ttth247.com

Dọn 'ổ xanh', đón 'đại bàng'

Có một thực tế là dù giai đoạn hậu Covid-19 khó khăn chồng chất, các khu công nghiệp sinh thái khu vực phía nam vẫn "sống khỏe" với các hợp đồng liên tiếp từ các nhà đầu tư lớn nước ngoài… Mô hình khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp xanh đang là vũ khí giúp Việt Nam thu hút FDI chất lượng, FDI thế hệ mới.

Dọn 'ổ xanh', đón 'đại bàng'- Ảnh 1.

Dọn 'ổ xanh', đón 'đại bàng'- Ảnh 2.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

ẢNH: NGUYỄN LONG

Các khu công nghiệp xanh "đắt hàng"

Cuối tháng 4, Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Tập đoàn công nghệ BOE, Trung Quốc) khởi công dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hơn 275 triệu USD tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Dự án hoàn thành lắp ráp và sản xuất ti vi, màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy vi tính, linh kiện điện tử và cấu kiện nhựa với công suất trên 134,7 triệu sản phẩm, doanh thu ước tính 1 tỉ USD/năm và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Phát biểu tại lễ khởi công, đại diện Tập đoàn BOE Bắc Kinh nhận định: Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 nằm trong vòng tròn công nghiệp TP.HCM, có vị trí địa lý đắc địa và liền kề cảng Cái Mép - cảng nước sâu và lớn nhất Việt Nam. Sau khi sân bay Long Thành hoàn thành, Phú Mỹ 3 chỉ còn cách sân bay quốc tế 45 km, khiến lợi thế về vận tải trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, đây là khu công nghiệp sinh thái, thông minh kiểu mẫu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, phù hợp chiến lược phát triển bền vững của BOE. Đó chính là một trong nhiều nguyên nhân nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất Trung Quốc, đang là đối tác của Apple và Samsung, chọn Phú Mỹ 3 làm "căn cứ" cho dự án của mình.

BOE chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 từ đầu năm đến nay. Trước đó, khu công nghiệp này đã được "chọn mặt gửi vàng" để thực hiện các dự án của Tập đoàn Tosoh, chuyên sản xuất hóa chất cơ bản và dự án sản xuất thực phẩm của Tập đoàn Showa, đều đến từ Nhật Bản.

Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công.

TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

Chưa hết nửa đầu năm 2024, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã đón làn sóng đầu tư gần 1 tỉ USD. Các doanh nghiệp đa số là tập đoàn đa quốc gia, có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Lãnh đạo Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho biết hiện còn nhiều nhà đầu tư vào đây đang trong quá trình làm thủ tục, sắp được cấp phép trong thời gian tới với tổng vốn đăng ký thêm 425 triệu USD. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút vào Phú Mỹ 3 vượt mức 4 tỉ USD. Với đà này, đến năm 2027, tổng vốn vào khu công nghiệp chuyên sâu này có thể đạt trên 6,7 tỉ USD, đạt tỷ suất thu hút đầu tư trung bình 9 - 10 triệu USD/ha đất cho thuê. Đây là một con số rất ấn tượng tại Việt Nam.

Không chỉ khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam, các khu công nghiệp định hướng phát triển xanh, hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái cũng đang ghi nhận bức tranh kinh doanh rất sáng, dồn dập đón những hợp đồng triệu USD. Đơn cử, ngay sau khi gặp gỡ các đối tác Việt Nam, Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các khu công nghiệp xanh tại Bình Dương. Cũng tại Bình Dương, Becamex IDC liên danh với các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development dẫn đầu, đang đầu tư Khu công nghiệp VSIP III tại thị xã Tân Uyên. Với mô hình khu công nghiệp xanh, VSIP III đã thu hút được dự án của Lego (Đan Mạch) với vốn đầu tư 1,3 tỉ USD và Pandora với vốn đầu tư 150 triệu USD.

Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc phát triển mô hình cụm công nghiệp net zero tại Bình Dương. Trong đó, Tập đoàn Gia Định (Việt Nam) và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) đang hợp tác để chuẩn bị xây dựng Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (H.Phú Giáo, Bình Dương), với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.

Trong khi đó, tại TP.HCM, khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Phạm Văn Hai II (289 ha) ở H.Bình Chánh cũng được định hướng xây dựng thành khu công nghiệp xanh, sinh thái. Lập tức, hàng loạt nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM xin đăng ký làm nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Logos, Techtronic Industries, Goldman Sachs, Einhell, Quantum…

Xu hướng tất yếu và cấp bách

Có thể thấy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất quan tâm mục tiêu phát triển bền vững, tìm kiếm các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nên, phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới như khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái… tạo cơ hội rất lớn để thu hút những "đại bàng" có định hướng phát triển xanh, bảo vệ môi trường...

"Nếu trước đây, doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống như sản xuất, bất động sản, tài chính, thì gần đây đã có sự thay đổi khi họ tập trung đầu tư nhiều hơn vào các dự án kinh tế xanh, thông minh. Xanh gần như là yếu tố tiên quyết để họ đưa ra quyết định đầu tư", TS Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông, trao đổi với báo giới trong cuộc gặp gỡ hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam tìm cơ hội đầu tư hồi đầu tháng 8 vừa qua. Phái đoàn của ông Jonathan Choi gồm khoảng 30 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông hoạt động trong các lĩnh vực như tài chính và bảo hiểm; đổi mới và công nghệ; dịch vụ; năng lượng…

Dọn 'ổ xanh', đón 'đại bàng'- Ảnh 3.

Một góc khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bình Dương)

Ảnh: Đỗ Trường

Theo ông Jonathan Choi, khi Việt Nam chú trọng vào việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát thải ròng bằng 0, các doanh nghiệp Hồng Kông, Trung Quốc cũng hiểu rằng đây là cơ hội để đầu tư vào các ngành như sản xuất xe điện, sản xuất các thiết bị, máy móc tiết kiệm năng lượng, pin dự trữ năng lượng tái tạo…, đặc biệt là đầu tư vào các khu công nghiệp xanh, thông minh.

Không chỉ doanh nghiệp Hồng Kông, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp của Singapore, Đan Mạch, Mỹ… khi đến các tỉnh Đông Nam bộ tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng đều chuyển hướng sang các dự án xanh như khu công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam thông tin kinh tế xanh là một trong 3 lĩnh vực đang hấp dẫn nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam, bên cạnh logistics và kinh tế số. Họ mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo, với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dữ liệu từ khảo sát của Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cũng chỉ ra 87% khách thuê bất động sản được khảo sát trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đang nhắm mục tiêu danh mục đầu tư được chứng nhận xanh 100% vào năm 2030, tăng từ 4% danh mục đầu tư được chứng nhận hiện nay. Tâm lý này đặc biệt rõ ràng ở các quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan, với hơn 95% khách thuê bất động sản nhắm mục tiêu 100% danh mục đầu tư được chứng nhận xanh.

Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) Vương Thị Minh Hiếu chia sẻ: Trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, là điều kiện cần để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2025 - 2030 của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Điều này càng đòi hỏi hơn nữa về việc đáp ứng xu hướng xanh, phát triển bền vững để thu hút các "đại bàng" trên thế giới về "làm tổ". Đồng thời, chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021 - 2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

"Có thể nói, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình xanh, sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Khu công nghiệp xanh sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững", bà Vương Thị Minh Hiếu nhấn mạnh.

Đã xác định đường phải đi, chính sách không thể mãi "băn khoăn"

PGS-TS - kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên, Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Đô thị xanh, khẳng định dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc xanh hóa nền kinh tế của đất nước. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi. Họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Dọn 'ổ xanh', đón 'đại bàng'- Ảnh 4.

Khu công nghiệp Quang Minh(H.Mê Linh, Hà Nội)

Ảnh: Phạm Hùng

Các nhà đầu tư FDI lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xanh, đang đặt ra yêu cầu cao về tiêu chí môi trường, công nghệ và hạ tầng xã hội trong quá trình đầu tư. Điều này thể hiện mong muốn của họ đầu tư vào các khu công nghiệp không chỉ với mục tiêu thuận lợi về vị trí địa lý và quy mô, mà còn là khả năng đáp ứng được các tiêu chí xanh và thông minh thể hiện qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, quản lý năng lượng thông minh, chuẩn mực bảo vệ môi trường cao và coi trọng người lao động. Do đó, phát triển các ngành công nghiệp xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút cạnh tranh đầu tư.

Theo ông Hoàng Mạnh Nguyên, mô hình khu công nghiệp chuyên sâu như Phú Mỹ 3, các dự án khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh mà nhiều địa phương đã và đang định hướng phát triển cho thấy tầm nhìn chiến lược của cả Chính phủ cũng như nhà đầu tư về việc phát triển công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập. Thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp xanh, sinh thái vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về khu công nghiệp xanh - thông minh đang được quy định rải rác trong nhiều bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn.

Đặc biệt, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất hay các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất cho lĩnh vực này chưa có, khiến việc áp dụng thực tế hiện còn mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào khả năng cũng nhu cầu riêng của doanh nghiệp.

"Thực tế, việc thu hút đầu tư và khai thác quỹ đất công nghiệp hiện có là chưa hiệu quả. Qua những số liệu thực tiễn có thể nhận thấy việc xác định quỹ đất phát triển công nghiệp còn thiếu khoa học, chưa phù hợp tiềm năng, xu thế phát triển công nghệ, nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp… Nhiều quy hoạch phát triển công nghiệp ở các địa phương còn được tính toán khá duy ý chí và định tính mà không dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, mục tiêu phát triển ngành. Chưa kể, môi trường kinh doanh toàn cầu đang chuyển hướng về phát triển khu công nghiệp sinh thái, xanh, nhưng nhiều quy hoạch phát triển khu công nghiệp tại các địa phương vẫn giữ nguyên cấu trúc truyền thống chưa được cập nhật, không theo kịp xu thế phát triển của thế giới, không tích hợp được các tiêu chí, tiêu chuẩn mới", TS Hoàng Mạnh Nguyên chỉ rõ.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nhấn mạnh rủi ro về mặt hành chính tác động vào thị trường rất cao. Nếu kéo dài những thách thức như vậy, nền kinh tế thị trường rất khó phát triển.

Theo ông Thiên, Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành: từ ngành phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải. Đây là cơ hội có một không hai để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu. Trong quá trình này, chủ trương từ Chính phủ với địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm. Chúng ta đã có xu hướng hành động tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Chính sách hiện nay có lối mở nhưng khi thu hút công nghệ cao vào thì lại đặt ra những thách thức về thể chế. Trong khi đó, áp lực lớn nhất trong cuộc chuyển đổi lần này chính là yếu tố tốc độ.

"Quy mô kinh tế thế giới đã rất khổng lồ mà còn chịu áp lực tốc độ thì thách thức rất lớn, chúng ta không thể cứ "thong thả" mà làm được. Chính sách phải rõ ràng, khác thường, không chỉ khuyến khích theo kiểu truyền thống. Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công", TS Trần Đình Thiên nói.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Từ ngày 16/9, nền tảng gọi xe trực tuyến Gojek chính thức dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nhiều tài xế đang vật vã tìm bến đỗ mới.
1 tháng trước - Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiềm chế việc mua vàng dự trữ trong tháng thứ tư liên tiếp. Vậy thời gian tới, giá kim loại quý này sẽ biến động ra sao?
1 tuần trước - =Nửa đầu năm nay, Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương phát hành riêng lẻ hơn 14.960 trái phiếu, thu về khoảng 1.500 tỷ đồng. Công ty TNHH Aqua City Hòa Bình huy động được 400 tỷ đồng trái phiếu; trong khi đó nhiều doanh nghiệp tiến...
1 tháng trước - Tháng 9 không chỉ là mùa đẹp nhất trong năm của Hà Nội, mà còn gắn với những dịp nghỉ lễ cả gia đình mong chờ.
1 tháng trước - Dân buôn tiết lộ đuôi tôm hùm Úc thượng hạng giá rẻ có thể là hàng sắp hết hạn sử dụng hoặc hàng bị lỗi. Trong khi đó, mức giá của các loại thịt ngoại nhập về Việt Nam khiến nhiều người phải giật mình vì quá rẻ.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam).
11 phút trước - Nếu người lao động bị sa thải, đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì không hợp lý
11 phút trước - Chiều 21/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Phosay Sayasone, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 19-21/10.
11 phút trước - Doanh nghiệp xuất khẩu không nên tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại… nhằm tránh cho hàng hóa Việt Nam bị 'vạ lây'...
12 phút trước - Tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, sự phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế Trung Quốc, và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5-11 là những yếu tố tác động đến kinh tế khu vực ASEAN.