ttth247.com

Làm sao hết 'khát' điều dưỡng?

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đăng tuyển hàng trăm điều dưỡng, ngoài ra còn các bệnh viện khác đang tìm cách tuyển đủ điều dưỡng như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân 115...

Không muốn kể khổ cũng không được

Từng gắn bó nghề điều dưỡng hơn 10 năm tại một bệnh viện công lập hạng 1 ở TP.HCM với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng, nữ điều dưỡng P.T.S. đành viết đơn xin nghỉ việc và sau đó xin làm hành chính ở một bệnh viện tư nhân cùng địa bàn với lương 8 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ, chị S. nghẹn lòng nói chị còn rất thương bệnh nhân nhưng phải nghỉ việc vì áp lực quá lớn như trực đêm thường xuyên, không có thời gian dành cho gia đình, nguy cơ sức khỏe.

Chưa kể theo quy định, điều dưỡng trung cấp phải học nâng trình độ lên cao đẳng, đại học mới được có mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Học phí học lên ước đến 100 triệu đồng.

"Đi học, tương lai chưa rõ thế nào, nhưng trước mắt sẽ rất vất vả vì phải vừa làm, phụ nữ còn công việc nhà và nuôi dạy con cái... Tôi thương bệnh nhân, nhưng hoàn cảnh mình không ai chia sẻ nên quyết định nghỉ việc", chị S. tâm sự.

Điều dưỡng trưởng tại một bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM chia sẻ đặc thù công việc của điều dưỡng vốn vất vả và đòi hỏi phải chịu được áp lực cao, thế nhưng hiện nay mức chi trả lương cho điều dưỡng còn khá thấp.

Bên cạnh đó, theo quy định mới ban hành, tất cả điều dưỡng phải có trình độ từ cao đẳng trở lên mới được xếp hạng nghề nghiệp, những điều dưỡng chưa đạt bắt buộc phải bỏ tiền túi ra học mà không được hỗ trợ bất cứ chi phí nào.

"Hiện khoa tôi còn một điều dưỡng có trình độ trung cấp đang phải tìm nơi để học lên cao đẳng với học phí cao, chúng tôi phải thường xuyên động viên. Cá nhân tôi khi học đến chuyên khoa I chi phí đã hết hơn 200 triệu đồng" - điều dưỡng này trải lòng.

Là điều dưỡng tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, chị Hoa (40 tuổi) nói công việc rất áp lực, căng thẳng, đặc biệt là những điều dưỡng làm việc ở khoa cấp cứu, chăm sóc hậu phẫu. "Trung bình mỗi điều dưỡng phải quản lý 10 - 15 bệnh nhân, cao điểm có thể là 20 bệnh nhân.

Ngoài việc thực hiện y lệnh điều trị của bác sĩ, còn phải thực hiện nhiều công việc khác, theo dõi sát sao bệnh nhân, giải đáp thắc mắc của người nhà người bệnh - có khi là những lời nói không chuẩn mực khiến chúng tôi rất áp lực", chị Hoa nói.

Từng là điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ứng Hòa (Hà Nội), chị Thơm (32 tuổi) cũng cho hay sau khi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng chị được ký hợp đồng dài hạn với tổng thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Sau 7 năm không tăng lương, không tăng thu nhập, bệnh viện không có biên chế chính thức trong khi chi phí cuộc sống ngày càng tăng, chị Thơm đã xin nghỉ việc. Hiện chị Thơm làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở trung tâm với mức lương khởi điểm là 8 triệu đồng/tháng.

Áp lực học lên để được xếp hạng viên chức

Theo thống kê trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9 - 10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030 ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000 - 50.000 nhân lực điều dưỡng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ CKI Lê Anh Tuấn - phó trưởng phòng, phụ trách quản lý và điều hành phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết hiện bệnh viện có 780 điều dưỡng.

Với quy mô 1.600 giường, bệnh viện cần khoảng 800 điều dưỡng, như vậy còn thiếu khoảng 20 điều dưỡng. Dù liên tục tuyển dụng điều dưỡng nhưng bệnh viện vẫn chưa tuyển được như số lượng mong muốn.

"Chúng tôi liên tục tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng điều dưỡng nên mới không thiếu nhiều", bác sĩ Tuấn nói.

Nhận định nguyên nhân thiếu hụt lực lượng điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập, bác sĩ Tuấn cho rằng do điều dưỡng xin nghỉ việc sau dịch COVID-19 và chuyển sang bệnh viện tư nhân theo xu hướng chung.

Ngoài ra, theo quy định và lộ trình của Bộ Y tế, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khi phải học tập nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học mới tiếp tục xếp hạng viên chức.

Bệnh viện Nhân dân 115 đã hoàn thành việc chuyển đổi tất cả điều dưỡng trung cấp lên cao đẳng và đại học được vài năm qua. Trước đó, bệnh viện có hỗ trợ chi phí học nâng cao cho điều dưỡng nhằm "giữ chân" lực lượng này.

PGS.TS Lê Đình Thanh, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết đến nay bệnh viện đã cập nhật chuẩn hóa trình độ đối với tất cả điều dưỡng theo quy định phải từ cao đẳng trở lên. Hiện việc tuyển dụng điều dưỡng là khó khăn chung của toàn ngành y tế, số lượng điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh còn hạn chế.

"Bệnh viện đã đăng tuyển điều dưỡng liên tục và chủ động xuống các trường cao đẳng và đại học không chỉ ở TP.HCM mà còn các tỉnh ĐBSCL để tuyển dụng điều dưỡng có chất lượng chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, chăm sóc bệnh nhân tốt.

Hiện nay điều dưỡng phải tự lo phần kinh phí nếu muốn nâng cao trình độ. Bệnh viện cũng đang cố gắng suy nghĩ, sắp xếp để hỗ trợ thêm cho các điều dưỡng", PGS Thanh cho hay.

Một lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM chia sẻ do không có nguồn thu nên không thể tuyển đầy đủ nhân viên theo đúng chỉ tiêu của bệnh viện. Tại bệnh viện, tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh là 1.800 nhân viên, thế nhưng chỉ tuyển 1.300 mới đủ chi trả lương.

Chính vì vậy điều dưỡng khi học lên phải tự bỏ tiền túi ra và tự sắp xếp thời gian ngoài giờ để đi học, kể cả bác sĩ. Bệnh viện chỉ hỗ trợ kinh phí học lên các chuyên ngành kỹ thuật cao do hạn chế về nguồn thu. Bên cạnh đó, bất cập thêm là bệnh viện công rất khó khăn trong quá trình đào tạo nhân lực nhưng khi đào tạo xong bệnh viện tư lại thu "hút" mất.

Nhu cầu chăm sóc toàn diện tăng liên tục

Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ bệnh viện có 270 bác sĩ và gần 600 điều dưỡng, như vậy tỉ lệ là 1 bác sĩ/hơn 2 điều dưỡng, đáp ứng theo tiêu chí mà Bộ Y tế đang đề ra.

Thế nhưng tỉ lệ điều dưỡng hiện nay chỉ đang đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người bệnh. Ngành y tế đang hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện.

"Những điều dưỡng có trình độ cao có thể đảm bảo công tác chăm sóc cho người bệnh, thực hiện các can thiệp chăm sóc có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, hiện nhiều bệnh viện cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc hằng ngày, từ tắm gội, ăn uống, nghỉ ngơi... thay cho người nhà.

Trong tương lai, chắc chắn số lượng điều dưỡng làm công tác phục vụ sẽ tăng lên do nhu cầu của người bệnh cũng ngày càng tăng", lãnh đạo bệnh viện nhận định.

Ông Phạm Đức Mục - chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam - cho rằng Việt Nam đang trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á.

Theo quy luật, tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Vì thế, nhu cầu lực lượng điều dưỡng rất lớn.

Để thu hút được lực lượng điều dưỡng, các bệnh viện phải đổi mới, đổi mới từ giá viện phí đến các chi phí cấu thành, phải tính giá trong đó, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc cũng phải tính đúng tính đủ để có thể trả lương cho điều dưỡng tốt hơn.

"Hàng chục năm nay nhiều bệnh viện thành phố người bệnh phải thuê người chăm sóc trong các bệnh viện. Xu hướng quốc tế đang cân bằng giữa chữa bệnh và chăm sóc.

Các nước phát triển đang đứng trước tình trạng khủng hoảng thiếu nghiêm trọng nhân lực điều dưỡng chuyên nghiệp. Một hệ thống dịch vụ y tế có chất lượng không thể chỉ dựa vào dịch vụ khám chữa bệnh do thầy thuốc cung cấp.

Hội cũng kiến nghị bổ sung hợp lý công chăm sóc của điều dưỡng, hộ sinh vào ngày giường nội trú để người bệnh được thừa hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng viên", ông Mục chia sẻ.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Được coi là dược liệu có lợi cho sức khỏe, quả la hán khá quen thuộc khi dùng làm nước giải khát ngày hè. Vậy người bị tiểu đường có uống được la hán quả không?
1 tháng trước - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu do đã có trường hợp tử vong. Trong Đông y, bạch hầu cũng được coi là bệnh lý nguy hiểm, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1 tháng trước - Chưa đến 40 tuổi đã mãn kinh, phải làm sao? Nhiều phụ nữ mới hơn 30 tuổi, chưa bước vào tuổi 40 đã xuất hiện những triệu chứng tiền mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt, không còn ham muốn tình dục.
1 tháng trước - Số ca mắc bệnh sởi tại TP.HCM đang tăng liên tục từ tháng 5-2024 đến nay. TP.HCM đã có 16 quận, huyện có ca mắc sởi và 3 trẻ tử vong.
2 tuần trước - Thực phẩm siêu chế biến thường có hàm lượng đường và muối cao, và được làm từ những thành phần mà 'chúng ta thường không tìm thấy trong bếp'.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
5 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
5 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.