ttth247.com

Nghiên cứu lại phát triển điện hạt nhân

Giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường

Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ mới đây về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi, Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Công thương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 (Quy hoạch điện 8); định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12 - 15% mỗi năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Đặc biệt, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân (ĐHN) của các nước để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại VN trong thời gian tới. Và việc nghiên cứu phát triển ĐHN có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường…

Nghiên cứu lại phát triển điện hạt nhân- Ảnh 1.

Điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng, bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai

ẢNH: REUTERS

Trong Quy hoạch điện 8, ĐHN không được đề cập nhưng báo cáo đề nghị sửa đổi Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương đã đề cập các nhà máy ĐHN cỡ nhỏ, công suất khoảng 300 MW cho mỗi tổ máy, chỉ bằng 1/3 công suất phát của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn, chỉ khoảng 2 - 3 năm. 

Thực tế, từ sau sự cố nhà máy ĐHN Fukushima xảy ra năm 2011 tại Nhật, ngành ĐHN toàn cầu có sự chững lại. Đến nay, có 32 quốc gia đang dùng năng lượng hạt nhân để phát điện, với trên 437 lò phản ứng, tổng công suất khoảng 390.000 MWe, chiếm khoảng 10% tổng lượng điện năng toàn cầu. Dự kiến đến năm 2035, ĐHN sẽ tăng hơn 30% so với hiện nay, thêm khoảng 10 - 12 quốc gia tham gia. Do đó, Bộ Công thương cho rằng có thể xem xét nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng cỡ nhỏ, gồm nhà máy ĐHN nổi trong tương lai tại VN.

Trước đó vào năm 2009, VN đã phê duyệt kế hoạch phát triển 2 nhà máy ĐHN đầu tiên, nhưng các kế hoạch này đã bị gác lại vào năm 2016 theo Nghị quyết 31 của Quốc hội, sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) đang lấy ý kiến cũng có đề cập tới phát triển loại hình điện này và xác định ĐHN là một trong những loại năng lượng mới.

Điện hạt nhân là lựa chọn tốt trong tương lai

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng muốn tiến đến net zero, bắt buộc phải làm ĐHN. Giờ mới khởi động, chỉ là nghiên cứu để đưa vào luật thì 10 năm sau có thể vẫn chưa có ĐHN. Dù vậy theo ông Đình, đây là việc bắt buộc phải làm bởi chúng ta không còn nguồn nào nữa. "Than và khí không đủ, phải nhập khẩu, phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới; thủy điện phát triển hết mức rồi, nhiệt điện than tiến tới không đầu tư thêm nữa và giảm phụ thuộc dần; điện mặt trời và gió không ổn định. Thế nên, nguồn điện nền ngoài điện khí, có nguồn ĐHN trong tương lai khi điện than giảm mạnh là cần thiết", ông Đình phân tích.

Dù vậy theo chuyên gia này, đề xuất làm lò ĐHN nhỏ nhằm rút ngắn thời gian đầu tư và sớm đưa vào vận hành không khả thi. Mô hình này hiện các quốc gia phát triển ĐHN vẫn còn nghiên cứu và chưa đưa vào áp dụng phổ biến, chủ yếu dùng trên tàu ngầm, tàu sân bay. "Lò nhỏ trên mặt đất có Nga và Trung Quốc làm, nhưng không phổ biến. Nhật và Mỹ cũng đang nghiên cứu và khá dè dặt với loại hình lò nhỏ này. Thế nên, đã đi sau và rất chậm thì ta không nên mạo hiểm làm ĐHN lò nhỏ. Chúng ta có thể tham khảo lò ĐHN do Argentina vay vốn, mua kỹ thuật từ Trung Quốc cách đây chục năm với nguồn vốn đầu tư 8 tỉ USD, công suất 1.200 MW, là quy mô nhà máy mà VN có thể tham khảo, hướng đến trong thu hút đầu tư", ông Đào Nhật Đình gợi ý và cho rằng nếu nghiên cứu và tham khảo ĐHN các nước, thì nên tham khảo lò hạt nhân mà các nước đã làm khá phổ biến, an toàn và độ tin cậy cao.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, cũng bày tỏ sự ủng hộ việc VN cần sớm khởi động lại chương trình ĐHN và cho biết tại COP28, nhiều nước ủng hộ ĐHN nhằm giúp cân bằng giữa việc khử carbon chống sự nóng lên của trái đất và vấn đề an ninh năng lượng. Biến đổi khí hậu với xu thế nóng ấm toàn cầu và ô nhiễm môi trường đang làm thay đổi cơ cấu nguồn điện. Năng lượng tái tạo được ưu tiên, nhiệt điện than đang giảm dần và bị hạn chế mạnh, đặc biệt ở các nước tiên tiến. Thậm chí ngay cả Trung Quốc, Ấn Độ..., ĐHN vận hành an toàn là nguồn điện không phát thải khí CO2, không gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, đây là một lựa chọn tốt trong thời gian tới, song song với năng lượng tái tạo.

TS Trần Chí Thành dẫn chứng, Nhật Bản sau khi có sự cố Fukushima đã đóng cửa 54 tổ máy ĐHN để kiểm tra về an toàn, sau đó cấp phép hoạt động trở lại. Nhật Bản không bỏ ĐHN và hiện họ đã tái khởi động, đang vận hành 12 lò hạt nhân. Kế hoạch của đất nước này là ĐHN sẽ duy trì ở mức 20 - 22%, hạn chế tối đa nhiệt điện than, đến năm 2030 sẽ đóng cửa khoảng 100 tổ máy nhiệt điện than. Điện tái tạo, điện khí hóa lỏng (LNG) và ĐHN sẽ là thành phần chính trong hệ thống điện. Bên cạnh đó, hiện Mỹ là quốc gia có nhiều tổ máy ĐHN nhất thế giới, đóng góp khoảng 20% sản lượng điện toàn quốc và vẫn tiếp tục phát triển nguồn điện này.

"VN đã đầu tư phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhưng số sử dụng công suất thấp, có đặc tính không ổn định, nên sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn này ít hơn khoảng 4 lần so với các nguồn điện ổn định nói trên. Tính không ổn định sẽ làm cho hệ thống điện mất cân bằng và có thể dẫn đến sự cố, nếu mất điện sẽ làm các cơ sở cần dùng điện ổn định bị thiệt hại nhiều. Trong khi đó, một số ngành như sản xuất chip là ngành mà VN đang hướng tới, khi sản xuất cần điện năng ổn định trong thời gian dài. Nếu điện không ổn định, các mẻ sản xuất sẽ bị hỏng và thiệt hại là rất lớn, đến hàng chục triệu USD. ĐHN là nguồn điện ổn định, công suất lớn. Theo tôi, phát triển ĐHN là cần thiết cho một hệ thống điện ổn định. Và trong tương lai, đó không chỉ là điện năng, mà là tiềm lực của một đất nước", TS Trần Chí Thành nêu quan điểm.

Góp ý dự thảo luật Điện lực sửa đổi, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho rằng VN có tiềm năng về phát triển ĐHN và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu tư cơ bản. Trong bối cảnh thế giới đang quay trở lại đầu tư, việc phát triển nguồn năng lượng này trở nên quan trọng. Đặc biệt, ĐHN được xem là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt mục tiêu net zero vào năm 2050, như cam kết của Chính phủ.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
5 ngày trước - Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
5 ngày trước - Bộ Công Thương vừa được giao nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
1 tháng trước - Chiều 19-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
1 tuần trước - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các Dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.
1 tuần trước - Tổng giám đốc sữa Hà Lan bị bắt; tình hình doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội Zalo hiện nay; chủ hãng xe Thành Bưởi qua đời; ACV có chủ tịch mới; Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện hạt nhân cỡ nhỏ... là những thông tin kinh tế đáng chú ý...
Xem tin bài khác
14 phút trước - Để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà trọ cho thuê, nhiều kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
3 giờ trước - Lãi suất giảm sẽ tác động như thế nào đến hàng nghìn tỷ USD trong các chứng chỉ tiền gửi và tài khoản tiết kiệm lợi suất cao?
3 giờ trước - Nhìn rộng hơn từ đầu năm, thị giá CTP đã “leo dốc” tới 722% chỉ sau chưa đầy 9 tháng, vốn hóa theo đó đạt khoảng 448 tỷ đồng.
3 giờ trước - Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vừa tăng vọt lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
3 giờ trước - BVSC đánh giá Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE, kỳ vọng được xem xét nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.