ttth247.com

Lại chuyện ghi địa chỉ 'linh hoạt' trong bài báo khoa học

Cách đây 7 năm, GS Nguyễn Xuân Hùng được giới thiệu với bạn đọc Báo Thanh Niên như một nhà khoa học có nhiều công bố quốc tế. Ông được giới truyền thông trong nước chú ý từ năm 2014, khi lọt vào danh sách tốp 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều (Highly Cited Researchers - HCR). Theo dữ liệu của Clarivate (tập đoàn cung cấp dữ liệu học thuật, có trụ sở chính ở Anh), Nguyễn Xuân Hùng là nhà khoa học duy nhất làm việc tại VN có tên trong danh sách HCR 9 năm liên tục (2014 - 2022). Từ nhiều năm nay, GS Hùng là người giữ nhiều chức danh quan trọng, có vai trò tham gia dẫn dắt nền khoa học nước nhà, như Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành cơ học, ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia (NAFOSTED), thành viên Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM)...

Lại chuyện ghi địa chỉ 'linh hoạt' trong bài báo khoa học- Ảnh 1.

GS Nguyễn Xuân Hùng thực hiện bài giảng đại chúng tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), tháng 4.2023

ẢNH: CLB NHÀ KHOA HỌC ĐH QUỐC GIA HÀ NỘI

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cũng phản ánh hoạt động công bố quốc tế của GS Hùng có những góc khuất cần được làm rõ. Theo đó, từ nhiều năm, giới khoa học đã biết đến việc nhiều trường ĐH ở VN cũng như ở nước ngoài dùng chiêu trò để gia tăng số lượng bài báo, nhằm chạy đua vào các bảng xếp hạng. Nhiều nhà khoa học đã tiếp tay cho chiêu trò này bằng cách ghi địa chỉ (affiliation) các trường ĐH đó trong công bố của họ, dù đấy không phải là nơi họ làm việc chính thức. GS Hùng là người có nhiều bài báo ghi địa chỉ rất linh hoạt, hầu hết đều liên quan tới những trường vốn bị nghi ngờ dùng chiêu trò để gia tăng số bài báo quốc tế trong cuộc chạy đua xếp hạng ĐH.

GS NGUYỄN XUÂN HÙNG CHÍNH THỨC LÀM VIỆC Ở ĐÂU?

GS Nguyễn Xuân Hùng là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cơ học tính toán. Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Liège (Bỉ) năm 2008, ông về VN làm việc. Từ cuối năm 2014 đến nay, GS Hùng là Viện trưởng Viện Công nghệ nghiên cứu liên ngành CIRTECH, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Trường ĐH HUTECH), đồng thời là giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Y khoa Trung Quốc (Đài Loan) từ năm 2015 và ở ĐH Sejong (Hàn Quốc) từ năm 2014.

Tuy nhiên, trong danh sách HCR của Clarivate suốt 8 năm (từ năm 2015 - 2022), địa chỉ chính của GS Hùng là ĐH Y khoa Trung Quốc (Đài Loan), còn HUTECH - nơi ông là cán bộ cơ hữu, chỉ được dùng làm địa chỉ phụ. Theo giải thích của Clarivate, để xác định địa chỉ (affiliation) của các nhà khoa học trong danh sách HCR, Clarivate tuân thủ một quy trình cẩn thận, theo căn cứ thực tế, trong đó bao gồm bước liên lạc với nhà khoa học có tên trong danh sách HCR để xác thực tên và địa chỉ của họ.

Không chỉ sử dụng ĐH Y khoa Trung Quốc (chứ không phải cơ quan chủ quản làHUTECH) làm địa chỉ chính trong danh sách HCR suốt 8 năm, GS Hùng còn đăng rất nhiều bài ghi địa chỉ nhiều trường khác mà ông không thuộc biên chế. Theo thống kê của Báo Thanh Niên từ cơ sở dữ liệu Scopus, ông Hùng đã đăng tổng cộng gần 190 bài (trên tổng số 310 bài) ghi địa chỉ 4 trường mà ông không có biên chế hoặc không phải là cán bộ cơ hữu ở đó, gồm một trường ở Đài Loan (là ĐH Y khoa Trung Quốc đã nói ở trên), một trường ở Hàn Quốc (ĐH Sejong) và hai trường tại VN (cả hai trường này đều là những trường dùng chiêu trò "mua bài" để được xếp hạng quốc tế mà Báo Thanh Niên từng phản ánh).

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng bài báo đã được công bố thì nơi ông Hùng cống hiến tích cực hơn (so với ĐH Y khoa Trung Quốc) là ĐH Sejong. Thống kê từ cơ sở dữ liệu Scopus cho thấy, tính theo số lượng bài, tới gần 1/3 "sự nghiệp" công bố của ông Hùng là dành cho ĐH Sejong (101/310 bài). Tính số bài của ông Hùng từ năm 2014 (là năm ông làm giáo sư thỉnh giảng cho ĐH Sejong) đến nay, trung bình cứ công bố 5 bài thì có 2 bài ông Nguyễn Xuân Hùng ghi địa chỉ đại học này.

Lại chuyện ghi địa chỉ 'linh hoạt' trong bài báo khoa học- Ảnh 2.

GS Nguyễn Xuân Hùng là người có nhiều bài báo ghi địa chỉ rất linh hoạt, hầu hết đều liên quan tới những trường vốn bị nghi ngờ dùng chiêu trò để gia tăng số bài báo quốc tế trong cuộc chạy đua xếp hạng ĐH

ẢNH: CLB NHÀ KHOA HỌC ĐH QUỐC GIA HÀ NỘI

GS NGUYỄN XUÂN HÙNG VÀ TRƯỜNG HUTECH NÓI GÌ ?

Khi trả lời những câu hỏi của Báo Thanh Niên, GS Hùng khẳng định việc ghi địa chỉ của ông "đảm bảo tính liêm chính (phù hợp với bối cảnh lịch sử và quy định mỗi trường ban hành)". Khi được đề nghị giải thích về việc ghi địa chỉ chính là ĐH Y khoa Trung Quốc trong danh sách HCR của Clarivate, GS Hùng cho biết từ nhiều năm nay ông làm việc ở cả hai nơi, và được HUTECH ủng hộ (nghĩa là HUTECH đồng ý ông làm việc đồng thời ở hai nơi - PV).

Trước câu hỏi về "nguyên tắc ghi địa chỉ", khi nào ghi một địa chỉ, khi nào ghi hơn một địa chỉ, với bài ghi hơn một địa chỉ thì nguyên tắc xác định địa chỉ chính là như thế nào, GS Hùng trả lời: "Việc để địa chỉ đều trong thỏa thuận hợp đồng, hợp tác dự án và được sự đồng ý của các đơn vị liên quan".

Khi được đề nghị giới thiệu cụ thể mối quan hệ hợp tác với các trường ĐH khác (trong đó có 2 trường ĐH VN từng bị phản ánh về chiêu trò mua bán bài), ông trả lời ngắn gọn: "Việc hợp tác với các trường trước đây cũng được sự đồng ý của các đơn vị công tác. Mọi thông tin PV có thể liên hệ với các đơn vị để xác nhận".

Là người có năng suất công bố cao, GS Hùng có nhiều đồng tác giả, trong đó đồng tác giả thường xuyên nhất là Timon Rabczuk ở ĐH Bauhaus Weimar (Đức) với hơn 40 bài báo chung. Timon Rabczuk được giới khoa học trong và ngoài nước biết đến như một mắt xích quan trọng trong nhóm nhà khoa học thường xuyên "bán" bài báo và danh hiệu cho các trường ĐH có nhu cầu. Báo Thanh Niên đã từng phản ánh thủ thuật khai man nhiệm sở của Timon Rabczuk và hai đồng tác giả người nước ngoài. Khi được hỏi về mối quan hệ với một người bị tiếng xấu về liêm chính như Timon Rabczuk, GS Hùng cho rằng đó là "việc đời tư" của ông ta. "Với tôi, GS Rabczuk là đồng nghiệp tử tế và đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên VN", GS Hùng nói.

Còn theo PGS Võ Đình Bảy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH HUTECH, cá nhân ông cũng băn khoăn về việc địa chỉ chính của GS Hùng trong danh sách HCR của Clarivate là ĐH Y khoa Trung Quốc, còn HUTECH là địa chỉ phụ, do số lượng bài ghi địa chỉ HUTECH của GS Hùng nhiều hơn hẳn số bài ghi địa chỉ ĐH Y khoa Trung Quốc. "Không biết có phải do GS Hùng khai với Clarivate như thế hay là do Clarivate nhầm lẫn", ông Bảy chia sẻ.

Ông Bảy nói thêm: "Tôi biết có một số cái không ổn, nhưng cũng phải dần dần mới vào được nền nếp. Hiện nay cũng đã bắt đầu ổn. Một số ngoại lệ trước đây thì cứ để cho nó vẫn "chạy". Còn quy định của nhà trường cũng đã rõ là không cho phép để địa chỉ thứ hai, đặc biệt khi địa chỉ còn lại là của một trường ĐH khác trong nước (nếu là trường ĐH nước ngoài thì cho phép địa chỉ thứ hai nếu như đề tài có được do mối quan hệ hợp tác mà bắt buộc phải để)".

Ông Bảy cũng cho biết, nhân việc Báo Thanh Niên đặt ra vấn đề này, nhà trường sẽ rà soát lại và sẽ trao đổi với GS Hùng, đặc biệt là sẽ chính thức tìm hiểu vì sao địa chỉ chính của GS Hùng trong danh sách HCR của Clarivate là ĐH Y khoa Trung Quốc.

ĐH Y khoa Trung Quốc là đơn vị đã bị báo chí Đài Loan phanh phui chiêu trò mua bài báo/mua affiliation để gian lận xếp hạng, giống hệt như cách mà các trường ở Ả Rập Xê Út, Ấn Độ hay một số trường ĐH ở VN… đã sử dụng. Theo truyền thông Đài Loan, việc sử dụng tiền để đổi lấy bài báo, trong khi tác giả các bài báo đó không trực tiếp đóng góp vào hoạt động đào tạo ở ĐH Y khoa Trung Quốc, không chỉ vi phạm liêm chính học thuật mà còn là hành vi đánh lừa phụ huynh, sinh viên khi chọn trường, đánh lừa chính quyền để nhận tài trợ cho các đơn vị được phân bổ theo thành tích công bố.

Còn ĐH Sejong (Hàn Quốc) cũng bị nghi ngờ bởi sự thăng tiến thần tốc trên các bảng xếp hạng đại học. Trong bảng xếp hạng của US News vừa công bố năm nay, trường này từ vị trí 15 năm 2020 nhảy vọt lên xếp thứ 3 Hàn Quốc. Về xếp hạng toàn cầu, ĐH Sejong cũng leo tới gần 400 bậc, từ hạng 629 năm 2021 lên vị trí 241 năm nay. Trong thành tích công bố của ĐH Sejong, ông Nguyễn Xuân Hùng trực tiếp đóng góp ít nhất 101 bài (như đã nói ở trên).

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
16 giờ trước - Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Ban giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về toán vừa trả lời về trường hợp GS Nguyễn Xuân Hùng.
1 tháng trước - Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) vừa có kết luận về xử lý vụ TS Nguyễn Thị Đông Phương là phản biện của bài báo bị một tạp chí quốc tế gỡ bỏ.
1 tuần trước - Không còn bó hẹp trong không gian một lớp học mà rộng mở hơn, trẻ em vùng cao nhờ đó lần đầu được biết đến nhiều điều mới mẻ ở Hà Nội, ở mũi Cà Mau hay ở một đất nước khác qua các lớp học 'kết nối'.
3 tuần trước - Chính phủ Úc đề xuất giới hạn số sinh viên quốc tế tuyển mới tại các cơ sở giáo dục từ năm sau ở mức 270.000, trong đó có 145.000 người ở các ĐH công lập và đang chờ quốc hội nước này thông qua.
1 tháng trước - Trường đại học Văn Lang vừa công bố 221 thí sinh đầu tiên dự kiến nhận Học bổng tài năng năm 2024 với giá trị từ 25-100 triệu đồng/suất. Các suất học bổng sẽ được trao chính thức trong lễ khai giảng năm học mới.
Xem tin bài khác
43 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.