ttth247.com

Phụ huynh, học sinh chạy đôn chạy đáo tìm sách giáo khoa

Dù năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều phụ huynh, học sinh phải chạy đôn chạy đáo đi tìm đủ sách giáo khoa. Các đơn vị phát hành sách chỉ biết lắc đầu "không biết khi nào có sách để bán".

Nhặt nhạnh tìm mua từng quyển sách

Theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng trên toàn quốc cho cả 3 cấp học, với nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương và trường học. Tuy nhiên, dù đã bước vào năm thứ 5 triển khai, phụ huynh vẫn phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm mua cho đủ sách.

Phụ huynh, học sinh chen nhau tìm sách giáo khoa trên đường Lê Duẩn TP Vinh tối 9/9.

Ghi nhận thực tế tại một số nhà sách lớn ở khu vực TP Vinh (Nghệ An) tối 9/9 cho thấy sự thiếu hụt các đầu sách SGK khác nhau.

Ra khỏi một nhà sách trên đường Lê Duẩn vào tối 9/9, chị Nguyễn Hương Lan (phường Hưng Phúc) chia sẻ, đây là lần thứ ba chị đến tìm mua SGK cho con học lớp 10 nhưng vẫn chưa đủ bộ. "Còn thiếu một số quyển như bài tập lịch sử của Cánh diều và bài tập lịch sử của Kết nối tri thức với cuộc sống," chị Lan cho biết.

Theo chị Lan, cứ một vài ngày lại chạy đến hiệu sách để mua. Có lúc chỉ tìm được 1, 2 quyển đúng yêu cầu. "Chưa bao giờ mua SGK vất vả như hiện nay. Do các trường tự chọn SGK, mỗi môn một nhà xuất bản nên phụ huynh và học sinh bối rối. Nhà sách cũng không nắm được lượng sách vì 1 trường, 1 khối mà dùng sách của nhiều nhà xuất bản. Tôi nghĩ nên thống nhất chọn 1 nhà xuất bản cho 1 khối lớp thì sẽ dễ cho học sinh khi mua sách. Đồng thời, các đại lí cũng dễ ước lượng được cần bao nhiêu, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu", chị Lan chia sẻ.

Nhiều phụ huynh thấy mệt mỏi khi tìm mua SGK cho con.

Nhiều phụ huynh thấy mệt mỏi khi tìm mua SGK cho con.

Chị Tuệ Phương, có con học ở một trường THPT tại TP Vinh cho hay đã ghé 3 nhà sách trong buổi tối nhưng vẫn không mua đủ SGK theo yêu cầu. "Tôi tìm khắp các nhà sách vẫn còn thiếu hai môn Ngữ văn và Tiếng anh lớp 12 bộ Kết nối tri thức. Tôi phải đăng "cầu cứu" trên mạng xã hội nhưng vẫn chưa mua được cho con", chị Phương nói.

Rơi vào trường hợp có phần oái oăm hơn, chị Lê Hoàng Dung (ở phường Vinh Tân) cho biết, sau khi tìm mua được sách cho con đưa về nhà mới biết nhầm nhà xuất bản. "Lúc cháu nhờ, tôi không hỏi rõ. Nhưng không ngờ trường đổi một số đầu sách qua bộ khác, thành ra có quyển vừa mua không còn cần đến nữa", chị Dung kể.

Có phần may mắn hơn, em Nguyễn Trung Dũng, học sinh lớp 11 một Trường THPT trên địa bàn TP Vinh, cho hay em đã "lấp đầy" hơn 90% đầu sách các bộ mà trường yêu cầu tự đi mua. "Năm trước cũng thiếu như thế này, sau khi nhập học rồi, đến khoảng cuối tháng 9 em mới có đủ sách. Năm nay mới hơn đầu tháng đã gần đủ", em Dũng nói.

Không biết khi nào có sách giáo khoa

Một nhà sách trên đường Lê Duẩn (TP Vinh) chuyên về SGK đang đối mặt với hiện tượng hết hàng một số đầu sách ở khắp các cấp học.

Tương tự, hai nhà sách khác trên đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Cừ vẫn còn thiếu khá nhiều đầu sách. Cá biệt, các SGK lớp 10 vẫn còn thiếu nhiều.

Rất nhiều phụ huynh xếp hàng rất lâu mới đến lượt nhưng vẫn không mua được sách cho con.

Rất nhiều phụ huynh xếp hàng rất lâu mới đến lượt nhưng vẫn không mua được sách cho con.

Khi được hỏi khi nào có sách để đến mua, nhân viên các nhà sách đều đưa ra những mốc thời gian khác nhau, từ không rõ đến vài ngày hoặc vài tuần.

"Chẳng biết chính xác khi nào SGK về, lúc đầu phía cung cấp hẹn tháng 8 có sách nhưng đến giờ vẫn chưa có. Chúng tôi còn phải xin hỗ trợ từ Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh về cho các trường còn thiếu sách. Tình trạng này năm nào cũng diễn ra, nhưng năm nay đặc biệt khó khăn hơn", nhân viên một nhà sách trên đường Trần Phú nói và cho biết thêm khi kho nhập hàng về sẽ chia đều cho các nhà sách.

Trong lúc các phụ huynh đang loay hoay tìm mua SGK, đơn vị cung ứng và lãnh đạo nhà trường đều khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ sách cho học sinh nếu phụ huynh đăng ký mua qua thư viện của trường. Ngoài ra, việc mua sách thông qua nhà trường cũng nhằm tránh trường hợp phụ huynh mua phải sách giả, sách trôi nổi trên thị trường.

Nhiều người còn lên mạng xã hội "cầu cứu".

Nhiều người còn lên mạng xã hội "cầu cứu".

Hiện trên thị trường có các bộ SGK, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo... Việc lựa chọn sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025 được thực hiện theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó điểm mới đáng chú ý nhất là các cơ sở giáo dục được trao quyền quyết định lựa chọn bộ SGK thay vì UBND cấp tỉnh quyết định như trước đây.

Về vấn đề thiếu SGK, ông Phan Xuân Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Nghệ An cho biết, nguyên nhân đầu tiên là phải rà soát sau khai giảng để xác định những trường còn thiếu sách, đặc biệt là sách cho lớp 10. Do học sinh mới nhập học, việc chọn phân ban và môn học thường diễn ra chậm hơn so với các lớp khác.

Khi nhu cầu chưa được dự đoán và đáp ứng kịp thời, nhà cung ứng phát hành sách có thể gặp phải tình trạng thiếu sách. Để khắc phục, cần thực hiện dự trù và dự toán chính xác hơn khi làm việc với các trường, từ đó có thể điều chỉnh nhu cầu sát hơn.

Hiện tại, một số trường tại các huyện như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành, Quế Phong đang gặp phải tình trạng thiếu sách. Việc chuyển giao nhiệm vụ phát hành sách cho các công ty phát hành khu vực miền Trung là cần thiết để giải quyết vấn đề này.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu sách một phần là do khâu kế hoạch của nhà phát hành chưa hiệu quả, dẫn đến việc không nắm bắt được nhu cầu cụ thể. Nhà xuất bản cũng cần cải thiện quy trình làm việc và ủy quyền cho các đơn vị cung ứng như Yến Công để đảm bảo sách được phân phối đầy đủ và kịp thời.

Source: 24h.com.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Trong số hàng trăm ngàn thí sinh trúng tuyển ĐH đang háo hức với cuộc sống tân sinh viên sắp tới, có không ít em thuộc hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ phải tằn tiện chắt bóp để con có hành trang về thành phố nhập học. Nỗi lo chi phí 4 năm ĐH...
1 tuần trước - Không có tên trong danh sách học sinh, cháu vẫn được mẹ đưa đến trường dự lễ khai giảng. Nhưng ngày mai, khi tất cả học sinh đi học thì đứa trẻ ấy vẫn chưa thể bước vào lớp 1 vì không có giấy khai sinh.
1 tuần trước - Tính đến tháng 8.2024, toàn TP.HCM có 10.207 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại 2.908 lớp của các trường từ cấp tiểu học đến THCS và THPT, bậc mầm non có 213 trẻ. Năm học mới 2024 - 2025, việc quan tâm chăm sóc giáo dục các trẻ đặc biệt...
1 tháng trước - Những học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có niềm đam mê, yêu thích ngoại giao đã thành lập CLB TOMUN, thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc được đánh giá cao.
1 tháng trước - Xét tuyển sớm giúp các trường ĐH chủ động hơn, thí sinh cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường. Tuy nhiên xét tuyển sớm cũng có không ít những mặt trái, thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp.
Xem tin bài khác
21 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.