ttth247.com

Đau đầu tìm người giữ con để mẹ đi làm lại

Vừa mới rước mẹ từ quê lên ở nhà mình tại Bình Dương, anh Lê Vinh (29 tuổi) cho hay anh đưa mẹ lên sớm cho quen không khí, tháng sau sẽ trông con cho vợ anh đi làm lại.

Người đưa bà lên chăm cháu, người gửi con về quê

Trước đó, vợ anh Vinh ở quê nội gần 5 tháng trời để tiện bề chăm sóc con nhỏ. Mỗi cuối tuần anh Vinh đều từ Bình Dương về quê thăm. Thời gian trôi nhanh, vợ anh sắp hết thời hạn nghỉ thai sản. Hai vợ chồng suy nghĩ, bàn tính, cuối cùng thống nhất chọn cách rước mẹ chồng lên chăm cháu.

Ban đầu vợ chồng anh định vẫn để con dưới quê cho bà chăm. Nhưng họ sợ bà ở quê chăm cháu một mình vất vả, rồi sợ con quấy khóc đòi ba mẹ. Còn nếu thuê người giúp việc, vừa không yên tâm vừa tốn kém. Và thuê được người phù hợp cũng không dễ.

Đưa mẹ anh Vinh lên chăm cháu xét ra cũng tốt cho bà. Ba anh mất đã lâu, chị gái lấy chồng xa. Dưới quê chỉ còn mẹ thui thủi sáng tối, cũng không làm việc gì. Anh bàn bạc với mẹ cho thuê căn nhà ở quê, rồi dọn lên sống hẳn với vợ chồng anh, gần gũi con cháu cho đỡ cô quạnh. Như vậy, vợ chồng anh yên tâm đi làm. Khi nào cháu đi học mầm non, bà sẽ rảnh tay rảnh chân.

Biết kế hoạch của anh, một số đồng nghiệp trong công ty đang trong kỳ thai sản cũng lên tiếng rằng khi nào họ đi làm lại thì đem con qua nhờ mẹ anh giữ giúp. Rồi mỗi tháng họ gửi tiền cho bà, là người quen nên yên tâm hơn. Anh Vinh đồng cảm, nhưng sợ mẹ già cực càng thêm cực. Sau khi hỏi ý kiến mẹ, anh chỉ mới nhận lời giúp một đồng nghiệp.

Nhiều tháng nay, mỗi chiều tối, người trong xóm quen với hình ảnh bà Nguyễn Thắm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang) kẹp đứa cháu bên nách trái, tay phải cầm tô cháo đi vòng quanh xóm. Bà ghé hết nhà này tới nhà kia. "Phải ẵm đi khắp xóm vậy đó, nó mới chịu ăn", bà nói.

Đây là đứa cháu nội đầu tiên của bà Thắm. Sau khi cưới vợ cho con trai, vợ chồng bà mong cháu nhưng "tụi nó lần lựa, không chịu đẻ". Quá sốt ruột, bà đành hứa "đẻ đi, không nuôi được thì gửi về quê má nuôi cho".

Con trai bà làm việc ở TP Vũng Tàu, con dâu làm tại TP.HCM. Hai vợ chồng trẻ chỉ gặp nhau cuối tuần khi chồng chạy xe máy về. Ngày thường bận làm việc, lại không ở chung nên chuyện đem con lên thành phố ngay là điều không thể xoay xở nổi với họ.

"Tôi lỡ hứa rồi nên giờ phải ráng chăm. Hai vợ chồng tụi nó có khi hai, ba tháng không về thăm con. Bây giờ trong xóm chọc vợ chồng tôi ngoài 60 rồi mà còn ráng vớt con út làm gì cho cực", bà Thắm cười nói.

Thuyết phục chồng đưa con đi nhà trẻ sớm

Khi con trai thứ hai được 6 tháng tuổi, vợ chồng chị Trần Thị Hiên (35 tuổi, sống tại Hà Nội) đắn đo rồi thuê một người giúp việc để trông con, mỗi tháng trả 7 triệu đồng. "Trước đó, bà ngoại lên ở với cháu từ khi mới sinh. Nhưng do bà cũng lớn tuổi, không quen sống ở chung cư, ở quê cũng có việc buôn bán nên không trông được thêm", chị chia sẻ.

Hơn nữa, vợ chồng chị từng gửi đứa con đầu lòng về quê cho ông bà ngoại chăm hơn một năm. Nên hai vợ chồng cũng không muốn ông bà thêm cực nhọc sớm hôm, dù ông bà thương và rất chiều cháu.

Để người giúp việc trông con hộ, chị Hiên nhận thấy điều này tốn kém và không thể nào bằng việc cha mẹ dạy con hoặc cho bé đi nhà trẻ. Dù người giúp việc nhanh nhẹn, hiền lành nhưng chị lo lắng về khía cạnh giáo dục con.

Chị giải thích rằng con trong độ tuổi cần sự dạy dỗ chăm chút kỹ lưỡng để hình thành thói quen, tính cách, nhưng "hai vợ chồng bận không chăm con được nhiều. Thôi thì để con lên lớp học, được cô giáo chỉ dạy sẽ tốt hơn. Con lại có bạn bè chơi chung", chị tâm sự.

Khi con được 1 tuổi, chị bắt đầu nghĩ đến việc đưa con đi nhà trẻ. Lúc đầu, chồng chị không đồng ý cho con đi học sớm, định khoảng 2 tuổi mới cho đi. Khi kể với ông bà, ông bà cũng lo lắng. Chị thuyết phục từ từ...

Vậy là họ quyết định gửi nhà trẻ khi con được 14 tháng tuổi. Ban đầu vợ chồng chị cũng lo lắng. Thời gian ngắn sau, con thích ứng tốt. Bé ngoan và hào hứng đi nhà trẻ. Sáng, 8h chồng chị đưa con đến lớp, chừng 16h30 đón về. Chị nói: "Một tháng tiền học của con là 3,5 triệu đồng. Ở nhà trẻ cũng có người khi con được 1 tuổi đã gửi, tình hình ổn".

"Con được rèn tính tự lập, dễ ăn dễ ngủ từ lúc còn ở nhà. Nên khi đi nhà trẻ, con thích ứng tốt. Nhiều người sợ đi gửi nhà trẻ khi con còn quá nhỏ sẽ khiến con dễ ốm đau. Nhưng chúng tôi nghĩ trẻ con hay ốm. Nếu mình để con ở nhà chăm vẫn có thể bị ốm. Mình không nên lo lắng thái quá", chị nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Sau đêm tân hôn, mẹ chồng đã khiến con dâu cảm thấy sốc khi bị bà gọi gọi vào phòng tuyên bố một điều.
1 tháng trước - Lấy nhau với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Minh dần dần có tài sản tích lũy tiền tỷ, xây nhà, mua xe... nhờ có bí quyết chi tiêu.
1 tháng trước - Mở điện thoại xem kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, Kim Thảo tính chạy đi khoe tin vui với mẹ như một thói quen. Nhưng bất giác cô khựng lại, rơi nước mắt vì nhớ ra mình đã không còn mẹ trên cõi đời này.
1 tháng trước - Hai cậu học trò ở Quảng Nam mồ côi cha từ sớm, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua nghịch cảnh để đặt chân đến giảng đường - đó là những tân sinh viên chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ đã gặp gỡ.
1 tháng trước - TP HCM- Thấy người đàn ông xuất hiện trên màn hình điện thoại với đôi mắt, nụ cười giống hệt đứa con trai mất tích đúng ngày đất nước giải phóng, bà Lâm Yến bưng mặt khóc.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Amazon vừa ra quyết định yêu cầu toàn bộ nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày một tuần, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ chế độ làm việc từ xa và quay lại nề nếp làm toàn thời gian tại văn phòng.
11 phút trước - Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 được ví như hành trình kiếm tìm "cảm hứng khởi nghiệp xanh", ưu tiên những ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp thân thiện môi trường, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng.
26 phút trước - Nữ sinh khoa Giáo dục mầm non trường Đại học Vinh cũng vừa giành được danh hiệu lớn tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024.
29 phút trước - Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thanh niên Thừa Thiên-Huế đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…
29 phút trước - Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2011, đến nay anh Kiều Sĩ Nguyên (33 tuổi), thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (TP.Hà Nội), đã có 57 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người.