ttth247.com

'Giải thích của Bộ Tài chính không sai, nhưng khiến người nộp thuế rất chạnh lòng'

Bộ Tài chính vừa gửi văn bản trả lời kiến nghị của cử tri 6 tỉnh (Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Tây Ninh) về việc xem xét điều chỉnh mứcgiảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và người phụ thuộc, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đảm bảo phù hợp với thực tế, đặc biệt là sau khi tăng lương kể từ ngày 1.7.

2 lý do chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Về lý do chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính phân tích 2 khía cạnh chính là GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

'Giải thích của Bộ Tài chính không sai, nhưng khiến người nộp thuế rất chạnh lòng'- Ảnh 1.

CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

ĐAN THANH

Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất.

Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Khía cạnh thứ hai, văn bản trả lời của Bộ Tài chính nhắc tới tại khoản 4 điều 1 luật Thuế TNCN quy định: "Trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để đáp ứng cho kỳ tính thuế tiếp theo".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, xa rời thực tiễn

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện đã quá lạc hậu, xa rời thực tiễn cuộc sống.

Đây cũng là lý do mà từ năm 2022, cử tri của nhiều địa phương như Phú Thọ, Đà Nẵng, TP.HCM... và mới đây nhất là 6 tỉnh nêu trên đồng loạt đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh. 

'Giải thích của Bộ Tài chính không sai, nhưng khiến người nộp thuế rất chạnh lòng'- Ảnh 2.

Dự kiến, luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2025 và thông qua trong tháng 5.2026

NGỌC THẮNG

Về lý do Bộ Tài chính đưa ra liên quan tới CPI từ năm 2020 đến nay tăng chưa đến 20% nên chưa thể đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, ông Tú nhấn mạnh: "Giải thích như vậy là không sai quy định, nhưng khiến người nộp thuế rất chạnh lòng".

Nhìn nhận CPI không phản ánh đúng thực tế mức tăng giá của những hàng hàng hóa mà người làm công ăn lương chi trả, vị giảng viên phân tích: thu nhập của đa phần người lao động tập trung chi tiêu cho ăn ở, học hành, đi lại, khám chữa bệnh... Trong khi đó, giá vé tàu xe, máy bay, học phí, viện phí… tăng đáng kể trong 4 năm qua.

Theo ông Tú, thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần nhìn nhận, có điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh để người làm công ăn lương đang nộp thuế TNCN đỡ thiệt thòi.

Khi Quốc hội thảo luận các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7 vào chiều 26.6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị khi tăng lương cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN hiện nay.

"Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Ta tăng lương cơ sở 30% thì ít nhất mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30%, thậm chí 50% mới là hợp lý", ông Hạ nói.

Theo Bộ Tài chính, luật Thuế TNCN áp dụng từ ngày 1.1.2009 quy định mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) đối với người nộp thuế; giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN áp dụng từ ngày 1.7.2013 đã nâng mức giảm trừ lên 9 triệu đồng/tháng với người nộp thuế; giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

Và đầu tháng 6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954, nâng mức giảm trừ với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

Dự kiến, luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2025 và thông qua trong tháng 5.2026.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc đã trở nên lạc hậu, nhiều người làm công ăn lương phải 'giật gấu vá vai' để trang trải sinh hoạt hằng ngày, khi giá cả hầu hết các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh.
1 tháng trước - Từ ngày 1.8 đến nay, nhiều hồ sơ chuyển nhượng, hợp thức hóa của người dân bị "treo" khi chuyển qua cơ quan thuế để tính thuế, tính tiền sử dụng đất.
1 tháng trước - Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo tại ĐBSCL kêu khó khăn khi ngành thuế yêu cầu phải lập bảng kê khai mua lúa trực tiếp từ nông dân theo mẫu số 01/TNDN được ban hành kèm theo thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính mới được khấu trừ...
1 tháng trước - Có điều gì khác biệt giữa Yahoo! và Google? Giữa Blogger và Twitter? Tại sao một bên dần biến mất và một bên tiếp quản thế giới? Tài năng? Tầm nhìn? Tiền bạc? Sự may mắn?Tất cả những nguyên do trên và nhiều hơn thế nữa. Nhưng có lẽ yếu tố...
6 ngày trước - Màn thể hiện của cả bà Harris và ông Trump đều không tốt, và không ai là người chiến thắng nổi trội vì mỗi người đều thất bại theo cách riêng của mình.
Xem tin bài khác
8 phút trước - Mới đây, kênh TikTok chính thức của Đảng Dân chủ đã công khai sử dụng bài hát New Woman của Lisa (BLACKPINK) làm nhạc nền cho video tranh cử của bà...
17 phút trước - Ngày 17/9, Tập đoàn Sun Group và BrauKon & Camba - Thương hiệu danh tiếng của Đức trong lĩnh vực sản xuất bia - đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, phát triển dòng sản phẩm bia thủ công cao cấp Sun KraftBeer, đồng thời mở rộng mô...
53 phút trước - Kiểm Toán Nhà nước vừa tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác cán bộ. Theo đó, 21 lãnh đạo cấp vụ của cơ quan này được điều động, bổ nhiệm chức danh mới.
1 giờ trước - Đây là nhận định của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà, xung quanh động thái của Fed.
1 giờ trước - Một người Nhật 59 tuổi cho biết ông chưa từng nghe đến chuyện tàu Shinkansen gặp sự cố tách rời toa trong đời.