ttth247.com

Dân số vàng, cơ hội của Việt Nam ở kỷ nguyên số

Những "người bản địa kỹ thuật số" kết nối với thế giới

Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới nhấn mạnh: Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại. Người đứng đầu đất nước tin tưởng, với lực lượng lao động ước đạt 53,2 triệu người vào năm 2025, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin.

Dân số vàng, cơ hội của Việt Nam ở kỷ nguyên số- Ảnh 1.

Tuổi trẻ Hà Tĩnh đã cho ra mắt 12 mô hình kinh tế thanh niên

ẢNH: TÂN KỲ

Thực tế dù chưa nhiều nhưng Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xuất hiện những "kỳ lân" công nghệ (giá trị doanh nghiệp (DN) đạt từ 1 tỉ USD trở lên), có thể kể tới như: MoMo, Sky Mavis, VNG, VNLIFE… Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành "trang trại" tương lai của các start-up "kỳ lân". Đặc biệt, những sếu đầu đàn này là niềm cảm hứng cho phong trào khởi nghiệp từ công nghệ của giới trẻ, vốn sinh ra trong thời đại công nghệ hiện nay.

Dân số vàng, cơ hội của Việt Nam ở kỷ nguyên số- Ảnh 2.

Dân số trẻ thúc đẩy thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam

ẢNH: CTV

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 - 2012) sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đây là thế hệ được xem là "người bản địa kỹ thuật số" bởi họ lớn lên trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội. Công nghệ số được xác định là cuộc cách mạng toàn dân nên muốn chuyển đổi số cần có những công dân có đầy đủ năng lực số để học tập, làm việc, kinh doanh, khởi nghiệp, giải trí… trên môi trường số. Bởi vậy giới trẻ hơn ai hết được xác định là đối tượng tiên phong trong nâng cao năng lực số của bản thân và hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực số.

Thực tế, một xã hội số với những công dân số đã và đang thành hình tại Việt Nam. Kết quả khảo sát giữa đại dịch Covid-19 với các bạn trẻ khởi nghiệp đã cho thấy sự sáng tạo, không lùi bước với những ý tưởng, giải pháp độc đáo hỗ trợ các y, bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch như: robot, mặt nạ, máy thở, máy rửa tay tự động… Cùng với đó, chuyển hướng kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, vận hành; tối ưu hóa công nghệ vào sản xuất ngày càng phổ biến.

Liên minh Nghị viện Liên Hiệp Quốc (IPU) khẳng định Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu khi chúng ta được chứng kiến sự năng động và đổi mới, sáng tạo của giới trẻ. Đặc biệt, Việt Nam có cách tiếp cận về chuyển đổi số với nhiều tiến bộ và giới trẻ là lực lượng đi đầu trong công cuộc này. Nhờ công nghệ số mà thanh niên có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối với thế giới.

"Mở biên" phát triển bằng kinh tế số

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Làng xây dựng và phát triển cộng đồng (Community Village), đánh giá: Việt Nam có nhiều thế mạnh về con người khi đang ở trong thời điểm dân số vàng. Chúng ta có rất nhiều người trẻ ham học hỏi, không ngừng tìm tòi, sáng tạo những điều mới, nhất là trong bối cảnh thế giới số phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tuổi trẻ có khả năng học rất nhanh, và cũng là đối tượng vận dụng, sử dụng các công nghệ mới thành thạo. Hiện nay, phong trào khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ.

Ngay cả các bạn sinh viên, học sinh cũng có thể tận dụng được sức mạnh của internet và sáng tạo để có những dự án, sản phẩm của riêng mình. Các start-up hiện tại đã tạo ra một số ứng dụng công nghệ và các trào lưu công nghệ mới, có tính ứng dụng, chứ không đơn thuần chỉ là ý tưởng hoặc các bản demo. Rất nhiều dự án đã có lượng khách hàng và chứng minh được tính khả thi của dự án. Các start-up Việt Nam đã bắt đầu bắt nhịp được xu hướng chung của thế giới, và cũng tạo ra những sản phẩm cụ thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Dân số vàng, cơ hội của Việt Nam ở kỷ nguyên số- Ảnh 3.

Người dân đăng ký các thủ tục hành chính công trực tuyến

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Dân số vàng, cơ hội của Việt Nam ở kỷ nguyên số- Ảnh 4.

Nhiều cá nhân bán hàng trên mạng kiếm được thu nhập cao

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Tôi đã từng hỗ trợ cho một dự án tạo ra bàn tay điều khiển bằng suy nghĩ từ phương pháp tách sóng não. Những công nghệ như vậy trên thế giới cũng chỉ có một vài đơn vị có thể triển khai được. Hoặc công nghệ có thể tạo ra được hydrogen xanh. Đây là những công nghệ vô cùng khó mà chỉ có một vài tập đoàn vốn hàng tỉ USD trên thế giới mới tạo ra được", ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ đầy tự hào.

Với sự sáng tạo của những người trẻ, nhiều khát vọng, các start-up có triển vọng, đặc biệt là các start-up liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game… liên tục ra mắt. Các chuyên gia khẳng định những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2 - 3 năm tới sẽ có thể lớn mạnh, vươn mình trở thành các "kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nhân dịp Việt Nam đạt cột mốc dân số 100 triệu người, khẳng định con số này gắn trong bối cảnh của thời đại công nghệ là một sức mạnh cấp số nhân của Việt Nam. "Con số 100 triệu dân là một bước chuyển rất có ý nghĩa và cần được ghi nhận. Tôi không biết con số 100 triệu này đã đếm hết người Việt ở nước ngoài chưa, nhưng nói đến người Việt là phải nói đến tất cả người Việt trên thế giới. Và thế giới này là thế giới toàn cầu hóa, thế giới mà người Việt ở chỗ nào cũng đều có thể đóng góp cho Tổ quốc, cho đất nước.

Nhìn theo cách đó thì cứ thêm một người Việt là thêm một nút mạng, một nút hội tụ... Nếu kết nối được đủ các tầng, các tọa độ thì sức mạnh của con số 100 triệu dân sẽ ghê gớm lắm. Đó là sức mạnh tổng thể quốc gia, sức mạnh của hợp lực quốc gia, sức mạnh cộng hưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thế nên, nói dân số đạt ngưỡng 100 triệu người là phải đặt trong khái niệm thời đại mới thấy hết ý nghĩa của nó", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh và lưu ý, khi thành số (kinh tế số) rồi thì biên phát triển là vô tận. Còn nếu vẫn là vật thể, nó sẽ là hữu hạn. Việt Nam đang hội tụ những yếu tố vàng để "mở biên" phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới.

Nhanh chóng tận dụng trước khi dân số già hóa

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh về mặt kinh tế, con số 100 triệu dân đem lại nhiều cơ sở, điều kiện mới tích cực. 100 triệu dân là tiềm năng to lớn cho đổi mới và sáng tạo. Nhiều công dân thì nhiều ý tưởng, nhiều cơ hội cho những thử nghiệm thấm đẫm tinh thần đổi mới và sáng tạo. Dân số đông có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực quan trọng như khoa học, công nghệ, y tế, năng lượng, nông nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.

Đặc biệt, đạt cột mốc 100 triệu người trong thời kỳ "dân số vàng" của nước ta vẫn còn gần 70% dân số trong độ tuổi lao động là lợi thế vô cùng lớn. Thời kỳ dân số vàng là cơ hội có một không hai để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Như vậy, đây là giai đoạn rất tốt để có thể tận dụng tối ưu nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế. Đây cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài.

Dân số vàng, cơ hội của Việt Nam ở kỷ nguyên số- Ảnh 5.

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân

ẢNH: TÂN KỲ

Nhìn từ góc độ thị trường, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam), phân tích: Trong kinh tế, quan trọng nhất là phía cầu nên dân số trẻ yêu công nghệ, thích dùng các thiết bị công nghệ và tỷ lệ cởi mở với mạng xã hội rất cao là lợi thế về mặt tự nhiên rất lớn của Việt Nam trên con đường chuyển đổi số. Cũng nhờ lợi thế này mà chỉ số hạ tầng kết nối số dựa trên tỷ lệ kết nối vào internet, tỷ lệ bùng nổ số lượng thuê bao tăng cao, góp phần giúp Chính phủ điện tử của Việt Nam thăng hạng vượt bậc thời gian qua. Lợi thế thứ 2 của Việt Nam và những nền kinh tế đi sau là không bị dính quá nhiều về phần hạ tầng cũ. So sánh tốc độ chuyển đổi số của các nước phương Tây và Trung Quốc có thể thấy rõ điều này. Các nước phương Tây chuyển đổi số chậm hơn là vì dân số họ già, hệ thống tài chính nặng nề gắn chặt với thẻ tín dụng, rất khó chuyển đổi. Việt Nam có lợi thế của người đi sau trong mảng công nghệ, không phụ thuộc quá lớn vào những di sản về hạ tầng và các DN kinh doanh trong lĩnh vực truyền thống.

Vì thế theo ông Nguyễn Quang Đồng, sẽ có một số ngành Việt Nam đang có lợi thế như mảng truyền thông số. Người trẻ rất năng động trong việc tạo content mới phục vụ cho câu chuyện về tiếp thị số, phục vụ cho sự phát triển của thương mại điện tử. Song song, đội ngũ kỹ sư phần mềm đông đảo, trẻ, sáng tạo còn hỗ trợ rất tốt cho những ngành kinh tế truyền thống chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn.

"Với 100 triệu dân, thời kỳ dân số già của Việt Nam dự kiến sẽ tới vào năm 2036 và thời kỳ cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2039. Chúng ta đang có nguồn lực lớn mạnh nhưng cũng đứng trước nguy cơ suy thoái dân số như một số nước trong khu vực từng trải qua. Chưa kể, lực lượng dân số trẻ này còn phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn với các quốc gia "láng giềng" đang đi trước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Kinh tế số là cuộc chơi toàn cầu, nên Việt Nam cần có những chính sách nhanh, mạnh, kịp thời để tận dụng và phát huy những lợi thế tự nhiên về dân số", ông Đồng lưu ý.

Ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất: Chiến lược phát triển cần lấy trọng tâm là hợp tác với các nước dẫn đầu về mặt công nghệ. Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam cần cơ hội tiếp cận, cọ xát và học hỏi từ những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Để làm được điều đó, cần tích cực tạo môi trường kinh doanh tốt để mời gọi các đối tác công nghệ hàng đầu đến Việt Nam kinh doanh; đồng thời từng bước đưa DN trong nước tham gia vào các mắt xích phù hợp trên chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị thị trường công nghệ toàn cầu.

"Việt Nam cần nghiêm túc ưu tiên cho cải cách thể chế kinh tế thị trường trong nước. Thể chế kinh tế thị trường của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh, năng lực của các thiết chế điều tiết thị trường càng ngày càng bị bỏ lại đằng sau so với mức độ phát triển và tính phức tạp của các ngành kinh doanh. Môi trường kinh doanh, năng lực điều tra hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thiết chế tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế vẫn yếu. Quyền sở hữu tài sản và an toàn kinh doanh của DN vẫn thấp. Cải thiện được các vấn đề này càng nhanh, càng triệt để thì giấc mơ Việt Nam 2045 thịnh vượng sẽ thành hiện thực", vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững". Chỉ tiêu được đặt ra trong lĩnh vực kinh tế số năm 2024 với tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20 - 25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19 - 20%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%. Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20 - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Khảo sát của Dell Technology thực hiện với hơn 15 thị trường trên toàn cầu (15.105 người có độ tuổi từ 18 - 26 phản hồi) tiết lộ phần lớn Gen Z cho rằng "công nghệ phải đóng vai trò trung tâm". Đáng chú ý, 64% Gen Z được khảo sát tin rằng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy lực lượng trẻ này không chỉ rành công nghệ mà còn nhận ra giá trị thực và tin vào tiềm năng của công nghệ liên quan đến việc giải quyết những thách thức xã hội lớn nhất trong những thập niên tới.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - 20 năm (2004 - 2024) tính từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định lấy ngày 13.10 hằng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam, hành trình không dài nhưng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước.
4 ngày trước - Thị trường tài chính đi kèm với những con số khô khan và dữ liệu đầy biến động, nhưng nhiều phụ nữ tài năng và kiên cường vẫn lựa chọn lĩnh vực này để thể hiện bản thân.
1 tháng trước - Chỉ trong một thập kỷ vừa qua, Công ty Cổ Phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) đã trải qua một hành trình phát triển và chuyển đổi, vừa phát huy thế mạnh từ mảng trái phiếu, vừa vun đắp nền tảng cho những mảng kinh doanh...
1 tháng trước - “Quan trọng không phải đích đến mà là hành trình mình đi như thế nào” là câu trả lời đầy hàm ý của ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital trước câu hỏi của “host” Phạm Minh Hương - Chủ tịch VNDIRECT về hành trình 30 năm làm nghề...
1 tháng trước - Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam – Quỹ đầu tư lâu đời nhất và lớn nhất tại Việt Nam, đến talk show The Investors với bộ vest xanh lịch lãm và mái tóc buộc kiểu đuôi ngựa rất đặc trưng. Điểm thú vị...
Xem tin bài khác
5 phút trước - Cục Hàng không Việt Nam quyết định cho khai thác trở lại 4 cảng hàng không, sân bay thuộc khu vực miền Trung.
5 phút trước - Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.
15 phút trước - Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị hướng dẫn người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử như Temu khi chưa được cấp phép xác nhận; tăng cường giám sát, phát hiện kho hàng của sàn thương mại...
26 phút trước - Tờ Washington Post cho biết họ sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Đây là lần đầu tiên tờ báo thay đổi quan điểm sau nhiều thập kỷ.
26 phút trước - Trong thế giới đầu tư, chúng ta thường ngưỡng mộ những cái tên như Jesse Livermore, Warren Buffett hay George Soros,… những huyền thoại đã tạo dựng nên sự nghiệp và khối tài sản khổng lồ. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: “Liệu tôi có thể đạt...