ttth247.com

Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam

Gấp 4 lần vốn đầu tư nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết lượng kiều hối về TP.HCM trong 9 tháng năm 2024 đạt gần 7,392 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng kiều hối quý 3 giảm nhẹ 4,1% so với quý 2 nhưng mức này vẫn bằng 78,1% so với cả năm 2023 (là năm có lượng kiều hối chuyển về cao nhất, đạt 9,46 tỉ USD). Trong số lượng kiều hối chuyển về, nguồn kiều hối thông qua tổ chức kinh tế (các công ty kiều hối) đạt 5,485 tỉ USD và chuyển qua các tổ chức tín dụng đạt hơn 1,9 tỉ USD. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (53,8%) và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Kiều hối chuyển về từ châu Mỹ tăng 4,4%; châu Đại Dương tăng 20%; châu Âu giảm 19,1% so với cùng kỳ…

Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam- Ảnh 1.

Thu hút kiều hối sẽ tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam

Đáng chú ý, lượng kiều hối về TP.HCM trong 9 tháng năm 2024 đã vượt con số của cả năm 2020 (6,1 tỉ USD), năm 2021 (7,1 tỉ USD) và cả năm 2022 (6,6 tỉ USD). Lượng kiều hối này đã cao gần 4 lần so với lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào thành phố (khoảng 1,91 tỉ USD). Tính chung giai đoạn 2012 - 2023, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối đạt hơn 65 tỉ USD, với mức tăng trung bình từ 3 - 7%/năm.

Từ số liệu của thành phố và thống kê những năm qua cho thấy lượng kiều hối về TP.HCM chiếm từ 38 - 53% tổng lượng kiều hối cả nước. Như vậy, dự kiến năm 2024, kiều hối cả nước đạt khoảng 19 tỉ USD và đây sẽ là mức cao kỷ lục từng đạt được trong năm 2022.

Nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Trong số đó, dòng tiền chuyển về đầu tư chiếm tỷ trọng cao càng cho thấy môi trường kinh doanh, đầu tư ở VN khá hấp dẫn. Đặc biệt, với việc luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua cho phép kiều bào về đầu tư, kinh doanh bất động sản như người dân trong nước thì dòng kiều hối về VN sẽ tiếp tục gia tăng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, phân tích: Mặc dù kiều hối về thành phố trong các quý gần đây giảm, song dự báo từ đây đến cuối năm 2024 sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Dự báo này dựa trên cơ sở thống kê thực tế trong những năm qua và xu hướng tăng trưởng của kiều hối trong quý 4 hằng năm, là quý cuối năm, có dịp lễ tết cổ truyền âm lịch, vì vậy nguồn tiền này thường tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, quý 4/2021 kiều hối chuyển về tăng 26,1%; quý 4/2022 tăng 12,7% và quý 4/2023 tăng 17,9%. Dự báo kiều hối chuyển về sẽ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm trong năm 2024. 

Xu hướng này, gắn liền với tốc độ tăng trưởng kiều hối quý cuối năm, thường tăng cao hơn so với các quý trước. Quan trọng hơn, kiều hối qua các năm về TP.HCM tăng đều sẽ tạo tiềm năng cho những năm tới nhờ các yếu tố tích cực từ cơ chế chính sách thu hút kiều hối, chính sách phát triển thị trường lao động; chính sách kiều bào đến hoạt động dịch vụ chi trả kiều hối. Vì vậy theo ông Lệnh, để tiếp tục tạo tiềm năng cho những năm tới, giải pháp hiện nay vẫn là duy trì và phát huy các yếu tố tích cực này. Trong đó việc làm tốt công tác truyền thông có ý nghĩa quan trọng, với nội hàm thông tin tuyên truyền về chủ trương chính sách, về môi trường đầu tư và đất nước con người VN, đặc biệt là các dịch vụ chi trả kiều hối để kiều bào và người VN lao động và học tập ở nước ngoài nắm bắt, thực hiện thuận lợi việc chuyển kiều hối về nước.

Hiện nay VN có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% là tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên. Đời sống của kiều bào ngày càng tốt hơn và đây là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Môi trường đầu tư hấp dẫn dòng tiền

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây VN nhận lên tới 17 - 18 tỉ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của VN. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về VN có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam- Ảnh 2.

Kiều hối về VN tiếp tục tăng cao. Trong đó, kiều hối về TP.HCM trong 9 tháng năm 2024 cao hơn cả năm 2021 và 2022

Ảnh: NGỌC THẮNG

Nhìn trên toàn cục, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: Lượng kiều hối về VN vẫn ngày càng gia tăng, trong đó năm 2022 tăng kỷ lục với khoảng 19 tỉ USD. Năm 2023, kinh tế toàn cầu khó khăn nên dòng tiền của người Việt về VN có sụt giảm nhưng ở mức

16 tỉ USD cũng là rất cao. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. "Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… cũng đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước", ông Thịnh nói. Đặc biệt những năm gần đây, nguồn kiều hối gần ngang bằng với dòng vốn FDI vào VN và trở thành nguồn lực đóng góp quan trọng, gia tăng dòng ngoại tệ đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó giúp VN duy trì được chính sách tỷ giá hối đoái ổn định, đảm bảo dự trữ ngoại hối của quốc gia. 

"Nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Trong số đó, dòng tiền chuyển về đầu tư chiếm tỷ trọng cao càng cho thấy môi trường kinh doanh, đầu tư ở VN khá hấp dẫn. Đặc biệt, với việc luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua cho phép kiều bào về đầu tư, kinh doanh bất động sản như người dân trong nước thì dòng kiều hối về VN sẽ tiếp tục gia tăng", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng.

Cũng đánh giá cao đóng góp của kiều bào với lượng kiều hối hằng năm chuyển về VN đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chuyên gia kinh tế, GS-TS Võ Đại Lược cho rằng bất kỳ quốc gia nào cũng cần ngoại tệ để sử dụng trao đổi thương mại, dự trữ ngoại hối… Dòng vốn của người VN đi lao động, định cư ở các quốc gia gửi về đầu tiên thường là giúp đỡ người thân, bà con và sau đó là để đầu tư. Lãi suất tiết kiệm của VN luôn ở mức cao, lên đến 6 - 7%/năm, hơn gấp đôi lãi suất ở nhiều quốc gia. Đây là điều hấp dẫn thu hút kiều bào gửi ngoại tệ về nước, chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi cao. Đặc biệt dòng kiều hối từ Mỹ sẽ tăng lên trong thời gian tới bởi hiện nước này đã bắt đầu giảm lãi suất và khi xu hướng này tiếp diễn thì dòng kiều hối có khả năng về VN sẽ nhiều hơn những năm gần đây.

Tiếp tục khuyến khích, rộng cửa đón kiều hối

Luật Đất đai sửa đổi và luật Kinh doanh bất động sản mới đều có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân VN, kể cả người VN định cư sinh sống ở nước ngoài. Người Việt định cư ở nước ngoài là công dân VN (người còn quốc tịch VN) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về nhà ở như công dân trong nước. Bên cạnh đó, bà con Việt kiều sẽ được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Như vậy, Việt kiều sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật. 

Đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch VN cũng có quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền chung của người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất gồm cá nhân trong nước và người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN được bình đẳng, ngang nhau… Những quy định này đang mở ngỏ cho dòng tiền từ kiều bào chảy về mạnh mẽ hơn nữa.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Trước đây, quy định cho phép kiều bào được mua bất động sản trong nước nhưng nhiều người phải nhờ người thân đứng tên. Cũng chính vì lo ngại thủ tục, quy định phức tạp, không được đứng tên sở hữu nên nhiều người ngần ngại. Vì vậy, cùng với các chính sách khuyến khích thời gian qua của Chính phủ, quy định mới trong luật Kinh doanh bất động sản sẽ giúp kiều bào dễ dàng hơn trong việc sở hữu nhà cửa, đất đai trong nước. 

Từ đó góp phần giúp lượng kiều hối về VN có thể gia tăng cao hơn trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, các thủ tục hành chính đơn giản cho kiều bào trong quá trình đi về VN nhanh chóng hay hội nhập dễ dàng. Hay xem xét có những quy định thông thoáng hơn, cho phép người gốc Việt (dù không có quốc tịch VN) đầu tư vào VN ở một số lĩnh vực, ngành nghề như người trong nước. Điều đó sẽ càng khuyến khích, thu hút hơn nữa lượng kiều hối về VN.

Là Việt kiều Mỹ thường xuyên sinh sống, làm việc tại VN, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Lợi thế lớn nhất của kiều hối là không tiềm ẩn rủi ro như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Cũng không như lượng tiền vay nước ngoài hay nguồn vốn ODA phải đáp ứng các điều kiện mới nhận được, kiều hối là dòng tiền tự nguyện, chỉ chuyển một chiều từ nước ngoài về mà không đi kèm bất cứ điều kiện nào. Vì thế, kiều hối là nguồn lực hết sức giá trị, bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho VN, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Cũng vì thế, VN có nhiều chính sách thu hút kiều hối. Mới đây, thông qua Ủy ban Về người VN ở nước ngoài, TP.HCM có đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030", trong đó đề cập việc phát hành trái phiếu thu hút nguồn kiều hối cho đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế…

"Mặc dù hiện nay việc phát hành mới sơ khai nhưng đây là lần đầu tiên có một đề án cụ thể thu hút nguồn kiều hối chảy vào các lĩnh vực cụ thể. Nếu các vấn đề như lãi suất, trái phiếu… đủ sức thu hút kiều bào thì cũng là một giải pháp để gia tăng kiều hối vào VN. Từ trước đến nay, kiều bào thường gửi tiền về cho người thân gia đình, có những thời điểm lãi suất trong nước cao hơn quốc tế thì gửi tiền về nước để hưởng chênh lệch. Hiện nay lãi suất USD bằng 0% nên không còn hiện tượng này nhưng dòng chảy này tăng cao một phần cũng là do người Việt làm việc ở nước ngoài tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở thị trường trong nước", TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

VN nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối

Nhiều năm qua, VN là một trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài thông tin lượng kiều hối về VN từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2023 đạt trên 206 tỉ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân.

Phát huy nguồn lực kiều hối

Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030" có các giải pháp toàn diện và có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng lượng kiều hối chuyển về hằng năm, phát huy và thu hút nguồn lực này, còn có các giải pháp và định hướng về sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối. Trong đó nghiên cứu, đề xuất sử dụng các biện pháp kinh tế để thu hút và tập trung nguồn kiều hối chuyển cho đầu tư phát triển các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thành phố mang lại hiệu quả cao hơn, to lớn hơn. Để thực hiện tốt giải pháp này, công tác thông tin tuyên truyền cũng là yêu cầu quan trọng nhằm tư vấn, thông tin cho người dân, người thụ hưởng sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối. Nguồn kiều hối sẽ có các lựa chọn vào tiêu dùng phục vụ sinh hoạt, đời sống; đưa vào sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ; gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư; mua trái phiếu chính quyền địa phương… Rõ ràng, việc tập trung nguồn lực kiều hối cho phát triển các chương trình, dự án kinh tế - xã hội sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều và mang lại lợi ích thiết thực cho cả nền kinh tế và người dân. Trong quá trình này, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối cũng là giải pháp thu hút kiều hối chuyển về tăng trưởng bền vững.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
4 ngày trước - Chính sách nới lỏng của Luật Đất đai 2024 mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho khoảng 5,5 triệu người gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài và giải quyết "cơn khát" BĐS, đồng thời kích thích sự gia tăng kiều hối gửi về quê hương, tạo động lực...
1 tháng trước - “Quan trọng không phải đích đến mà là hành trình mình đi như thế nào” là câu trả lời đầy hàm ý của ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital trước câu hỏi của “host” Phạm Minh Hương - Chủ tịch VNDIRECT về hành trình 30 năm làm nghề...
1 tháng trước - Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam – Quỹ đầu tư lâu đời nhất và lớn nhất tại Việt Nam, đến talk show The Investors với bộ vest xanh lịch lãm và mái tóc buộc kiểu đuôi ngựa rất đặc trưng. Điểm thú vị...
1 tháng trước - Năm 2021, được sự ủng hộ và tin tưởng của Tập Đoàn Central Retail, Gree trở thành nhà cung cấp thiết bị điều hoà không khí cho chuỗi dự án GO! Mall và siêu thị GO!, trải dài khắp các tỉnh thành tại Việt Nam.
1 tháng trước - Khởi nghiệp ngót hai thập kỷ, hiện sở hữu chuỗi trái cây nhập khẩu 55 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP HCM, nhưng khi Google cái tên “Nguyễn Xuân Hải” – Founder kiêm CEO Klever Fruit, kết quả ít đến ngạc nhiên.
Xem tin bài khác
4 phút trước - Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp xử lý vướng mắc của UBND TP.HCM về áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024.
5 phút trước - Ngày 18.10, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã chính thức đưa vào hoạt động Co.opXtra Long Bình - thành viên thứ 5 của phân khúc đại siêu thị.
5 phút trước - Sáng 18-10, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chính thức đưa vào hoạt động Co.opXtra Long Bình - thành viên thứ 5 của phân khúc đại siêu thị.
13 phút trước - Theo The Moscow Times, Cơ quan Giám sát An toàn Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) đã cấm nhập khẩu cà chua, dưa, lúa mì và các loại thực phẩm khác...
13 phút trước - Bão Helene và Milton có thể tham gia danh sách cùng các siêu bão như Katrina, Sandy và Harvey, với mức thiệt hại lên tới hơn 50 tỷ USD cho mỗi cơn bão.