ttth247.com

Hai nữ võ sĩ tranh đấu trong làn sóng công kích giới tính ở Olympic 2024

Imane Khelif và Lin Yu-Ting không chỉ chiến đấu trên võ đài, mà còn phải đối mặt với những công kích tứ phía về giới tính suốt những ngày tham dự Olympic Paris 2024.

Lin Yu-Ting sinh năm 1995 ở Đài Loan, còn Imane Khelif sinh năm 1999 ở Algeria. Cả hai bén duyên với boxing theo những cách khác nhau.

Trong cuộc phỏng vấn với Liberty Times năm 2023, Lin cho biết học boxing là để "bảo vệ mẹ". HLV Zeng Ziqiang xác nhận câu chuyện, nói học trò cảm thấy thương mẹ vì thường xuyên bị bố đánh đập. Sau khi giành HC vàng Giải boxing trẻ thế giới 2013, Lin nhận được học bổng giáo dục trị giá 40.000 Đài tệ (khoảng 30 triệu đồng), rồi gửi hết cho mẹ vì bố cô đã bỏ rơi gia đình.

Cô gái này cũng lấy cảm hứng tập boxing sau khi xem The First Divine Fist – phim hoạt hình nổi tiếng Đài Loan. Phim kể về một cậu bé bị bắt nạt ở trường, sau đó gặp được võ sĩ nổi tiếng – dậy cậu boxing và trở thành nhà vô địch. Mẹ Yu-Ting ban đầu ngăn cấm cô chơi boxing vì ảnh hưởng đến việc học.

Lin Yu-Ting (trái) động viên Svetlana Staneva của Bulgaria sau khi thắng ở tứ kết boxing hạng dưới 57kg nữ, tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Reuters

Lin Yu-Ting (trái) động viên Svetlana Staneva của Bulgaria sau khi thắng ở tứ kết boxing hạng dưới 57kg nữ, tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Reuters

Khelif thì đến với boxing sau khi vượt qua nhiều trở ngại trong cuộc sống. Cô sinh ra ở một ngôi làng nông thôn thuộc miền Tây Algeria. Năm 16 tuổi, Khelif là một cầu thủ bóng đá xuất sắc trong làng, nhưng thường xuyên bị các cậu trai bắt nạt, gây gổ và chính khả năng né những cú đấm đã đưa cô đến với boxing.

Khelif phải đi đến ngôi làng lân cận, cách 10 km để tập luyện, nhưng không có tiền trả vé xe buýt. Cô không thể xin bố, một thợ hàn ở vùng sa mạc Sahara, lại không chấp nhận cho con gái tập võ. Khelif tự kiếm tiền bằng cách bán phế liệu, đồng thời được mẹ hỗ trợ từ việc bán cơm truyền thống couscous.

Cuối cùng, chính bố, mẹ đã bị Lin Yu-Ting và Imane Khelif chinh phục bằng thành tích trên võ đài. Lin vô địch thế giới 2019 và 2022, vô địch châu Á 2017 và 2019, giành HC vàng ASIAD 19. Trong khi đó, Khelif là á quân thế giới 2022, vô địch châu Phi 2022 và giành HC vàng Arab Games 2023.

Khelif thắng Hamori ở tứ kết quyền Anh hạng 66kg nữ

Imane Khelif (áo đỏ) thắng Luca Hamori ở tứ kết boxing hạng dưới 66kg nữ, tại Olympic Paris 2024.

Ở Đài Loan, Lin là minh chứng sống cho thấy phụ nữ có thể làm được mọi thứ. Còn Khelif được chọn làm đại sứ cho Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở Algeria, từ tháng 1/2024. "Cô ấy là hình mẫu tuyệt vời cho người trẻ Algeria tham gia thể thao", bà Katarina Johannsen – đại diện UNICEF, cho biết. "Cô ấy có thể mở rộng ảnh hưởng để thúc đẩy các chương trình về quyền trẻ em".

Thế nhưng, Giải boxing vô địch thế giới, do Hiệp hội boxing quốc tế (IBA) tổ chức, vào tháng 3/2023, đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của hai nữ võ sĩ. IBA quyết định loại họ vì "không đáp ứng được tiêu chuẩn tư cách thi đấu sau xét nghiệm do phòng thí nghiệm độc lập tiến hành". IBA tước HC đồng hạng dưới 57kg của Lin, còn Khelif bị loại ngay trước chung kết hạng dưới 66kg.

Hai võ sĩ tiếp tục trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt tại Paris 2024, sau khi Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép họ thi đấu. Theo Đài truyền hình và phát thanh Ireland (RTE), hàng trăm nghìn bình luận, bao gồm cả các bài viết, đã tuyên bố Lin và Khelif là "đàn ông về mặt sinh học" và không nên được cho thi đấu boxing nữ. Một video về trận đấu của Khelif vào năm 2022 được 37.000 tài khoản trên X đăng lại, nhận về hàng triệu lượt xem và mô tả cô là "kẻ gian lận giới tính ở Olympic".

Tuy nhiên, khi xem xét lại bằng chứng cáo buộc chống lại hai võ sĩ, RTE nhận thấy mọi thứ hầu hết dựa vào tuyên bố duy nhất trên Telegram của Chủ tịch IBA Umar Krevlev, được hãng tin Tass của Nga dẫn lại, vào tháng 3/2023. Krevlev nói rằng "đã chứng minh được Lin và Khelif có nhiễm sắc thể XY" – thường thấy ở nam giới, trái ngược với XX ở phụ nữ.

IBA không tuyên bố hai võ sĩ là "người chuyển giới". Nhưng các bài viết và bình luận đã mô tả trên khắp thế giới đã viết như vậy, dù không có bằng chứng hoặc tuyên bố công khai nào chứng minh cho kết luận này. Trong khi đó, cả hai đều thi đấu với tư cách phụ nữ suốt sự nghiệp, và góp mặt cả ở Olympic Tokyo 2020 nhưng bị loại sớm.

Trong bài viết ngày 31/7, RTE cho biết IBA đã đưa ra thông cáo báo chí dài chín trang, nhấn mạnh hai võ sĩ "không trải qua kiểm tra testosterone", nhưng là cuộc kiểm tra riêng biệt và được công nhận, với các chi tiết được giữ bí mật. Kết quả kiểm tra đến từ hai phòng xét nghiệm độc lập ở hai quốc gia khác nhau. Cả hai xét nghiệm đều chỉ ra Lin và Khelif không đáp ứng các tiêu chí cần thiết và có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nữ võ sĩ khác.

IBA cho biết việc huỷ tư cách hai VĐV được đưa ra sau khi "đánh giá toàn diện" và nhằm mục đích duy trì tính công bằng và toàn vẹn của giải đấu. Họ cũng cho biết Lin không đưa ra kháng cáo, còn Khelif kháng cáo xong rút lại. Vì vậy, phán quyết của IBA có tính ràng buộc pháp lý.

Thông thường, khi một VĐV không vượt qua bài kiểm tra liên quan chất cấm hoặc giới tính, thông tin chi tiết về quá trình và kết quả xét nghiệm sẽ được công bố. Tuy nhiên, khi RTE yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến xét nghiệm và bản "đánh giá toàn diện", IBA cho biết họ "không có bình luận nào thêm" để đưa ra.

Hôm 4/8, người phát ngôn IOC Mark Adams cho rằng việc chỉ xét nghiệm các VĐV vào cuối cuộc thi, sau nhiều trận đấu, là hoàn toàn tuỳ tiện. "Việc thực hiện, phương pháp và ý tưởng xét nghiệm chỉ ra trong một đêm là bất hợp pháp", ông nói. "Kết luận của IBA là không đáng để phản hồi".

Chủ tịch IOC Thomas Bach trả lời họp báo về tranh cãi xoay quanh Lin Yu-Ting và Imane Khelif, vào ngày 4/8. Ảnh: AP

Chủ tịch IOC Thomas Bach trả lời họp báo về tranh cãi xoay quanh Lin Yu-Ting và Imane Khelif, vào ngày 4/8. Ảnh: AP

Công tác quản lý của IBA bị IOC đánh giá là thiếu minh bạch. Đó là một phần khiến IOC không công nhận IBA về mặt pháp lý, dẫn đến thành lập một đơn vị riêng tổ chức Olympic Paris 2024. Họ cho phép hai võ sĩ thi đấu dựa trên những quy tắc xác định tư cách thi đấu vốn có từ các kỳ Olympic trước. Không những thế, boxing đang đứng trước khả năng bị cấm tổ chức tại Los Angeles 2028.

Chủ tịch IOC Thomas Bach cáo buộc IBA tiến hành chiến dịch phỉ báng Olympic, trong đó có những bình luận kích động chia rẽ trong vụ việc của Lin Yu-Ting và Imane Khelif, trong họp báo hôm 4/8. Ông Bach nói: "Chúng ta có hai võ sĩ được sinh ra là phụ nữ, nuôi dạy như một phụ nữ, có hộ chiếu phụ nữ và đã thi đấu nhiều năm với tư cách phụ nữ. Không có bất kỳ nghi ngờ nào về việc họ là phụ nữ".

Tại Paris 2024, Lin và Khelif đều đã vào bán kết, và sẽ giành được ít nhất HC đồng. Nhưng sự thật họ không phải là võ sĩ bất khả chiến bại. Theo Boxrec, Lin thắng 41 và thua 14, còn Khelif là thắng 42 và thua chín.

Trước làn sóng công kích, Khelif ban đầu im lặng, song đã khóc và hét lên "tôi là phụ nữ" khi thắng ở tứ kết. Cô cũng kêu gọi mọi người dừng việc bắt nạt các VĐV bằng nhiều hình thức. Trong khi đó, Lin đảm bảo rằng không bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi vì đã xóa mọi ứng dụng mạng xã hội.

Các chiến dịch bảo vệ Lin và Khelif đã được thiết lập ở quê hương của họ và các cơ quan về bình đẳng giới. Đài Loan cởi mở hơn về cộng đồng LGBT+, cùng việc chuyển giới, nhưng Algeria thì coi chuyển giới là phạm pháp.

Bố Imane Khelif công bố ảnh con gái thuở nhỏ. Ảnh: Reuters

Bố Imane Khelif công bố ảnh con gái thuở nhỏ. Ảnh: Reuters

Imane Khelif khi còn nhỏ. Ảnh: Reuters

Imane Khelif khi còn nhỏ. Ảnh: Reuters

Nhưng sự chia rẽ đã đến mức đáng báo động, khi một loạt các nhân vật nổi tiếng tham gia vào cuộc tranh luận. Tỷ phú Elon Musk, tác giả JK Rowling của Harry Potter gọi hai võ sĩ là "đàn ông" và chỉ trích việc cho phép thi đấu ở Olympic, dẫn đến làn sóng tẩy chay ở Algeria và Đài Loan.

Người đứng đầu Đài Loan Lai Ching-te nói: "Người dân Đài Loan phẫn nộ trước những vu khống nhắm vào Lin. Đối mặt với thử thách, Lin không hề sợ hãi và dùng sức mạnh để dập tắt những tin đồn. Chúng ta hãy tiếp tục cổ vũ cho cô ấy".

Hãng tin Reuters đã liên hệ với bố mẹ Khelif. "Con bé rất can đảm, không bị đánh gục dù bị tấn công phân biệt chủng tộc và giới tính", bà Irene cho hay. Trong khi đó, ông Amar Khelif cho các phóng viên xem bức ảnh con gái khi còn nhỏ, những tài liệu chứng minh cô là nữ.

"Họ không muốn con bé thành nhà vô địch thế giới", ông Amar nói. "Tôi nói với nó là hãy chứng minh mọi người đã sai, bằng chiến thắng trên võ đài, để đem vinh quang về cho Algeria và cộng đồng Arab".

Hiếu Lương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Pháp- Angela Carini không thích cách dư luận đang tranh cãi về boxing ở Olympic Paris 2024, đặc biệt sau khi cô thua Imane Khelif – nữ võ sĩ bị nghi ngờ giới tính.
1 tháng trước - Giới tính của hai nữ võ sĩ quyền Anh, sông Seine ô nhiễm, kình ngư Italy ngủ ngoài công viên, trận ra quân thất bại của đội bóng đá nam Argentina ... là những sự kiện gây tranh cãi nhất tại Olympic Paris 2024.
1 tháng trước - Lần đầu sau gần 30 năm, Việt Nam trải qua hai kỳ Olympic liên tiếp không có huy chương, trong khi các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á đều tiến bộ.
1 tháng trước - Pháp- Lễ bế mạc Olympic 2024 kết thúc muộn hơn một tiếng so với dự kiến, với hình ảnh tài tử Tom Cruise nhảy từ nóc sân xuống đất gây chú ý.
1 tháng trước - Pháp- HLV Mohamed Chaoua cho rằng tập trung giành HC vàng Olympic 2024 là cách đáp trả tốt nhất mà Imane Khelif có thể làm trước làn sóng công kích vô căn cứ về giới tính.
Xem tin bài khác
48 phút trước - Anh- Sau trận hòa 0-0 ở lượt đầu vòng bảng Champions League, HLV Pep Guardiola ca ngợi Inter phòng ngự lùi sâu chắc chắn, khiến Man City không tạo nhiều cơ hội.
1 giờ trước - Phong độ ấn tượng của Messi tại Inter Miami khiến nhiều người tin tưởng anh sẽ tiếp tục thi đấu tại World Cup 2026.
1 giờ trước - Pháp- Sai lầm của thủ môn Paulo Gazzaniga ở phút 90 giúp PSG thắng Girona 1-0, ở trận ra quân Champions League 2024-2025.
1 giờ trước - Sau trận hòa 0-0 ở lượt đầu vòng bảng, HLV Simone Inzaghi tiếc nuối vì Inter phung phí cơ hội và không thể trở thành CLB đầu tiên thắng trên sân Man City tại Champions League kể từ năm 2018.
2 giờ trước - Chỉ sau trận mở màn giải cầu lông Trung Quốc mở rộng 2024, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh đã mang về cho mình khoản tiền thưởng khấm khá.