ttth247.com

Kiến nghị BHYT chi trả thuốc ung thư mới

Cử tri các tỉnh thành kiến nghị bổ sung một số loại thuốc vào danh mục được BHYT chi trả, trong đó có thuốc ung thư mới nhằm giải quyết khó khăn cho bệnh nhân.

Kiến nghị được cử tri các tỉnh Yên Bái, Trà Vinh, Vĩnh Long... đưa ra khi phản ánh vấn đề liên quan lĩnh vực y tế trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung danh mục thuốc, hóa chất, sinh phẩm, đặc biệt là danh mục thuốc, hóa chất, sinh phẩm chữa các bệnh hiểm nghèo (như ung thư). Trong đó, những thuốc mới nên được đưa vào Danh mục thuốc chữa bệnh được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) để giải quyết khó khăn cho người mắc các bệnh hiểm nghèo nhưng không có điều kiện kinh tế tiếp cận.

Những năm gần đây, các liệu pháp mới như điều trị đích, miễn dịch ra đời mang lại nhiều hy vọng như chữa khỏi cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm, giúp người bệnh giai đoạn di căn có cơ hội kéo dài sự sống. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch chưa được BHYT thanh toán. Chi phí cho một bệnh nhân khoảng 500-600 triệu đồng/năm, tùy từng chỉ định và loại thuốc. Mỗi người bệnh có thể phải điều trị trong 1-2 năm, do đó đa số người nghèo không thể tiếp cận, theo nhận định của các bác sĩ.

Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 182.600 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong vìung thư. Năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân ung thư khoảng trên 176 triệu đồng mỗi năm, theo thống kê của Bệnh viện K Hà Nội. Các ca nặng, phức tạp, số tiền có thể gấp nhiều lần.

Còn cử tri Vĩnh Long phản ánh việc khám BHYT chưa đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, danh mục thuốc BHYT tại cơ sở rất hạn chế, thiếu thuốc điều trị. Có những bệnh cần cấp từ 5-6 loại thuốc, song BHYT chỉ đáp ứng được 3-4 loại, còn lại người bệnh phải tự mua, tạo thêm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh.

Vì vậy, cử tri đề nghị sớm bổ sung danh mục thuốc BHYT cho các bệnh viện nhằm giúp người dân, đặc biệt người nghèo khi khám chữa bệnh BHYT có đủ thuốc điều trị, tránh tình trạng người dân phải mua thuốc ở các nhà thuốc bên ngoài với chi phí cao.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết với mục tiêu hướng tới thực hiện BHYT toàn dân. Bộ Y tế chú trọng xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT, đặc biệt là gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người bệnh.

"Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia có danh mục thuốc BHYT tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng", theo Bộ trưởng. Hiện, danh mục thuốc BHYT bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Đặc biệt, trong số này, có 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch.

Thuốc được sử dụng tại bệnh viện hàng II trở lên, bệnh viện hạng III sử dụng khoảng 795 thuốc, chiếm khoảng 77%. Trạm y tế xã được sử dụng khoảng 262 thuốc chiếm 25% và một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính cấp tại trạm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Vì vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mạn tính.

Bộ trưởng Y tế cho biết đang rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục thuốc BHYT, trong đó chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc cho tuyến dưới, nhất là tuyến tỉnh, huyện, xã. Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bộ cũng rà soát, cập nhật danh mục thuốc hợp lý, tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, lãng phí Quỹ để có điều kiện tăng phạm vi chi trả đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật có chi phí lớn. Việc này giúp giảm khó khăn cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

Lê Nga

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Quỹ bảo hiểm y tế kết dư 40.000 tỉ đồng, Bộ Y tế đề xuất mở rộng quyền lợi và tăng mức thông tuyến, thuận lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế, không để xảy ra đói nghèo, khánh kiệt sau cơn bạo bệnh.
2 tuần trước - Cử tri Đồng Nai kiến nghị bỏ thủ tục mua sổ khám bệnh bằng giấy bởi các bệnh viện hiện đã công nghệ hóa, in chẩn đoán và đơn thuốc.
1 tháng trước - Chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước, song vẫn là rào cản rất lớn với các bệnh nhân, chuyên gia đề xuất BHYT từng bước chi trả cho bệnh này.
2 tuần trước - Đây là đề xuất của chuyên gia y tế tại buổi hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.
1 tháng trước - 'Rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nhưng không đủ kinh phí để điều trị. Thậm chí, có những bệnh lý phải mổ, liên quan tới vô sinh hiếm muộn nhưng không được thanh toán bảo hiểm'.
Xem tin bài khác
12 phút trước - Hạt chia rất tốt cho sức khỏe, nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm kết hợp với hạt chia đều tốt.
2 giờ trước - Lợi ích được biết đến nhiều nhất của cà phê là giúp tỉnh táo. Do đó, nhiều người thường uống cà phê sau khi thức dậy vào buổi sáng hay lúc mệt mỏi. Uống cà phê thường xuyên còn có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
3 giờ trước - TP HCM- Người phụ nữ 33 tuổi mang thai 26 tuần, bật bếp nấu ăn thì bình gas phát nổ gây bỏng lửa 95% cơ thể, tình trạng nguy kịch.
4 giờ trước - Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy người con cả (con đầu lòng) và con một dễ bị trầm cảm hoặc rối loạn âu lo không rõ nguyên nhân.
4 giờ trước - Ho kèm chất nhầy, sốt cao, đau ngực, khó thở hay môi và móng tay xanh xao có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi.