ttth247.com

Lực lượng chức năng, người dân chung tay dọn dẹp sau bão

Bão số 3 (Yagi) càn quyét khiến khung cảnh tại Đồ Sơn (Hải Phòng) trở nên tan hoang. Trên các tuyến đường như Lý Thái Tổ, Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Văn Đồng... cây cối, cột đèn, biển quảng cáo... gẫy đổ ngổn ngang. Nhiều mảnh tôn, kính, đồ đạc gió thổi bay vương vãi trên đường.

Cứu nhiều ngư dân mắc kẹt trên biển Quảng Ninh

Theo thông tin từ Quân chủng Hải quân, lúc 5h25 ngày 8-9, đơn vị nhận được thông tin có người mặc kẹt tại hòn Đầm Dơi (Quảng Ninh), Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) điều động xuồng 1606 cơ động lại khu vực và cứu được 11 người, đưa lên tàu 984.

Dự kiến 8h ngày cùng ngày bàn giao 11 người bị nạn cho tàu 285 chở về bờ và bàn giao cho địa phương theo quy định.

Sau đó tàu 984 vẫn tiếp tục tìm kiếm 4 ngư dân ở khu vực đảo Ti Tốp.

Lúc 7h45 ngày 8-9, trong quá trình cơ động đi tiếp nhận 11 người dân từ hòn Đầm Dơi do Tàu 984 bàn giao, tàu 285 phát hiện và cứu được 6 người gồm 2 người trên xuồng nuôi ngọc trai ở vực vụng Tùng Sâu (sức khoẻ 2 người bình thường) và 4 người của xà lan số hiệu HY 0496 bị chìm ở khu vực đảo Ti Tốp (hiện 2 người sức khoẻ bình thường, 2 người bị thương).

Hiện tàu 285 thuộc Lữ đoàn 170 đang cơ động về bờ để bàn giao cho địa phương theo quy định.

Trước đó vào lúc 10h45 ngày 7-9 tại quân cảng Vạn Hoa, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. 

Trong thời điểm cơn Bão số 3 Yagi đang đổ bộ trực tiếp vào khu vực đóng quân của đơn vị. Lữ đoàn 169, Vùng 1, Quân chủng Hải quân đã phát hiện 2 tàu cá (1 tàu vỏ sắt không rõ số hiệu, 01 tàu vỏ gỗ mang số hiệu HP-902.92TS) và 1 xuồng bị sóng, gió đánh trôi dạt vào cảng Vạn Hoa. 

Ngay lập tức, Sở chỉ huy Lữ đoàn đã cử lực lượng hỗ trợ tàu bị nạn, do điều kiện sóng to, gió lớn tàu cá vỏ sắt và xuồng bị sóng đánh chìm, tàu vỏ gỗ số hiệu HP-902.92T3 bị đánh trôi dạt và mắc cạn tại khu vực kè đá trước nhà Chỉ huy Lữ đoàn.

Trong lúc gió giật cấp 14-15, tính mạng của ngư dân trên tàu đang cực kỳ nguy hiểm, Sở chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo sử dụng xe ô tô có trọng tải lớn nhanh chóng tiếp cận và hỗ trợ ngư dân trên tàu. 

Chỉ sau 15 phút, bằng tinh thần dũng cảm, sự khéo léo, linh hoạt, tổ cơ động của Lữ đoàn đã đưa được 3 ngư dân ở Quảng Ninh và Thanh Hoá vào bờ an toàn.

Lữ đoàn đã tổ chức khám sức khỏe, cung cấp lương thực, áo ấm và đưa 3 ngư dân trở về gia đình.

Hải Phòng mất điện, mất sóng điện thoại

Đến sáng 8-9 toàn bộ Hải Phòng mất điện, sóng điện thoại trên diện rộng, nhiều nhà hàng, quán xá tiếp tục đóng cửa.

Tại nhiều khu công nghiệp ở Đồ Sơn tình trạng ngập nước diễn ra trên diện rộng. Hàng trăm công nhận lội nước tìm đường vào nhà máy Doson và một số công ty lân cận khác.

9h30 sáng ngày 9-9 tại TP Hải Phòng mưa đã ngớt, giao thông thành phố tiếp tục hỗn loạn do tình trạng mất điện diện rộng, đèn tín hiệu giao thông không hoạt động, tình trạng ngập nước diễn ra trên nhiều tuyến phố. 

Tình trạng mất điện khiến nhiều nhà hàng, quán cafe phải đóng cửa. Người dân bắt đầu ra đường, việc đi lại khó khăn do nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. 

Các lực lượng chức nặng của thành phố đang ra quân tổng lực để dọn dẹp cây gẫy, biển quảng cáo đổi trên các tuyến phố.

Tất bật dọn cây cối, sình lầy trước cửa nhà, ông Phạm Xuân Dậu (phường Vạn Hương, Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết sau bão toàn bộ cây cối trên các tuyến đường ở Đồ Sơn (Hải Phòng) bị gãy đổ, 60% các ngồi nhà bị tốc mái, nước hắt vào nhà gây ngập úng. 

Ước tính ban đầu mỗi gia đình thiệt hại khoảng 15 triệu đồng.

"Hiện bà con chúng tôi đang nỗ lực dọn dẹp cây cối nhà cửa, khắc phục hư hại tài sản do bão. Chúng tôi mong chính quyền địa phương nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão để sớm ổn định cuộc sống", ông Dậu nói.

Nhiều nơi ở Bắc Giang vẫn mất điện, liên lạc gián đoạn

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, đến 7h ngày 8-9, toàn tỉnh có 5 người bị thương do mái nhà, cây đổ vào người và 1 người mất tích ở huyện Lục Ngạn. Hàng nghìn ha lúa và hoa màu gãy đổ, hàng trăm cây xanh bật gốc, nhiều nơi mất điện.

Sơn Động, Lục Ngạn là hai huyện thiệt hại nhiều nhất với hàng trăm nhà tốc mái, phải di dời khẩn cấp. Ước tính thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh khoảng 130 tỉ đồng. Mực nước sông suối tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam tiếp tục dâng, chia cắt và cô lập giao thông nhiều nơi. Hai ngành điện lực và viễn thông đang khắc phục sự cố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 8-9, một lãnh đạo UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang - cho biết đến 8h, đường dây 220kV Quảng Ninh - Đông Rì (Bắc Giang) đang được khắc phục, nhiều hộ dân vẫn mất điện. Trung tâm thị trấn An Châu và vùng phụ cận mất sóng Vinaphone, việc liên lạc khó khăn.

Điện lực Sơn Động đang triển khai các nhóm kiểm tra đường dây sau bão và khắc phục sự cố. Khó khăn nhất là nhiều cột trung thế, hạ thế bị đổ, nghiêng, sạt lở.

Trong tối 7-9 và sáng 8-9, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và chính quyền các địa phương đã hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn, tránh nguy cơ do nước sông, suối dâng cao.

Chị Thân Mai, trú Biển Động, Lục Ngạn, Bắc Giang cho hay những trận mưa lớn liên tục kèm gió khiến khu vực chị ở ngập lớn, đến khoảng 8h sáng nay nước vẫn chưa rút. Theo chị Mai, gia đình mất điện từ tối thứ 6 đến nay vẫn chưa có điện.

Do được cảnh báo từ trước, gia đình di chuyển đồ đạc lên nơi cao, khô ráo song sinh hoạt, đi lại của gia đình bị đảo lộn.

Còn tại TP Bắc Giang, nhiều tuyến đường ghi nhận cây xanh gãy, đổ, mái tôn nhà dân hư hỏng, nhiều gia đình vẫn ở trong nhà chưa ra ngoài vì nguy cơ cây đổ. Anh Lại Văn Thắng, 27 tuổi, trú TP Bắc Giang, cho hay bản thân chưa thấy cơn bão nào to như vậy. Sáng nay khi ra khỏi nhà, anh thấy nhiều cây, cột điện đổ, song trời ngớt mưa nên vẫn đi làm được.

Tại Bắc Ninh, Tuổi Trẻ Online ghi nhận sáng 8-9 tại khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, các tuyến đường tan tác sau khi bão chạy qua, cây cối gãy đổ rạp xuống các tuyến đường trong khu công nghiệp, một số đường bị cây đổ bít lối đi.

Một số công ty trong khu công nghiệp bị tốc một phần mái tôn, cửa kính. Đến khoảng 7h30 sáng, trời ngớt mưa các lựng lượng chức năng, nhân viên bắt đầu dọn dẹp hậu quả do bão gây ra. Nhiều tuyến đường tại Bắc Ninh cũng chung tình trạng cây cổ rạp khi bão chạy qua. Từ sáng sớm người dân bắt đầu dọn cây gãy đổ trước nhà khi mưa ngớt.

Tại các công trình công cộng có cây bị gãy đổ, lực lượng chức năng đang tiến hành dọn dẹp, khắc phục sau bão.

Hà Nội: Người dân chung tay dọn dẹp sau bão

Theo ghi nhận, trong sáng nay, tại nhiều chung cư ở khu vực Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), Dương Nội (Hà Đông), Hoài Đức... ban quản trị, ban quản lý các tòa nhà đã kêu gọi người dân sống tại đây phối hợp với các lực lượng tham gia dọn dẹp, chặt các cây xanh bị đổ xung quanh.

Rất nhiều người dân đã cùng nhau tham gia dọn dẹp. "Cây đổ quá nhiều mà các lực lượng chức năng, nhân viên ban quản lý thì ít nên chúng tôi cùng xuống hỗ trợ chặt cây, dọn dẹp cho nhanh", anh Đức Anh, ở chung cư tại khu vực Hà Đông nói.

Sáng sớm 8-9, trước tình hình thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, đặc biệt tại nhiều phường ở Hà Đông có nhiều cây xanh, biển quảng cáo… gãy đổ gây ảnh hưởng đến lưu thông và an toàn giao thông của người dân, Học viện An ninh Nhân dân đã cử 300 học viên phối hợp cùng chính quyền phường Văn Quán, phường Phúc La ra quân dọn dẹp, thu gom các cây xanh, biển quảng cáo, gian hàng… đang gãy đổ trên đường, vỉa hè.

"Với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ cùng chính quyền địa phương và người dân, các học viên của Học viện sẽ chủ động phối hợp tham gia công tác khắc phục thiệt hại sau bão với tinh thần trách nhiệm cao nhất" - Đại uý Phùng Anh Tuấn - Cán bộ Phòng Quản lý học viên (Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện) chia sẻ.

Chị Thương (người dân Khu đô thị Văn Quán - Hà Đông) chia sẻ sáng nay tỉnh dậy sau cơn bão, chị cảm thấy bàng hoàng khi trước nhà là cây cối ngổn ngang chắn hết lối đi. Cả con đường lớn trong khu đô thị có tới hàng chục cây gãy đổ, cả cột điện, đèn đường cũng bị gãy… nằm la liệt trên đường.

Trên vỉa hè, những gian hàng bánh trung thu được dựng lên đều bị đổ sập do mưa bão đánh quật và các cây đổ dè lên.

"Tôi sống ở đây hơn 40 chưa từng chứng kiến cảnh tượng đáng sợ như vậy. Cũng biết là cơn bão sẽ rất lớn, thiệt hại nặng nhưng nhìn cây cối gãy đổ la liệt trên đường rất ám ảnh. 

Với lượng cây cối, cột điện, đèn đường và nhiều cơ sở… bị gãy đổ, thiệt hại như vậy, rất cần có thêm lực lượng chức năng, quân đội, công an hỗ trợ người dân mới sớm ổn định lại cuộc sống và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân chuẩn bị cho đầu tuần mới đi làm trở lại" - chị Thương bày tỏ.

Hải Dương tập trung khắc phục việc mất điện diện rộng do bão gây ra

Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Hải Dương, đến sáng 8-9, bão số 3 đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. 

Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha lúa bị đổ, khoảng 1.200 ha cây rau màu bị dập nát, hơn 600 ha cây ăn quả bị gãy, đổ. 

Nhiều mái nhà tôn, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy, gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông. 

Toàn tỉnh Hải Dương có 26 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện diện rộng. Do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên hệ thống viễn thông bị gián đoạn, gây mất liên lạc.

Theo báo cáo nhanh của công ty Điện lực Hải Dương đến sáng sớm 8-9 đã khôi phục 19/23 trạm 110 kV gặp sự cố. 

Tuy nhiên về lưới điện trung, hạ áp thống kê sơ bộ trên 800 cột gặp sự cố, rất nhiều đoạn tuyến dây bị đứt; mới cấp điện được khoảng 20.000 khách hàng, 649.000 khách hàng đang bị ảnh hưởng, chờ khắc phục.

Ngành điện Hải Dương cho biết trong ngày 8-9, sẽ khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện cho các hệ thống chính, nhất là cấp điện cho các trạm bơm. Việc khắc phục để cấp điện sinh hoạt cho người dân sẽ đạt khoảng 70%.

Lực lượng chức năng nhiều nơi đã bắt tay vào dọn dẹp sau cơn bão số 3:

Yên Bái: 1 cháu bé tử vong do sập nhà từ mưa bão số 3

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 11h trưa 8-9 mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3 đã làm 1 người chết.

Cụ thể, mưa bão đã khiến cháu S.T.T., (10 tuổi) ở thôn suối Lót, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tử vong do sập nhà.

Mưa bão cũng làm 439 nhà bị thiệt hại, trong đó 1 nhà ở huyện Yên Bình bị sập đổ hoàn toàn; 1 nhà huyện Mù Cang Chải bị hư hỏng nặng; 13 nhà huyện Trạm Tấu bị sạt lở, ta-luy ảnh hưởng…

Đồng thời làm 610,48 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; 175 con gia cầm, 4 con gia súc bị chết; 400m2 nuôi cá tầm và 3 hộ bị lũ cuốn trôi đường dây dẫn nước dẫn đến mất nước bể nuôi cá, nguy cơ gây thiệt hại số lượng cá tầm trong bể tại xã Việt Hồng.

Các tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, đường tỉnh lộ 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) sạt lở tại km 26, khối lượng khoảng 100 m3 và sạt lở đất đá nhiều điểm ảnh hưởng đến giao thông hiện cơ quan chức năng đang triển khai khắc phục để đảm bảo lưu thông trên tuyến.

Huyện Văn Chấn bị Trôi 1 cầu phao dẫn vào thôn Đá Đen và thôn Khe Trầu xã An Lương, tạm thời chia cắt khoảng 30 hộ dân. Một số tuyến đường bị sạt lở (xã Nậm mười, Sùng Đô, Suối Giàng) nhưng không gây ách tắc hoàn toàn, hiện đang chỉ đạo khắc phục.

Tại huyện Mù Cang Chải, đường 175B đoạn gần ngã ba vào Làng Sang bị sạt ta-luy dương gây ách tác giao thông không đi lại được. Đường giao thông nông thôn bị sạt lở nhiều đoạn hiện đang thống kê; Ngầm tràn cầu bản Nậm Khắt, Pú Cang, cầu gỗ bản Cáng Dông xã Nậm Khắt bị ngập sâu không đi qua lại được.

Thị xã Nghĩa Lộ, sạt lở đất xuống đường giao thông nông thôn ở thôn Nậm Đông, xã Nghĩa An; Ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông (thôn 7 xã Nghĩa Lộ; bản Đoàn Kết, bản Vãn, xã Sơn An; Năm Hăn Thượng, xã Phù Nham; Khá Hạ, xã Thanh Lương; đập tràn Phù Nham, đập tràn Nậm Đông, xã Nghĩa An).

Mưa bão cũng khiến một số công trình y tế, công trình công cộng , thủy lợi, thông tin liên lạc bị ảnh hưởng. Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu bị sạt ta-luy dương thiệt hại, hư hỏng nhiều công trình tại đây.

TTO đang cập nhật.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Sáng nay 8-9, sau bão số 3 (Yagi), nhiều tỉnh thành ở miền Bắc chứng kiến cảnh tan hoang do cây đổ, cột ngã, ngập lụt... Nhiều nơi bắt tay vào dọn dẹp sau cơn bão.
1 tuần trước - Sáng nay 8-9, sau bão số 3 (Yagi), nhiều tỉnh thành ở miền Bắc chứng kiến cảnh tan hoang do cây đổ, cột ngã, ngập lụt... Nhiều nơi bắt tay vào dọn dẹp sau cơn bão.
1 tuần trước - Bão số 3 (bão Yagi) đi qua để lại thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương miền Bắc. Hiện người dân tại nhiều khu vực vẫn đang sống trong cảnh không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt. Chính quyền các...
6 ngày trước - Ngày 12.9, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
6 ngày trước - Sống ở ven sông Cầu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã 50 năm, ông Bình chưa từng chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp đến thế, làng trên xóm dưới hỗn loạn chạy lũ.
Xem tin bài khác
14 phút trước - Cầu bắc qua con suối trên đường tỉnh 445 ở TP Hòa Bình bị sập rạng sáng nay, may mắn không gây thiệt hại về người.
17 phút trước - Khi vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) bị phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra thì lộ ra cơ sở có đến 85 trẻ, chứ không phải chỉ 39 trẻ như đăng ký.
17 phút trước - Dự báo hôm nay, bão số 4 hướng vào ven biển Quảng Trị - Quảng Nam rồi đi vào đất liền các tỉnh miền Trung. Cơ quan khí tượng cảnh báo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa rất lớn trong sáng nay.
17 phút trước - Tối 18-9, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi đã có thông báo về việc điều tiết nước qua cửa van hồ chứa thủy điện Đak Mi 4.
37 phút trước - Theo dự báo, hôm nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực từ tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió cấp 8, giật cấp 10.