con liên lạc với ba mẹ, trao đổi bài vở với bạn bè.

Tuy nhiên, những năm cuối cấp 2, các em có nhu cầu truy cập mạng tìm tài liệu học hành, thi chuyển cấp… nên chiếc điện thoại cùi bắp không còn phù hợp.

Chưa kể, độ tuổi này có những thay đổi tâm sinh lý, thích khoe, thích thể hiện. Vì vậy, cha mẹ có thể tậu cho con chiếc điện thoại thông minh vừa tầm giá, đầy đủ chức năng, không nên lãng phí mua loại đắt tiền.

"Khi con qua cấp 3, bắt đầu trưởng thành, việc dùng điện thoại gì nên để con quyết định, ba mẹ chỉ góp ý. Sắm điện thoại xịn hay bình dân cho con còn phụ thuộc vào khả năng tài chính của ba mẹ. Cái chính là nhắc nhở, tránh các con lệ thuộc quá nhiều, xao nhãng chuyện học hành", anh Tâm nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Họ là những người có thâm niên làm công tác ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) và đã làm tốt nhiệm vụ "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Bởi họ tuân thủ những nguyên tắc vàng.
3 tuần trước - Cứ vào năm học mới lại dấy lên tranh luận về sự tồn tại của ban đại diện cha mẹ học sinh với những ý kiến trái chiều.
2 tuần trước - Cụm từ xã hội hóa giáo dục được sử dụng nhiều thời gian qua khi bàn đến các khoản thu trong trường học. Xã hội hóa giáo dục thực chất là gì, làm sao để không bị biến tướng thành lạm thu, thu chi không đúng quy định là vấn đề nhiều người...
1 tháng trước - Hơn 23 triệu trẻ mầm non và học sinh đi khai giảng, trong năm học cả nước hoàn tất thay chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông.
1 tháng trước - Hơn 23 triệu trẻ mầm non và học sinh đi khai giảng, trong năm học cả nước hoàn tất thay chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông.
Xem tin bài khác
14 phút trước - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 trong đó có ngữ văn, một số học sinh cuối cấp nói nội dung phù hợp với kiến thức đã học trên lớp nhưng sẽ thử thách để đạt điểm cao.
14 phút trước - Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa 17 là thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí năm học 2024 - 2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh chương trình GDTX cấp THPT.
1 giờ trước - Từng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, sinh viên Nguyễn Thị Thương giờ đây đang chuẩn bị tốt nghiệp, bước vào hành trình mới. Để đến được chặng đường hôm nay, một phần nhờ có sự đồng hành của Chương trình học...
1 giờ trước - Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp tin nhắn của giáo viên gửi trong nhóm phụ huynh với nội dung từ chối nhận quà ngày 20/10 và 20/11.
4 giờ trước - Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo từ xa sẽ được cấp học bổng khuyến khích học tập như sinh viên chính quy.