ttth247.com

Những nhân tố để Long An làm chủ cuộc chơi logistics

Hoàn thiện bộ khung phát triển

Long An là địa phương được đánh giá là hội đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhờ vào lợi thế tiếp giáp với TP.HCM. Đồng thời, Long An cũng là chuyển tiếp giữa vùng trọng điểm phát triển kinh tế Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ.

Đến thời điểm hiện nay, Long An có 36 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp thu hút lượng vốn đầu tư trong và ngoài nước hàng đầu và có tốc độ công nghiệp hóa thuộc vào nhóm nhanh nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ…

Trong một thời gian dài, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Long An nói riêng và của 13 tỉnh ĐBSCL phần lớn phải thông qua các cảng trên địa bàn TP.HCM. Sự thiếu vắng của một hệ thống cảng ngay tại chỗ phục vụ cho ĐBSCL nói chung và Long An nói riêng đã dẫn đến nhiều vấn đề, trong đó có chi phí vận chuyển cao, thời gian kéo dài, dẫn đến khả năng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong khu vực.

Long An làm chủ cuộc chơi Logistics - Ảnh 1.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa trong Cảng Quốc tế Long An. Ảnh: N.H

Ngày 24/6/2023, Cảng quốc tế Long An chính thức hợp long 7 cầu cảng với tổng chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670m, công suất khai thác container 1.000.000 TEU.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Cảng quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 9 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368 m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT.

Làm chủ cuộc chơi logistics

Việc khánh thành và đưa vào khai thác từng phần Cảng quốc tế Long An chính thức đưa tỉnh Long An làm chủ hệ sinh thái sản xuất, xuất nhập khẩu ngay trên chính địa bàn tỉnh… Từ đây, tỉnh Long An hoàn toàn làm chủ cuộc chơi logistics cho chính mình và một phần cho ĐBSCL.

Theo quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, Cảng quốc tế Long An là một trong 3 cụm cảng quan trọng của khu vực, gồm cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của TP.HCM.

Cảng quốc tế Long An có diện tích 147 ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là 1.670m; 7 bến sà lan; Hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; Hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác.

Cảng quốc tế Long là 1 dự án nằm trong quần thể gồm 4 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng quốc tế Long An; Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu đô thị Đông Nam Á Long An.

Tuy mới đưa vào hoạt động, đó là việc vừa xây dựng vừa khai thác, Cảng quốc tế Long An đã cho thấy bước đột phá lớn trong vận tải hàng hóa tại khu vực này. Cảng đã đón hàng nghìn lượt tàu trong và ngoài nước ra vào Cảng, với hàng triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng. Đáng chú ý, Cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT.

Long An làm chủ cuộc chơi Logistics - Ảnh 2.

Long An đưa vào khai thác tuyến hàng container mở ra dịch vụ vận tải mới tại cảng Quốc tế Long An.

Sự phát triển của Cảng quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các khu-cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, đồng thời giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các doanh nghiệp đầu tư, được các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và ĐBSCL nói chung đánh giá rất cao.

Kết nối hạ tầng giao thông, kích hoạt phát triển

Nhìn vào bức tranh kết nối cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông giữa các địa phương trọng điểm sản xuất công nghiệp và hệ thống cảng, dịch vụ logistics có thể nói, Long An đã và đang dần hoàn thiện hệ sinh thái cho chính mình.

Trục tỉnh lộ 830 đã tạo ra hành lang kết nối giữa các địa phương như có nhiều khu công nghiệp như Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hoà, Đức Huệ với Cảng quốc tế Long An. Hàng hóa từ các khu công nghiệp thông qua Tỉnh lộ 830 có thể đến thẳng Cảng quốc tế Long An một cách thuận lợi. Ngược lại, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhập khẩu thông qua Cảng quốc tế Long An được nhanh chóng đưa về các khu công nghiệp thông qua Tỉnh lộ 830.

Những dự án giao thông quan trọng của tỉnh (dự kiến hoàn thành năm 2024-2025) như đường tỉnh 823D, đường tỉnh 830E, đường Vành đai 3 TP.HCM… sau khi hoàn thành sẽ khơi thông các điểm nghẽn về hệ thống vận tải, logistics; góp phần giảm chi phí vận tải, logistics cho doanh nghiệp. 

Các tuyến đường đang được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, kết nối với nhau, giúp giảm ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các khu, cụm công nghiệp, các địa phương trong tỉnh, giữa Long An với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL.

Bức tranh giao thông của Long An đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Trước đây, hàng hóa lưu thông giữa miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ bắt buộc phải qua TP.HCM. Ngày nay, nhờ đã đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua tỉnh Long An giúp giao thông liên vùng miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM.

Trong tương lai, khi các tuyến đường cao tốc hoàn thành, hệ thống đường bộ được đầu tư đúng như quy hoạch, Long An sẽ hòa vào mạng lưới giao thông kết nối giữa miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, giữa Long An và TP.HCM.

Do đó, Cảng quốc tế Long An ngoài việc giúp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm áp lực giao thông cho các cảng tại TP.HCM còn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng kinh tế động lực phía Nam và các tỉnh Tây Nam bộ. Cảng quốc tế Long An được kỳ vọng trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho cả vùng ĐBSCL.

Đánh giá về vai trò của Cảng quốc tế Long An, lãnh đạo tỉnh Long An cho hay, khi cảng Long An đi vào hoạt động, quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ cảng biển của Long An phát triển mạnh mẽ. Long An trở thành một đầu mối giao lưu hàng hóa lớn trên sông Soài Rạp, trực tiếp làm giảm bớt lưu lượng hàng hóa và chi phí vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa hằng năm phải chuyển tiếp lên các cảng TP.HCM bằng đường bộ, đường thủy nội địa. Là thành viên của Hiệp hội hàng hóa toàn cầu (WCA), vai trò của Cảng quốc tế Long An đối với việc xuất nhập khẩu là mắt xích trong chuỗi giao thương hàng hóa đa phương thức, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp bằng việc tạo ra sự kết nối giữa Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới.

Source: danviet.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Vượt qua giới hạn của bốn bức tường chật hẹp để hòa mình vào thiên nhiên rộng mở, những ý tưởng sáng tạo tuôn trào một cách tự nhiên.
1 tháng trước - Dự án này sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những cái tên đã lọt vào danh sách đầu tư.
1 tháng trước - Nhiều ông chủ lớn bị mạo danhCông ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa phát đi thông báo về việc nhiều cá nhân, tổ chức mạo danh đơn vị này để lừa đảo,...
1 tháng trước - Các đối tượng lừa đảo mạo danh doanh nghiệp với nhiều hình thức táo tợn. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của doanh nghiệp.
21 giờ trước - Xuất phát từ những cuộc gọi quảng cáo hay kết bạn với người lạ, nhiều người đã bị dẫn dụ vào các hội nhóm đầu tư chứng khoán, tiền ảo và cuối cùng mất trắng số tiền dành dụm.
Xem tin bài khác
4 phút trước - Để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà trọ cho thuê, nhiều kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
3 giờ trước - Lãi suất giảm sẽ tác động như thế nào đến hàng nghìn tỷ USD trong các chứng chỉ tiền gửi và tài khoản tiết kiệm lợi suất cao?
3 giờ trước - Nhìn rộng hơn từ đầu năm, thị giá CTP đã “leo dốc” tới 722% chỉ sau chưa đầy 9 tháng, vốn hóa theo đó đạt khoảng 448 tỷ đồng.
3 giờ trước - Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vừa tăng vọt lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
3 giờ trước - BVSC đánh giá Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE, kỳ vọng được xem xét nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.