ttth247.com

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích

Đó là hành trình tìm về nguồn cội của ông Nguyễn Thành Công (47 tuổi, ngụ Bình Dương), khiến nhiều người chứng kiến không giấu được những giọt nước mắt xúc động.

Ông đã đoàn tụ gia đình thế nào?

Em ơi, em ở nơi nào…

Những ngày tháng 8, ông Phạm Quốc Tuấn (52 tuổi, ngụ TP.HCM) và vợ quyết tâm tìm lại hai người em ruột đã được cha mẹ cho đi gần nửa thế kỷ trước.

Niềm khao khát đó luôn ám ảnh trong tâm trí người đàn ông từ thuở ấu thơ, như ngọn lửa âm ỉ cháy suốt bao nhiêu năm nay bỗng bùng lên dữ dội.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 1.

Ông Công (áo trắng) thắp nhang trước bàn thờ cha mẹ ruột sau 47 năm

Tìm đến anh Tuấn Vỹ, chủ kênh "Tuấn Vỹ kết nối yêu thương" trong việc hỗ trợ các trường hợp tìm lại thân nhân, ông Tuấn kể về chuyện gia đình mình. Câu chuyện này, góp nhặt từ ký ức của người đàn ông từ thuở lên 5, 6 tuổi cũng như từ lời kể của cha mẹ quá cố.

Rằng năm 1977, cha ông, cụ Phạm Văn Nghĩa là thành viên của một đoàn hát cải lương. Mẹ ông là bà Bùi Thị Nghĩa dẫn theo ba người con (tên thường gọi Gái, Tuấn, Thủy) cùng chồng đi theo đoàn hát, rày đây mai đó biểu diễn ở nhiều đình, miễu để kiếm sống.

"Thời điểm đó, mưa gió khó khăn, thêm nhiều chuyện khác mà khi biểu diễn ở vùng Lái Thiêu, Bình Dương thì đoàn gãy gánh, nhiều người tản đi khắp nơi. Cũng có những người trong đoàn ở nhờ ngôi đình tại Lái Thiêu, đi mót lúa, mót khoai ăn qua cơn đói", ông Tuấn thuật lại lời kể của cha mẹ.

Năm này, mẹ ông mang thai và sinh ra người con trai thứ tư đặt tên là Sơn. Vì đoàn hát tan rã, cuộc sống gia đình gặp khó khăn, không còn cách nào khác cụ Nghĩa đứt ruột cho đi hai người con là bà Thủy (mới 2 tuổi) và người con trai vừa sinh được 18 ngày tuổi. Sau đó, có người 2 gia đình đến nhận nuôi 2 người em của ông Tuấn.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 2.

Ông Tuấn (trái) tìm lại hai người em được cho đi năm xưa. Đây là khoảnh khắc ông Tuấn đối chiếu thông tin cùng ông Công, với sự kết nối của anh Tuấn Vỹ

Ông Tuấn vẫn còn nhớ người em trai của mình được một phụ nữ nhận nuôi chở đi bằng xe máy, còn người em gái được chở đi bằng xe ngựa.

Ông và chị lớn là bà Gái nhìn người ta mang em mình đi mà khóc nức nở: "Trả lại em cho con! Trả lại em cho con!". Để rồi hình ảnh đó ám ảnh trong tâm trí của hai chị em từ thuở ấu thơ cho tới tuổi này, khi đầu đã hai màu tóc.

Sau đó không lâu, gia đình ông Tuấn để lại những ký ức đau buồn ở mảnh đất Lái Thiêu đi nhiều nơi làm ăn, kiếm sống. Cuối cùng, họ về TP.HCM để ổn định cuộc sống đến tận bây giờ, dẫu phải trải qua nhiều thăng trầm, cơ cực.

Ở đây, cụ Nghĩa và vợ có thêm hai người con trai, một người được đặt tên Sơn, như một cách nhắc nhớ của gia đình về người con trai 18 tháng tuổi được cho đi ngày nào, người con út tên Hải.

Niềm khao khát tìm lại các con luôn ám ảnh trong tâm trí mẹ ông Tuấn cho tới những ngày cuối đời, khi cụ bà mất gần 5 năm về trước.

Còn cụ Nghĩa mất sớm, nay ngót nghét cũng đã gần 10 năm. Họ đã bắt đầu tìm lại các em từ nhiều năm nay, nhưng không có kết quả, cho tới nay, hành trình đó lại tiếp tục bắt đầu.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 3.

Sau khi đăng tin, gia đình ông Tuấn xác nhận ông Công chính là người em trai thứ tư tên Sơn thất lạc của mình bởi tất cả các thông tin đều trùng khớp. Họ có cuộc đoàn tụ tại Bình Dương đầy xúc động

"Em ơi! Em ở nơi nào?", câu hỏi gửi tới hai người em thất lạc đã khiến cho tất cả các anh chị em trong gia đình ông Tuấn không thôi ám ảnh và day dứt.

"Hơn cả trúng số, hơn cả lụm được vàng!"

Sau khi câu chuyện được chia sẻ lên kênh YouTube "Tuấn Vỹ kết nối yêu thương", chỉ vài giờ sau, gia đình của ông Tuấn đã nhận được tin mừng. Theo đó, ông Nguyễn Thành Công (47 tuổi), hiện đang sống ở Bình Dương rất có thể là em trai ruột tên Sơn cha ông được cho đi năm xưa.

Thông qua một cuộc gọi video, với sự dẫn dắt của anh Tuấn Vỹ, cụ Đặng Thị Kim Hương (77 tuổi), đã kể lại câu chuyện nhận nuôi ông Công ngày đó. Diệu kỳ thay, tất cả các thông tin, diễn biến xảy ra đều trùng khớp với hoàn cảnh gia đình ông Tuấn tới khó tin.

Nhắc lại chuyện xưa, cụ Hương cho biết, thời điểm nhận ông Công làm con nuôi, vợ chồng bà đã kết hôn 4 năm nhưng vẫn chưa có con. Một ngày, khi đang làm rẫy, bà nghe tin có gia đình gánh hát rong bị rã đoàn, đang tá túc tại đình Tân Thới, nay thuộc P.Lái Thiêu, TP.Thuận An (Bình Dương) có ý định cho con vì cuộc sống quá khó khăn.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 4.

Cụ Hương là mẹ nuôi ông Công xúc động kể lại câu chuyện

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 5.

Bà Gái (cầm micro) òa khóc, bày tỏ sự biết ơn với cụ Hương vì đã nuôi em trai mình bằng tất cả tình yêu thương

Hay tin, cụ cùng chồng mang theo ít tiền và gạo, mua sắm quần áo sơ sinh và cả bình sữa tức tốc chạy đến ngỏ ý muốn xin con nuôi. "Đứa trẻ lúc đó còn chưa rụng rốn, tôi ôm lấy con từ tay cha ruột còn người mẹ thì chỉ quay mặt vào tường khóc nức nở. Tôi còn thấy một bé gái khác lớn hơn cũng được cho, con bé da trắng, nhìn dễ thương lắm", cụ Hương kể.

Có con là niềm hạnh phúc lớn lao, vợ chồng bà yêu thương chăm sóc như con ruột. Tuy những ngày đầu đứa trẻ "lạ hơi" khóc suốt đêm nhưng càng lớn lại càng hiếu thảo và yêu thương cha mẹ.

Người mẹ nuôi cho biết, kể từ khi nhận ông Công về nuôi, bà đã luôn coi ông là con đẻ của mình nên dành cho con tất cả tình yêu thương. Vì thế, cụ bà không dám nói ra sự thật.

Người mẹ nuôi cho biết, hàng xóm cũng có lời ra tiếng vào khiến ông Công nhiều lần hỏi bà về câu chuyện của mình, tuy nhiên cụ Hương luôn phủ nhận ông là con nuôi.

Cho đến gần đây, khi biết tin có người đang tìm con trai mình bà mới gọi con lại kể chuyện năm xưa. "Chồng tôi mất rồi và tôi cũng chỉ có một mình Công là con nên nghĩ để con tìm về gia đình, có anh có em thì khi tôi mất đi rồi con đỡ tủi thân", bà cụ nói.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 6.

Sau khi hội ngộ ở Bình Dương, cụ Hương cùng gia đình ông Tuấn đến ngôi đình năm xưa thắp hương

Từ khi lớn lên, ông Công kể mình có một tình yêu đặc biệt với âm nhạc, đàn hát ca cổ, âm thanh. Ông luôn thắc mắc mình sinh ra trong một gia đình bình thường, không liên quan tới nghệ thuật nhưng không hiểu vì sau có "máu" văn nghệ này. Tới nay, dường như mọi thắc mắc đã được lý giải phần nào.

Không còn gì để bàn cãi, gia đình cho biết với những thông tin đối chiếu, ông Công đích thực là người thân của ông Tuấn. Vợ ông Tuấn tâm sự bà không còn từ nào để diễn tả niềm hạnh phúc của mình cũng như tất cả các anh chị em lúc này. "Tìm được em, còn hơn cả trúng số, quý hơn lụm được vàng. Không có gì hơn máu mủ ruột rà của mình", bà xúc động.

Nén nhang trước di ảnh mẹ cha

Ngay sau đó, các anh chị em trong trong gia đình ông Tuấn đã đi xe về Bình Dương đoàn tụ cùng người em trai thất lạc của mình. Khoảnh khắc gặp nhau, các chị em trong nhà ôm nhau òa khóc nức nở, vừa mừng vừa tủi. Những người chứng kiến khoảnh khắc đó đã không giấu được những dòng nước mắt lăn dài.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 7.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 8.

Xóm nhỏ ở TP.HCM rộn ràng trong ngày đoàn viên của cả gia đình

Sau đó, các anh chị em trong gia đình ông Tuấn, ông Công đã cùng cụ Hương trở lại ngôi đình năm xưa thắp hương để thể hiện lòng biết ơn cho phép màu đoàn tụ hôm nay.

Trưa trưa, con hẻm nhỏ với hơn chục căn nhà nằm ở X.Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh rộn ràng hơn bao giờ hết. Từ sáng sớm, hàng xóm đã dọn dẹp lối đi trong hẻm, nhường chỗ cho gia đình ông Tuấn đặt ba bàn tiệc để chào đón người em ruột thịt về nhà sau 47 năm.

Đám con nít hay tin cũng chạy ra đầu hẻm đón chờ. "Về tới rồi! Về tới rồi!", một đứa trẻ chạy vào nhà báo cho cả xóm biết tin. Khoảnh khắc ông Công về nhà khiến ai cũng xúc động. Từ nay, ông Tuấn sẽ thôi lén cúi mặt lau nước mắt khi bất chợt nhớ hai đứa em được cha mẹ cho đi ngày đó.

Đi cùng ông Nguyễn Thành Công (47 tuổi) có mẹ nuôi là bà Hương. Dù tuổi cao sức yếu, đi lại phải có người dìu nhưng vào ngày con trai nuôi đoàn tụ gia đình, bà chẳng ngại xa xôi đi cùng con từ Bình Dương đến TP.HCM. Đối diện với di ảnh cha mẹ ruột của ông Công, người mẹ nuôi rướm nước mắt, nghẹn ngào nói: "Thằng Công tìm về với anh chị rồi, tui có nhắm mắt cũng yên lòng".

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 9.

Ông Công đã "trở về nhà" sau 47 năm

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 10.

Gia đình hạnh phúc đoàn viên

"Có con rồi vợ chồng tui mừng quá nên không nghĩ tới chuyện tìm lại gia đình bên kia. Thời gian cứ thế trôi đi, tôi cũng không biết tìm họ ở đâu nữa", cụ Hương nói.

Cầm nén nhang đứng trước di ảnh của cha mẹ, ông Công thì thầm một hồi lâu rồi cúi đầu vái lạy trước sự chứng kiến của tất cả các anh chị em, hàng xóm láng giềng. Sau đó quay ra cảm ơn mọi người: "Tôi rất biết ơn cộng đồng mạng, bà con hàng xóm đã chờ đợi và chào đón tôi trở về!".

Tiếp lời, bà Phạm Thị Kim Vân (53 tuổi) còn gọi là bà Gái, là chị cả của ông Công xúc động bày tỏ lời cảm ơn đến "má" Hương. "Con cám ơn má vì đã xin em con về, yêu thương và nuôi em con khôn lớn", chị nói và nghẹn giọng rồi bật khóc nức nở.

Các anh chị em của anh Công chẳng ai bảo ai cũng đều răm rắp gọi bà Hương là "má".

Sau cuộc chia ly gần nửa thế kỷ, giờ đây mọi người trong gia đình có thêm một người mẹ để yêu thương. Còn cụ Hương, giờ không chỉ có mỗi ông Công mà còn có thêm nhiều người con đỡ bà ngồi vào bàn ăn, thay nhau gắp thức ăn cho "má".

Mảnh ghép cuối cùng

Sau khi thông tin tìm kiếm gia đình của ông Tuấn được đăng tải, bà Thúy (49 tuổi), hiện đang sống tại Phú Tân (An Giang) cũng đã liên lạc với gia đình ông Tuấn bởi có nhiều thông tin trùng khớp với câu chuyện của bà. Rất có thể, bà Thúy chính là người em tên Thủy của ông Tuấn, được cho đi năm xưa.

Hiện gia đình đã giám định ADN và sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Kết quả xét nghiệm huyết thống của bà Thúy và gia đình ông Tuấn cũng như câu chuyện của bà sẽ được Báo Thanh Niên thông tin trong bài viết tiếp theo.

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 11.

Bà Thúy (bìa trái) rất có thể bà là người em gái thất lạc còn lại của gia đình ông Tuấn khi nhiều thông tin trùng khớp, đang chờ giám định ADN cũng có mặt trong ngày đoàn tụ đặc biệt này

Đứa trẻ còn dây rốn cho đi từ đoàn hát 47 năm trước tìm về cha mẹ ruột như cổ tích- Ảnh 12.

Anh Tuấn Vỹ, chủ kênh "Tuấn Vỹ kết nối yêu thương" cũng cất công từ quê Đồng Tháp lên Bình Dương và TP.HCM để chứng kiến dịp đoàn tụ của hai bên gia đình. Khoảnh khắc cả nhà quây quần cùng nhau, anh Tuấn Vỹ cũng nghẹn ngào, xúc động.

"Để mọi người tìm được nhau tất cả là nhờ ơn cộng đồng mạng chia sẻ thông tin và kết nối, mọi người có công lớn trong buổi đoàn tụ hôm nay và làm nên điều kỳ diệu” anh Vỹ khiêm tốn nói và cúi đầu tri ân cộng đồng mạng. Với gia đình ông Tuấn, anh Tuấn Vỹ chính là người ơn đã làm nên cuộc đoàn tụ đầy xúc động hôm nay. Ơn nghĩa đó, họ nói rằng sẽ không bao giờ quên…

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - 'Em hết lẻ loi rồi chị hai ơi! Em có cha mẹ rồi! Em có nguồn cội rồi chị hai ơi!', người phụ nữ miền Tây bật khóc nức nở khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN.
1 tuần trước - Ông Công và chị ruột gần nửa thế kỷ trước được cho đi hai nhà khác nhau đã về đoàn tụ với gia đình ở TP.HCM trong cùng một ngày, đầy hy hữu.
3 tuần trước - Khánh Hòa- Năm học lớp 12, Diệu Ly tỏ tình với bạn trai quen qua mạng nhưng ba năm sau, video đó bất ngờ lan khắp cõi mạng khi họ đã chia tay và quên hẳn nhau.
1 tháng trước - Hà Nội- 12 năm qua, anh Nguyễn Văn Thủy, 47 tuổi, đã dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn người từ những trải nghiệm chết hụt của mình.
1 tháng trước - Từ một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng giờ đây xã Xuân Quang 1 (H.Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã chuẩn bị tiến về đích đạt chuẩn nông thôn mới.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Nước lũ vừa rút, ông Lương lao vào dọn khu chuồng trại, xử lý hậu quả của 13.000 con gà bị nhấn chìm, để chuẩn bị tái đàn.
3 giờ trước - Ngoài căn nhà gỗ được trang trí theo phong cách mộc mạc, cô gái còn trồng thêm hoa, cỏ cây ở xung quanh vườn, tạo không gian sống rộng 300m2 đẹp nên thơ, trong lành giữa Đà Lạt.
4 giờ trước - Ngày mai 17.9 sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết 'Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2: Những chuyện hay tôi kể' do Báo Thanh Niên và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) tổ chức.
5 giờ trước - Tết Trung thu là một trong bốn lễ tết lớn của người Việt, diễn ra vào rằm tháng Tám âm lịch. Dịp này, nhiều bạn trẻ muốn được trở lại với trung thu xưa qua những món đồ chơi truyền thống.
6 giờ trước - Sau bão số 3, cùng với rác thải sinh hoạt, một khối lượng lớn rác thải là cây xanh bị gãy đổ khiến việc xử lý rác ở TP.Hải Phòng trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian. Dự kiến, đến ngày 18.9, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ hoàn...