ttth247.com

Đường đi học liều lĩnh của Rah Lan H’Nhé từ buôn làng tới TP.HCM: 20 tuổi mới đến được giảng đường

Tốt nghiệp phổ thông hai năm trước, nhưng năm nay H’Nhé (20 tuổi, quê Gia Lai) mới vào học ở Trường cao đẳng Y Dược Sài Gòn (TP.HCM). Bởi H’Nhé không có tiền đi học.

Từng làm công nhân, giúp việc nhà, phụ quán cà phê, xen kẽ với những căn bệnh trên trời rơi xuống, cô gái gầy gò người Jarai có lúc như muốn bỏ cuộc.

Thế nhưng nhìn vào ánh mắt sáng trong và niềm vui thuần khiết của H’Nhé khi cầm tờ giấy xác nhận nhập học, chúng tôi tin rằng cô sẽ vững lòng vượt qua bao khó khăn.

20 phút lội bộ từ trường về phòng trọ trong con hẻm phường Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP.HCM), mồ hôi nhễ nhại, H’Nhé cất tập vở. Cô xuống tầng trệt hâm lại nồi cháo nhỏ nấu ban sáng với thịt heo, ăn trưa, rồi bây giờ ăn tối để khỏi ra ngoài tốn thêm tiền.

Trong bộ quần áo màu đen, cô tân sinh viên dường như càng thêm nhỏ bé. Vẻ thiệt thà của người đồng bào nơi buôn Ia Rpua, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai in đậm nơi H’Nhé.

Lúc này, phòng bếp đã đông sinh viên ngồi ăn tối, H’Nhé dẫn chúng tôi lên sân thượng của nhà trọ. Cô kể: "Mấy hôm nay tôi lên mạng tìm chỗ trọ, thấy chỗ nào cũng cỡ 1,8 triệu đồng trở lên. Tôi tìm được khu này kiểu ký túc xá tư nhân, mỗi phòng 8 giường, tháng 1 triệu".

Trông thấy H’Nhé, chị chủ phòng trọ cười chào. Chị nói với chúng tôi: "Bé này hiền, thật thà thấy thương. Bữa trước bé đi xe buýt lên nhưng không biết đường, nên kêu xe dừng cách đây hơn hai cây số, rồi lội bộ về đây".

Dọn vào ở từ ngày 10-8, hôm sau H’Nhé lò dò ra chợ. Cô mua chục trứng gà hết 26.000 đồng, 50.000 đồng thịt, rau cải, rau ngót mỗi bó 10.000 đồng. H’Nhé nói: "Tôi định ăn cỡ chục ngày".

Tiếng H’Nhé nói nhỏ xíu, nhiều lúc lí nhí. Hỏi chuyện một hồi cô mới khẽ khàng, hai tay đan vào nhau: "Hồi trước tôi bị lo âu, khó ngủ lắm, ít tâm sự với ai trong nhà. Tôi luôn nghĩ làm sao được đi học. Bạn bè gặp lại, thắc mắc sao hồi đó mình năng động, nói to, mà giờ giọng thì thào, ngại giao tiếp vậy".

Nhà H’Nhé có sáu anh chị em. May mắn hơn các chị em, H’Nhé được học nội trú những năm cấp 2, cấp 3 ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai.

Hồi thi tốt nghiệp phổ thông năm 2022 xong, cô hăm hở nộp nguyện vọng. Nhưng nguồn sống của gia đình chỉ dựa vào vụ trồng mì ít ỏi trên núi và hai sào lúa nước, làm không đủ ăn, biết lấy gì mà đi học...

"Đi làm thôi". H’Nhé gạt nước mắt, đón xe theo anh trai xuống Trảng Bom, Đồng Nai làm công nhân may từ tháng 9-2022 với quyết tâm và khát khao duy nhất: dành dụm tiền năm sau đi học.

Mười tháng trời với mức lương hơn 5 triệu đồng, có tháng công ty không có hàng, H’Nhé xoay qua phụ quán cà phê.

Thời gian đó, H’Nhé đau dạ dày, viêm nhiễm, chữa bệnh hết cả tiền lương. Nếu không, cô đã đi học rồi. Vậy nên vào hè năm ngoái, cô gái nhỏ chưa thực hiện được mục tiêu có tiền đi học đành ngược về Gia Lai, phụ cha mẹ việc nhà, lùa bò đi chăn, tóc khét mùi nắng gió.

"Giờ có khó khăn tôi cũng không dám gọi cho mẹ. Tôi sợ mẹ chạy vay mượn tiền hàng xóm. Năm ngoái tôi nằm viện, mẹ với anh trai phải đi vay mấy triệu", bỏ dở câu nói, đôi mắt Rah Lan H’Nhé đỏ hoe.

Phố núi nghèo như bàn tay… Những ngày tháng chăn bò không khiến H’Nhé từ bỏ giấc mơ. Ở nhà không làm gì ra tiền cả. Cái chân cô muốn đi.

Đoạn đời trước đây của H’Nhé như một thước phim chiếu chậm, khiến người xem nhớ mãi đôi mắt đen buồn của nhân vật chính. Một đêm gần cuối tháng 4 năm nay, mẹ đi việc trong làng, H’Nhé mở tủ lấy mấy bộ đồ. Sáng sớm, cô đón xe lên Pleiku làm giúp việc nhà, chăm sóc cơm nước cho một cụ già. Trước đó, cô lên mạng tìm được công việc này.

Hơn nửa tháng sau, Rah Lan H’Nhé xuống TP.HCM làm công nhân thời vụ. "Mỗi ngày tôi làm 12 tiếng, từ 8h sáng tới 8h tối. Cơm công ty bao hai bữa. Còn buổi sáng tôi ít ăn, tới chỗ làm rồi đói quá thì ăn trưa luôn. Chủ nhật, tôi ăn một bữa thôi. Tôi về quê mấy hôm rồi xuống làm tới ngày nhập học mới nghỉ", H’Nhé kể vắn tắt.

Đã vậy, những căn bệnh cứ nhắm vào cơ thể nhỏ nhắn, khiến cô từ 53kg chỉ còn 40kg. Khoảng thời gian đi làm ở TP.HCM, tiếp xúc nhiều hóa chất, H’Nhé bị viêm da hai bàn tay. Bệnh nặng khiến mụn rộp ngứa ngáy nổi to bằng cái nút áo, vỡ ra vừa đau vừa ngứa.

Ai từng bị viêm da tay sẽ hiểu cảm giác khổ sở của căn bệnh này, dù nhìn qua tưởng rằng không có gì đáng kể. Cô đeo bao tay ngồi làm, khiến bệnh càng nặng thêm. Vừa nói, H’Nhé vừa xòe bàn tay. Mấy đầu ngón tay H’Nhé giờ vẫn khô nhăn, dấu vân mờ. Mỗi lần về tới chỗ trọ, cô phải nhờ người mở khóa cổng vân tay giùm.

Xét điểm học bạ khối B00 (toán, hóa, sinh) và chọn học ngành điều dưỡng, H’Nhé mong muốn ra trường nhanh và vì học phí thấp hơn một số trường khác. Lúc quyết đi học, cô giấu bố mẹ vì sợ bố mẹ lo và cảnh nhà quá ngặt.

Những ngày hiện tại, H’Nhé lên mạng tìm việc làm thêm. Số tiền dành dụm ngày trước và chút tiền mẹ đưa, cô vừa đóng học phí kỳ 1, tiền trọ tháng đầu, lại thêm tiền chữa bệnh và thuốc men.

"Nhiều lúc tôi nhớ bố mẹ, nhớ căn nhà sàn, chảo khổ qua rừng, lá mì xào mà mẹ hay nấu. Tội mẹ lắm, mắt mẹ bị mờ, mai mốt đi làm có tiền tôi đưa mẹ đi chữa…", H’Nhé bày tỏ về ước mơ trong tương lai gần.

Gặp H’Nhé ở TP.HCM, sau đó chúng tôi vượt đường xa tìm tới nhà của cô ở buôn Ia Rpua, xã Đất Bằng bên rìa huyện Krông Pa (Gia Lai), giáp tỉnh Phú Yên. Ở vùng lòng chảo này, thứ "đặc sản" đáng nhớ nhất là nắng và nóng.

Dưới cái nắng tháng 8 hoa cả mắt, những rẫy mì, ruộng mía âm thầm đâm chồi vươn lên giữa lớp đất khô bạc màu dọc đường. Cây mía, cây mì vươn mình giữa vùng đất khát tựa như cuộc sống lam lũ của bao đời bà con Jarai xứ này.

Nơi gia đình H’Nhé ở là căn nhà sàn gỗ cũ kỹ đã nhuộm màu thời gian. Ngoài chiếc tivi cũ và tủ quần áo, bên trong hầu như không có vật gì đáng giá. Dưới mái tôn thấp lè tè, không khí nóng hầm hập như lò xông hơi dù mặt trời đã ngả bóng. Sẩm tối, bố mẹ H’Nhé lục tục từ rẫy trở về rồi vội vàng nhóm bếp nấu cơm.

Bữa tối của gia đình 7 người là nồi cơm lớn và mấy con cá suối kho mặn nhỏ như ngón tay. Nồi cá kho gom lại chưa đầy chén nhỏ nhưng lộn xộn đủ loại từ cá trê tới cá lia thia. Chúng tôi hỏi còn gì nữa không? Bà Rah Lan H’Lưn, mẹ của H’Nhé, lắc đầu cười khổ, bảo trong nhà chỉ còn nhiêu đó nhưng cũng đủ no bụng qua đêm.

Cảnh nhà H’Nhé túng thiếu làm chúng tôi nhớ lời cô kể, rằng quanh năm sống nhờ rẫy mì và 2 sào lúa nước. Họ làm không đủ ăn, năm nào mùa giáp hạt cũng mua gạo, vay mượn rồi mùa sau trả. Bà H’Lưn không định cho con học tiếp đại học bởi trong nhà vẫn còn cậu con trai út đang học lớp 8, sợ không lo nổi cho cả hai.

Hơn nữa, ở xứ này trai gái lớn lên là lập gia đình, sinh con rồi làm rẫy, hiếm có ai học hành tới chốn. Biết ý bố mẹ, H’Nhé không xin đi học mà gói quần áo, bảo là đi làm công nhân.

Ngày con gái đi, bà H’Lưn cho con 1 triệu đồng dằn túi tàu xe. Đến mấy ngày gần đây, bà mới được cậu con trai út là Rah Lan Sơn báo chị H’Nhé đã nhập học tại TP.HCM. Chuyện đến nước này, vợ chồng không ngăn cản nữa mà quay qua ủng hộ con được học hành.

"Thân gái một mình nơi đất khách, tự lao động kiếm tiền đi học tôi lo quá nhưng chẳng thể giúp gì được. Con bé lại đau ốm liên miên, không phải người khỏe mạnh như người khác!", bà H’Lưn ngậm ngùi nói.

Dắt mấy con dê vào chuồng sau một ngày chăn thả ngoài rừng, Sơn bảo trước lúc ra khỏi nhà, chị H’Nhé có tâm sự chuyện vào TP.HCM đi học nhưng dặn khi nào ổn định mới được nói với bố mẹ.

Thương chị, Sơn chạy theo dúi vào tay H’Nhé 1 triệu đồng là số tiền em tiết kiệm từ việc bán mì. Sơn bảo sắp tới vào năm học mới, em được nhà trường hỗ trợ 700.000 đồng, cùng với số tiền hỗ trợ hằng tháng 150.000 đồng cũng sẽ để dành gửi cho chị đi học.

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại link này, hoặc quét mã QR.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, nhân vật mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Khâm phục nghị lực vươn lên, ý chí học tập và khát khao đến trường của 2 tân sinh viên Ngọc Hà và Quang Ánh, một doanh nghiệp đã nhận tiếp sức mỗi bạn 7 triệu đồng một năm, và duy trì suốt 4 năm nếu kết quả học tập tốt.
1 tháng trước - Bố mất sớm, Nguyễn Trí Hiền và Nguyễn Trí Hậu, cặp song sinh (sinh năm 2008) đến từ thôn Trường Lộc, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, đã làm nên kỳ tích khi dùng kiến thức toán lớp 9 để tham gia và đạt thành tích xuất sắc...
1 tháng trước - Tôi nghĩ mình đã gần như sắp khóc giây phút đó vì bị chồng lừa dối nhưng ráng kìm để xem chuyện gì xảy ra.
1 ngày trước - Gia đình nợ nần không có nhà, phải tá túc nhà người khác. Cha bạo bệnh qua đời. Dương Thị Gia Linh đã quần quật làm thêm đủ việc từ năm lớp 8 để có tiền đi học. Cô là học sinh giỏi tỉnh Quảng Trị, trúng tuyển Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.
1 tháng trước - Sau khi biết được điểm thi, và chọn được ngành học, nhiều học sinh không khỏi thắc mắc, liệu học đại học có nhàn và học như thế nào cho hiệu quả để ra trường có việc làm?
Xem tin bài khác
16 phút trước - Amazon vừa ra quyết định yêu cầu toàn bộ nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày một tuần, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ chế độ làm việc từ xa và quay lại nề nếp làm toàn thời gian tại văn phòng.
16 phút trước - Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 được ví như hành trình kiếm tìm "cảm hứng khởi nghiệp xanh", ưu tiên những ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp thân thiện môi trường, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng.
32 phút trước - Nữ sinh khoa Giáo dục mầm non trường Đại học Vinh cũng vừa giành được danh hiệu lớn tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024.
35 phút trước - Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thanh niên Thừa Thiên-Huế đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…
35 phút trước - Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2011, đến nay anh Kiều Sĩ Nguyên (33 tuổi), thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (TP.Hà Nội), đã có 57 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người.