ttth247.com

Mark Rutte - tân Tổng thư ký từng giúp NATO 'thoát hiểm'

Ông Rutte có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng đồng thuận và từng "cứu nguy" khi hội nghị thượng đỉnh NATO 2018 rơi vào hỗn loạn do lời đe dọa từ ông Trump.

Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, 57 tuổi, ngày 1/10 trở thành tân tổng thư ký NATO, kế nhiệm ông Jens Stoltenberg. NATO gồm 32 quốc gia thành viên, là liên minh quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Với gần 14 năm đương chức, ông Rutte là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Hà Lan. Ông được đặt cho nhiều biệt danh, như "Mark bền bỉ" vì khả năng trụ vững sau nhiều sóng gió, "người ghìm ông Trump" vì có thể làm việc tốt với Trump khi tỷ phú còn là tổng thống Mỹ.

Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại lễ nhậm chức ngày 1/10 ở Bỉ. Ảnh: AP

Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại lễ nhậm chức ngày 1/10 ở Bỉ. Ảnh: AP

Ông Rutte sinh ngày 14/2/1967 tại The Hague, là con út trong gia đình 7 người con. Sau khi tốt nghiệp ngành lịch sử tại Đại học Leiden năm 1992, ông làm việc cho công ty đa quốc gia Unilever rồi tham gia chính trường năm 2002, thăng tiến trong đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD).

Ông Rutte trở thành người lãnh đạo chính phủ vào năm 2010, khi 43 tuổi, là thủ tướng trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử nước này.

Các quan chức phương Tây giấu tên nhận xét với CNN rằng ông Rutte được kỳ vọng có thể làm việc tốt với bất kỳ ai được bầu làm tổng thống Mỹ. Ông Rutte từng góp đáng kể công sức để cứu vớt hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018.

Khi đó, ông Trump yêu cầu các quốc gia phải cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, với hạn chót ngày 1/1/2019, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi NATO. Ông thậm chí còn kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng lên gấp đôi mức chuẩn 2% GDP, mức cao đến khó tin với hầu hết lãnh đạo có mặt.

Lời đe dọa của ông Trump đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử của NATO, liên minh đã góp phần đảm bảo an ninh cho châu Âu từ năm 1949. Trước tình huống căng thẳng, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã hội ý với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Mark Rutte.

"Về cơ bản họ kết luận cần tán dương ông ấy vì đã nêu ra vấn đề, đã khiến các nước khác phải tăng chi tiêu và cam kết hành động hơn nữa", một quan chức giấu tên kể với FT.

Nhóm lãnh đạo muốn chọn ra một người truyền tải thông điệp nhưng bà Merkel không thể đảm nhận, do Đức mua khí đốt Nga. Macron hiểu cần làm gì nhưng ông không sẵn sàng đóng vai chính. Lựa chọn còn lại là ông Rutte.

"Ông ấy là người phù hợp, có thể tán dương, xoa dịu Trump thay vì châm ngòi căng thẳng. Và Hà Lan là một nước quan trọng, dù không trong nhóm lớn nhất", nguồn tin nói.

Thủ tướng Rutte sau đó đã giải quyết được cả ba việc: tán dương, tiếp thu ý kiến và trì hoãn. "Trong số lãnh đạo châu Âu, ông ấy dường như là người duy nhất có thể ứng phó Trump trong những năm tới, nếu Trump trở lại Nhà Trắng", một nhà ngoại giao châu Âu nhận định.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại The Hague hồi tháng 7/2022. Ảnh: AFP

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại The Hague hồi tháng 7/2022. Ảnh: AFP

Ông Rutte không chỉ được hoan nghênh vì kinh nghiệm làm việc với Trump, ông còn được coi là có khả năng xây dựng đồng thuận, trung hòa quan điểm giữa Tây Âu và Đông Âu, bên thường mong muốn những hành động quyết liệt hơn, về vấn đề Ukraine.

Một số quan chức chỉ ra khả năng thương thuyết, xây dựng đồng thuận của ông Rutte được thể hiện ở việc trong nhiệm kỳ 14 năm, đảng VVD của ông đã liên kết với nhiều đảng có quan điểm khác biệt rất lớn nhằm thiết lập chính phủ. Những liên minh này được nhận xét là "tưởng chừng như không thể".

Rutte từng phải từ chức, chính phủ sụp đổ vì có đảng trong liên minh cầm quyền phản đối chính sách của ông. Tuy nhiên, ông ngay sau đó trở lại ghế thủ tướng nhờ lập được liên minh mới.

Nhiệm kỳ của Rutte bị phủ bóng bởi thảm kịch MH17 năm 2014. Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã bị bắn rơi ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga kiểm soát. Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, 2/3 trong số đó là người Hà Lan.

Rutte nói rằng sự kiện này đã khiến ông "thay đổi cách nhìn về thế giới". Từ nhà lãnh đạo tập trung chủ yếu vào tình hình trong nước, ông trở thành một trong những nhà đàm phán chính của Liên minh châu Âu (EU), đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề nhập cư, nợ và ứng phó Covid-19.

Rutte cũng cho biết vụ MH17 là yếu tố khiến ông ủng hộ mạnh mẽ Kiev. Hà Lan đã cam kết chuyển tiêm kích F-16, pháo và các loại vũ khí khác cho Ukraine.

Ông Rutte còn được mô tả là "ngài bình dân" vì lối sống đơn giản. Tại Hà Lan, ông thường đạp xe đi làm, chỉ lái ôtô Sabb đã cũ nếu có việc gấp. Khi hết nhiệm kỳ, ông đạp xe rời nhiệm sở.

Trong nhiệm kỳ thủ tướng, ông vẫn ở căn nhà tại The Hague mua chung với các bạn từ thời sinh viên, sử dụng điện thoại cũ. Ông từ chối nhận bồi hoàn chi phí phát sinh khi công tác.

Ông Rutte chưa kết hôn và không có con. Thủ tướng Hà Lan luôn trả lời "không" khi được báo giới hỏi liệu ông có phải người đồng tính.

Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe khi rời nhiệm sở hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe khi rời nhiệm sở hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Khi nhậm chức, ông Rutte liệt kê Ukraine là vấn đề ưu tiên, cùng với thúc đẩy các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường kết nối với Liên minh châu Âu và các đối tác châu Á, Thái Bình Dương.

Vào năm cuối nhiệm kỳ của ông Rutte, Hà Lan đã đạt được mức chuẩn chi 2% GDP cho quốc phòng. Hồi tháng 7, NATO thông báo 23 nước dự kiến trong năm nay đạt được mức này.

"Ông Rutte đích thực là người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương (củng cố quan hệ giữa Mỹ, Canada và châu Âu), một lãnh đạo mạnh mẽ, giỏi xây dựng đồng thuận. Tôi biết mình trao lại NATO cho đúng người", ông Stoltenberg nói.

Như Tâm (Theo CNN, FT, Reuters)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Phát ngôn viên Vladyslav Voloshyn của Bộ chỉ huy miền nam của quân đội Ukraine hôm 1.10 cho biết lực lượng Nga đang tìm cách kiểm soát những nơi mới ở Zaporizhzhia để cải thiện vị trí chiến thuật ở khu vực, theo RFE/RL.
3 ngày trước - Tổng thống Zelensky thảo luận "kế hoạch chiến thắng" với lãnh đạo Anh, Pháp, Italy và tân Tổng thư ký NATO, nhằm thuyết phục đồng minh tăng ủng hộ Ukraine.
1 tuần trước - Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte bất ngờ thăm Ukraine để thảo luận về chiến sự và "kế hoạch chiến thắng" của Kiev với Tổng thống Zelensky.
1 tuần trước - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các quốc gia phương Tây trì hoãn viện trợ vũ khí tầm xa cho nước này trong khuôn khổ cuộc họp bàn với tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Ukraine vào ngày 3.10.
1 tuần trước - Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhậm chức Tổng thư ký tại trụ sở NATO ở Brussels, trở thành lãnh đạo mới nhất của liên minh quân sự.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Mỹ điều tổ hợp THAAD cùng kíp vận hành tới Israel nhằm phô diễn sức mạnh và củng cố quan hệ đồng minh, nhưng có nguy cơ lún sâu vào xung đột Trung Đông.
5 giờ trước - Tây Ban Nha, nước phụ trách phái bộ gìn giữ hòa bình ở Lebanon, tuyên bố sẽ không rút lực lượng sau các vụ nổ súng cũng như yêu cầu của Israel.
5 giờ trước - NATO tổ chức tập trận hạt nhân thường niên Steadfast Noon trong hai tuần, Điện Kremlin cho rằng đây là động thái "leo thang căng thẳng" giữa chiến sự Ukraine.
5 giờ trước - Ngày 14-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói lực lượng Kiev đã kiên cường phòng thủ trong khi quân Nga cố gắng đột phá qua các phòng tuyến của họ ở vùng Kursk trong ngày thứ 5 liên tiếp.
5 giờ trước - Nga kêu gọi các nước đối tác tạo ra một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm chống lại áp lực chính trị từ các quốc gia phương Tây.