ttth247.com

Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy

Ông Vũ Minh Đức cho biết: Sau nhiều lần điều chỉnh, dự thảo Luật Nhà giáo vẫn bám sát nội dung 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, đồng thời làm rõ: Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương...) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các quy định đặc thù đối với nhà giáo.

Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động thực hiện quy định theo Luật Lao động và các quy định đặc thù với nhà giáo.

Ở một số nội dung, dự thảo luật tăng tối đa các quy định chung không phân biệt giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, như quy định về chức danh, chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, quyền và nghĩa vụ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ thu hút, thi đua, khen thưởng...

* Thưa ông, rất cần các chính sách mang tính đột phá để khuyến khích các nhà giáo giỏi nghề, yêu nghề gắn bó lâu dài và thu hút người trẻ có trình độ theo nghề. Điều này đã được quan tâm như thế nào ở dự thảo Luật Nhà giáo?

- Các chính sách tạo động lực để nhà giáo tận tâm, tận hiến với nghề không chỉ ở các chính sách về lương nhằm nâng cao đời sống nhà giáo.

Nhà giáo sẽ được nâng vị thế, được xã hội tôn vinh, ghi nhận và được bảo vệ uy tín, danh dự. Nhà giáo cũng được tạo điều kiện về môi trường làm việc, về cơ hội học tập bồi dưỡng, cơ hội để chủ động và sáng tạo hơn.

Với các nội dung đã đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo, ngành giáo dục sẽ có sự chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt đang tồn tại trong thực tế về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, thu hút người giỏi vào nghề dạy học.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng tạo bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.

Bao giờ giáo viên sống được bằng thu nhập từ nghề?

* Đề xuất nhà giáo hưởng lương cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp được đặt ra từ hơn 10 năm trước và được nhắc đến nhiều lần ở các kỳ họp và trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Nhưng trên thực tế, nhiều nhà giáo chưa sống đủ từ thu nhập chính đáng của nghề. Luật Nhà giáo ra đời sẽ có tác động thế nào đến vấn đề này?

- Lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã được đặt ra trong nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013. Nghị quyết 27-NQ/TW cũng xác định: "Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp"... Việc này cũng được nêu tại kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để triển khai đúng tinh thần này, và khi được luật hóa, việc này sẽ có cơ sở để triển khai thuận lợi hơn.

Theo đó, lương nhà giáo là xếp thang bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm lao động của nhà giáo.

Bên cạnh đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với ngành giáo dục.

Bộ cũng đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chiếm 35% tổng quỹ lương cơ bản của toàn ngành và được phân bổ theo các nhóm khác nhau phù hợp với đặc thù công việc, nơi công tác...

* Trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này có một số đề xuất cụ thể như nâng phụ cấp đối với giáo viên mầm non và tiểu học, nâng một bậc lương cho giáo viên mới tuyển dụng. Cơ sở để Bộ GD-ĐT đề xuất việc này là gì?

- Hiện phụ cấp nghề với nhà giáo đang quy định là 25% đối với giảng viên đại học và 35 - 70% đối với giáo viên mầm non, phổ thông tùy theo đối tượng và vùng miền công tác. Tại dự thảo, ban soạn thảo đề xuất tăng thêm 5 - 10% phụ cấp cho giáo viên mầm non và tiểu học. Lý do xuất phát từ thực tế giáo viên mầm non, tiểu học có thời gian làm việc tại trường dài hơn, điều kiện làm việc khó khăn và áp lực hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa vào nội dung đề xuất nâng một bậc lương đối với giáo viên mới tuyển dụng vào ngành. Theo khảo sát của chúng tôi, trong số giáo viên bỏ nghề, có tới 61% ở tuổi dưới 35 và một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là thu nhập thấp không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt. 

Trong khi người trẻ có nhiều thứ phải lo như nuôi bản thân, lo cho con cái, nhu cầu học tập nâng cao trình độ...

Lương giáo viên có thâm niên dưới 5 năm hiện nay rất thấp. Vì thế, việc nâng một bậc lương với giáo viên khi xếp lương khởi điểm là đề xuất nhằm khuyến khích người trẻ vào nghề dạy học. Đây cũng là một phần của việc hiện thực hóa mục tiêu lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương.

* Nhưng khi đề xuất, ban soạn thảo có tính toán đến tính khả thi trong bối cảnh hiện nay?

- Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có đánh giá tác động và trình phương án cụ thể về việc này, đảm bảo việc nâng phụ cấp, nâng bậc lương cho các đối tượng trên phù hợp với nguồn lực quốc gia. Theo tính toán thì việc nâng một bậc lương cho giáo viên khi xếp lương khởi điểm chỉ tăng 14% so với các ngành nghề khác.

Miễn học phí cho con nhà giáo, nên không?

* Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo đang vấp phải ý kiến trái chiều, thậm chí là phê phán, khi cho là nhà giáo đòi hỏi. Nhiều người trong giáo giới cũng không cảm thấy việc này thể hiện sự tôn vinh, mà ngược lại họ giống như bị xếp vào diện nhận hỗ trợ như các đối tượng khó khăn khác. Ông có suy nghĩ thế nào về các luồng ý kiến này?

- Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, ban soạn thảo có căn cứ vào nguyện vọng chung của nhà giáo về việc có chính sách ưu tiên cho con nhà giáo, cụ thể là miễn học phí các cấp. 

Quan điểm của ban soạn thảo khi đưa nội dung này vào dự thảo luật cũng là thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận sự cống hiến của nhà giáo, góp phần khích lệ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề. Trên thực tế, ở một số ngành đặc thù khác cũng có các chính sách ưu tiên.

Ví dụ như chính sách mua bảo hiểm hay khám chữa bệnh cho thân nhân của người làm việc trong lực lượng vũ trang. Nghề giáo cũng là một nghề đặc thù để đề xuất những ưu tiên, ưu đãi đối với thân nhân của họ.

* Đề xuất thì quý, nhưng việc chưa đồng thuận cho thấy ban soạn thảo chưa cân nhắc đến phản ứng tâm lý của một bộ phận nhà giáo - đối tượng thụ hưởng chính sách này...

- Ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến các bộ ngành, ý kiến của người dân và của chính các nhà giáo về việc này. 

Về nguyên tắc, chỉ những nội dung đã chín, có sự đồng thuận cao chúng tôi mới đưa vào dự thảo luật cuối cùng để trình lên Quốc hội. Ban soạn thảo sẽ phân tích các góp ý, đánh giá tác động về đề xuất này trong trường hợp cụ thể (phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách).

Ngoài ra, đề xuất cũng còn phải cân nhắc đến điều kiện đi kèm, cụ thể là nguồn ngân sách để đáp ứng. Đề xuất cũng sẽ xem xét trên cơ sở cân đối hài hòa với các lĩnh vực, ngành nghề khác nữa.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Nhân dịp khai giảng năm học 2024-2025, khi công cuộc đổi mới giáo dục đang bước sang một chặng mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có cuộc chia sẻ với Tuổi Trẻ.
1 tháng trước - Nhân dịp khai giảng năm học 2024-2025, khi công cuộc đổi mới giáo dục đang bước sang một chặng mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có cuộc chia sẻ với Tuổi Trẻ.
1 tháng trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tháng trước - Cần quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo, như ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất, thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
1 tháng trước - Theo các nhà cung cấp giải pháp nhân sự, ngành livestream đang là một chọn lựa nghề nghiệp phổ biến, nhất là đối với người trẻ, trong bối cảnh chuyển đổi xu hướng làm việc tự do, đa dạng nguồn thu nhập.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Lào Cai- Hàng trăm người dân ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu và xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà đang sống tạm trong lều lán, chờ nhà tái định cư sau sạt lở.
2 giờ trước - Kon Tum- Kẻ gian liên tục lẻn vào vườn nhổ trộm hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông khiến người trồng lo lắng.
4 giờ trước - Lửa từ tầng một nhanh chóng lan lên căn hộ tầng cao của tòa nhà 7 tầng ở quận Sơn Trà, người dân hốt hoảng tìm lối thoát hiểm, tối 18/10.
4 giờ trước - Chiều 18/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.
5 giờ trước - Đà Nẵng- Lửa từ tầng một nhanh chóng lan lên căn hộ tầng cao của tòa nhà 7 tầng ở quận Sơn Trà, người dân hốt hoảng tìm lối thoát hiểm, tối 18/10.