ttth247.com

Nỗi đau của nữ SV ĐH Kinh tế TP.HCM: Mẹ sắp mất lặng lẽ vay nợ xây nhà cho con

Trong căn nhà cấp 4 trống trơn, hai anh em Ngân sống lặng lẽ như hai con chim non. Căn nhà này là tài sản giá trị nhất mà người mẹ để lại cho hai đứa con. Vậy nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà chưa thể trả được khoản nợ 120 triệu đồng…

Cha mất trong tai nạn, mẹ bạo bệnh qua đời

Khi Ngân vừa lên 3 tuổi thì cha mất trong một tai nạn. Đến năm bạn lên 16 tuổi thì mẹ bạo bệnh qua đời. Anh trai 21 tuổi làm chỗ dựa cho em chưa kịp trưởng thành.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh trai Bùi Quốc Tiến xúc động kể dấu mốc 2021, mẹ đổ bệnh nặng. Tiến một mình dìu mẹ đi khắp Sài Gòn để khám, trị bệnh. Thế rồi lần đầu tiên trong đời, Tiến thật sự hoảng loạn khi nghe tin mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chàng trai đến từ làng quê như ngã khuỵu khi biết chi phí khám chữa bệnh cho mẹ quá lớn, vượt ngoài khả năng. Hai mẹ con bất lực, lặng lẽ về quê.

Căn nhà của ba mẹ con khi đó chỉ là căn chòi liêu xiêu, chắp vá, xập xệ. Cả ba mẹ con chỉ biết ôm nhau nghẹn ngào. "Nhà tôi lúc đó hễ nắng thì nóng kinh khủng, còn mưa thì nước chảy lênh láng. Tôi thấy nhiều đêm mẹ cứ trằn trọc, không ngủ được", Tiến nhớ lại.

Quyết định liều lĩnh của người mẹ tuyệt vọng

Thế rồi người mẹ bỗng nhiên kêu thợ cất nhà.

"Tôi không biết mẹ lấy tiền ở đâu mà cất. Lúc đó tôi sợ nhất là mẹ chết. Anh em tôi nói mẹ đừng cất nhà nữa, hãy dành tiền đi chữa bệnh, nhưng mẹ nhất quyết không chịu", Tiến bùi ngùi kể lại.

Nhà xây xong thì cũng là lúc bà Bảy buông tay rời xa thế gian trước sự thương xót, đau đớn của hai đứa con.

Vài ngày sau khi bà Bảy mất, các chủ nợ lần lượt đến đòi. Tổng số tiền nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Anh em Tiến khá bất ngờ. "Khi các cô chú chủ nợ đến yêu cầu chúng tôi trả nợ thì tôi mới biết mẹ đã vay tiền cất nhà cho anh em tôi. Mẹ đau không ăn uống gì nổi mà vẫn lo cho con không nơi nương tựa. Lúc đó tôi ước gì có mẹ ở bên cạnh để ôm mẹ và khóc một lần", Tiến khóc trong nỗi nhớ mẹ vô bờ.

Không người mẹ nào muốn để lại nợ cho con, nhưng có lẽ không có mái nhà vững chắc cho con ra vào chắc mẹ đau đớn không yên lòng được.

Đôi mắt đỏ hoe khi nghe anh trai tâm sự, Ngân nghẹn ngào nói: "Lúc biết tin mình đậu đại học, tôi và anh trai vui lắm. Trước khi mất, mẹ ôm tôi căn dặn phải gắng học, vô đại học, đừng bỏ cuộc. Giờ tôi đỗ đại học rồi, nhưng hai anh em chưa biết sẽ như thế nào vì tiền đâu mà học, sinh hoạt ở TP.HCM mấy năm trời…".

Trong khi đó, nhắc đến việc đưa em gái vào TP.HCM nhập học rồi lo cho em 4 năm đại học, tâm trạng Tiến đầy ưu tư. "Hồi tôi với mẹ ở TP.HCM, chai nước, hộp cơm, miếng bánh… đều phải có tiền. Giờ vào lại trong đó nhưng không có tiền, khó khăn chắc chắn là rất lớn, rất thử thách cho em", Tiến không giấu được nỗi lo.

Tấm lòng anh trai thương em vô bờ bến

Nhớ mãi lời dặn dò của mẹ trước lúc vĩnh viễn đi xa là phải ráng lo cho em ăn học tới nơi tới chốn, Tiến chăm chỉ làm việc, cóp nhặt và tiết kiệm từng đồng vừa trả dần nợ cũ và để lo cho em gái.

Tìm hiểu thông tin, Tiến biết được để một sinh viên trọ học tại TP.HCM, tằn tiện lắm cũng phải mất 3 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đó đối với nhiều người là không lớn, nhưng với anh em Tiến là một nỗi lo "khổng lồ". Bởi lẽ hiện tại mọi chi phí sinh sống của hai anh em, cũng như tiền trả nợ nần xây nhà chỉ dựa vào thu nhập duy nhất từ việc làm thuê của Tiến ở gara ô tô với lương 4,5 triệu đồng/tháng.

"Tôi ở quê nên đồ ăn cũng rẻ, sẽ cố gắng tiết kiệm để lo cho em. Tôi tin mình sẽ làm được", Tiến quả quyết.

Ông Nguyễn Duy Thương (49 tuổi, hàng xóm) sang chơi, mở cửa tủ lạnh, thấy trống hoác. Ông nói: "Tiến nó thương em lắm. Con Ngân đi chợ 1 tuần 1 lần, toàn trứng với rau về để tủ lạnh ăn dần, chứ hai đứa nó không có thời gian đi chợ. Giờ Ngân vô đại học, gánh nặng sẽ càng đè lên vai thằng Tiến. Tôi mong mọi người giúp đỡ để hai cháu nó vượt qua nghịch cảnh, hoàn thành ước mơ", ông Thương tâm sự.

Em gái nhiều quyết tâm, đậu trường tốp đầu

Ngân là cô gái ít nói nhưng rất thông minh và ánh mắt rất sáng. Trong căn nhà trống trải, không gian ấm áp nhất có lẽ là bàn học của Ngân bởi vì vị trí đó là trung tâm của ngôi nhà. Bàn học của Ngân rất đơn sơ, chỉ vài quyển sách và vở nhưng chủ yếu là sách về môn hóa học. Ngân nói rằng mình thích nhất là môn này vì cảm thấy hứng thú với các loại hoạt chất và những thí nghiệm hóa học.

Hóa học mang nhiều phản ứng kỳ diệu và thú vị khiến Ngân không ngừng cố gắng và khám phá nó. Ngân kể mỗi lúc học bài, mình đều cố gắng học thật nhanh các môn khác để dành thời gian tìm hiểu thêm về hóa học. Bởi vậy từ năm lớp 8, điểm trung bình của Ngân môn này luôn đạt điểm 9 trở lên.

Xung quanh tường là những tờ giấy khen được Ngân nâng niu, dán đều cạnh nhau. Suốt 12 năm học, Ngân đều được học sinh giỏi và dẫn đầu lớp. Lúc mẹ Ngân còn sống, bà luôn xem những giấy khen này là "báu vật" của riêng mình.

Bên trên là bàn thờ của cha, phía dưới là bàn thờ của mẹ. Mỗi lúc một mình, Ngân nói mình sẽ chỉ nghĩ về cha, mẹ và việc học. "Nhiều lúc tôi lo mình sẽ không thể nào học tiếp vì nhà quá khó khăn. Tôi chỉ biết khấn nguyện với cha và mẹ che chở cho anh em tôi. Chỉ có đi học mới giúp anh em tôi thoát khỏi cơ cực", Ngân nói.

Nói về hai đứa cháu, ông Bùi Thanh Bình (50 tuổi, chú của Tiến và Ngân) trải lòng: "Gia đình chúng tôi nghèo, thỉnh thoảng có mấy ký gạo thì tôi lại đem qua cho hai cháu. Lúc nghe tin Ngân đậu Đại học Kinh tế TP.HCM, chúng tôi chỉ biết gượng cười vì mình cũng khổ nghèo, lấy đâu ra tiền giúp đỡ cháu".

Còn ông Thái Văn Thuận - chủ tịch UBND xã Phước Lộc - bày tỏ: "Tôi biết nhà cháu Ngân hoàn cảnh đặc biệt. Cháu học giỏi có tiếng ở xã. Trước đây hai cháu thuộc diện hộ nghèo, giờ anh của Ngân đi làm đã có thu nhập. Nhưng giờ Ngân vào đại học thì một mình anh trai Ngân với thu nhập từng ấy chắc khó nuôi nổi", ông Thuận chia sẻ.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Quảng Nam - Đà Nẵng là địa điểm tổ chức đầu tiên mùa 'Tiếp sức đến trường 2024' của báo Tuổi Trẻ. Sáng 27-9, tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Palm Garden Resort (Hội An, Quảng Nam) sẽ diễn ra lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 100...
3 tuần trước - Quảng Nam - Đà Nẵng là địa điểm tổ chức đầu tiên mùa 'Tiếp sức đến trường 2024' của báo Tuổi Trẻ. Sáng 27-9, tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Palm Garden Resort (Hội An, Quảng Nam) diễn ra lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 100...
1 tháng trước - 'Không dừng lại ở những hồi ức đẹp, sáng kiến hay, mô hình tiết kiệm điện hiệu quả, cuộc thi năm nay còn đưa ra nhiều kinh nghiệm về an toàn sử dụng điện, cách xử lý các thiết bị nhằm kéo giảm lượng điện năng tiêu thụ', nhà báo Nguyễn...
3 tuần trước - Nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhắn nhủ 101 SV Quảng Trị được tiếp sức đến trường: Hẹn gặp lại với nụ cười thật tự tin trong tương lai.
1 tháng trước - Vượt qua hoàn cảnh khó khăn để nỗ lực học tập, Nguyễn Kim Lài (22 tuổi), trợ giảng Trường ĐH Trà Vinh, nhận được học bổng toàn phần cao học Chính phủ Trung Quốc với tổng trị giá 1,2 tỉ đồng.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Hơn một năm trước, anh Đặng Trịnh Bộ (sinh năm 1984, vốn là người khuyết tật ở thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) bị đột quỵ qua đời. Vợ anh Bộ là chị Nguyễn Thị Hòa đã hiến tạng chồng tại Bệnh viện Việt Đức.
1 giờ trước - Quê tôi, vùng đất ngày xưa được gọi là 'tiểu Đồng Nai', thực ra là vùng đất nghèo. Ngày xưa, có ruộng cấy lúa nước, lại là ruộng nhất hay nhì đẳng điền, đã mặc nhiên được coi là 'trù phú'.
1 giờ trước - Mưa sao băng Orionids có nguồn gốc từ sao chổi cổ đại nổi tiếng Halley đạt cực điểm tối nay ở Việt Nam.
1 giờ trước - Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2024 - 2029) đã hiệp thương chị Nguyễn Thị Tuyết Kha làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
1 giờ trước - Anh Nguyễn Bảo Tân, Phó bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, được luân chuyển giữ chức vụ Phó bí thư Huyện ủy Đăk Hà (Kon Tum).