ttth247.com

Kháng nghị vụ Upexim vì bị cáo không cần, tòa vẫn chỉ định bốn luật sư bào chữa

Vụ án Trương Vui, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Upexim, phạm tội lừa đảo được TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm năm 2022. Sau đó, Viện KSND tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán tối cao xét xử lại phần dân sự, xử lý vật chứng và án phí.

Lý do, Viện KSND tối cao chỉ ra 3 vi phạm nghiêm trọng trong quá trình xét xử vụ án trên. Đầu tiên là trong phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên không tham gia xét hỏi, phát biểu ý kiến, tranh tụng; việc này vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Kháng nghị vụ Upexim vì bị cáo không cần, tòa vẫn chỉ định bốn luật sư bào chữa- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Vui, cựu Chủ tịch Upexim, đã bị phạt tù chung thân.

Vi phạm thứ hai, các bị cáo không thuộc trường hợp phải chỉ định luật sư và họ đã có 5 luật sư bào chữa nhưng chủ tọa phiên phúc thẩm vẫn chỉ định 4 luật sư khác tham gia tố tụng.

Tại tòa, các bị cáo phản đối, không chấp nhận chỉ định luật sư của chủ tọa nhưng kiểm sát viên không có ý kiến. Việc này vi phạm Điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự về nguyên tắc đảm bảo người bào chữa của người bị buộc tội.

Vi phạm thứ 3, hồ sơ không có chi tiết nào thể hiện Công ty Đầu tư Xây dựng thương mại Tradeco được sở hữu chung nhà đất số 4 – 6 Hồ Tùng Mậu (TP.HCM). Tòa án hai cấp không nêu được quy định nào của pháp luật nhưng vẫn chia cho doanh nghiệp này 50% giá trị khu đất.

Cũng theo kháng nghị, Upexim vốn thuê trụ sở tại số 4 – 6 Hồ Tùng Mậu và năm 2010, thành phố mới có chủ trương bán chỉ định cho doanh nghiệp này. Tháng 11/2011, Upexim được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên từ năm 2010, bị án Trương Vui đại diện Upexim đã ký với Tradeco hợp đồng có nội dung mỗi bên góp 60 tỷ đồng làm vốn xây dựng dự án Upex Tower tại khu đất số 4 – 6 Hồ Tùng Mậu nói trên. Theo cơ quan tố tụng, việc này nhằm hợp thức hóa khoản bị cáo Vui vay lãi suất cao từ bà Võ Thị Thanh Loan, Chủ tịch Tradeco.

Cũng trong năm 2010, bị cáo Vui che giấu việc trụ sở Upexim được thế chấp ngân hàng để bán khu đất cho Công ty Kim Cương Xanh. Doanh nghiệp này "sập bẫy", đã chuyển 120 tỷ đồng, gồm cho Upexim 72,2 tỷ và bị cáo Vui 47,8 tỷ đồng.

Ngoài việc lừa đảo như trên, bị cáo Vui còn đồng phạm với Tống Thị Bích Loan, Châu Thị Khoa, lần lượt làm Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Biên Hòa (Bihimex) trong việc rút tiền nhà nước.

Cụ thể, Trương Vui dùng Upexim và một số doanh nghiệp khác ký hợp đồng mua bán khống với Bihimex để Bihimex vay tiền ngân hàng hoặc vay từ công ty mẹ là Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico). Việc này khiến Dofico thiệt hại 144 tỷ đồng.

Vì những hành vi trên, tại phiên sơ thẩm năm 2022, TAND TP.HCM phạt Trương Vui án chung thân về tội lừa đảo và 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Loan nhận 10 năm tù còn Khoa 8 năm tù.

Về dân sự, tòa tuyên Trương Vui phải bồi thường cho Công ty Kim Cương Xanh 120 tỷ đồng tiền thanh toán mua nhà đất số 2 – 4 Hồ Tùng Mậu; công ty Upexim phải chuyển trả bị cáo Vui 72,2 tỷ đồng.

Bị cáo Vui cùng Upexim phải bồi thường cho Dofico hơn 144 tỷ đồng, mỗi bên 50%, để bồi thường cho hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế.

Tòa còn tuyên tiếp tục kê biên khu đất số 2 – 4 Hồ Tùng Mậu để xác định 50% giá trị thuộc sở hữu của Tradeco; 50% còn lại thuộc Upexim (nhằm đảm bảo việc giải quyết hợp đồng tín dụng với Agribank).

Dù bị cáo và Upexim kháng cáo nhưng năm 2022, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án.

Tại kháng nghị giám đốc thẩm, Viện KSND tối cao cho rằng tội danh và hình phạt tòa các cấp tuyên cho các bị cáo là đúng nhưng phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng chưa phù hợp.

Cụ thể, bị cáo Vui làm giả biên bản họp Hội đồng quản trị của Upexim để ký hợp đồng với Tradeco vào năm 2010 nên hợp đồng này vô hiệu. Ngoài ra, thời điểm này, khu đất vẫn thuộc Công ty Quản lý, kinh doanh Nhà TP.HCM nên Upexim không có quyền mang đi hợp tác xây dựng với doanh nghiệp khác.

Thực chất, hợp đồng giữa Upexim và Tradeco là hợp đồng giả tạo nhằm hợp thức quan hệ vay tiền giữa cá nhân Trương Vui và bà Võ Thị Thanh Loan – Chủ tịch Tradeco.

Bên cạnh đó, không có căn cứ xác định Tradeco đã chuyển 60 tỷ đồng cho Upexim theo hợp đồng bởi các phiếu thu – chi tiền mặt chỉ là hợp thức mà không có tiền thật; phiếu không được lập đúng quy định…

Từ những phân tích trên, viện kiểm sát cho rằng tòa án "vi phạm pháp luật" khi tuyên Tradeco sở hữu 50% giá trị nhà đất tại số 4 – 6 Hồ Tùng Mậu. Việc này cần hủy bỏ để đảm bảo quyền lợi cho Upexim.

Về trách nhiệm bồi thường cho Công ty Kim Cương Xanh 120 tỷ đồng, Viện KSND tối cao cho rằng trong số này, Trương Vui dùng cá nhân 47,8 tỷ đồng và nhập quỹ Upexim 72,2 tỷ đồng.

Sau khi nhập quỹ, ông Vui lại tự ý dùng tiếp hơn 57 tỷ nên thực tế, Upexim chỉ được dùng hơn 14 tỷ đồng. Do vậy, doanh nghiệp này chỉ phải hoàn trả Kim Cương Xanh 14 tỷ đồng, còn lại là trách nhiệm của Trương Vui. Quan điểm này của viện kiểm sát khác với bản án có nội dung Upexim phải trả 72,2 tỷ đồng.

Về việc Tổng công ty Dofico bị thiệt hại hơn 144 tỷ đồng, viện kiểm sát cho rằng tòa án tuyên Trương Vui và Upexim liên đới bồi thường mỗi bên 50% là "sai lầm nghiêm trọng".

Lý do, trong hành vi cố ý làm trái, bị cáo Tống Thị Bích Loan mới là chủ mưu và quá trình phạm tội, phía Dofico đã thu hồi lãi hơn 37 tỷ đồng. Do vậy, thiệt hại thực tế của doanh nghiệp này là hơn 107 tỷ đồng (144 tỷ trừ 37 tỷ).

Bên cạnh đó, hành vi phạm tội do Trương Vui, Tống Thị Bích Loan, Châu Thị Khoa cùng thực hiện nên để đúng quy định, viện kiểm sát cho rằng cần buộc 3 người này liên đới cùng Upexim bồi thường cho Dofico theo mức độ lỗi.

Source: danviet.vn

Các bài tương tự
5 ngày trước - Bản án của tòa TP Cần Thơ tuyên vụ gây thiệt hại của ngân hàng 291 tỉ đồng tiếp tục có kháng cáo của người liên quan và kháng nghị của viện kiểm sát.
1 tuần trước - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM vừa kháng nghị một phần bản án sơ thẩm theo hướng đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM tăng nặng hình phạt đối với 18 bị cáo trong vụ đăng kiểm.
3 tuần trước - Vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bị cáo bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 16 năm tù năm 2022 thì bị viện kiểm sát kháng nghị. Tòa cấp cao trả hồ sơ điều tra lại. Đến nay, tòa sơ thẩm lần 2 này tiếp tục tuyên mức án như trước.
1 tuần trước - Trong khi cựu giám đốc và phó giám đốc Agribank Cần Thơ kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm tuyên vô tội, VKS kháng nghị cho rằng mức án của các bị cáo còn nhẹ.
19 giờ trước - Vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn tưởng chừng đơn giản nhưng trải qua 4 cấp tòa, 3 bản án, 2 quyết định giám đốc thẩm, người vợ mới tìm được công lý trên… giấy.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Lần theo lời khai của thiếu niên 16 tuổi Đinh Hoàng Thuận - bị bắt khi mang ma túy đi bán, cảnh sát phát hiện đường dây cung cấp "hàng" cho nhiều dân chơi.
2 giờ trước - Mỹ- Mất bố từ năm 11 tuổi, hai chị em Angela và Andrea quyết tâm tìm kiếm sự thật sau 17 năm vụ án chìm vào quên lãng, dù có phải gõ cửa từng nhà để cầu xin thông tin.
2 giờ trước - Gần đây công việc ở công ty tôi không đều nên thu nhập giảm sút. Tôi định nghỉ việc, mở quán ăn tại nhà kết hợp với bán online cho cư dân sống trong khu chung cư.
4 giờ trước - Một cán bộ thuộc BQL dự án và Phát triển quỹ đất huyện Minh Hóa bị tạm giữ để điều tra nghi có liên quan đến một vụ án vi phạm quy định về quản lý, đấu thầu trong dự án cây xanh.
5 giờ trước - Đà Nẵng- Nguyễn Vĩnh Sơn, 31 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển SQ Vĩnh Phát, bị phạt 20 năm tù vì chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng để chơi chứng khoán, tiền ảo.