ttth247.com

Điều kiện nào để TP.HCM có trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai?

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới của TP.HCM diễn ra vào giữa tháng 8 vừa qua, Thứ trưởngBộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị: "TP.HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của đất nước mà còn của khu vực, trình độ tiếng Anh của học sinh phải ngang tầm khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, TP.HCM phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hơn nữa. Làm sao để TP.HCM sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc".

Điều kiện nào để TP.HCM có trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai?- Ảnh 1.

Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh đã trở nên phổ biến trong các trường học tại TP.HCM nhiều năm qua

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

DỰ KIẾN THÍ ĐIỂM VÀO NĂM HỌC 2025-2026

Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, nguyên giáo sư vật lý ĐH Tennessee Wesleyan (Mỹ), cho rằng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp và cần thiết.

Theo tiến sĩ Hải, hơn một nửa dân số thế giới đang nói ít nhất 2 ngôn ngữ, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, nên việc chuẩn bị cho các thế hệ học sinh (HS) VN sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là điều tất yếu phải thực hiện để có thể hòa nhập sự phát triển chung của thế giới. Ngoài ra, năng lực tiếng Anh của HS VN cũng đã được cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước đây (dù vẫn còn có chênh lệch lớn giữa các khu vực), đây là điều kiện thuận lợi.

Các chương trình tăng cường tiếng Anh đã được thực hiện trong trường học từ nhiều năm qua nhưng tiếng Anh vẫn chỉ là một ngoại ngữ và việc học tiếng Anh vẫn chủ yếu diễn ra trong lớp. HS chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc tiếng Anh trong các tình huống của cuộc sống nên tiếng Anh chưa thực sự đi vào cuộc sống, dẫn đến thực trạng HS đạt điểm cao nhưng hầu như "câm điếc" khi gặp tình huống cần giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc đưa tiếng Anh từ ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai sẽ giúp khắc phục tình trạng này và qua đó nâng cao năng lực tiếng Anh của HS trong thực tế chứ không chỉ trong các bài thi.

Cũng theo nhiều chuyên gia thì TP.HCM là một trong những địa phương thuận lợi nhất và sẵn sàng nhất trong cả nước để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, bởi HS TP.HCM có mặt bằng tiếng Anh cao hơn so với cả nước và các cơ hội, điều kiện học tập, sử dụng tiếng Anh thuận lợi hơn.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2024-2025, Sở sẽ xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Sau khi hoàn thành bộ tiêu chí, ngành giáo dục sẽ triển khai thí điểm ở một số đơn vị trường học, dự kiến bắt đầu từ năm học 2025-2026.

Hiện nay, các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM đang rà soát các nội dung xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Trong đó, sẽ quy định cụ thể số môn học bằng tiếng Anh, thời lượng HS sử dụng tiếng Anh, một số chuẩn đánh giá... để trường học được công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Theo ông Hiếu, dự kiến việc triển khai thí điểm sẽ sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước, kết hợp với các mô hình xã hội hóa, nhằm tăng thêm điều kiện giảng dạy cho các trường học. Trong đó tập trung các yêu cầu về nâng cao năng lực giáo viên, trang bị cơ sở vật chất dạy học hiện đại…

Điều kiện nào để TP.HCM có trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai?- Ảnh 2.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, môn tiếng Anh TP.HCM có 71.442 thí sinh tham dự (do có khoảng 13.000 thí sinh miễn thi môn ngoại ngữ này) thì có 137 thí sinh đạt điểm 10, phổ điểm tập trung ở mức 7,6 đến 9 điểm.

PHẢI CÓ MÔI TRƯỜNG SỬ DỤNG TIẾNG ANH TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG

Theo tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, một trường học sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là ở đó, tiếng Anh được sử dụng không chỉ trong quá trình dạy học mà còn trong mọi hoạt động của nhà trường, tạo môi trường khuyến khích HS sử dụng tiếng Anh và được tiếp xúc với nhiều tình huống có thể sử dụng tiếng Anh.

"Để làm được điều này thì đội ngũ giáo viên (GV), nhân viên nhà trường cần có năng lực tiếng Anh nhất định, vì đội ngũ này sẽ là lực lượng quan trọng nhất tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh cho HS. Trước hết và quan trọng nhất là GV cần phải có năng lực sử dụng tiếng Anh trong chuyên môn của mình (giảng dạy môn mình phụ trách bằng tiếng Anh, nghiên cứu tài liệu, giáo trình chuyên môn bằng tiếng Anh), giao tiếp với HS trong và ngoài lớp học.

Ngoài việc dạy các môn bằng tiếng Anh, tiếng Việt thì các văn bản, thông tin truyền thông (các thông báo trên loa trường, các bài đăng website, facebook…) của nhà trường cũng cần được thực hiện bằng hai thứ tiếng song song. Do đó, đội ngũ nhân viên nhà trường cũng cần có năng lực tiếng Anh đủ để giao tiếp với đồng nghiệp, với HS và phụ huynh", tiến sĩ Hải nói.

CÁC CHÍNH SÁCH VÀ ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ

Để tiến tới thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng các điều kiện về thể chế và chính sách cần được hoạch định kỹ lưỡng, rõ ràng và phù hợp với chủ trương mới của Đảng về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và mục tiêu giáo dục của thành phố. Đồng thời cần đảm bảo sự đồng bộ giữa các cơ quan giáo dục và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

TP cần ban hành các văn bản quy định rõ ràng về việc triển khai tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện, các trường thí điểm và các tiêu chuẩn cần đạt được trong từng giai đoạn. Cần có các quy định mới, rõ ràng về chuẩn đầu ra về năng lực tiếng Anh cho HS ở mỗi cấp học, đảm bảo khả năng sử dụng tiếng Anh được nâng cao cho HS sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

TP.HCM cần xây dựng chính sách tuyển dụng và đào tạo GV với các tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp chủ trương mới cho việc tuyển dụng GV tiếng Anh, bao gồm yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ quốc tế uy tín (như TESOL, CELTA) và năng lực giảng dạy. Điều này đảm bảo đội ngũ GV có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dạy tiếng Anh tăng cường; đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn định kỳ cho GV tiếng Anh và GV dạy các môn học bằng tiếng Anh.

Điều kiện nào để TP.HCM có trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai?- Ảnh 3.

Để thực hiện việc trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, TP.HCM cũng cần có chính sách tuyển dụng giáo viên nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia các chương trình giáo dục song ngữ

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính để GV tham gia học nâng cao năng lực dạy học tiếng Anh; Chính sách khuyến khích hợp tác với các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu ngôn ngữ và đối tác nước ngoài để tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiếng Anh tiên tiến, trao đổi GV và cập nhật tài liệu học tập.

TP cũng cần có chính sách tuyển dụng GV nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia các chương trình giáo dục song ngữ, hỗ trợ visa, và đảm bảo quyền lợi lao động cho họ. Đồng thời có cơ chế thường xuyên giám sát chất lượng để những GV nước ngoài giỏi được phát huy và gắn bó với công tác dạy học tại thành phố.

Ngoài ra, cần có sự chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin. Các trường cần được tiếp tục trang bị hệ thống phòng học đa phương tiện, có máy chiếu, máy tính, bảng tương tác và thiết bị hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh như phòng lab ngôn ngữ, thư viện ngoại ngữ. Hệ thống internet mạnh và ổn định sẽ giúp HS tiếp cận nguồn tài liệu học tập phong phú và GV có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng hơn như học online, phần mềm hỗ trợ dạy ngôn ngữ.

Về tài liệu giảng dạy, theo tiến sĩ Bình, cần chất lượng, đồng bộ đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đặc thù của VN. Ngoài ra, cũng cần phát triển thêm các tài liệu chất lượng khác, tài liệu bổ trợ như sách bài tập, tài liệu nghe, các chương trình video học tiếng Anh để hỗ trợ HS học tập toàn diện, thường xuyên.

Một trong những yêu cầu của Bộ Chính trị

Ngày 12.8, Ban Chấp hành T.Ư ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Theo Kết luận 91, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Sau đó, trong kế hoạch năm học 2024-2025, Bộ trưởng GD-ĐT yêu cầu nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học."Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học", Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã yêu cầu TP.HCM sớm có trường phổ thông dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
6 ngày trước - Hiện nay, dù chưa có nhiều trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm nhưng thông tin về lạm thu đã bắt đầu rục rịch trên một số diễn đàn. Đế ngăn chặn “căn bệnh“ lạm thu trong trường học, nhiều địa phương đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này.
1 tuần trước - Tính đến tháng 8.2024, toàn TP.HCM có 10.207 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại 2.908 lớp của các trường từ cấp tiểu học đến THCS và THPT, bậc mầm non có 213 trẻ. Năm học mới 2024 - 2025, việc quan tâm chăm sóc giáo dục các trẻ đặc biệt...
1 tuần trước - Theo quy định hiện nay, học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
1 tháng trước - Chứng kiến các cô giáo xoay xở liên tục, các giác quan gần như không phút nào ngơi nghỉ để trông xuể được hơn 20 đứa trẻ hiếu động trong độ tuổi từ 6 - 18 tháng, mới thấy hết sự vất vả, tận tụy, kỹ lưỡng của các cô.
Xem tin bài khác
37 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.