ttth247.com

Quỹ Phòng chống thiên tai tồn 2.000 tỉ, VCCI kiến nghị chi cứu trợ thiệt hại bão Yagi

Ngày 18.9, VCCI đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão Yagi.

Theo văn bản gửi Thủ tướng, VCCI cho hay, cơn bão Yagi vừa qua gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản tại nhiều tỉnh miền Bắc. Qua báo cáo của các doanh nghiệp và hiệp hội, VCCI được biết mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỉ đồng.

Quỹ Phòng chống thiên tai tồn 2.000 tỉ, VCCI kiến nghị chi cứu trợ thiệt hại bão Yagi- Ảnh 1.

VCCI đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chi 2.000 tỉ đồng tồn dư Quỹ Phòng chống thiên tai cứu trợ thiệt hại bão Yagi

ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG

VCCI cho rằng, đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI đề xuất một số nội dung chính sách cụ thể. Trong đó, một trong 3 nội dung chính sách lớn là đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc chi Quỹ Phòng chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả của bão Yagi.

Theo VCCI, đây là quỹ do doanh nghiệp và người lao động đóng góp nhưng đến năm 2023 còn kết dư gần 2.000 tỉ đồng.

Theo các báo cáo về tình hình thu chi của Quỹ Phòng chống thiên tai, đến tháng 5.2023, tổng thu của Quỹ Phòng chống thiên tai là 5.258,6 tỉ, tăng 2.455 tỉ so với năm 2019.

Cũng tới tháng 5.2023, Quỹ Phòng chống thiên tai đã chi được 3.296,6 tỉ đồng. Số tồn dư đến thời điểm này là 1.961,9 tỉ đồng.

Số tồn dư của quỹ đã tăng gần 400 tỉ đồng so với cách đây 5 năm. Vào thời điểm 2019, khi quỹ thu được 2.803 tỉ đồng, tồn dư của quỹ là 1.573 tỉ đồng.

Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập cả ở T.Ư và 63 tỉnh, thành.

Quỹ Phòng chống thiên tai T.Ư được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định 78 năm 2021 do Bộ NN-PTNT quản lý.

Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định thành lập, do các địa phương quản lý. Hiện quỹ này đã được thành lập tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quỹ Phòng chống thiên tai, theo Nghị định 78 năm 2021, yêu cầu bắt buộc các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trên địa bàn đóng 0,02% tổng giá trị tài sản (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng).

Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội phải đóng 1/2 mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.

Người lao động tại doanh nghiệp đóng 1/2 mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng. Người lao động khác đóng 10.000 đồng/người/năm.

Thống kê sơ bộ đến ngày 17.9, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều.

Trên 307.400 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ…

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD), dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.

Hai nhóm chính sách khác mà VCCI đề nghị:

Đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm tàu cá khai thác thủy hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ:

- Hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với lồng bè nuôi trồng thủy hải sản theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đề nghị cân nhắc tăng mức tiền hỗ trợ và áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản.

- Hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với tàu cá, tàu du lịch. Biện pháp hỗ trợ: theo định mức. UBND cấp xã cùng chủ tàu thống kê thiệt hại.

- Miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản đến hết năm 2025.

- Miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.

- Nhà nước hỗ trợ 50 - 70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025.

- Cân nhắc việc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với đối tượng này trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng.

- Cân nhắc việc giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 đến 6 tháng.

- Cân nhắc miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng.

Đối với các ngành, lĩnh vực khác tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ:

- Nhanh chóng thực hiện biện pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp được quy định tại Nghị định 02 năm 2017. Đề nghị mở rộng diện được nhận hỗ trợ gồm cả các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại bởi bão lũ và cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho phù hợp.

- Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 đến tháng 12.2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các địa phương vùng núi phía bắc.

- Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng điện từ mức 8% xuống 6% đối với các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ.

- Cân nhắc việc tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ sang năm 2025.

- Cân nhắc việc giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội từ 4 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu thiệt hại của bão lũ.

- Cân nhắc giảm 50% kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở cho các doanh nghiệp tại các tỉnh chịu thiệt hại của bão lũ đến hết tháng 12.2024 và giãn thời điểm nộp đến năm 2025.

- Đề nghị tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN áp dụng cho các nghĩa vụ trả nợ từ nay đến tháng 6.2025 đối với các khoản vay của khách hàng sản xuất, kinh doanh tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão Yagi.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Trong ngày 7.9, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng, gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Đến tối cùng ngày, nhiều địa phương ở các tỉnh, thành trên vẫn chưa thể cấp điện trở lại nên cơ quan chức năng chưa thể...
1 ngày trước - Trước áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh thành bão số 4 và đang hướng vào vùng biển Quảng Trị - Đà Nẵng, bà con miền Trung đang cấp tập chuẩn bị ứng phó.
1 tuần trước - Sáng nay 8-9, sau bão số 3 (Yagi), nhiều tỉnh thành ở miền Bắc chứng kiến cảnh tan hoang do cây đổ, cột ngã, ngập lụt... Nhiều nơi bắt tay vào dọn dẹp sau cơn bão.
1 tuần trước - Sáng nay 8-9, sau bão số 3 (Yagi), nhiều tỉnh thành ở miền Bắc chứng kiến cảnh tan hoang do cây đổ, cột ngã, ngập lụt... Nhiều nơi bắt tay vào dọn dẹp sau cơn bão.
1 tháng trước - Cứu sông Ba luôn là vấn đề bức thiết được người dân 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên mong ngóng, cử tri và lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị lên Bộ NN-PTNT về vấn đề điều tiết nước dòng chảy sông Ba sau thủy điện An Khê - Ka Nak.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
5 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
5 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
5 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
5 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.