ttth247.com

Người dân giúp nhau chạy lũ trong đêm

Xác định sau bão sẽ có mưa lớn gây ra lũ ở miền núi, anh Thân Văn Thắng kêu gọi lập đội xe tải giúp bà con chuyển người, đồ đạc trước khi nước về.

Đúng 19h ngày 8/9, khi nước dâng ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang), nhóm thiện nguyện gồm 8 xe tải và 10 người của anh Thắng bắt đầu lên đường.

"Nhưng nước lên nhanh đến mức xe không thể vào được", anh Thắng, 32 tuổi, ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam nói. Nhóm dừng lại ở khu vực thị trấn Lục Nam, nơi nước chưa tràn về để giúp bà con di chuyển đồ đạc. Họ cũng liên tục đăng tin về hoạt động cứu trợ, đồng thời đưa số điện thoại của các thành viên trong nhóm lên mạng xã hội.

Nhưng bão lũ gây mất điện, bà con bận chạy lụt nên ít người biết. Trong đêm, các thành viên đến tận nhà bà con, thấy ai đang kê cao đồ thì vào giúp. Nhà nào ở vùng thấp, muốn sang nhà hàng xóm ở nhờ, nhóm chuyển đồ đạc lên xe tải chở đi.

Người dân hỗ trợ nhau 'chạy lũ' trong đêm

Nhóm anh Thắng giúp người dân chuyển thóc khỏi nơi có nguy cơ ngập bằng thuyền để đưa lên xe tải, sáng 9/9.

Hiện tại, đoàn xe đang ở khu vực Huyền Sơn, huyện Lục Nam. Nước lũ dâng gần ngập bánh xe, anh Thắng đang kêu gọi người dân hỗ trợ thêm thuyền nhỏ để đưa người già, trẻ em, lương thực và đồ đạc ra ngoài.

"Nước sẽ dâng cao nữa nên cần nhanh tay. Khả năng chiều nay chúng tôi mượn thêm thuyền chở nước cho dân", anh Thắng nói, trưa 9/9.

Nhóm của anh Thắng, trong đó có nhiều chị em phụ nữ vác gạo thóc lên xe tải để chuyển đến nơi cao hơn. Ảnh: Thân Thắng

Nhóm của anh Thắng vác gạo thóc của bà con vùng lụt lên xe tải để chuyển đến nơi cao hơn. Ảnh: Thân Thắng

Tại Yên Bái, anh Đỗ Văn Ngọc, 36 tuổi, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, TP Yên Bái cùng vợ chuyển đồ xuyên đêm cho 7-8 hộ gia đình, 4h sáng nay mới về.

"Nhà nào nhẹ thì nước ngập đến mắt cá chân, nặng hơn thì gần đùi, nếu không kịp di tản chỉ sau 15-20 phút nữa là không cứu được vì nước lên nhanh lắm", anh Ngọc kể.

Anh bắt đầu nhận chuyển miễn phí đồ và người cho bà con quanh vùng từ ngày 7/9. Biết nước các sông dâng cao, sợ thành phố lại ngập sâu như năm 2008, anh và vợ bàn nhau tìm cách hỗ trợ mọi người bởi nhà có sẵn xe tải 3,5 tấn.

Sau gần hai ngày, vợ chồng anh Ngọc nhận hơn 20 cuộc gọi cứu hộ. Họ lên đường ngay khi có yêu cầu, bất kể giờ giấc. Các trường hợp liên hệ đa phần ở trong nhà cấp bốn, gần sông, khu vực dễ bị sạt lở hoặc nước dâng cao. Ngoài vợ chồng anh Ngọc, đội dân quân tự vệ, lực lượng chức năng hoặc hàng xóm cũng xắn tay giúp chuyển đồ lên xe. Mỗi chuyến mất chừng 15-30 phút.

Anh Nguyễn Văn Luân, 32 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP Yên Bái là một trong những gia đình được vợ chồng anh Ngọc hỗ trợ đêm 8/9. Anh kể khoảng 23h thấy nước lũ mấp mé cửa nhà trong khi gia đình có nhiều hàng hóa nên gọi điện thoại cho anh Ngọc cầu cứu.

"Cũng may có anh Ngọc đến kịp thời, toàn bộ hàng hóa, tài sản đã được di chuyển đến nơi an toàn. Tôi không nghĩ trong đêm mưa lũ vẫn có người sẵn sàng đến cứu giúp", anh Luân nói.

Người dân di chuyển lên xe anh Luân, sáng 9/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người dân di chuyển lên xe anh Luân, sáng 9/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi, các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Trong đêm, một số nhóm cá nhân tự phát như nhóm anh Thắng hay cá nhân như anh Luân sẵn sàng hỗ trợ bà con. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, homestay ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn mở cửa đón người dân đến ở miễn phí hoặc tặng suất ăn cho cán bộ làm công tác ứng phó với bão lũ.

Sáng 8/9, mưa lớn kéo dài, mực nước tại sông Kỳ Cùng 254,4 mm (trên mức báo động 2) nhấn chìm nhiều địa bàn của tỉnh Lạng Sơn trong đó có huyện Tràng Định.

Anh Văn Giang, 31 tuổi, ở thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cùng gia đình đã dọn dẹp căn nhà làm chỗ ở tạm thời cho vài chục người dân bị ngập lụt.

Anh cho biết tối 8/9, khi nghe tin khu vực ở cách nhà 3 km bị ngập nặng, nhiều ngôi nhà nước đã dâng đến tầng hai, nhà tầng thấp bị nhấn chìm, người dân cầu cứu, anh cùng gia đình đã kêu gọi mọi người tới nhà mình tránh lũ. "Nhà tôi ở địa hình cao, mong có thể là nơi nương tựa cho bà con lúc này", anh Giang nói.

Hiện tại xã Đại Đồng đang mất điện, mất sóng điện thoại, người dân không liên lạc được với nhau, một số cố thủ trong nhà. Anh và gia đình đã đón được một số bà con tới trú ẩn.

Người dân đến khám miễn phí tại phòng khám của gia đình Khánh Linh sau bão Yagi. Ảnh nhân vật cung cấp

Người dân đến khám miễn phí tại phòng khám ở huyện Văn Yên của gia đình Khánh Linh. Ảnh nhân vật cung cấp

Đang du học ở Trung Quốc, Lê Khánh Linh, 18 tuổi, nghe tin bão gây mưa lớn xảy ra tại Yên Bái nên gọi điện về nhà, xin phép bố mẹ dành hơn 10 phòng trống còn lại cùng 3 hội trường lớn tại nhà khách Trường Sơn - 129 Đường Yên Ninh, TP Yên Bái làm nơi trú ẩn cho những gia đình bị ngập, lụt, hư hại nhà cửa.

Nhà khách này gia đình Linh kinh doanh nhiều năm nay, có đầy đủ điện nước cũng như máy phát điện. "Ngay khi có tin mưa lũ em đã đăng bài trên trang cá nhân mong giúp đỡ bà con vì đợi đến khi ngập nặng việc cứu trợ không còn nhiều ý nghĩa", Khánh Linh nói. Ngoài nhà khách, gia đình cô còn có một phòng khám ở huyện Văn Yên cũng nhận sơ cứu miễn phí cho người dân bị gặp nạn trong bão Yagi.

1h sáng 8/9, Linh nhận được điện thoại kêu cứu của một phụ nữ tên Hương sống gần ga Yên Bái cho biết nước đã ngập quá nửa tầng hai của ngôi nhà. Lũ lên nhanh, không kịp di tản nên gia đình 4 người gồm vợ chồng và hai bố mẹ già phải cố thủ ở tầng trên cùng trong tình trạng mất điện và điện thoại sắp hết pin. Khánh Linh đã gọi điện xin hỗ trợ từ chính quyền phường Yên Ninh nơi gia đình chị Hương sinh sống.

Trong đêm, một chiếc cano đã được huy động để đưa cả 4 người đến nhà khách Trường Sơn an toàn. Cùng với gia đình chị Hương, 5 gia đình khác tại TP Yên Bái cũng được sơ tán đến trong đêm 7/9. Theo Khánh Linh, ngoài 6 gia đình xin tá túc đêm qua, trưa 9/9, nhà khách Trường Sơn tiếp nhập thêm ba gia đình với 11 người.

"Em làm việc này bởi năm 2008 khi trận lũ lịch sử ập đến cuốn trôi mất nhà, gia đình em đã được nhiều người giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Nay em muốn trả một phần nợ ân tình với bà con", Linh nói.

Nguyễn Nga - Quỳnh Hiền

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
7 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
4 ngày trước - Đi bộ khoảng 8 km đường núi dốc trong lúc trời đang mưa lớn, chị Sim Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc không bao giờ quên được ánh mắt cầu cứu của người dân trong vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông.
3 ngày trước - Nước lũ vừa rút, ông Lương lao vào dọn khu chuồng trại, xử lý hậu quả của 13.000 con gà bị nhấn chìm, để chuẩn bị tái đàn.
4 ngày trước - Trong hàng ngàn hồ sơ ứng cử học bổng Tiếp sức đến trường gửi đến báo Tuổi Trẻ, rất nhiều tân sinh viên với hoàn cảnh gia đình khó khăn đậu vào ngành y, điểm chung ở họ là một giấc mơ lớn lao và quyết tâm vượt gian khó chờ đợi ở phía trước.
1 tuần trước - Tốt nghiệp phổ thông hai năm trước, nhưng năm nay H’Nhé (20 tuổi, quê Gia Lai) mới vào học ở Trường cao đẳng Y Dược Sài Gòn (TP.HCM). Bởi H’Nhé không có tiền đi học.
Xem tin bài khác
8 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
9 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
9 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
10 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
10 giờ trước - Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây đổ nát, hỏng hóc tài sản, sạt lở, ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng nặng nề không chỉ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động tại...