ttth247.com

Người tiểu đường có hiến máu được không?

Tôi 38 tuổi, mắc bệnh tiểu đường hai năm, hiện sức khỏe ổn định, có thể đăng ký hiến máu nhân đạo được không? (Hoàng Lâm, Bình Phước)

Trả lời:

Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng lượng đường trong máu tăng cao. Nếu không được kiểm soát, theo thời gian, bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng lên các cơ quan như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh... Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn bệnh tiểu đường type 1.

Mục đích điều trị là giúp ổn định đường huyết, giảm các triệu chứng của bệnh và phòng ngừa biến chứng. Người mắc bệnh tiểu đường thường phải sử dụng thuốc hạ đường huyết hoặc insulin suốt đời, gây ra tâm lý quan ngại, lo lắng khi muốn hiến máu nhân đạo.

Carbohydrate trong thức ăn và đồ uống khi vào cơ thể được chuyển hóa thành glucose (đường). Glucose vào máu, được sự hỗ trợ của insulin (hormone tiết ra từ tuyến tụy) đưa đến tế bào và chuyển hóa thành năng lượng, phục vụ cơ thể.

Ở người bệnh tiểu đường có hai trường hợp xảy ra. Cụ thể là insulin tiết ra đủ nhưng cơ thể kháng insulin (hoạt động không bình thường, giảm hiệu quả) hoặc tế bào beta tuyến tụy suy yếu khiến sản xuất không đủ hoặc không sản xuất insulin gây thiếu hụt insulin, từ đó dẫn đến đường trong máu người bệnh cao mạn tính.

Tình nguyện viên hiến máu nhân đạo. Ảnh: Đinh Tiên

Tình nguyện viên hiến máu nhân đạo. Ảnh: Đinh Tiên

Hiến máu góp phần cung cấp máu, hỗ trợ điều trị cho nhiều người bệnh có nhu cầu truyền máu. Với người hiến máu, cho máu góp phần thay đổi một lượng lớn các tế bào máu "già" và tăng sản sinh tế bào máu mới khỏe mạnh.

Người có điều kiện hiến máu cần đảm bảo có đủ sức khỏe bình thường, cân nặng trên 42 kg với nữ và trên 45 kg với nam, độ tuổi 18-60, lượng máu hiến một lần không quá 90 ml/kg cân nặng, huyết sắc tố lớn hơn hoặc bằng 120 g/l.

Những người không đủ điều kiện hiến máu gồm:

Người mắc bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B hoặc C, giang mai, lậu, sùi mào gà...

Người đã hiến máu lần gần nhất 12 tuần trước hoặc hiến thành phần máu trước đó ba tuần, vừa đi đến những khu vực có dịch bệnh lây truyền qua muỗi, gồm sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm virus zika...

Phụ nữ đang mang thai và có con nhỏ dưới một tuổi, đang bị cảm cúm, đau họng, mụn rộp, bệnh dạ dày, nhiễm trùng...

Người quan hệ tình dục không an toàn như nguy cơ cao bệnh lây nhiễm bệnh HIV, lậu, giang mai...

Người đang sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây dị tật thai gồm thuốc thalidomide, finasteride, retinoids, mắc các bệnh lý như tim mạch huyết áp...

Nam có quan hệ tình dục với người cùng giới, vừa hút thuốc, uống rượu bia.

Người bệnh tiểu đường không nằm trong nhóm không đủ điều kiện hiến máu. Do đó, bạn vẫn có thể đăng ký hiến máu, nếu không mắc bệnh nền cũng như các tình trạng sức khỏe chống chỉ định hiến máu nêu trên.

Trước khi hiến máu, bạn nên tầm soát sức khỏe kỹ lưỡng, loại bỏ nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, thận, cao huyết áp, thần kinh... Người bệnh cũng cần đo đường huyết, đảm bảo đường huyết ổn định khi hiến máu. Người đang mắc các bệnh mạn tính như trên nhưng không được phát hiện trước đó có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau khi hiến máu.

Người mắc bệnh tiểu đường không nên hiến máu nếu thường xuyên bị hạ đường huyết và hạ đường huyết gần đây. Người bệnh cần phải đảm bảo HbA1c, tức chỉ số đánh giá đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng, ổn định dưới 7%.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
6 giờ trước - Theo các bác sĩ, đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
1 tháng trước - Cà phê là thức uống phổ biến được nhiều người yêu thích, nhưng không phải ai cũng biết được lợi ích của việc uống cà phê không đường.
1 tuần trước - Thiên tai như bão lũ không chỉ gây ra thiệt hại về tài sản mà còn để lại những hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng cho cộng đồng. Sau bão lũ, môi trường sống thường bị ô nhiễm và nhiều nguy cơ phát sinh bệnh tật.
1 tuần trước - Tôi ăn uống lành mạnh, tránh đồ chiên xào, tập thể dục đều đặn nhưng vì sao vẫn bị rối loạn mỡ máu? Bệnh này có điều trị được không? (Hà Vân, 38 tuổi, TP HCM)
1 tháng trước - Sau ca ghép thận đầu tiên vào tháng 5, vừa có thêm 2 bệnh nhân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ghép thận thành công tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ. Bệnh nhân đều còn rất trẻ, đều phát hiện suy thận mạn với triệu chứng tương tự...
Xem tin bài khác
44 phút trước - Thời tiết ngày giao mùa thay đổi thất thường. Bên các vấn đề về hô hấp, các bé cũng dễ mắc các bệnh về da, đặc biệt là viêm da cơ địa.
47 phút trước - Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong điều kiện bất khả kháng, Bộ Y tế đề xuất có cơ chế điều chuyển thuốc từ bệnh viện có thuốc sang nơi thiếu điều trị cho bệnh nhân.
47 phút trước - Trẻ hụt hơi, khó thở bất thường, ngủ không yên giấc, ngáy to, chán ăn kéo dài… có thể là những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
1 giờ trước - Trong 2 tháng triển khai thí điểm tích hợp giấy chuyển tuyến lên VNeID, đã có gần 1 triệu giấy được cổng tiếp nhận, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
1 giờ trước - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói, cơ chế đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đã đầy đủ. Đơn vị nào nói thiếu thuốc do cơ chế chính sách thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.