ttth247.com

Danh sách tài khoản ngân hàng 'đen' vào tầm ngắm

Giao dịch lớn, bất thường vào tầm ngắm

Theo Thông tư 17/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7) quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, chậm nhất vào ngày 10 hằng tháng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng - NH) phải cung cấp theo yêu cầu của NHNN thông tin về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo hướng dẫn kỹ thuật kết nối của NHNN.

Danh sách tài khoản ngân hàng 'đen' vào tầm ngắm- Ảnh 1.

Các ngân hàng sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về những tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trong đó, NH phải báo cáo NHNN danh sách khách hàng cá nhân mở và sử dụng tài khoản thanh toán nghi ngờ liên quan đến các hành vigiả mạo, lừa đảo. Thông tin báo cáo gồm các chỉ tiêu như mã khách hàng (CIF), số giấy tờ tùy thân, loại giấy tờ tùy thân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số tài khoản, ngày mở tài khoản, số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, lý do nghi ngờ, trạng thái tài khoản…

Lý do nghi ngờ yêu cầu báo cáo bao gồm thông tin trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán của chủ tài khoản thanh toán không trùng khớp với thông tin của cá nhân đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tài khoản thanh toán nằm trong danh sách được quảng cáo, mua, bán, trao đổi trên các website, hội nhóm trên không gian mạng; tài khoản thanh toán nhận tiền từ nhiều tài khoản thanh toán khác nhau và được chuyển đi hoặc rút ra ngay trong thời gian rất ngắn (không để lại số dư hoặc để lại rất ít).

Đồng thời, tài khoản thanh toán có hơn 3 giao dịch nhận tiền từ các tài khoản nằm trong danh sách có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến lừa đảo, gian lận, giả mạo... Tài khoản thanh toán phát sinh giao dịch bất thường. Ví dụ giá trị, số lượng giao dịch lớn, bất thường không phù hợp với nghề nghiệp, độ tuổi, địa chỉ cư trú, lịch sử giao dịch và hành vi... của chủ tài khoản thanh toán; phát sinh các giao dịch với địa điểm, thời gian, tần suất bất thường... Trạng thái tài khoản phải được ghi rõ đang hoạt động, tạm ngưng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, tạm khóa, phong tỏa, đã đóng.

Từ giữa tháng 6, NH TMCP Quân Đội (MB) đã triển khai tính năng cảnh báo đến khách hàng tài khoản giao dịch đáng ngờ. Theo đó, khi thực hiện thao tác chuyển tiền, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp người nhận là tài khoản lừa đảo. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng chặn các giao dịch lạ, đáng nghi, giúp bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình. Theo đại diện MB, qua tính năng cảnh báo này, trong tháng 7, NH đã cảnh báo được 2.700 giao dịch chuyển tiền. Kết quả có 1.500 khách hàng dừng chuyển tiền.

Trong bối cảnh lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, tính năng cảnh báo tài khoản "đen" do NH triển khai giúp khách hàng bình tĩnh hơn khi thực hiện giao dịch, tránh được những rủi ro lừa đảo. Tính năng phát hiện và cảnh báo lừa đảo là kết quả của sự phối hợp giữa MB và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an. Theo đó, MB cùng A05 cập nhật danh sách tất cả tài khoản tham gia hoặc có liên đới với hành vi lừa đảo trên toàn quốc. Danh sách này hiện có khoảng hơn 3.000 tài khoản, hằng ngày sẽ được cập nhật bổ sung giữa A05 và MB. Khi khách hàng thực hiện chuyển tiền, hệ thống MB sẽ kiểm tra, đối chiếu nhanh để nhận diện tài khoản có nằm trong danh sách khả nghi hay không.

Ngăn chặn lừa đảo nhưng lo lộ thông tin

Theo quy định về luật Phòng, chống rửa tiền, đối với những giao dịch đáng ngờ, NH phải báo cáo lên NHNN. Còn theo Thông tư 17, công tác bảo mật được nâng lên khi chỉ cần là những tài khoản ngân hàng "có dấu hiệu gian lận, lừa đảo" đã phải thực hiện báo cáo. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết việc báo cáo danh sách tài khoản khách hàng theo quy định phòng, chống rửa tiền là điều bắt buộc từ trước đến nay. Ở các nước đều áp dụng nhằm phát hiện khoản tiền tài trợ khủng bố, tham nhũng…

Tại một số nước, NH còn yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về nguồn gốc tiền trong trường hợp số tiền tăng đột biến, những khoản tiền này có được đóng thuế hay chưa... Do đó, theo ông Đinh Trọng Thịnh, quy định báo cáo những tài khoản lừa đảo, gian lận trong nước là cần thiết, đồng thời giúp chủ tài khoản tránh được rủi ro lừa đảo khi NH triển khai cảnh báo. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 17 đề cập những "tài khoản thanh toán nghi ngờ liên quan giả mạo gian lận, lừa đảo" nên NH và NHNN cũng cần lưu ý bảo mật, tránh ảnh hưởng đến chủ tài khoản.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN cũng cần có quy định về ai có thể tiếp cận danh sách tài khoản "nghi ngờ" này nhằm tránh lộ thông tin ra bên ngoài. Theo ông, để thiết lập danh sách các tài khoản "đen" cần có quyết định của tòa án, chứ mới ở trạng thái "nghi ngờ liên quan giả mạo, lừa đảo" mà đưa vào hệ thống cảnh báo tài khoản đáng ngờ thì dễ gây ảnh hưởng đến uy tín của chủ tài khoản.

Ví dụ, một tài khoản vào danh sách "đen" chỉ vì thông tin trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán của chủ tài khoản thanh toán không trùng khớp với thông tin của cá nhân đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cũng nên xem xét lại. Những người quen, đối tác của chủ tài khoản này khi nhận được cảnh báo "tài khoản đáng ngờ" và ngưng giao dịch, lúc này uy tín của chủ tài khoản sẽ bị ảnh hưởng. Trong thực tế, thông tin khách hàng thường bị lộ lọt ra ngoài nên danh sách tài khoản NH cần được bảo mật nhằm đảm bảo quy định pháp luật.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định báo cáo từ NH lên NHNN thì khả năng cao sẽ được bảo mật, thế nhưng việc sử dụng danh sách này như thế nào sau đó, có được chia sẻ trong hệ thống NH hay không lại là một câu chuyện khác. Ở nước ngoài, việc bảo mật thông tin khách hàng được đặt lên hàng đầu, chỉ trong một số trường hợp mới được cung cấp ra bên ngoài. Do đó, cần có quy định ai được phép xem danh sách "đen" này.

Cần có quy định cụ thể tài khoản nào vào danh sách đen, danh sách này được sử dụng như thế nào nhằm tránh gây ảnh hưởng chủ tài khoản.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Với "giấc mơ nguy hiểm" của mình, nhà sáng lập Pavel Durov của Telegram có thể phải đối mặt án tù lên đến 20 năm vì gián tiếp trở thành đồng phạm cho hoạt động buôn ma túy, gian lận, kích động khủng bố...
3 tuần trước - Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Điệp, với tình hình kinh tế xã hội ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát tốt, cộng với yếu tố nâng hạng thị trường, khả năng rất cao việ Fed hạ lãi suất lần này sẽ không gây hiệu ứng xấu cho thị trường chứng khoán...
1 tuần trước - Cuộc phỏng vấn đã đạt được mục đích chính là đưa bà tái xuất trước công chúng Mỹ trong tư cách là ứng cử viên Tổng thống thay vì là Phó tổng thống của ông Joe Biden.
1 tháng trước - "Những kênh phân phối nhiều hàng Trung Quốc nhất là Lazada và Shopee. Với 2 nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc...
1 tháng trước - Xuất hiện một số nhà đầu tư xuống tiền đầu tư thứ cấp vào căn hộ hình thành trong tương lai chờ tăng giá. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Giá vàng hôm nay 20/9/2024 trên thị trường quốc tế tăng mạnh, thị trường kỳ vọng vào chính sách tiền tệ tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
23 phút trước - Tổng hợp toàn bộ tin vắn nổi bật liên quan đến doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
1 giờ trước - Để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà trọ cho thuê, nhiều kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
4 giờ trước - Lãi suất giảm sẽ tác động như thế nào đến hàng nghìn tỷ USD trong các chứng chỉ tiền gửi và tài khoản tiết kiệm lợi suất cao?
4 giờ trước - Nhìn rộng hơn từ đầu năm, thị giá CTP đã “leo dốc” tới 722% chỉ sau chưa đầy 9 tháng, vốn hóa theo đó đạt khoảng 448 tỷ đồng.