ttth247.com

Sinh viên chật vật với chứng chỉ tiếng Anh ra trường

Nguyễn Thị Thùy Vân - sinh viên năm 2 ngành truyền thông đa phương tiện Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - bị giới hạn tín chỉ trong đăng ký học phần. Lý do là Vân không học ngoại ngữ không chuyên bắt buộc tại trường, lại thiếu chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của nhà trường.

Do đó, trong học kỳ 1 của năm 2, Vân chỉ có thể đăng ký tối đa 12 tín chỉ/học kỳ, thấp hơn nhiều bạn cùng khóa.

Chưa thể tốt nghiệp đúng hạn vì chứng chỉ tiếng Anh

Từng đạt 9 điểm môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thùy Vân thừa nhận gặp nhiều khó khăn để lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Vân nói trước đây mình tập trung học ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT, do vậy kỹ năng nghe, viết và nói không được tốt.

"Khi nghe hoặc nói tiếng Anh, trong đầu mình thường dịch sang tiếng Việt rồi mới chuyển qua tiếng Anh. Chính vì thói quen như thế nên việc phản xạ và rèn luyện tiếng Anh trong thi chứng chỉ TOEIC khá khó với mình", Thùy Vân chia sẻ.

Tương tự, Dương Trung Tính - sinh viên năm 4 ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - hiện chưa thể tốt nghiệp đại học đúng hạn vì thiếu chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn đầu ra theo quy định.

"Thời gian mình đi làm từ 7h sáng tới 5h chiều. Do khối lượng công việc nhiều nên về tới nhà mình tiếp tục làm để hoàn tất. Cũng vì thế, thời gian học tiếng Anh của mình bị hạn chế, chỉ có thể học vào lúc 10h - 11h đêm", Trung Tín bộc bạch.

Trong khi đó, dù từng tham gia nhiều cuộc thi học thuật về tiếng Anh trước đây, Vũ Thị Thơm - sinh viên năm 1 ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - tâm sự vẫn luôn mang trong mình nỗi sợ chứng chỉ tiếng Anh. Thơm quyết định học chứng chỉ IELTS nhằm cải thiện khả năng giao tiếp và nộp chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn đầu ra của trường.

"Mình thấy IELTS thật sự là một thử thách vì rất khó và cần rất nhiều thời gian để học. Đôi lúc mình học nhưng không hiểu gì hết. Mình thường tâm sự với bạn bè mỗi khi mình gặp áp lực trong việc học tiếng Anh. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy mình lại cảm thấy áp lực đồng trang lứa hơn vì mọi người xung quanh mình ai cũng đều giỏi tiếng Anh cả", Thơm tâm sự.

Học tiếng Anh thế nào hiệu quả?

Từng đạt 970 điểm trong kỳ thi TOEIC nghe - đọc, bạn Võ Thanh Đua - chủ nhiệm CLB Ngoại ngữ văn khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết việc cân bằng thời gian để học tiếng Anh có thể là một thách thức đối với nhiều sinh viên. Tuy nhiên theo Thanh Đua, sinh viên có thể lồng ghép việc học tiếng Anh vào ngay các hoạt động hằng ngày.

Chẳng hạn, Thanh Đua thường xem phim, nghe podcast, đọc sách bằng tiếng Anh, vừa có thể giải trí vừa giúp bản thân làm quen với các tình huống trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Bên cạnh đó, Thanh Đua cũng sử dụng các ứng dụng học tập tiếng Anh để rèn luyện từ vựng và ngữ pháp từ cơ bản đến nâng cao mà không bị nhàm chán.

Môi trường luyện tập cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện tiếng Anh. Thanh Đua và những thành viên trong câu lạc bộ của mình thường đưa ra "luật": chỉ được phép nói tiếng Anh trong một khoảng thời gian nhất định. Qua đó, các thành viên có thể học hỏi và nhận được phản hồi trực tiếp từ các bạn, cải thiện kỹ năng một cách nhanh chóng.

"Học tiếng Anh không thể là một cuộc chạy đua nước rút mà phải là một hành trình dài hạn. Mình đã phải tập cho bản thân thói quen kỷ luật học tiếng Anh mỗi ngày trong suốt những năm cấp III. Dù cho có mệt mỏi thế nào, mình cũng phải ngồi vào bàn học ít nhất 30 phút mỗi ngày. Điều này đã giúp mình cải thiện rõ rệt sau một khoảng thời gian dài ", Thanh Đua bộc bạch.

ThS Đinh Văn Mãi - giảng viên bộ phận kỹ năng mềm Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường ĐH Văn Lang - nhận thấy sinh viên cần tìm hiểu kỹ quy định ngoại ngữ của nhà trường từ năm nhất để lên mục tiêu học tập cụ thể và có kế hoạch thi chứng chỉ để đảm bảo thời gian nộp chứng chỉ theo yêu cầu.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp học ngoại ngữ và tùy thuộc vào phương pháp học tập của sinh viên để có thể giảm tải áp lực trong việc học chứng chỉ tiếng Anh. Bên cạnh đó, sinh viên có thể sử dụng các ứng dụng như Duolingo để học từ vựng mỗi ngày, ELSA Speak có thể giúp cải thiện phát âm. Sinh viên có thể thực hiện các bài tập ngữ pháp từ sách hoặc website uy tín, như Cambridge English hoặc Grammarly.

"Sinh viên cần biến việc học ngoại ngữ trở nên thật gần gũi với cuộc sống thường ngày. Việc thực hành mỗi ngày, xác định rõ mục tiêu học tập, tránh sự trì hoãn cũng như kiên trì trên hành trình học tiếng Anh có thể giúp sinh viên đạt được mục tiêu đã đề ra", ThS Đinh Văn Mãi chia sẻ.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Trường đại học Văn Lang vừa công bố 221 thí sinh đầu tiên dự kiến nhận Học bổng tài năng năm 2024 với giá trị từ 25-100 triệu đồng/suất. Các suất học bổng sẽ được trao chính thức trong lễ khai giảng năm học mới.
1 tuần trước - TP.HCM đang chuẩn bị cho lộ trình thực hiện yêu cầu 'sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc'.
1 tháng trước - Một người với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, chứng chỉ ngoại ngữ nổi trội vẫn chưa chắc ngay lập tức là giáo viên dạy tốt. Phương pháp dạy học để người học tiến bộ qua từng ngày mới là điều quan trọng nhất.
1 tháng trước - Nguyên Khôi, 22 tuổi, từng phải đi học thêm một số môn, chật vật ở kỳ thực tập ở Deloitte, trước khi tốt nghiệp ngành Kiểm toán với điểm 3,98/4.
1 tháng trước - Khánh Linh, 22 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương với điểm trung bình 4/4, IELTS 8.0 cùng 5 nghiên cứu khoa học, dù làm việc toàn thời gian ở doanh nghiệp từ năm thứ ba.
Xem tin bài khác
12 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.