ttth247.com

Nhà phát triển Trung Quốc dùng blockchain vượt rào lệnh cấm chip

Nhiều nhà phát triển AI của Trung Quốc đang dùng blockchain để tiếp cận sức mạnh của chip tiên tiến.

Sau khi Mỹ gia tăng cấm vận, không cho các công ty trong nước như Nvidia bán chip sang Trung Quốc, người dùng ở quốc gia tỷ dân vẫn có thể tiếp cận thông qua thị trường chợ đen. Tuy nhiên, con đường này phức tạp, đắt đỏ và không thể đáp ứng nhu cầu lớn. Theo WSJ, các nhà phát triển đã tìm ra cách tiếp cận mới mà không cần nhập khẩu chip. Một trong những người giúp họ vượt rào cấm vận như vậy là Derek Aw, cựu thợ đào Bitcoin.

"Hợp đồng thông minh"

Tính đến tháng 6, công ty của Aw đã xây dựng hơn 300 máy chủ với chip Nvidia H100 cho một trung tâm dữ liệu ở Brisbane, Australia. Ba tuần sau, các máy chủ bắt đầu xử lý thuật toán AI cho một công ty ở Bắc Kinh.

"Có cầu. Có lợi nhuận. Đương nhiên có người cung cấp", Aw nói với WSJ.

Việc thuê sức mạnh tính toán từ xa không phải sáng kiến mới, nhiều công ty toàn cầu đang dùng dịch vụ từ Google Cloud, Microsoft Azure và AWS. Tuy nhiên, những công ty này bị cấm cung cấp sức mạnh tính toán cho công ty Trung Quốc.

Khách tham quan chip tại Triển lãm Computex 2024 diễn ra hồi tháng 6 tại Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: Khương Nha

Khách tham quan chip tại Triển lãm Computex 2024 hồi tháng 6 tại đảo Đài Loan. Ảnh: Khương Nha

Aw đã tìm ra cách để "ẩn danh khách hàng". Ứng dụng blockchain vào việc mua và bán, các giao dịch được thực hiện qua smart contract (hợp đồng thông minh), cho phép theo dõi online, nhưng bảo vệ được danh tính của những người tham gia. Tiền mã hóa được dùng làm công cụ thanh toán.

Với blockchain, Aw cho biết ngay cả anh cũng không rõ danh tính thực sự của người mua. Để bảo mật, các công ty AI Trung Quốc thường thực hiện giao dịch thông qua công ty con đặt ở Singapore hoặc nơi khác. Aw nói từ cuối năm ngoái, khách hàng của anh tăng đáng kể, phần lớn cần chip Nvidia.

Nvidia không đưa ra bình luận, nhưng nói luôn tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

GPU phi tập trung

Những nền tảng như của Aw đã xuất hiện trong hai năm qua trong lĩnh vực tiền số. Nhiều dự án kêu gọi người dùng đóng góp sức mạnh tính toán từ những máy tính không dùng để đào tiền số. Các nền tảng này cố gắng thu thập khả năng của các GPU nằm rải rác toàn cầu, sau đó cho các nhà phát triển AI thuê lại.

Dịch vụ bán sức mạnh tính toán phân tán được gọi là mô hình GPU phi tập trung. GPU Nvidia được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng AI và được săn đón trên các nền tảng này. Từ khi Mỹ hạn chế bán chip tiên tiến cho Trung Quốc năm 2022, nhiều khách hàng Trung Quốc chuyển sang các nền tảng phi tập trung để có sức mạnh tính toán.

Joseph Tse, làm việc trong một startup AI ở Thượng Hải, cho biết công ty ông đã chuyển sang dịch vụ GPU phi tập trung sau khi bị chặn dịch vụ từ AWS. Dịch vụ mới cho phép họ tiếp cận 400 máy chủ của một trung tâm dữ liệu được đặt ngay tại California (Mỹ). Mô hình AI của công ty được đào tạo trên những chip H100 hàng đầu của Nvidia mà không gặp rắc rối nào.

Tse cho biết dịch vụ không khác nhiều điện toán đám mây do Amazon, Google cung cấp. Tuy nhiên, ông lo ngại hệ thống blockchain có thể có lỗ hổng cho phép tin tặc đánh cắp mã và dữ liệu của công ty.

"Blockchain bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nhưng do đó cũng rất khó để buộc ai đó chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi không có nhiều lựa chọn và phải thử mọi cách để tồn tại", Tse nói.

Hồi tháng 6, tại sự kiện AI Industry ở Singapore, có ít nhất ba công ty GPU phi tập trung chào hàng về dịch vụ truy cập không giới hạn vào sức mạnh tính toán của Nvidia với giá thấp. Tất cả xác nhận họ có khách hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các mạng phi tập trung thường không thể đào tạo mô hình AI lớn như ChatGPT vì cần hàng nghìn chip để truyền dữ liệu nhanh chóng giữa chúng.

Edge Matrix Computing (EMC), thành lập năm 2022, đang tìm cách xây dựng các cụm chip lớn hơn. EMC đã kết nối hơn 3.000 GPU trong mạng phi tập trung của mình, bao gồm chip Nvidia để đào tạo AI. Người dùng mua quyền truy cập vào chip bằng tiền số của EMC.

EMC cho biết đang kêu gọi các nhà đầu tư mua Nvidia H100 - mỗi chip có giá tương đương một chiếc xe Cadillac - và lắp ráp chúng trong một trung tâm dữ liệu để đào tạo AI chuyên sâu. Người dùng mua năng lực tính toán với số lượng lớn có thể trả ít hơn 2 USD cho mỗi giờ sử dụng chip Nvidia H100.

Phản ứng của Mỹ

Các cơ quan chức năng Mỹ đã phát hiện vấn đề. Tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện tháng 7, Thượng nghị sĩ John Kennedy lập luận rằng Bộ Thương mại đã cho phép người dùng Trung Quốc tận dụng lỗ hổng trong các hạn chế xuất khẩu chip.

"Có vẻ dòng chảy ổn định của các vi mạch tiên tiến vào Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Dòng chảy đó phải dừng lại", WSJ dẫn lời ông Kennedy viết trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Thea Kendler, trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu, cho biết Bộ của bà đang theo dõi chặt chẽ các mạng lưới mua sắm bất hợp pháp và tìm cách trấn áp.

Trong lúc cơ quan chức năng chưa có biện pháp can thiệp phù hợp, Aw đang huy động thêm tiền từ một nhóm nhà đầu tư ở Arab Saudi và Hàn Quốc. Họ có kế hoạch xây một cụm chip Blackwell mới của Nvidia cho một công ty Singapore, do công ty Trung Quốc đứng sau. "Không ai vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Về mặt pháp lý, họ là công ty Singapore", Aw nói.

Khương Nha

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Pavel Durov, nhà sáng lập nền tảng Telegram, được ví là "Mark Zuckerberg của Nga" gây chú ý lớn trong cộng đồng công nghệ trước khi bị bắt.
3 tuần trước - Trong vòng hơn hai năm, đã có năm CEO công nghệ bị bắt giữ liên quan tới nền tảng họ phát triển, mới nhất là ông chủ Telegram.
1 tháng trước - Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng như chính phủ nước này đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT), mở ra nhiều cơ hội cho nhân sự IT Việt Nam biết tiếng Nhật.
1 tháng trước - Dù không hiểu về blockchain, nhiều người lớn tuổi Trung Quốc vẫn sẵn sàng rút lương hưu để nhờ mua NFT, đào coin, đầu tư crypto.
3 tuần trước - Mỹ- Shan Hanes, từng là CEO ngân hàng Heartland Tri-State, bị kết án 24 năm tù vì lấy 47 triệu USD chuyển vào ví tiền số của kẻ lừa đảo.
Xem tin bài khác
7 giờ trước - Dòng camera hai ống kính như Cruiser Dual 2 có thể quay quét 360 độ, thiết lập hàng rào ảo để cảnh báo xâm nhập, cho khả năng giám sát tốt hơn.
10 giờ trước - Sau ngày 16-9, ứng dụng Gojek chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam.
11 giờ trước - Số thứ năm của Sản phẩm tôi yêu 2024 là cuộc đua của 6 mẫu điều hòa bán chính hãng trong một năm qua, có giá từ 8,9 đến 13,9 triệu đồng.
12 giờ trước - Theo iPhone Index 2024, người dùng Việt Nam vẫn nằm trong 5 thị trường cần nhiều ngày công nhất để mua iPhone 16 Pro dung lượng thấp nhất giá 1.000 USD.
12 giờ trước - Dự án hồi sinh game Flappy Bird được cho là để lừa đảo tiền số, trong khi nhà phát triển Nguyễn Hà Đông cũng phủ nhận liên quan.