ttth247.com

Nâng gói tín dụng ưu đãi thủy sản lên gấp đôi

Nhà xưởng tan tác sau bão

Quảng Ninh, Hải Phòng tập trung khá nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, sản xuất thủy sản xuất khẩu. Khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ, mặc dù đã dự báo trước và có những phương án phòng chống, nhưng sức gió quá mạnh đã khiến mọi nỗ lực trở nên nhỏ bé. Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng), cho biết: "Công ty bị thiệt hại rất lớn sau bão số 3. Công ty có 3 nhà máy thì 2 nhà máy số 2 và số 3 thiệt hại rất lớn. Tổng thiệt hại của cả 3 nhà máy khoảng 100 tỉ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và bị chậm thời hạn giao hàng đến khách hàng".

Nâng gói tín dụng ưu đãi thủy sản lên gấp đôi- Ảnh 1.

Một nhà máy chế biến thủy sản tại Hải Phòng tan hoang do bão số 3 tàn phá

Ảnh: V.S

Theo khảo sát của đoàn lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tại nhà máy số 2 của Công ty Việt Trường, có 5 xưởng sản xuất bị thiệt hại rất lớn: 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị ướt hỏng hết; hệ thống mái và tường của các xưởng khác đều bị bong tróc và tốc mái nhiều chỗ. Đặc biệt, khu xưởng hệ thống máy điện của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống máy phát điện chính của nhà máy bị hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy. Hệ thống ống hơi của lò hơi cũng bị bão đánh gãy. Nguyên liệu công ty nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng (DN chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng) vì hiện nay điều kiện tại nhà máy không đảm bảo để đưa nguyên liệu về.

Ông Nguyễn Trường, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Việt Trường, cho biết dự tính công ty phải ngưng sản xuất khoảng 20 ngày để thu dọn nhà máy nhằm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm nhà xưởng và phải chờ có đủ điện, nước mới quay lại sản xuất được.

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh thì xưởng sản xuất bị bay một phần mái tôn, xưởng đá bị bay hoàn toàn mái tôn, diện tích 400-500 m2. Ông Đỗ Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty, ước tính công ty thiệt hại cơ sở vật chất khoảng gần 2 tỉ đồng, chưa kể thiệt hại do phải tạm dừng sản xuất 4 - 5 ngày để dọn dẹp toàn nhà máy, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và giao hàng cho khách hàng.

Nâng gói tín dụng ưu đãi thủy sản lên gấp đôi- Ảnh 2.

Một nhà máy chế biến thủy sản tại Hải Phòng tan hoang do bão số 3 tàn phá

Ảnh: V.S

Đến thời điểm hiện tại, đường đi vào kho và cảng Xí nghiệp giao nhận của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội (SEAPRODEX HA NOI) tại Hải Phòng vẫn còn ngổn ngang cây xanh bị đổ gãy, việc lưu thông ra vào cảng bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và giao thương. Hiện chưa biết tới ngày nào mới có thể thông suốt tuyến đường ra vào xí nghiệp và cảng, vì thành phố có quá nhiều điểm tắc nghẽn phải xử lý.

Cũng có cơ sở nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Tiến Thắng, Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty thủy sản VN (SEAPRODEX VIET NAM) tại Hại Phòng, cho biết: "Bão số 3 làm mái tôn của khu xưởng khô bị lật, khu nhà kho cũng bị đổ tường và tốc mái tôn. Mái tôn một số vị trí ở khu khác cũng bị bong vít và móp méo. Công ty đang tạm dừng sản xuất để thu dọn nhà xưởng. Ước tính thiệt hại của Chi nhánh khoảng hơn 400 triệu đồng và đến nay vẫn chưa khôi phục sản xuất được".

Tương tự, khu vùng nuôi của DN nuôi biển STP Group tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị máy tính công ty gắn tại các lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty STP Group, rầu rĩ cho hay dù tới nay công ty định vị được các thiết bị này nhưng vẫn chưa thể trục vớt để kiểm tra xem còn hoạt động hay không. Công ty bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật; nhiều cá lớn cỡ khoảng 40 kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng 10 tỉ đồng.

Nghiên cứu nâng gói tín dụng ưu đãi thủy sản lên 60.000 tỉ đồng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập niên qua đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng khiến nhiều người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương; nhiều cơ sở hạ tầng, sản xuất bị tàn phá nặng nề… Đặc biệt, trong đó có các nhà máy của một số DN thủy sản là hội viên VASEP tại Quảng Ninh và Hải Phòng gần như bị tê liệt, các DN không thể tiếp tục sản xuất, hàng hóa không có nơi để bảo quản do còn bị mất điện, các kho trữ lạnh không thể duy trì nhiệt độ để bảo quản hàng hóa…

Nâng gói tín dụng ưu đãi thủy sản lên gấp đôi- Ảnh 3.

ĐỒ HỌA: MINH TƯỞNG - Nguồn: VASEP

Trước thiệt hại nghiêm trọng của ngành này, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000 - 60.000 tỉ đồng, tức gấp đôi hiện nay (30.000 tỉ đồng), để hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão. Cụ thể, tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay. Dòng tín dụng ngoài việc hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần ưu tiên khắc phục thiệt hại do bão lũ.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, khoảng 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh thành bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng cho ngư dân. Để hỗ trợ nông dân, ngư dân bị thiệt hại, Bộ đang triển khai lấy ý kiến Dự thảo nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật, trong bối cảnh bão số 3 tàn phá nặng nề gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông, thủy sản tại nhiều tỉnh thành miền Bắc. Đối với dự thảo nghị định này, VASEP vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT, trong đó đề nghị bổ sung thêm đối tượng "DN" có các hoạt động được nhận hỗ trợ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, phân tích: "Hiện tại và trong tương lai, DN là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. DN nông nghiệp tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm, gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông, thủy sản VN, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, thủy sản nói chung thì "DN" hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ". 

Tại cuộc họp báo hôm 7.9, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết gói tín dụng cho vay với lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản hiện giải ngân được 36.000 tỉ đồng, vượt mục tiêu so với quy mô là 30.000 tỉ đồng. Ngoài tăng quy mô nguồn vốn, trước đó cơ quan này cũng yêu cầu các NH thương mại khoanh, giãn nợ, giảm lãi cho các khoản vay, gồm lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
6 ngày trước - Cơn bão Yagi càn quét khiến nhiều tài sản bị cuốn trôi, hàng chục nghìn tỷ đồng dư nợ vay ngân hàng của người dân và doanh nghiệp “mất trắng”, không còn khả năng trả nợ. Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu nhập cuộc triển khai nhiều biện...
1 tuần trước - Gần 12.000 khách vay vốn ngân hàng tại 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 là Hải Phòng và Quảng Ninh đang cần được hỗ trợ gấp.
1 ngày trước - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực...
1 tháng trước - Nguồn cung căn hộ từ các dự án liên tục được đưa ra thị trường nhưng mặt bàng giá chung cư tăng khiến không ít người có nhu cầu khó có thể sở hữu căn hộ. Với các gói vay lãi suất ưu đãi của ngân hàng, người dân mong muốn sở hữu căn hộ có...
3 tuần trước - Để gọi vốn, vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, không ít doanh nghiệp cần 'tấm vé' là một báo cáo phát triển bền vững (ESG).
Xem tin bài khác
12 phút trước - Để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà trọ cho thuê, nhiều kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
3 giờ trước - Lãi suất giảm sẽ tác động như thế nào đến hàng nghìn tỷ USD trong các chứng chỉ tiền gửi và tài khoản tiết kiệm lợi suất cao?
3 giờ trước - Nhìn rộng hơn từ đầu năm, thị giá CTP đã “leo dốc” tới 722% chỉ sau chưa đầy 9 tháng, vốn hóa theo đó đạt khoảng 448 tỷ đồng.
3 giờ trước - Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vừa tăng vọt lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
3 giờ trước - BVSC đánh giá Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE, kỳ vọng được xem xét nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.