ttth247.com

Những thách thức khi trùng tu Chùa Cầu

Quảng NamĐể trả lời câu hỏi trùng tu Chùa Cầu theo phương án hạ giải (toàn bộ) hay từng phần, TP Hội An đã mất hơn 10 năm với nhiều hội thảo lấy ý kiến.

Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được thương nhân Nhật Bản xây dựng từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Công trình bắc qua con lạch trong phố cổ Hội An, đảm nhiệm ba chức năng chính là cầu kết nối hai khu phố người Nhật và Hoa; nơi thực hành tín ngưỡng (thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần lớn của Đạo giáo bảo vệ người dân khỏi tai ương) và nơi nghỉ ngơi vãn cảnh.

Chùa cầu năm 1986. Ảnh chụp lại

Chùa cầu năm 1986. Ảnh tư liệu

Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu, lần gần nhất năm 1986. Đến những năm 2010, móng cầu bị lún, nứt; chùa và cầu tách rời; kèo cột mối mọt, mục nát có nguy cơ đổ sập. Trong khi đó mỗi ngày cầu phải gánh hàng nghìn người dân và du khách qua lại. Chính quyền TP Hội An từng phải dùng gỗ chống đỡ, dây cáp níu giữ các bộ phận của công trình.

Để cứu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Cầu, sau rất nhiều thủ tục xin phép, chính quyền TP Hội An quyết định trùng tu toàn diện. Ngày 3/8, công trình sẽ khánh thành sau 19 tháng thi công. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An, nói để có được Chùa Cầu như hôm nay, thành phố đã đối mặt với rất nhiều bài toán "cân não".

Trùng tu hạ giải hay từng phần

Ông Sơn kể việc trùng tu Chùa Cầu được đặt ra từ năm 2010. Có hai phương án, một là trùng tu từng phần, tức tháo dỡ, sửa chữa một số bộ phận hư hỏng như từng thực hiện ở 7 lần trước. Hai là trùng tu hạ giải, tức tháo dỡ toàn bộ cấu kiện của di tích, sau đó tu bổ, gia cố và gắn về vị trí cũ. Quy trình hạ giải đòi hỏi nghiêm ngặt, bao gồm chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu các chi tiết, bộ phận trước khi tháo dỡ. Trong và sau hạ giải, các chi tiết, cấu kiện phải được bảo vệ an toàn.

Cả hai phương án đều có ưu - nhược riêng. Lãnh đạo TP Hội An cũng như các chuyên gia lo lắng nếu trùng tu hạ giải, di tích hơn 400 tuổi nguy cơ thành 1 tuổi. Lý do thời điểm năm 2010, Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản và châu Âu trong trùng tu, khi tháo dỡ toàn bộ công trình để sửa chữa khó lắp dựng lại như cũ. Thành phố phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên để lựa chọn phương án, nhưng đều bế tắc.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố Hội An. Ảnh: Đắc Thành

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố Hội An. Ảnh: Đắc Thành

Năm 2016, Chùa Cầu đối diện nguy cơ sụp đổ, lãnh đạo TP Hội An lại tổ chức hội thảo với sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia đầu ngành trong trùng tu di tích của Việt Nam và Nhật Bản được mời đến "bắt bệnh" cho Chùa Cầu.

Sau khi khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia thống nhất muốn giải quyết dứt điểm "các bệnh" của Chùa Cầu chỉ có thể là trùng tu hạ giải. Phương án này giúp công trình "sống khỏe" trong vài chục năm tới. Nếu tu bổ từng phần thì chỉ giải quyết được một vài phần, sau đó di tích tiếp tục hư hỏng.

Chính quyền TP Hội An sau đó xúc tiến trình phương án trùng tu hạ giải lên UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và từng bước hoàn thiện nghiên cứu. Ba năm sau, phương án trùng tu Chùa Cầu được chấp nhận. Đến cuối tháng 12/2022 công trình được khởi công với vốn đầu tư 20 tỷ đồng.

Mặt cầu cong hay thẳng

Quá trình trùng tu, vấn đề mặt cầu cong hay thẳng gây ra cuộc tranh cãi căng thẳng. Chủ tịch TP Hội An cho biết từ dấu vết để lại, một số chuyên gia đưa ra những bức ảnh tư liệu cho thấy giai đoạn từ năm 1915 đến 1986 sàn Chùa Cầu thẳng, sau 1986 đến nay mới có hình dáng cong. Vì thế để đảm bảo tính nguyên gốc trong trùng tu, chuyên gia kiến nghị đưa mặt cầu về dáng thẳng.

"Tư liệu về phiên bản gốc Chùa Cầu không có. 7 lần trùng tu trước không để lại hồ sơ nào, chỉ có một số hình ảnh nhưng không xác định chính xác ở giai đoạn nào", ông Sơn kể lại thế khó. Không có căn cứ xác đáng, chủ đầu tư dự án là UBND TP Hội An lại tổ chức các hội nghị tham vấn, lắng nghe ý kiến chuyên gia. Bên cạnh đó chính quyền tổ chức nghiên cứu thực địa, tìm gặp những người dân sinh sống lâu đời nắm rõ về quá trình trùng tu Chùa Cầu.

Mặt Chùa Cầu thẳng. Ảnh chụp lại

Mặt Chùa Cầu thẳng. Ảnh tư liệu

Khi nghiên cứu thực địa, đơn vị trùng tu phát hiện móng đá, khung dầm để lại dấu vết từ ban đầu mặt cầu cong. Khi người Pháp đến Hội An, họ đã tháo mặt cầu cong, thay thế bằng hai dầm sắt để mặt cầu thẳng, giúp ôtô qua lại dễ dàng. Đến lần trùng tu năm 1986, nhà chức trách đã làm lại mặt cầu cong.

Phương án mặt cầu cong vừa đúng với nguyên gốc vừa được đánh giá giảm ngập lụt, giảm đọng rác dưới gầm cầu. Như vậy phải mất hơn hai tháng, câu hỏi về hình dáng mặt cầu mới có đáp án.

Bài toán vật liệu xây cầu

Là công trình tín ngưỡng, điểm nghỉ ngơi vãn cảnh, Chùa Cầu được lợp mái ngói. Loại ngói này do thợ gốm Thanh Hà ở Hội An sản xuất. Họ chọn nguồn đất nguyên chất cho ra những viên gói bền, đẹp. Nhưng hiện nay nguồn đất bị biến động do cải tạo, xây dựng.

Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An sau đó phải đến nhiều tỉnh miền Trung tìm và thử nghiệm loại đất, cuối cùng chọn được nguồn đất ở Quảng Ngãi và Bình Định. Đất mang về chuyển giao cho thợ thủ công làng gốm Thanh Hà sản xuất. May mắn kết quả phân tích cho thấy viên ngói mới tương đồng ngói cũ.

Chùa Cầu trước đây được xây bằng vôi vữa với tính chất xây thì mềm, hoàn thành lại cứng chắc, không nứt gãy. Vữa được tổng hợp từ vôi, đường, mật mía, hạt bời lời, lưỡi long. Đến nay nhiều nguyên liệu này không còn ngoài tự nhiên.

"Để thay thế, đội thi công phải áp dụng công nghệ bằng việc kết hợp hóa chất, keo. Việc này khác với yếu tố gốc nên chúng tôi rất phân vân", ông Sơn kể lại. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công sau đó lại phải báo cáo, thử nghiệm, đánh giá cho tới khi khẳng định hóa chất đảm bảo cho công trình thì mới triển khai tiếp. Vì thế dự án đã chậm tiến độ 7 tháng so với kế hoạch.

Ông Sơn đánh giá sau trùng tu hạ giải, Chùa Cầu có thể tồn tại ít nhất vài chục năm nữa. Phần móng bị lún được đào sâu đổ bêtông, bên trong trụ đá hổng được phun chất kết dính. Dầm, sàn cầu được thay thế bằng gỗ lim nhập khẩu nguyên cây về cưa xẻ lấy phần lõi. Quá trình trùng tu tuân thủ tính chân xác, tất cả cấu kiện từ phần móng đến dầm, sàn, mái, trụ đỡ... đúng với yếu tố gốc.

Kiến trúc sư Tôn Thất Liêm, chuyên gia Kiến trúc đô thị (Hội Kiến trúc sư TP HCM), đánh giá Hội An chọn phương án trùng tu hạ giải là "hoàn toàn chính xác và phù hợp". Quá trình trùng tu đã giữ lại cho Chùa Cầu tất cả những cấu kiện, chi tiết còn sử dụng được và chỉ thay thế những chi tiết bị hư hỏng, mục nát.

Đề cập vật liệu trùng tu, ông Liêm nói hai thời điểm xây dựng bản gốc (thế kỷ 17) và trùng tu 2024 cách nhau hơn 400 năm, có vật liệu giờ không thể tìm ra thứ thay thế giống nguyên bản 100%. Hướng trùng tu bám gần đúng nhất với nguyên bản trong điều kiện có thể làm được "là việc mà Hội An đã làm tốt".

Công trình vừa làm xong nên mạch vữa, sơn vôi, mái ngói và các họa tiết còn mới. Tất cả cần trải qua sự phong hóa theo thời gian thì mới có được sự rêu phong, cũ kỹ. "Sẽ rất hoang tưởng nếu đòi hỏi công trình mới trùng tu phải đạt độ cổ kính rêu phong như di tích 400 năm tuổi", ông Liêm nói, nhấn mạnh thành công của việc trùng tu Chùa Cầu là đã giữ đúng vị trí hiện trạng, nguyên bản kiến trúc, kết cấu chịu lực.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Đúng một khung giờ vào 10 ngày giữa tháng Năm trong bốn năm cuối đời, Hồ Chủ tịch lại mang "tài liệu tuyệt đối bí mật" ra chỉnh sửa.
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
2 tuần trước - Trong hơn 40 năm sống và phát triển sự nghiệp ở Mỹ, tôi có cơ hội chu du khắp nước Mỹ bằng xe hơi. Có thể nói, tôi nhìn thấy được nét đẹp của nước Mỹ từ danh lam thắng cảnh, con người đến văn hóa vùng miền, nhưng nếu hỏi đến Việt Nam thì...
2 tuần trước - Bà Sáu, một tiểu thương trong chợ Bà Hoa nói con người ở TP.HCM sống yêu thương, chan hòa; dù là chốn phồn hoa nhưng người ta sống với nhau bằng cái nghĩa, cái tình.
1 tháng trước - Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: 'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay'.
Xem tin bài khác
20 phút trước - Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (19/9) và sáng sớm nay (20/9), khu vực từ Nghệ An đến Bắc Quảng Trị có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 19/9 đến 3h ngày 20/9 có nơi trên 100mm như: Hương...
1 giờ trước - Hôm qua 19.9, TAND TP.HCM bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm ở giai đoạn 2 về các tội danh 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'rửa tiền' và 'vận chuyển trái phép...
1 giờ trước - Nhiều ý kiến ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường để tập trung học tập. Bên cạnh đó, một số bạn đọc cho rằng việc này nên áp dụng linh hoạt.
1 giờ trước - Theo báo cáo năm 2023, chỉ riêng án dân sự đã có tới hơn 8.000 án bị hủy, sửa dẫn đến vụ án kéo dài, gây ra nhiều tốn kém, hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý.
1 giờ trước - Theo dự báo, dù cơn bão số 4 đã đi vào đất liền và tan trên khu vực miền Trung nước Lào, tuy nhiên khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Trị sẽ có lượng mưa rất lớn trong ngày 20.9.