ttth247.com

Phối hợp với Mỹ đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế chip

Đây là kết quả từ sự phối hợp giữa NIC và các đối tác: Tresemi, Cadence, Tập đoàn FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, UBND TP Đà Nẵng; thực hiện theo chương trình đào tạo thiết kế vi mạch thời gian qua. Dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng 540 kỹ sư thiết kế chip được đào tạo theo chương trình này.

Đây cũng là mô hình đào tạo kỹ sư bán dẫn có sự phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Nhiều hình thức đào tạo

Trao đổi về đầu ra của các kỹ sư bán dẫn do NIC phối hợp với các đối tác đào tạo, ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết 67 học viên được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ sư bán dẫn (lĩnh vực thiết kế chip) được các chuyên gia Mỹ đánh giá cao, trong đó có gần 20 học viên có chứng chỉ được các công ty thiết kế chip lớn nhất như Synopsys, Faraday, Marvell, FPT... tuyển dụng vào thực tập và làm việc.

Trong đó có những học viên mới học năm thứ 3 đại học, số học viên còn lại đa số tiếp tục nhận học bổng để đi học thạc sĩ bán dẫn tại nước ngoài.

"Dù thời gian đào tạo học viên của NIC không dài nhưng nền tảng công nghệ của các kỹ sư Việt Nam khá tốt, sau khóa đào tạo ngắn hạn tại NIC các kỹ sư có thể vào làm việc luôn tại các công ty nước ngoài.

Lâu nay mọi người cứ băn khoăn trong việc đào tạo kỹ sư vi mạch trong nước đạt chuẩn quốc tế, nhưng thực tế cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo những kỹ sư đã tốt nghiệp tại các trường đại học trong nước ở những ngành gần (như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin...) trở thành kỹ sư bán dẫn, thiết kế vi mạch trong thời gian từ 3 - 6 tháng", ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, cho hay FPT đã cam kết tham gia đào tạo 10.000 nhân lực ngành bán dẫn, hiện FPT đã bắt đầu đào tạo kỹ sư bán dẫn qua các khóa ngắn hạn, cao đẳng đến đại học.

Bên cạnh đó, có nhiều người Việt tại Mỹ đang làm chip đã tập hợp với nhau để thảo luận xây dựng các doanh nghiệp start-up. Ở trong nước, các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, Viettel... đang biến ý tưởng thành hiện thực. "Chúng ta cần nhiều người chung tay làm chip", ông Bình nhấn mạnh.

Kỹ sư bán dẫn, họ là ai?

Theo PGS.TS Mai Anh Tuấn - giảng viên cao cấp tại Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - người trực tiếp đứng lớp đào tạo kỹ sư bán dẫn tại NIC thời gian qua, trong số 67 học viên vừa được NIC cấp chứng chỉ kỹ sư bán dẫn, có một nửa học viên là sinh viên xuất sắc năm cuối của các trường công nghệ, kỹ thuật.

Dù chưa tốt nghiệp nhưng các học viên này đều là sinh viên năm cuối, được một số hãng công nghệ nhận vào làm việc theo dạng thực tập.

Trần Đức Hiển - học viên lớp kỹ sư bán dẫn NIC, sinh viên năm cuối khoa kỹ thuật điện tử viễn thông Đại học Bách khoa Hà Nội, đang thực tập tại Công ty Dolphin Technology (Mỹ - chuyên sản xuất vi mạch) - cho biết thông qua lớp đào tạo ngắn hạn tại NIC, học viên được sử dụng những công cụ, phần mềm thiết kế chip mà bình thường sinh viên không thể tiếp cận trong trường đại học.

Các công cụ này chỉ được sử dụng trong các công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới.

Ông Tuấn cho hay các học viên được tuyển vào học các lớp đào tạo kỹ sư bán dẫn ngắn hạn tại NIC được chọn lọc rất nghiêm ngặt nên hầu hết học viên tốt nghiệp đều được các hãng công nghệ tuyển vào làm việc.

Thời gian qua NIC chỉ tập trung đào tạo kỹ sư thiết kế chip, tới đây chương trình đào tạo sẽ mở rộng sang lĩnh vực đào tạo giảng viên, đào tạo kỹ sư đóng gói chip (khâu sản xuất cuối cùng để hoàn thành một con chip; một con chip khi làm ra cần được đặt trong một hệ thống chống va đập, chống oxy hóa, kết nối được với mạch bên ngoài).

Dù đào tạo ngắn hạn, nhưng theo ông Tuấn, các học viên được cấp chứng chỉ kỹ sư bán dẫn đều đủ khả năng làm việc tại các hãng công nghệ lớn của thế giới. Nhu cầu kỹ sư bán dẫn trên thế giới hiện rất lớn nên nhân lực đào tạo có chất lượng tốt ra đến đâu là hết đến đó. Nhưng chúng ta không nên chỉ tập trung đào tạo kỹ sư thiết kế chip, bởi ngành bán dẫn còn nhiều khâu khác.

Ví dụ như Amkor (Bắc Ninh) vừa tuyển 1.600 kỹ sư đóng gói chip hay Công ty WNC (Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam) vừa tuyển dụng kỹ sư đóng gói chip khối lượng lớn. Thậm chí các doanh nghiệp này còn tuyển dụng nhân lực có trình độ sau đại học vào làm việc tại khâu đóng gói chip (thạc sĩ các ngành cơ khí, điện tử và một số ngành khác).

Bắt tay các "ông lớn"

Ông Mai Anh Tuấn cho biết thêm hiện Trường đại học Công nghệ đang phối hợp với Công ty WNC để đào tạo kỹ sư, thạc sĩ chuyên về đóng gói chip.

Công ty WNC là đối tác của Nvidia. Doanh thu toàn cầu của WNC khoảng 60 tỉ USD, riêng nhà máy tại Khu công nghiệp Đồng Văn của WNC có doanh thu khoảng 3 tỉ USD/năm.

Ngoài ra, trường đang phối hợp với Tập đoàn Samsung đào tạo thạc sĩ bán dẫn. Theo đó, Samsung sẽ hỗ trợ học phí, học liệu và các khoản khác. Họ cũng trả cho học viên chi phí hỗ trợ trong thời gian học để học viên không phải lo về tài chính.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ bán dẫn, các học viên này sẽ được sang làm việc tại nhà máy Samsung ở Hàn Quốc, được trả lương theo thu nhập tại Hàn Quốc.

Dự kiến sau bốn năm phối hợp với Samsung, Trường đại học Công nghệ sẽ đào tạo được 40 thạc sĩ bán dẫn có thể làm việc khắp thế giới. Đây chính là những nhân lực bán dẫn chất lượng cao, có thể đưa các nhà máy bán dẫn về Việt Nam - ông Tuấn chia sẻ.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Để hiện thực được mục tiêu hết năm 2025, cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc, trao đổi với Tiền Phong Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu...
3 tuần trước - Thương hiệu sơn chuyên dụng Uskolor vừa vinh danh Top 10 thương hiệu tiêu biểu châu Á Thái Bình Dương, do tạp chí Kinh tế châu Á Thái Bình Dương công bố.
2 tuần trước - Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation – PKC) vừa được tôn vinh với danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”.
1 tháng trước - Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo và nhấn mạnh: "Các dự án giao thông hoàn thành đã...
1 tháng trước - Xoay quanh chuyện đưa thương hiệu vượt “cửa tử” để vươn lên mạnh mẽ, CEO của hãng - ông Đặng Quốc Hưng đã có nhiều chia sẻ bất ngờ.
Xem tin bài khác
15 phút trước - Để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà trọ cho thuê, nhiều kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
3 giờ trước - Lãi suất giảm sẽ tác động như thế nào đến hàng nghìn tỷ USD trong các chứng chỉ tiền gửi và tài khoản tiết kiệm lợi suất cao?
3 giờ trước - Nhìn rộng hơn từ đầu năm, thị giá CTP đã “leo dốc” tới 722% chỉ sau chưa đầy 9 tháng, vốn hóa theo đó đạt khoảng 448 tỷ đồng.
3 giờ trước - Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vừa tăng vọt lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
3 giờ trước - BVSC đánh giá Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE, kỳ vọng được xem xét nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.