ttth247.com

Đề xuất dùng ngân sách xây đường sắt tốc độ cao trong 12 năm

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong 12 năm, trung bình 5,6 tỷ USD mỗi năm.

Theo tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết các khoản vay ODA thường đi kèm nhiều điều kiện nên việc sử dụng vốn trong nước sẽ giúp dự án được triển khai linh hoạt và độc lập hơn.

Chính phủ dự kiến hoàn thành dự án năm 2035. Số vốn mỗi năm dành cho dự án chiếm khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay. Số vốn bình quân mỗi năm chiếm 1,3% GDP năm 2023 và 1% GDP năm 2027 - năm dự kiến khởi công dự án.

Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Áp lực 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030 không lớn nên kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối dành cho đường sắt tốc độ cao. "Việc đầu tư dự án này tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác. Các chỉ tiêu tài chính khi đầu tư dự án và từ khai thác quỹ đất sẽ cải thiện nguồn thu, có khả năng cân đối vốn triển khai", Chính phủ cho hay.

Bên cạnh đó, nếu các nhà tài trợ quốc tế cung cấp các điều khoản vay ưu đãi, Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng.

Đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. Ảnh: Anh Duy

Đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. Ảnh: Anh Duy

Để đảm bảo dự án đường sắt cao tốc được triển khai liên tục và đúng tiến độ, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù, cho phép điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công hàng năm. Cơ chế này sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, Thủ tướng cần được quyết định sử dụng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2019 đề xuất hình thức đối tác công tư (PPP) với phần phương tiện, thiết bị của dự án; đầu tư công sẽ đảm nhiệm phần công trình kết cấu hạ tầng. Khi đó, quy mô kinh tế Việt Nam mới đạt 266 tỷ USD, nợ công 56,1% GDP. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp khoảng 37%. Dự kiến đến năm 2027 khởi công dự án, GDP đạt 564 tỷ USD, "nên nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam không còn là trở ngại lớn".

Chính phủ đã nghiên cứu kinh nghiệm 27 dự án đường sắt theo hình thức PPP trên thế giới và nhận thấy không hiệu quả hơn đầu tư công. Việc chuyển rủi ro sang khu vực tư nhân cũng được đánh giá không hiệu quả. Một số nước đầu tư theo phương thức PPP nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc nâng mức hỗ trợ của nhà nước với các dự án PPP lên rất cao. Một số dự án áp dụng hình thức PPP nhưng phạm vi đầu tư chủ yếu là các khu thương mại, nhà ga trung tâm hoặc đầu tư phương tiện khai thác một số đoạn tuyến hiệu quả.

Vì vậy, căn cứ quy mô kinh tế, khả năng huy động vốn, kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ đề xuất đầu tư công xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam để đảm bảo đầu tư thành công dự án.

Hai phương án phân chia dự án thành phần

Hiện có hai phương án phân chia dự án thành phần, trong đó phương án một là đầu tư toàn tuyến, không tách dự án thành phần độc lập mà chỉ chia thành 6 hợp phần. Chính phủ đánh giá phương án này có ưu điểm là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án từ hạ tầng đến thiết bị, phương tiện; thuận lợi công tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm là cần huy động nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị lớn.

Phương án hai là tuyến đường sắt tốc độ cao chia thành bốn dự án thành phần với bốn đoạn gồm Hà Nội - Vinh (281 km); Vinh - Đà Nẵng (420 km); Đà Nẵng - Nha Trang (480 km); Nha Trang - TP HCM (360 km). Phương án này được đánh giá sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần. Nhược điểm là xử lý tích hợp đồng bộ công nghệ giữa các dự án thành phần phức tạp. Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ không thuận lợi, nhiều rủi ro do có nhiều nhà thầu với giải pháp kỹ thuật khác nhau.

Chính phủ đề xuất việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Ước tính, sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 67,3 tỷ USD. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 5,9 tỷ USD; chi phí xây dựng 33,2 tỷ USD; thiết bị 11 tỷ USD; quản lý dự án 0,8 tỷ USD; đầu tư xây dựng 3,61 tỷ USD; chi phí khác 0,9 tỷ USD; dự phòng 11,85 tỷ USD.

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Giữa tháng 9, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Đơn vị tư vấn đề xuất tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành dài 48 km đi qua TP HCM và Đồng Nai, tổng mức đầu tư khoảng 84.752 tỷ đồng.
6 giờ trước - Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không còn là trở ngại lớn.
1 ngày trước - Ngoài 23 ga khách và 5 ga hàng theo thiết kế ban đầu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trên cơ sở đề xuất của địa phương khi nhu cầu vận tải đủ lớn, có thể bổ sung thêm ga trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
1 tuần trước - Bộ Giao thông vận tải đề nghị các bộ và UBND TP.HCM, tỉnh Đồng Nai ý kiến về phương án đầu tư dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài gần 42km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,4 tỉ USD.
1 tuần trước - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa trình TP Hà Nội dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.
Xem tin bài khác
23 phút trước - Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lê Trung Hồ là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận
23 phút trước - Chỉ với dòng thông tin ngắn đăng trên Facebook, chưa đầy một giờ sau, cô gái người Đan Mạch đã tìm được mẹ ruột người Việt Nam sau 23 năm xa cách.
47 phút trước - Sẽ có 8 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được hoành thành các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) trong năm 2024, hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
47 phút trước - Tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu có chiều dài hơn 175km với số vốn đầu tư 80.836 tỉ đồng dự kiến được khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2030.
47 phút trước - Sáng 22-10, tại huyện Mộc Châu, Sơn La, Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La.