ttth247.com

Nỗ lực khống chế dịch sởi

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc sởi, ho gà... So với cùng kỳ 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

"Không biết bệnh sởi là gì"

"Hầu hết trẻ mắc bệnh sởi nhập viện tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đều chưa tiêm vắc xin sởi, hiếm lắm mới có cháu được tiêm một mũi vắc xin sởi" - bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh, cho hay.

Ngày 19-8, tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có 28 trẻ từ 6 tháng đến hơn 10 tuổi mắc sởi đang điều trị. Hầu hết các cháu đều có biến chứng viêm phổi.

Với những trẻ dưới 9 tháng tuổi, lứa tuổi chưa được chích ngừa vắc xin sởi, bác sĩ Quy cho biết hầu hết trẻ độ tuổi này mắc bệnh do lây từ người thân trong gia đình. Bác sĩ khuyên không chỉ trẻ nhỏ mà trẻ lớn, người lớn cũng nên đi chích ngừa vắc xin sởi, đặc biệt với người mắc bệnh nền cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường.

Theo ông Quy, nhiều bà mẹ trẻ chưa một lần được nhìn thấy bệnh sởi nên không biết bệnh sởi là bệnh gì. Một số ít các bà mẹ thấy con bị phát ban, sốt thì đưa con đi khám, còn nhiều trường hợp khi trẻ bị biến chứng của sởi như viêm phổi, viêm ruột, tiêu chảy mới đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết số trẻ mắc bệnh sởi nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP ngày 19-8 là 18 trẻ.

Nhiều giải pháp ứng phó dịch sởi

Không chỉ riêng các bệnh viện tuyến cuối, các bệnh viện tuyến quận huyện của TP.HCM cũng đã tăng cường triển khai giải pháp ứng phó với dịch. Bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ, phó giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch, từ đầu năm đến nay bệnh viện tăng cường các giải pháp, chưa có trường hợp bệnh nhi nào chuyển nặng.

Để đảm bảo an toàn, phòng lây nhiễm, mỗi khoa bố trí một phòng riêng biệt, khi xuất hiện ca nghi ngờ sởi được phân luồng thăm khám riêng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi sẽ được cách ly khu vực riêng biệt để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ khác.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bất kỳ người nào không có miễn dịch (không được tiêm chủng hoặc không tạo được kháng thể) đều có thể nhiễm bệnh. Một số biến chứng do sởi gây ra nếu không được điều trị kịp thời như mù, viêm não, tiêu chảy nặng, nhiễm trùng tai, viêm phổi...

"Tiêm chủng cộng đồng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Tất cả trẻ em nên được tiêm phòng sởi. Trẻ nên được tiêm hai liều vắc xin để đảm bảo có miễn dịch", bác sĩ Thạch nhấn mạnh. Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người mắc sởi.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho hay từ tháng 5-2024, khi có thông tin bệnh sởi xuất hiện trở lại và số ca sởi gia tăng tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, số người dân đến các trung tâm tiêm chủng VNVC tiêm vắc xin sởi tăng cao. Nhiều nhất là trẻ từ 9 tháng tuổi, trẻ tuổi học đường và phụ nữ chuẩn bị mang thai chiếm tỉ lệ cao, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các ngày từ 13 đến 19-8, khi có thông tin về số trẻ mắc sởi nhập tăng cao, thậm chí đã có ca tử vong, các bậc cha mẹ đã tăng cường đưa trẻ đi tiêm chủng, đặc biệt là nhóm trẻ 9 tháng tuổi. Cha mẹ trẻ, người chăm trẻ, người cao tuổi trong gia đình có bệnh lý nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn... cũng có tỉ lệ tiêm cao để bảo vệ cho bản thân và tránh lây sởi cho trẻ trong gia đình.

Hiện nay Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm trên toàn quốc đang có đầy đủ các loại vắc xin chất lượng cao, số lượng lớn, chính hãng để phòng bệnh sởi cho trẻ em và người lớn.

Tuổi nào cần tiêm vắc xin sởi?

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, vắc xin tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 9 tháng hoặc 12 tháng gồm vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam), loại phối hợp 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella Priorix - Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng, loại phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

Trong trường hợp có dịch sởi, theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, vắc xin MMR II có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Phụ nữ được chỉ định tiêm vắc xin có thành phần sởi 3 tháng trước khi mang thai để có kháng thể bảo vệ thai kỳ, tạo miễn dịch thụ động để bảo vệ cho trẻ, đặc biệt trong 9 tháng sau sinh.

Với trẻ lớn và người lớn không nhớ đã tiêm vắc xin sởi hay chưa, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm hai mũi vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella cách nhau tối thiểu 1 tháng giúp phòng ngừa cùng lúc ba bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là sởi, quai bị và rubella.

Với người đã từng tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin sởi, khi có dịch, người dân có thể bổ sung một mũi vắc xin sởi để tăng cường kháng thể phòng bệnh. Người dân có thể đến các trung tâm tiêm chủng như VNVC để được tư vấn.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ bắt đầu tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, sau đó nhắc mũi sởi - rubella (MR) lúc 18 tháng tuổi. Trường hợp có dịch sởi, trẻ có thể tiêm vắc xin có thành phần sởi sớm cách mũi sởi trước đó tối thiểu 1 tháng.

Nếu tiêm chủng dịch vụ, trẻ sẽ tiêm mũi 1 vắc xin sởi đơn hoặc sởi - quai bị - rubella (Priorix) khi tròn 9 tháng tuổi, sau đó từ 12 tháng tuổi (cách mũi vắc xin có thành phần sởi trước đó tối thiểu 1 tháng) trẻ có thể tiêm mũi 2 vắc xin phối hợp ba thành phần sởi - quai bị - rubella, và mũi 3 vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella khi trẻ 4 - 6 tuổi.

Với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm vắc xin ba thành phần sởi - quai bị - rubella là hai mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.

Với trường hợp muốn tiêm vắc xin khi trẻ chưa được 9 tháng tuổi để phòng bệnh sớm, hiện Cục Y tế dự phòng chưa khuyến cáo tiêm chủng sớm cho trẻ trong nhóm tuổi này, do vậy các phụ huynh và thành viên trong gia đình nên chủ động tiêm ngừa để tránh mắc bệnh và lây lan sởi cho trẻ.

Hiện theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, vắc xin MVVAC (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) khi có dịch có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm phòng cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - 'Một số phương pháp tự nhiên không chỉ giúp làm sạch ruột mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
3 ngày trước - Từ ngày 16-9, Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Sở Y tế TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi miễn phí, an toàn cho trẻ em từ 1-10 tuổi.
3 ngày trước - Từ ngày 16-9, Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Sở Y tế TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi miễn phí, an toàn cho trẻ em từ 1-10 tuổi.
1 tháng trước - Bấm day các khu phản xạ ở bàn chân là một phương pháp trị liệu bằng cách kích thích nội tạng, khiến cho sự tuần hoàn huyết dịch được lưu thông, làm cho các cơ năng của cơ thể có bệnh hoạt động bình thường trở lại, hết căng thẳng thần kinh…
4 ngày trước - Bé gái 11 tuổi là nạn nhân của vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ (Lào Cai) vẫn đang trong tình trạng nặng, Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn cùng chuyên gia Nhật để nỗ lực cứu cháu bé.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
4 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
4 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.