ttth247.com

Nhiều trẻ bệnh sởi biến chứng

TP HCMBé Trâm Anh, 10 tháng tuổi, nổi ban lấm tấm khắp người sau hai ngày ho, sốt, sổ mũi, vào viện khó thở, được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ thở oxy.

"Lúc 9 tháng tuổi đến chích ngừa sởi thì bé bị bệnh nên chưa tiêm được", bà ngoại bé nói. Trâm Anh từng nội trú điều trị sốt xuất huyết, xuất viện tuần trước. 6 ngày sau, bé sốt nhẹ, ho, gia đình tưởng bệnh cảm thông thường nên mua thuốc uống. Đến ngày thứ hai, bé phát ban nhiều dần, vào viện bác sĩ chẩn đoán sởi.

Do biến chứng viêm phổi nặng, bệnh nhi điều trị tại phòng cấp cứu của khu vực cách ly Khoa Nhiễm - Thần kinh. Bé ở trọ tại huyện Hóc Môn, xung quanh nhà chưa thấy ai mắc sởi, gia đình đoán bé lây bệnh từ đợt nằm viện trước, nay mới biểu hiện.

Bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thăm khám cho bé Trâm Anh. Ảnh: Lê Phương

Bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thăm khám cho bé Trâm Anh. Ảnh: Lê Phương

Giường bên cạnh, bé gái 13 tháng tuổi quấy khóc liên tục, mẹ vừa bế ẵm dỗ dành, vừa luôn tay lau người để con bớt khó chịu. Bé từ Kiên Giang đến TP HCM vì ho nhiều, có đờm. Bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, điều trị Khoa Hô hấp hơn 10 ngày. Hai hôm nay, bé bỏ ăn, ngủ li bì, mẩn đỏ toàn thân, được chuyển lên Khoa Nhiễm điều trị sởi.

Như hầu hết ca mắc sởi nhập viện khác, bé chưa tiêm vaccine. Những tháng gần đây, bé nhập viện liên miên vì nhiễm trùng đường ruột, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, nhỡ các đợt chủng ngừa của địa phương. "Mong con nhanh khỏi để về chứ nằm viện suốt bé rất khó chịu, sợ lây chéo thêm các bệnh khác", người mẹ nói.

BS.CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khoảng một tháng nay, số ca sởi nhập viện tăng dần, đặc biệt cao trong tuần vừa qua. Ngày 12/8, nơi này điều trị hơn 50 ca sởi, trong đó 8 bệnh nhi nặng, phải hỗ trợ hô hấp, thở oxy. Phần lớn trẻ từ các tỉnh thành khác chuyển tới, đều chưa chủng ngừa vaccine hoặc chưa tiêm đủ hai mũi.

"Những trẻ mắc sởi nặng chủ yếu có sẵn bệnh nền như suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý về máu, thận hư...", bác sĩ Quy nói. Những trường hợp này, trẻ thường phải nằm viện điều trị kéo dài, hay gặp biến chứng bội nhiễm ở phổi, chích kháng sinh ít nhất 7-10 ngày.

Các cơ sở nhi khoa tuyến cuối khác cũng ghi nhận số ca nhập viện tăng gần đây. Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị 17 trường hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị 14 ca. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đến nay tiếp nhận 30 trẻ, 18 người lớn mắc sởi.

Bệnh có thể lây lan rất nhanh, trực tiếp qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang bệnh. Hoặc bệnh lây gián tiếp qua vật dụng, đồ chơi có dính dịch tiết khi trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi. Sởi thường gây biến chứng ở đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi. Ngoài ra, một số trẻ có thể viêm ruột, nhiễm trùng máu, viêm loét giác mạc, thậm chí sốt, co giật nặng dẫn đến viêm não. Hệ lụy đằng sau căn bệnh là sau khi mắc bệnh, trẻ có thể suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh khác.

"Khi thấy trẻ sốt, phát ban hoặc kèm theo một trong ba triệu chứng là ho, sổ mũi, mắt đỏ, cần nghĩ đến sởi", bác sĩ Quy nói, thêm rằng nhiều phụ huynh thấy con phát ban lại tưởng dị ứng. Trong khi đó, dị ứng thường không kèm sốt và các dấu hiệu trên.

Trẻ mắc bệnh sởi, biến chứng viêm phổi, phải thở oxy tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương

Trẻ mắc bệnh sởi, biến chứng viêm phổi, phải thở oxy tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương

Không ít trường hợp phụ huynh tự mua thuốc cho trẻ uống, đưa vào viện trễ khi trẻ đã suy hô hấp, viêm phổi, viêm ruột... Điều cần tránh trong điều trị bệnh này là không dùng corticoid. Bởi, bản thân bệnh sởi đã làm suy giảm miễn dịch, khi dùng corticoid sẽ càng làm suy giảm miễn dịch nặng nề hơn, dễ bội nhiễm vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác, khiến bệnh thêm trầm trọng.

Trẻ mắc sởi cần cách ly điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Cho trẻ tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, chia làm nhiều cữ ăn, uống nhiều nước. Uống thuốc, thái khám theo lịch hẹn. Không nên kiêng tắm, bởi việc này có thể khiến trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng. Bệnh có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, không nên vượt đường xa đến cơ sở tuyến cuối gây quá tải, dễ lây nhiễm chéo.

Theo bác sĩ Quy, bệnh thường có chu kỳ 5 năm bùng phát một lần. Năm 2018-2019, có ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị nội trú 200 trường hợp. Đợt bùng dịch năm 2014, số ca có thể lên đến hơn 240 một ngày. Dự báo thời gian tới, số ca sởi vẫn còn tăng.

"Hy vọng với chiến dịch tiêm vaccine sắp tới, có thể kiểm soát, ngăn chặn dịch bùng phát", bác sĩ nói. Phụ huynh cho trẻ tiêm đủ 9 tháng tuổi tiêm vaccine mũi một và nhắc lại mũi hai lúc trẻ 18 tháng tuổi. Người chăm sóc trẻ, người lớn có nguy cơ cao như mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai cũng cần chủng ngừa sởi.

Sở Y tế TP HCM đang đề xuất UBND thành phố công bố dịch sởi, trong bối cảnh từ ngày 23/5 đến nay, các bệnh viện ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện 346 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh thành khác đến thành phố khám và điều trị. Trong một tháng qua, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Sở Y tế tham mưu UBND TP HCM ban hành kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trong bối cảnh số ca tăng nhanh, 3 trẻ mắc bệnh tử vong trong tháng qua.
1 ngày trước - Sau khi nghe mẹ nói về chương trình tiêm phòng sởi miễn phí tại Long Châu, chị Thúy đã đưa hai cháu, bé lớn 7 tuổi và bé nhỏ 3 tuổi đến tiêm chủng ngay trong chiều hôm đó.
3 tuần trước - Tất cả trẻ 1-5 tuổi đang sống tại TP HCM được tiêm bổ sung một mũi vaccine phòng sởi - rubella, không phân biệt tiền sử tiêm chủng trước đó; trẻ từ 6-10 tuổi được tiêm bù nếu chưa tiêm đủ.
1 tháng trước - Số ca mắc bệnh sởi tại TP.HCM đang tăng liên tục từ tháng 5-2024 đến nay. TP.HCM đã có 16 quận, huyện có ca mắc sởi và 3 trẻ tử vong.
1 tháng trước - TP.HCM ghi nhận ba trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi và cả ba bệnh nhân đều mắc những bệnh lý mạn tính dẫn đến biến chứng nặng. 
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
4 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
4 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.