ttth247.com

Hồi sinh bán đảo Thanh Đa: Lựa chọn quy hoạch xứng tầm

Giữ không gian xanh, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kinh tế

Là người đã gắn bó cả cuộc đời với sự phát triển của TP.HCM, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn dành rất nhiều sự quan tâm đối với quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa mà TP.HCM đang tái khởi động. Theo ông, bán đảo Thanh Đa và bán đảo Thủ Thiêm là 2 khu vực điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch sông Sài Gòn, cần có sự lưu tâm đặc biệt. Bài toán quy hoạch Thanh Đa gần giống với bài toán quy hoạch khu đô thị Phú Mỹ Hưng những năm 1990 và quy hoạch Thủ Thiêm hồi năm 2003: đều là những vùng đất thấp, có quỹ đất rộng, phải bỏ tiền chỉnh trang toàn bộ khu vực. Do đó, đề bài đặt ra cũng phải rút kinh nghiệm từ 2 bản quy hoạch trên, cần có cách tiếp cận hoàn toàn mới để tạo ra bản quy hoạch khả thi không lệ thuộc vào nguồn vốn ngân sách công. Đề bài phải mở, đặt vấn đề trong kinh tế thị trường để thu hút nhà đầu tư cùng tham gia góp vốn và phát triển. Đặc biệt, nên ưu tiên đơn vị quốc tế có uy tín, bề dày kinh nghiệm.

Hồi sinh bán đảo Thanh Đa: Lựa chọn quy hoạch xứng tầm- Ảnh 1.

Thanh Đa sẽ có tương lai phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và đô thị

Đi vào chi tiết, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: Bình Quới - Thanh Đa là bán đảo có vị trí rất đẹp, diện tích lớn, có mặt sông, nhưng điểm yếu lớn nhất là vùng đất thấp, đòi hỏi chi phí xây dựng lớn vì phải gia cố móng, nâng nền… tốn kém. Bán đảo lại chỉ có một con đường kết nối, kéo dài từ Xô Viết Nghệ Tĩnh tới QL13 thường xuyên ùn tắc, không thu hút nhà đầu tư. Đây là những nguyên nhân lớn nhất khiến "hòn ngọc" này rất khó để khai phá. Thế nhưng, theo ông, chính bất lợi lại là thuận lợi để TP.HCM hồi sinh dự án. Nếu dự án không "đóng băng" thì có thể Thanh Đa đã phát triển lộn xộn, rất khó để chỉnh trang. Cùng với hệ thống giao thông từ đường không (bán đảo Thanh Đa gần sân bay Tân Sơn Nhất), đường thủy và đường bộ kết nối đều đã phát triển; dự án mở rộng QL13 đang được xúc tiến đẩy nhanh…, một khu vực với quỹ đất công lớn, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng không cao như Thanh Đa sẽ là món đầu tư rất hấp dẫn với các doanh nghiệp.

Để phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đầu tiên bản quy hoạch không thể chỉ nhìn hạn hẹp trong ranh giới Thanh Đa mà phải nhìn rộng hơn trong tương quan tổng thể không gian đô thị bên này bán đảo và bên kia sông. Ranh giới nghiên cứu quy hoạch không chỉ là bờ sông của Thanh Đa, mà cần phải tính từ các trục giao thông huyết mạch xung quanh, ở bên kia sông, bao gồm: trục QL52 - xa lộ Hà Nội hướng về phía bắc và nối ra biển, trục QL13 nối lên Bình Dương, trục Phạm Văn Đồng nối đến sân bay Tân Sơn Nhất và Đồng Nai. Tránh lặp lại sai lầm quy hoạch Thủ Thiêm chỉ tính ranh giới Thủ Thiêm, không nhìn qua bên kia sông để đánh giá tổng thể.

Thứ hai, điểm yếu của Thanh Đa là chỉ có một con đường nối vào, có thể biến thành lợi thế bằng cách hình thành những cây cầu kết nối qua các bên. Cần ít nhất 3 - 4 cầu nối thẳng sang khu cảng Trường Thọ, khu đô thị An Phú, khu đô thị Linh Đông… Các hồ sơ dự thi ý tưởng quy hoạch Thanh Đa cần nêu chi tiết vị trí xây dựng cầu. Giải được bài toán kết nối sẽ tạo nên cơ hội và động lực mới, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển các khu đô thị trên bán đảo Thanh Đa cũng như các khu bên kia sông.

Bên cạnh đó, Thanh Đa là vùng đất ngập nước. Trước đây có một số phương án đề xuất lấp nền, đô thị hóa toàn vùng làm thành cao tầng hết, nhưng như vậy không hợp lý. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, cần cân nhắc quy hoạch dành nhiều không gian cho nước (bao gồm sông hồ kênh rạch, không gian xanh thấp trũng để thu nước, hồ điều tiết và không gian thu nước ngầm), không quá tham lam phát triển bê tông hóa và cao tầng hóa. Thanh Đa hiện có nền thấp và đất yếu, nên chừa quá nửa diện tích cho không gian xanh; phần còn lại dành cho chỉnh trang đô thị, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, xây dựng những công trình mới có hiệu quả kinh tế cao như các trung tâm triển lãm, dịch vụ du lịch, giải trí… Những phần nổi này sẽ đem lại nguồn thu bù lại cho mục tiêu dành đất cho không gian xanh.

"Quan điểm biến Thanh Đa thành không gian xanh rộng lớn phục vụ nhu cầu công cộng của mười mấy triệu dân TP là đúng, nhưng phần đất dành cho dịch vụ, thương mại, đô thị hóa cũng phải tính toán hài hòa, cân bằng, đạt hiệu quả kinh tế rất cao để đảm bảo nguồn thu tương xứng. Đặt mục tiêu bền vững là quan trọng nhưng phải hài hòa chỉ tiêu về kinh tế, tránh tình trạng làm cho quy hoạch mới lại bị "treo" tiếp trong thời gian dài như vừa qua", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Phải có những công trình biểu tượng tầm cỡ

Theo thông tin từ Sở QH-KT, UBND TP yêu cầu phát triển bán đảo Thanh Đa thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế, tạo thành một tam giác với khu trung tâm đô thị lịch sử (trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận) và khu vực hiện đại của trung tâm Thủ Thiêm sau này. Tính chất chính của khu này là một công viên vùng đất ngập nước hấp dẫn cấp quốc tế, thông qua việc tái cấu trúc thành một vùng trũng sinh thái, nơi bảo tồn sinh quyển đất ngập nước với cảnh quan thật hấp dẫn và liên thông trong toàn khu. Trong đó, bán đảo Thanh Đa sẽ được bố trí đan xen những trung tâm đô thị có hệ số sử dụng đất cao, cao tầng để giảm thiểu mật độ xây dựng và có tầm nhìn rộng ra cả vùng cảnh quan; chức năng bao gồm hành chính, văn phòng, nhà ở cao cấp, khách sạn, thương mại dịch vụ, và đặc biệt là phục vụ du khách.

KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, kỳ vọng những công trình cao nhất, đẹp nhất của TP.HCM sẽ đặt ở bán đảo Thanh Đa. Khi đó, bán đảo Thanh Đa sẽ thành trung tâm đô thị, hành chính và công viên ngập nước tầm cỡ quốc tế. Theo ông, bao lâu nay TP.HCM rất mong mỏi tìm kiếm một công trình điểm nhấn kiến trúc, có tính tiêu biểu, nhưng đây là bài toán khó. TP đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế cầu, đường, công trình kiến trúc… để tìm điểm nhấn tiêu biểu như vậy nhưng chưa có công trình nào đạt tầm cỡ như kỳ vọng. Thực tế trên thế giới cũng vậy, không phải cứ tổ chức thi là sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Với mục tiêu đưa bán đảo Bình Quới - Thanh Đa phát triển xứng tầm với vị thế "hòn ngọc trong hòn ngọc" của mình, nơi đây sẽ có các công trình điểm nhấn, công trình phức hợp đa năng (như văn phòng - thương mại), khách sạn 5 sao để phục vụ du lịch cao cấp. Đồng thời, cần công trình đa năng, sáng tạo, đặc sắc như quần thể triển lãm, trình diễn show nhạc nước, thực cảnh hay công viên chuyên đề với công trình biểu tượng nghệ thuật như có những cây cầu đặc biệt, hay các đài phun nước tạo ấn tượng cho cảnh quan… Từ đó, mang đến diện mạo mới khang trang, cảnh quan hiện đại với những công trình kiến trúc đẹp, trở thành niềm tự hào cho người dân TP.

"Việc tìm kiếm một công trình kiến trúc điểm nhấn, mang tính biểu tượng ở TP.HCM là cần thiết. Nhắc tới Úc là người ta nghĩ tới Nhà hát Opera Sydney (Nhà hát Con Sò) tại TP.Sydney, Hà Lan thì có công trình cối xay gió…, những công trình này mang ý nghĩa giá trị đặc biệt cho riêng địa phương, nhắc tới là nhớ đến TP đó ngay lập tức. Câu chuyện này lâu nay chúng ta cũng tính đến nhưng vẫn chưa triển khai được. Vị trí có thể tính đến là ở bán đảo Thanh Đa. Cốt lõi công trình đó phải đạt đến tầm cỡ, tức là nhìn thấy nó thì người ta biết ngay là TP.HCM, giống như việc nhìn thấy chợ Bến Thành là hình ảnh rất quen thuộc với người dân và du khách trong và ngoài nước", KTS Khương Văn Mười đề xuất.

Thanh Đa dù chỉ là một bán đảo nhưng quy hoạch phải nhìn trong tổng thể phát triển sông Sài Gòn, đặt trong chiến lược phát triển đến 2030 - 2050. Do đó, phải đặt ra hết vấn đề liên kết với trung tâm hiện hữu thế nào, nối ra biển, nối về Bình Dương, nối với tuyến đường ven sông Sài Gòn ra sao… Gắn với định hướng dài hạn đó thì TP.HCM sẽ đạt mục tiêu tái hiện đô thị gắn kết với sông nước, mang bản sắc sông nước, đem lại giá trị rất lớn cho TP.HCM cũng như toàn vùng Đông Nam bộ.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 ngày trước - Hơn 30 năm có lẽ là kỷ lục về 'quy hoạch treo' thuộc về bán đảo Thanh Đa, đến mức nhiều người gọi đây là viên ngọc bị lãng quên giữa TP.HCM.
1 tuần trước - Giới quy hoạch trên thế giới có một “truyền thuyết”: muốn hình dung về sự phát triển của một thành phố, hãy đến bên bờ những dòng sông trong lòng đô thị.
1 tháng trước - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
1 tuần trước - Thông xe đã hơn một năm nay nhưng 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (trong đó có đoạn từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh) vẫn chưa có trạm dừng nghỉ theo tiêu chuẩn. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo và đưa ra các mốc thời gian hoàn...
2 tuần trước - Đó là nhận định của ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại hội thảo "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững" do Báo Thanh Niên phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức vào sáng 8.10.
Xem tin bài khác
5 phút trước - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ông giật mình vì giá hàng hóa trên Temu rẻ đồng thời cho biết Bộ Công Thương sẽ có giải pháp kiểm soát.
5 phút trước - Tính đến tháng 23/10/2024, thị trường chứng Việt Nam đã có tổng cộng 16 doanh nghiệp và ngân hàng có vốn hóa trên 5 tỷ USD.
5 phút trước - Sở Công Thương TP HCM đề xuất mức chế tài nghiêm khắc nhất đối với các website, nền tảng thương mại điện tử... vi phạm nhiều lần
5 phút trước - Theo bảng giá đất mới vừa được UBND TPHCM ban hành, áp dụng từ ngày 31/10 đến 31/12/2025, các mặt bằng cho thuê ở vị trí mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1) có giá đất ở cao nhất là hơn 687 triệu đồng/m², cao...
35 phút trước - Thủ tướng yêu cầu thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các công trình xây dựng mang tính trọng điểm quốc gia về hạ tầng, văn hoá, y tế, giáo dục…