ttth247.com

Sơ cứu đúng cách người đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Khi có người bị đột quỵ, hãy đặt họ nằm nghiêng 30-45 độ, nới rộng quần áo, không tự ý cho uống thuốc mà nên gọi cấp cứu 115.

TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích đột quỵ, nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh. Nếu không nhận biết đột quỵ và xử lý kịp thời, não bệnh nhân thiếu oxy dẫn đến giảm ý thức, hôn mê, tử vong. Còn tình trạng nhồi máu cơ tim có thể gây ngừng tuần hoàn, ngừng thở, đột tử.

Dấu hiệu đột quỵ thường gặp là đau đầu dữ dội, đi không vững, méo một bên mặt, nói khó, nói đớ, tê yếu một bên cơ thể hoặc toàn thân, không thể giơ hai tay lên cùng lúc... Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim là đau tức ngực. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chỉ có các triệu chứng mơ hồ như khó thở, mệt mỏi, đau cứng vùng hàm, nhức mỏi vùng vai, đau lưng, bụng, vùng thượng vị (trên rốn). Một số trường hợp nhồi máu cơ tim không có biểu hiện rõ ràng.

Khi người có dấu hiệu đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, bác sĩ Tuấn khuyên gọi cấp cứu 115 hoặc bệnh viện có chuyên môn cấp cứu hai bệnh lý này để đội chuyên trách đến tận nhà sơ cứu, đưa người bệnh đến viện.

Trong thời gian chờ đưa đến bệnh viện, với người đột quỵ, nên nới rộng quần áo hay phụ kiện của họ để dễ thở, đặt nằm nghiêng 30-45 độ để nghỉ ngơi. Có thể quấn khăn sạch vào ngón tay để lấy đờm, dãi trong cổ bệnh nhân nếu có dấu hiệu thở khò khè, tăng tiết đờm dãi. Tuyệt đối không tự ý cho người bệnh ăn uống vì dễ gây sặc. Nếu người bệnh ngừng thở và mất ý thức, có thể tim đã ngừng đập, nên tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Với người bị nhồi máu cơ tim ngừng thở và bất tỉnh, cần ép tim ngoài lồng ngực bằng cách quỳ gối bên trái, đặt hai tay chồng lên trước ngực giữa xương ức. Sau đó dùng lực đủ mạnh, ép xuống khoảng 2/3 độ sâu của lồng ngực (khoảng 3-5 cm) rồi nới lỏng tay. Lặp lại động tác này liên tục 100-120 lần mỗi phút. Cấp cứu ngưng tim với động tác ép tim đúng cách là quan trọng nhất để cứu sống người bệnh khi chờ khi nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ. 33% trường hợp đến bệnh viện trong 6 giờ đầu. Trong đó, 14% người bệnh được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, đặt stent động mạch.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận 100-110 ca cấp cứu mỗi ngày, trong đó nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ. BS.CKI Hồng Văn In, Phó khoa Cấp cứu, cho biết không ít người bệnh được đưa đến viện muộn, bỏ qua giai đoạn "vàng". Nguyên nhân do phát hiện muộn, không đưa cấp cứu sớm, yếu tố địa lý (ở xa các cơ sở y tế), người thân thiếu kiến thức sơ cấp cứu cơ bản.

Như ông Tùng, 59 tuổi, lên cơn khó thở, người nhà tưởng bệnh hô hấp nên để nằm nghỉ, lát sau ông sùi bọt mép, ngưng tim, được đưa đến bệnh viện bằng taxi. Bác sĩ cấp cứu tim mạch, tái thông nhánh mạch vành tắc nghẽn, tuy nhiên bệnh nhân bị tổn thương não không hồi phục.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho rằng người nhà đã bỏ qua thời điểm "vàng" cứu sống bệnh nhân. Trên taxi đến viện, người bệnh không được xoa bóp tim để duy trì tuần hoàn, đưa máu nuôi não và cơ quan trọng yếu nên ảnh hưởng đến điều trị.

Trong cơn đột quỵ, một giây trôi qua có đến 32.000 tế bào não chết, sau 59 giây con số này là 1,9 triệu. 3-6 giờ đầu tiên là thời gian "vàng" cấp cứu người bệnh đột quỵ nhồi máu não. 6-8 giờ đầu là thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, người bệnh nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt. Với người bị nhồi máu cơ tim, cứ mỗi phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

20h ngày 8/8, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức tư vấn trực tuyến "Sơ cứu, cấp cứu đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các tai nạn thường gặp". TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh; ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch; BS.CKI Hồng Văn In, Phó khoa Cấp cứu sẽ giải đáp những thắc mắc của độc giả.

Chương trình được phát trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - 20 giờ hôm nay (8.8.2024), chương trình tư vấn trực tuyến “Sơ cứu, cấp cứu đột quỵ, nhồi máu cơ tim & các tai nạn thường gặp” sẽ diễn ra trên các nền tảng online của Báo Thanh Niên và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
1 tháng trước - Nguyên nhân khiến người phụ nữ bị đột quỵ không ngờ lại xuất phát từ chính thói quen xấu: Tắm ngay sau khi ăn, đặc biệt là khi ăn quá no và thời điểm tắm khá muộn vào buổi tối.
1 tháng trước - Sau khi uống rượu bia, tôi hay bơi lội để sảng khoái, giúp đầu óc nhanh tỉnh táo, điều này có nên? (Hùng, 39 tuổi, Thanh Hóa)
1 tháng trước - Hà Nội- Sau khi chuyển giới, bệnh nhân 33 tuổi tự tìm mua và điều chỉnh liều dùng hormone, dẫn đến biến chứng đột quỵ.
1 tháng trước - Nguy cơ đột tử ở người chơi thể thao không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mà còn liên quan đến loại hình hoạt động thể chất, cường độ tập luyện...
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
4 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
4 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.