ttth247.com

Đường lây nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người'

Vi khuẩn "ăn thịt người" thường xâm nhập vào cơ thể thông qua da vết thương trầy xước, tiếp xúc nguồn đất và nước chứa mầm bệnh, có thể qua đường hô hấp.

Bác sĩ Đàm Thị Thanh Tâm, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vi khuẩn "ăn thịt người" là nhóm các vi khuẩn gây bệnh viêm cân mạc hoại tử (Necrotizing Fasciitis - NF). Đây là bệnh nhiễm trùng mô mềm dưới da do vi khuẩn và độc tố của chúng gây ra. Vi khuẩn gây NF thường gặp là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (GABHS). Tại Việt Nam, nhiều năm gần đây ghi nhận ca mắc bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Nhiều loại vi khuẩn "ăn thịt người" sống trong môi trường tự nhiên như đất, nước, cư trú trên da, mũi, họng... của người khỏe mạnh. Vi khuẩn có thể lây nhiễm qua vết thương hở, trầy xước, vết động vật cắn, vết bỏng trên da tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn lầy, nước bị ô nhiễm hoặc động vật chết nhiễm bệnh, thịt động vật sống chứa vi khuẩn. Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây bệnh ở mũi họng, amidan, cơ sâu, màng tim, phổi, gan, thận... Khi cơ thể suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền như đái tháo đường, bệnh thận và phổi mạn tính, càng tăng nguy cơ cao mắc bệnh.

Một số vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Liên cầu khuẩn nhóm A có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy, chất bài tiết từ mũi, họng của người bệnh. Người lành hít phải giọt bắn chứa vi khuẩn lơ lửng trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, ăn uống chung với người bệnh cũng dễ lây nhiễm. Nuốt hoặc hít phải hạt bụi chứa vi khuẩn B.pseudomallei dễ mắc bệnh Whitmore.

Vi khuẩn B.pseudomallei còn lây từ mẹ sang con hoặc qua sữa mẹ nếu mô vú bị viêm, áp xe. Trường hợp hiếm gặp, các loài vi khuẩn này có thể lây qua đường phẫu thuật, xăm mình khi dụng cụ y tế không đảm bảo tiệt trùng.

Vi khuẩn từ vị trí nhiễm khuẩn ban đầu dễ lan theo dòng máu đến nhiều cơ quan khác như phổi, gan, lách, cơ vân... Từ đó chúng gây tổn thương áp xe nhiều cơ quan với thời gian kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Triệu chứng

Các triệu chứng lâm sàng đa dạng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Người bệnh có thể bị sưng đau, nóng đỏ quanh ổ nhiễm khuẩn trên da, sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, khát nước, đau ngực, ho đờm, nổi hạch cổ, phát ban, áp xe hoặc viêm mủ tuyến mang tai, áp xe phổi, áp xe lách... Da chuyển màu tím, đen, xuất hiện bọng nước, chảy mủ, hoại tử.

Theo bác sĩ Tâm, bệnh tiến triển nhanh. Các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm bàng quang, viêm xương khớp, viêm cầu thận, áp xe gan, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... Thể bệnh Whitmore tối cấp có thể gây tử vong nhanh sau khoảng 48 giờ phát bệnh. Người có bệnh nền càng dễ gặp biến chứng.

Đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với bùn đất giúp tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. Ảnh: Hải Âu

Đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với bùn đất giúp tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người". Ảnh: Hải Âu

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể lấy dịch mủ ổ áp xe, đờm để nuôi cấy xác định vi khuẩn, kháng sinh đồ giúp chọn kháng sinh điều trị phù hợp. Khi nghi có tổn thương áp xe tại các cơ quan khác như gan, phổi, lách... người bệnh cần siêu âm, chụp CT, MRI. Phác đồ điều trị khác nhau tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh, chủng vi khuẩn gây bệnh, cơ địa của người bệnh.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Theo bác sĩ Tâm, một số loài như B.pseudomallei gây bệnh Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng da dạng, vi khuẩn có thể đề kháng với nhiều kháng sinh nên khó điều trị.

Phòng tránh

Để phòng tránh lây nhiễm, bác sĩ Tâm khuyến cáo mọi người giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay chân thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc lao động. Mang ủng chống thấm nước khi đi trên vùng đất ướt, vũng nước hoặc bùn. Đeo găng tay khi làm việc với đất, cây cỏ. Người mắc bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch nên hạn chế tiếp xúc với đất bẩn, nước tù đọng.

Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Người bị thương cần nhanh chóng xử lý đúng cách như cầm máu, rửa sạch vết thương dưới vòi nước và thấm khô bằng khăn sạch, băng gạc vô trùng, gạc y tế, urgo, giữ vết thương khô ráo, thay băng thường xuyên. Trường hợp vết thương trên da xuất hiện mụn mủ, cần đi khám bệnh sớm.

Trịnh Mai

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Hòa Bình- Người nam 43 tuổi và nữ 59 tuổi bị suy hô hấp nặng, suy đa tạng do nhiễm vi khuẩn Whitmore, tình trạng nguy kịch.
1 tháng trước - Quảng Ninh- Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 4 người bị sốt, chẩn đoán mắc vi khuẩn Whitmore, trong đó hai trường hợp chuyển nặng.
1 tuần trước - Sau gần 3 tuần điều trị, bé gái nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' ở Đồng Nai đã khỏe mạnh và xuất viện.
3 tuần trước - TP HCM- Ông Cường, 59 tuổi, sốt cao, đau lưng, không tự đi lại được, bác sĩ phát hiện mắc bệnh Whitmore do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người".
2 tuần trước - Đồng Nai vừa ghi nhận ca mắc bệnh Whitmore (còn gọi là 'vi khuẩn ăn thịt người') ở bé gái 14 tuổi.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.