ttth247.com

Đời du cư - Bài 1: Tá túc dưới tán phượng già

Họ là những người nhặt ve chai không chốn nương thân, là những tài xế xe ôm công nghệ sống đời du cư. Để hiểu hơn về cuộc sống của những phận đời ấy, chúng tôi đã theo chân họ nhiều ngày, rảo qua bao con đường ở TP.HCM.

 - Ảnh 1.

Các tài xế xe ôm công nghệ tá túc dưới tán cây phượng ở Vincom Cộng Hòa

ẢNH: UYỂN NHI

1 giờ sáng, đi ngang Vincom Cộng Hòa (Q.Tân Bình), chúng tôi thấy chừng 10 chiếc võng "lộ thiên" giăng san sát giữa những thân cây phượng. Đa phần người nằm trên những chiếc võng này là các tài xế chạy xe điện. Do khu vực này có trạm sạc, họ tranh thủ sạc điện cho xe và nghỉ ngơi tại chỗ để tiết kiệm chi phí.

GIẤC NGỦ NHỌC NHẰN

Kim đồng hồ chỉ 1 giờ 30 sáng, bỗng có tiếng xe máy của một thanh niên với dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng thư sinh, chạy thẳng vào trạm sạc. Đó là anh Đặng Thanh Phong (21 tuổi).

Anh Phong quê H.Long Hồ (Vĩnh Long), mưu sinh nơi phố thị cách đây hơn 1 năm. Học xong cấp 3, anh làm công nhân ở quê, thu nhập ổn định, trung bình kiếm được 6 triệu đồng/tháng. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, bị chủ nợ lương, anh thất nghiệp và quyết định lên TP.HCM kiếm việc làm. Anh làm đủ nghề từ bảo vệ chung cư, phục vụ nhà hàng… nhưng cuối cùng trụ lại với nghề chạy xe ôm công nghệ.

"Nhà ở" đầu tiên của anh Phong là dưới tán cây phượng già, cạnh đường chính. Mọi sinh hoạt cá nhân, anh sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Anh Phong nhớ như in hôm đầu tiên mới "đóng đô" dưới tán cây phượng, anh dường như thức trắng đêm vì tiếng xe cộ, tiếng ngáy của các đồng nghiệp, muỗi vo ve và tiếng chuột chạy.

Không thuê trọ, giấc ngủ của anh Phong luôn trong cảnh chập chờn. Có lần anh chở khách từ đêm đến rạng sáng hôm sau, khiến anh chóng mặt và mệt muốn xỉu. Những lần như vậy, anh "bấm bụng" vào quán cà phê, thuê giường tầng để "mua ngủ", giá 60.000 đồng/ngày.

Theo hướng dẫn của anh Phong, vào phần mềm Google Maps, chúng tôi dễ dàng tìm được 200 "trạm ngủ" như vậy ở TP.HCM. Giá dao động từ 40.000 - 60.000 đồng, tùy nằm võng hay giường tầng, có máy lạnh hay không. Tôi chọn thử combo ngủ đêm 50.000 đồng, có dịch vụ sạc pin xe điện, tắm rửa, được giữ xe qua đêm, nước ngọt và võng ngủ.

Nhấp ly cà phê đậm đặc, anh Phong trầm ngâm nhìn xe cộ chạy rồi thủ thỉ với chúng tôi: "Không ai thích cuộc sống lang bạt, không có nơi an cư ổn định. Vì tính chất công việc và tiết kiệm tiền nên tôi đành chấp nhận".

 - Ảnh 2.

Ông Việt sống du cư hơn 5 năm nay

ẢNH: UYỂN NHI

Cũng như anh Phong, anh H.T.H (32 tuổi, quê H.Ninh Kiều, Cần Thơ), là tài xế chạy xe ôm công nghệ, nói rằng hơn 1 năm làm nghề, mắt anh lúc nào cũng lờ đờ, mệt mỏi vì những giấc ngủ chập chờn. Anh H. kể, nghề này ngồi trên xe mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ nên đau nhức kinh khủng, nhất là vùng vai, tay và lưng. Rồi tối về, anh nằm võng, chật chội khó trở mình nên ê ẩm cả người. Anh kéo hờ áo, chỉ vào vùng cổ, vai và sống lưng. Anh nói hay thoa dầu và cạo gió ở đây cho đỡ đau.

HIỂM NGUY RÌNH RẬP

Việc "mua ngủ" qua đêm cũng thường trực bất an của những mảnh đời du cư. Nén tiếng thở dài, anh Phong chia sẻ về cái khó của nghề: "Chúng tôi gặp nhiều nguy hiểm, nhất là bị trộm cắp. Có lần tôi sạc xe ở một quán cà phê tại Q.Gò Vấp, ngủ say quá nên bị trộm lấy mất cục sạc. Mấy anh em ngủ trong quán còn bị mất điện thoại nữa. Bây giờ mình rút kinh nghiệm, mua ổ khóa để khóa lại".

Một tài xế khác đang nằm trên võng nghe vậy cũng góp giọng: "Đúng rồi! Không những trộm cắp, anh em tài xế đi làm còn bị lừa nữa. Khách đặt chuyến, mình chở tới đúng địa điểm rồi thì khách xin đi thêm một đoạn nữa, ai ngờ đó là khu đất trống. Ở đó có thêm đồng bọn của họ nữa, lấy sạch tiền bạc với điện thoại của mình. Vả lại, đi làm mình bị khách chửi và sàm sỡ là chuyện thường gặp. Nhưng phải chịu chứ biết sao giờ, lỡ người ta đánh giá mình sao thấp, mà mỗi lần rớt hạng phải chạy khá lâu mới trở lại được vị trí ban đầu".

Không khó để bắt gặp hình ảnh những phận đời không chỗ an cư ổn định. Dừng chân ở quán nước trên đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức), chúng tôi gặp một người đàn ông đang nằm cuộn tròn trên chiếc võng ở phía đối diện. Kế bên là chiếc xe máy Dream đời cũ với nhiều túi ni lông móc đầy hông xe.

Lân la hỏi chuyện, chúng tôi ngỏ ý mời ông cà phê. Hỏi tên, ông nói tên Nguyễn Quốc Việt, năm nay 42 tuổi. Ông quê Sóc Trăng, lên TP.HCM mưu sinh từ tuổi đôi mươi, khi đường Võ Văn Ngân còn là con đường đất đỏ. Ông Việt có vợ và một người con trai 16 tuổi, sau đó cũng chia tay.

Ông Việt không kể sâu chi tiết những ngày đầu mới lên TP.HCM thế nào, nhưng nhớ những công việc từng làm qua: thợ hồ, bốc vác… rồi bây giờ là nhặt ve chai. Bươn chải ở chốn thị thành hơn 23 năm, ông Việt gửi giấc ngủ ở cánh võng hơn 5 năm nay.

Hỏi ra mới biết vì sao ông Việt lại nằm cuộn tròn trên chiếc võng, bởi nằm như vậy để đề phòng trộm cắp. Lúc trước, ông ngủ ở vỉa hè gần ngã tư Thủ Đức, nhưng chỉ trong 2 tháng ông đã bị trộm lấy 1 chiếc điện thoại và xe đạp.

 - Ảnh 3.

Ông Việt luôn để đồ đạc cạnh mình vì sợ bị trộm

ẢNH: UYỂN NHI

Ông buồn rầu kể: "Tôi dành dụm mua được điện thoại giá 900.000 đồng. Mới mua được 3 ngày thì mất cái vèo. Chán quá, tôi chuyển qua chỗ khác ngủ thì mất luôn xe đạp, cứ hở ra là mất không còn gì hết. Tính ra nhặt ve chai cả tháng cũng không bù lại nổi, ăn không dám ăn mà mất đồ hoài. Nghĩ đến lại thấy đau. Chiếc xe máy tôi đang đi được người cháu dưới quê cho, bây giờ ngủ ở đâu cũng sợ mất nên phải để sát bên mình".

Hướng ánh mắt về phía tôi, ông Việt dặn dò: "Con đi khuya như vậy có mang điện thoại hay tiền bạc thì nhớ cẩn thận kẻo bị móc mất".

Ông Việt kể, lúc trước ở khu này có nhiều người ngủ, từ các cánh chạy xe ôm đến những người buôn gánh bán bưng, nhưng bị trộm nhiều quá nên mỗi người tản ra ngủ một nơi.

Tôi ngỏ ý xin theo ông Việt đi nhặt ve chai vài buổi. Ông lắc đầu nguây nguẩy, cười nói: "Nghề này chua lắm, con làm không nổi đâu. Đội nắng mưa đi cả ngày mà có được bao nhiêu đâu. Đêm về ngủ không ngon do sợ trộm cắp nữa".

Hỏi về ước mơ của mình, ông Việt cười hiền: "Tôi không có tính toán trước gì hết. Nếu có thể ước, tôi ước mình sau này có tiền để giúp đời, giúp người". Nghe ông nói, lòng tôi không khỏi xúc động. Giữa cuộc sống bộn bề, đầy lo toan, thật hiếm thấy một người không mưu cầu cho bản thân mà lại mong ước làm điều tốt đẹp cho người khác…

Sau nhiều ngày theo chân và chứng kiến cuộc sống bấp bênh của những người lao động du cư, chúng tôi chỉ mong một ngày đó họ sẽ tìm được nơi an cư ổn định và hưởng một cuộc đời an lành, hạnh phúc. (còn tiếp)

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đứng trước biến đổi khí hậu, những cú sốc thiên tai như bão Yagi (bão số 3) thì chúng ta phải tư duy lại với rừng và bảo vệ rừng.
1 tháng trước - Cuồng phong Haiyan vừa càn quét qua thành phố Tacloban (tỉnh Leyte, Philippines) vào sáng ngày 8-11-2013, sự thảm khốc và sụp đổ hệ thống đã tràn ngập khắp nơi.
1 tháng trước - Mưa lớn do ảnh hưởng sau bão số 3 gây ra lũ lụt, sạt lở đất khắp các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn... khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn gia đình phải rời nhà trong đêm đi sơ tán chạy lũ.
1 tháng trước - Nước sông Hồng dâng nhanh, tràn vào khu dân cư ven sông ở quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm; chính quyền hạn chế xe tải qua cầu Chương Dương, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên.
3 tuần trước - Tiếng mưa lộp độp vang lên từ rừng cọ. “Có mưa, chắc sẽ mưa to”, tiếng người lao xao ngay trước điểm trường Làng Nủ. Hàng đêm, mọi người cứ bàn luận “tối ngủ tại trường học hay về nhà?”. Người Làng Nủ vẫn chưa hết sợ. Thôn Làng Nủ là một...
Xem tin bài khác
26 phút trước - Một phiên đấu giá đầy kịch tính và kết thúc cũng gây bất ngờ với giá chốt cho 159.000m3 cát lên tới 370 tỉ đồng. Điều đáng nói màn đấu giá này xuyên ngày đêm, bắt đầu từ sáng 18-10 và kết thúc lúc tảng sáng ngày hôm sau.
1 giờ trước - Nghệ An- Trở về quê sau nhiều năm làm thuê, ông Trần Bá Định sốc khi ngôi nhà cùng mảnh đất rộng 80 m2 bị xã thu hồi làm trường mầm non mà không thông báo.
1 giờ trước - Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, tòa án các cấp đã tổ chức xét xử “đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không...
1 giờ trước - Việc xác minh tài sản của 14 cán bộ lãnh đạo, nhân viên các cơ quan thuộc UBND TP Nha Trang và doanh nhân liên quan là do có liên can các gói thầu đầu tư xây dựng có dấu hiệu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
1 giờ trước - Định hướng thành trung tâm năng lượng miền Trung vào 2030, tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị Bộ Công Thương bổ sung thêm 4.100 - 6.000MW điện gió trên bờ và ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII.