ttth247.com

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói về 'kỷ nguyên vươn mình' của Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ với giảng viên, sinh viên đại học Mỹ về "kỷ nguyên vươn mình" của Việt Nam với kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 23/9 có bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, nhân dịp đang có chuyến làm việc tại New York và tham gia Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Phát biểu tại ngôi trường với bề dày 270 năm, từng đào tạo 4 tổng thống Mỹ và nhiều nhà khoa học, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập tới con đường hướng tới "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", mối quan hệ Việt - Mỹ và tầm nhìn để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại.

"Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai phía trước", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Các lãnh đạo Đại học Columbia đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu đến thăm trường vào ngày 23/9. Ảnh: Thanh Danh

Các lãnh đạo Đại học Columbia đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu đến thăm trường vào ngày 23/9. Ảnh: Thanh Danh

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từ một đất nước thân phận nô lệ, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã giành lại độc lập và ngày nay khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động với quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở top 40 và 20 trên thế giới.

Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

"Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của người Việt Nam là 'giàu vì bạn'. Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thành công của chúng tôi là thành công của các bạn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Việt Nam kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia. Ảnh: TTXVN

"Không thể có phát triển nếu không có hòa bình. Kế thừa truyền thống hòa bình, hòa hiếu, 'lấy chí nhân thay cường bạo' của dân tộc, Việt Nam sẽ kiên trì chính sách quốc phòng '4 không', ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ.

Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Việt Nam được Liên Hợp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. Binh sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại các Phái bộ Liên Hợp Quốc ở một số nước châu Phi không chỉ góp phần gìn giữ an ninh mà còn hỗ trợ người dân sở tại trong đời sống hàng ngày.

"Với thế và lực mới của đất nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm một cách chủ động, tích cực hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên bố.

Cũng trong bài phát biểu tại Đại học Columbia, lãnh đạo Việt Nam đề cập quá trình phát triển quan hệ Việt - Mỹ, từ cựu thù đến đối tác trong gần 30 năm.

Hai nước đạt bước tiến trên tất cả lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục - đào tạo và các khuôn khổ quốc tế. Có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ.

Khán phòng không còn chỗ trống trong buổi phát biểu và trao đổi chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Ảnh: Thanh Danh

Khán phòng khoảng 500 ghế không còn chỗ trống trong buổi phát biểu chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Ảnh: Thanh Danh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu các tầm nhìn để xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại. Ông cho rằng để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của nhau. "Nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột", ông bình luận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng mọi vấn đề đều có hướng giải quyết nếu các quốc gia đang có xung đột, tranh chấp thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ông nhấn mạnh các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế, luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm và đoàn kết hướng về tương lai.

"Phương châm của Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng tôi không quên quá khứ, nhưng không để quá khứ trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của hiện tại và tương lai", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói. "Tôi tin tưởng rằng với cách tiếp cận đề cao đoàn kết quốc tế, hướng về tương lai, cũng như câu chuyện thành công của quan hệ Việt - Mỹ, thế giới sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiếp tục dựng xây một nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại".

Sau khi kết thúc phần phát biểu chính sách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trả lời câu hỏi từ các sinh viên, liên quan tới nhiều lĩnh vực như an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, quan hệ quốc tế và nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng.

Sinh viên Lê Kiều Oanh, đang theo học chương trình thạc sĩ giáo dục tại Đại học Columbia, đặt câu hỏi về chủ trương của Việt Nam để vừa khuyến khích du học sinh trở về quê hương đóng góp xây dựng đất nước, vừa tạo điều kiện để họ tiếp tục giữ các mối liên hệ văn hóa và hợp tác hiệu quả với nước sở tại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận nhiều sinh viên Việt Nam theo học ở nước ngoài để tiếp cận nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó trở về đóng góp cho đất nước. Ông cho biết Việt Nam đang có rất nhiều chính sách khuyến khích và chỉ ra chưa khi nào đội ngũ sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, lớn như hiện nay. Ông mong muốn sinh viên tiếp tục "nỗ lực, phấn đấu, vươn mình cao hơn".

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đánh giá không nhất thiết phải về nước mới có thể đóng góp cho quê hương. Ông khuyến khích du học sinh nếu có cơ hội tiếp tục học tập tại nước ngoài, tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực quan trọng với phát triển của đất nước thì có thể tiếp tục nắm bắt cơ hội.

Lãnh đạo Việt Nam cũng khuyến khích du học sinh đóng góp cho cả nước sở tại để đạt được thành tựu "tầm quốc tế, đóng góp cho văn minh chung của nhân loại". Ông nhấn mạnh trách nhiệm của trí thức đối với những vấn đề chung của thế giới, của các nước khác, đặc biệt là những nước còn khó khăn, chậm phát triển.

Thông điệp khuyến khích đóng góp cho lợi ích chung này tương đồng với nội dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu ra trong bài phát biểu: "Trong hành trình hướng tới tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với bạn bè, đối tác quốc tế, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, phối hợp hành động, vì những mục tiêu tốt đẹp nhất cho toàn nhân loại".

Thanh Danh

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Thể hiện sự xúc động trước các cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh quan hệ Việt - Lào được đúc kết bởi 4 chữ tình: "Tình đồng chí, Tình đoàn kết, Tình anh em, Tình bạn".
1 ngày trước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi trí thức Việt Nam ở Mỹ và toàn thế giới đoàn kết, tiếp tục đóng góp hướng tới kỷ nguyên mới của đất nước.
3 tuần trước - Đó là những khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh, nhấn mạnh quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
1 tuần trước - Tuyên bố chung Việt Nam - Lào sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith gồm 10 điểm, nhấn mạnh các định hướng lớn tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
23 giờ trước - Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm 1977, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ.
Xem tin bài khác
59 phút trước - Mẫu máy bay không người lái (UAV) điện của Norinco được cho là có thể bay với tốc độ lên đến 144 km/giờ trong 105 phút, với tầm bay 200 km.
59 phút trước - Hôm 24.9 (giờ Việt Nam), Tổng thống Joe Biden công nhận Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là đối tác quân sự chính của Mỹ sau Ấn Độ.
59 phút trước - Israel cho biết sự gia tăng các cuộc không kích vào các mục tiêu của Hezbollah ở Li Băng gần đây là nhằm buộc Hezbollah phải đồng ý với một giải pháp ngoại giao, dù một quan chức Mỹ phản bác.
1 giờ trước - Mặt trời vừa phóng ra một luồng plasma khổng lồ. Hiện tại luồng plasma này đang lao về phía Trái đất với tốc độ hơn 1.046.073km/h.
1 giờ trước - Gần 500 người Lebanon chết vì không kích của Israel; Tổng thống Iran cảnh báo hậu quả chiến tranh Trung Đông; Mỹ tố Nga thường xuyên dùng AI chế nội dung can thiệp bầu cử... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 24-9.