ttth247.com

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em ruột kháng cáo

Ngày 1/10, sau gần hai tháng tuyên án, đã có 25 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC có đơn kháng cáo, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo trình tự phúc thẩm. Các bị cáo phần lớn xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo hoặc giảm trách nhiệm dân sự.

Anh em cùng kháng cáo

Cụ thể, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ mức hình phạt và trách nhiệm dân sự.

Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) và Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) cũng có đơn xin tương tự như anh trai hoặc không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.

Nằm trong nhóm lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn FLC, bị cáo Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn) cùng nhiều bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt.

Về phía nhóm cựu cán bộ thuộc cơ quan Nhà nước quản lý về chứng khoán có bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE) có đơn xin được giảm nhẹ hình phạt; Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) xin hưởng án treo…

Ngoài ra, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường, xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trước đó, đầu tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 3 năm tù tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tổng hợp chung, ông Quyết lĩnh 21 năm tù.

Cùng hai tội với ông Quyết, tòa tuyên Trịnh Thị Minh Huế tổng 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm tù; Hương Trần Kiều Dung 8 năm 6 tháng tù...

Khi tuyên án, cấp sơ thẩm đánh giá ông Trịnh Văn Quyết giữ vai trò chủ mưu tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Cựu Chủ tịch FLC chỉ đạo mua công ty Faros; nâng khống vốn; niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán bán thu lời bất chính.

Bên cạnh đó, ông Quyết cũng chỉ đạo thuộc cấp mượn Chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán; chỉ đạo đặt lệnh mua bán tạo cung cầu giả, thổi giá lên cao chiếm đoạt tiền nhà đầu tư.

Các bị cáo Huế; Nga; Kiều Dung, giữ vài trò giúp sức. Trong đó, Huế là người thực hành phạm tội tích cực nhất, giúp anh trai hưởng lợi bất chính.

39 bị cáo đều là cựu thuộc cấp của ông Quyết hoặc cựu lãnh đạo công ty kiểm toán, người bị phạt thấp nhất 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; người cao nhất lĩnh 11 năm tù về một trong hai tội “Thao túng thị trường chứng khoán” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; có bị cáo phải nhận án phạt cả hai tội danh...

Các bị cáo tại phiên tuyên án sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tuyên án sơ thẩm.

Nhóm cựu cán bộ ngành chứng khoán phạm tội nghiêm trọng

Với nhóm bị cáo thuộc Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), HĐXX tuyên phạt ông Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE) 6 năm 6 tháng tù; Lê Hải Trà (cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết HOSE) 5 năm tù; Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE) 5 năm tù; Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết HOSE) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) bị phạt 36 tháng tù tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Các bị cáo Dương Văn Thanh (cựu tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 24 tháng tù; Phạm Trung Minh (cựu trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 18 tháng tù cùng tội với ông Điền nhưng cả hai đều được hưởng án treo.

Theo tòa đánh giá, bị cáo Trần Đắc Sinh phạm tội "rất nghiêm trọng", giữ vai trò cao nhất trong nhóm cựu cán bộ ngành chứng khoán. Bị cáo có quan hệ với Trịnh Văn Quyết đã gây sức ép cho cấp dưới nên phải chịu mức án cao nhất.

Ông Lê Hải Trà cùng nhóm còn lại không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho Trịnh Văn Quyết được niêm yết cổ phiếu bán cho nhà đầu tư.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp mượn danh nghĩa nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Nhóm ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh. Các hành vi trên tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC.

Tổng cộng, thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư, trừ chi phí thu lợi hơn 600 tỷ đồng.

Ngoài hành vi thao túng 5 mã chứng khoán, Viện kiểm sát còn xác định, ông Quyết có hành vi chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.

Theo đó, Công ty Faros thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 – 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ “khống” cho doanh nghiệp từ 1.197 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Source: 24h.com.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 2 người em gái có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
2 tuần trước - Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đã giải quyết xong 6.407 hồ sơ thi hành án trong vụ Tân Hoàng Minh, còn vụ Vạn Thịnh Phát 'cực kỳ phức tạp'.
1 tháng trước - Bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex, bị viện kiểm sát đề nghị mức án 36 – 42 tháng tù, với cáo buộc sai phạm trong đấu giá đất.
1 tháng trước - Bà Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex, là người duy nhất trong số 11 bị cáo hầu tòa bị tuyên án tù, với cáo buộc sai phạm trong việc đấu giá đất ở Hà Nội.
1 tháng trước - Ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam, bị đề nghị truy tố với cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 24 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp trúng thầu trái quy định.
Xem tin bài khác
38 phút trước - Các cơ quan chức năng thực hiện quyết định khởi tố bị can, khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Trung Thành, cựu Phó chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, tại đường Chu Văn An, P.2, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).
38 phút trước - Trong ngày 24.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo, đại diện hơn 10 quốc gia tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng tại Nga.
1 giờ trước - Chỉ trong khoảng 10 ngày qua, người dân đã phát hiện hai quả bom cùng chủng loại M118-3000 Pound nằm dưới khu vực gần cầu Long Biên, TP Hà Nội.
1 giờ trước - Bão Trà Mi dù đã vào Biển Đông nhưng vẫn tương tác với hoàn lưu cơn bão mới hình thành ngoài Biển Đông.
1 giờ trước - Sau khi đầu độc người tình bằng xyanua, Trang giữ thi thể qua 1 đêm rồi lái xe đi hàng trăm km, trước khi lao ô tô lao xuống vực đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nhằm phi tang.