ttth247.com

Hơn 5.000 trẻ TP HCM tiêm ngừa sởi

5.034 trẻ được tiêm vaccine ngừa sởi trong ngày đầu TP HCM khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, trước bối cảnh số ca bệnh tăng nhanh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết chiến dịch giai đoạn một được triển khai đồng loạt tại 310 trạm y tế, diễn ra xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, dự kiến kéo dài một tháng.

Nhóm được tiêm đợt này gồm trẻ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao 6-16 tuổi, nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc bệnh sởi hoặc chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao. Những người này chưa tiêm đủ hai mũi hoặc không rõ tiền sử.

Chiến dịch đợt một sử dụng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) mua từ nguồn ngân sách của thành phố. Giai đoạn 2 của chiến dịch sẽ diễn ra trong tháng 10, tiêm cho trẻ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Ngày đầu của chiến dịch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM đã phân bổ 88.100 liều vaccine cho các trạm y tế, trên cơ sở dự trù vaccine của các đơn vị. Sở Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng tại 9 điểm tiêm thuộc quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Đây là những điểm nóng về dịch sởi, có tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao do tình trạng di biến động dân cư.

Trẻ chủng ngừa sởi tại Trạm Y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, ngày 31/8. Ảnh: HCDC

Trẻ chủng ngừa sởi tại Trạm Y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, ngày 31/8. Ảnh: HCDC

Theo ông Châu, tổ giám sát ghi nhận việc tổ chức tiêm chủng được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn. Phụ huynh và trẻ được tư vấn kỹ trước khi tiêm. Khu vực xử lý phản ứng sau tiêm được trang bị đầy đủ trang thiết bị cấp cứu cần thiết. Ngoài ra, các đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu cũng được bố trí sẵn sàng để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Bác sĩ Hồ Đức Việt, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cho biết trạm lập tổ tiêm cố định từ 31/8 đến hết ngày 4/9, đảm bảo tất cả trẻ được tiêm ngừa khi phụ huynh đưa con đến. Theo hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, phường có khoảng 150 trẻ chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine sởi.

"Để tránh lây nhiễm chéo, trạm mời trẻ đến theo từng khung giờ, tiêm theo quy trình một chiều. Suốt quá trình tiêm, mọi người đều phải đeo khẩu trang", bác sĩ Việt nói.

Trẻ đi học, đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở... sẽ được tiêm lưu động tại chỗ từ ngày 5/9. Trẻ không đi học và những trẻ chưa được tiêm tại trường học sẽ ra tiêm tại trạm y tế. Trường hợp trẻ được chỉ định tiêm tại bệnh viện thì sẽ đến các bệnh viện có tổ chức tiêm chủng. Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, nhân viên y tế sẽ được tiêm tại bệnh viện nơi điều trị, công tác.

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu và Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Bình Tân thăm hỏi động viên các bé và gia đình tại các điểm tiêm

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu và bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, thăm hỏi động viên các bé và gia đình tại các điểm tiêm. Ảnh: HCDC

UBND TP HCM công bố dịch sởi từ chiều 27/8 nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 430 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi bắt đầu từ ngày 31-8 và sẽ xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Chiến dịch này đã đồng loạt triển khai tại 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố.
4 ngày trước - Số người chưa tiêm vaccine ngừa sởi cộng dồn sau 4-5 năm lên đến hàng triệu khiến miễn dịch cộng đồng xuống thấp, tạo điều kiện để bệnh lan rộng thành dịch.
1 tuần trước - Khoảng 125.000 trẻ 1-10 tuổi cần được tiêm vaccine ngừa sởi lần này trong chiến dịch tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng chống dịch sởi lan tại TP HCM.
2 tuần trước - Bộ Y tế đề xuất TP HCM cân nhắc tiêm vaccine sởi cho trẻ 6-8 tháng tuổi theo khuyến cáo dành cho vùng nguy cơ cao, thay vì đợi đến 9 tháng tuổi như bình thường.
2 tuần trước - Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận lượt tiêm vaccine sởi tăng đến 300% ở nhóm trẻ 9 tháng và 4-6 tuổi trong tuần cuối tháng 8.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
4 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
4 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.